Trang chủ arrow Tản mạn arrow CHÙA CHUÔNG
CHÙA CHUÔNG
12/02/2008

 Chùa Chuông, tên chữ là Kim Chung Tự, nằm ở phía Nam thôn Nhân Dục tổng An Tảo huyện Kim Động, phủ Khoái Châu vùng Phố Hiến xưa, nay là phường Hiến Nam thị xã Hưng Yên. Chùa Chuông được xây dựng thời Lê sơ (thế kỷ XV). Đến năm 1707 chùa được trùng tu toàn bộ với quy mô hoàn chỉnh của kiến trúc thời hậu Lê.

 

 

 

Truyền thuyết kể lại vào một năm lũ lụt, một quả chuông vàng trên một chiếc bè gỗ trôi qua nhiều nơi, cư dân những nơi đó đều đua nhau kéo chuông về địa phương mình nhưng không được. Chỉ có bô lão thôn Nhân Dục là kéo được chuông lại. Dân làng cho là Trời Phật ban cho báu vật, bèn xây lầu treo chuông. Tương truyền tiếng chuông này vang xa hàng vạn dặm, vang động cả một vùng, sang tận phương Bắc.Khi nghe tiếng chuông ngân lên, những vật báu của người Nam bị phương Bắc (Trung Quốc) cướp đoạt liền trỗi dậy đòi về. Vua quan phương Bắc cho người đóng giả làm cao tăng tìm đến rắp tâm phá chuông vàng. Các sư sãi trong chùa đã giấu chuông vàng xuống một giếng nhỏ. Lâu dần dâu vết phôi phai, hậu thế tìm chuông không thấy. Để ghi nhớ, Tăng ni và nhân dân trong vùng đã quyên góp xây chùa đặt tên là Kim Chung tự tức Chùa chuông vàng.

Trịnh Như Tấu trong Hưng Yên địa chí, cuốn sách cổ nhất về Hưng Yên, có ghi lại rằng Chùa Chuông - Phố Hiến đệ nhất danh lam, nghĩa là ở Phố Hiến chùa chuông là đẹp nhất.

Nằm trong quần thể di tích đô thị cổ Phố Hiến, thương cảng một thời đi vào câu: "Thứ nhất Kinh kì, thứ nhì Phố Hiến", chùa Chuông được xây dựng trên một gò đất cao có nhiều ao nhỏ trồng hoa súng.Khuôn viên ngôi chùa trồng nhiều Đa, Sung, Nhãn, Si, Cau…, phong cảnh hữu tình.

Quay về hướng Nam là hướng theo quan niệm Đạo Phật là hướng của trí tuệ, theo phong thủy truyền thống là hướng dương sinh, gắn liền với hạnh phúc, điều thiện.

Chùa Chuông kết cấu kiểu Nội Công Ngoại Quốc đặc trưng của thế kỷ XVII, có đủ các hạng mục công trình tam quan, tiền đường, thượng điện, nhà tổ, nhà mẫu...

Nhà tiền đường có quy mô 5 gian 2 dĩ, kết cấu kiểu con chồng đấu sen. Thượng điện với hệ thống tượng được bài trí rất phong phú, đa dạng hiếm thấy cùng những thâm ý tốt đẹp qua từng hàng, từng pho tượng. Trên cùng là ba pho tượng Tam Thế (Phật quá khứ - Ca Diếp, Phật hiện tại - Thích Ca Mâu Ni, Phật vị lai - Di Lặc). Theo giới nghiên cứu Phật giáo thì bộ tượng này chỉ hình tướng chân thật, sáng láng, kỳ diệu luôn tồn tại khắp không gian và xuyên thời gian của các Đức Phật. Tiếp đến là tượng A Di Đà với thâm ý vô lượng thọ (sống lâu vô cùng) và vô lượng quang (sáng suốt vô cùng). Tứ Bồ Tát: Quyển, Sách, Ái, Ngữ, biểu hiện cho Từ - Bi- Hỉ - Xả. Lớp dưới là Văn Thù và Phổ Hiền biểu trưng cho lý trí, định tuệ, hành chứng hoàn bi, viên mãn của đức phật Thích Ca Như Lai. Tiếp theo là hàng tượng Ngọc Hoàng, bên trái có Nam Tào trông coi sổ sinh, bên phải có Bắc Đẩu quản sổ tử, gắn với sinh mệnh mọi người. Đây là hàng tượng du nhập từ Đạo giáo vào chùa, một trong những biểu hiện của hiện tượng tam giáo đồng nguyên ở nước ta. Sau đó là hàng Địa Tạng Vương, với ý nghĩa nhờ đức của ngài tiếp linh cho hương của các tín chủ được nương nhờ dưới bóng Phật. Và Phạm Thiên, Đế Thích là vua của cõi trời Đao lị ngự xuống đón mừng Thích Ca ra đời. Sau cùng là toà Cửu Long và tượng Thích Ca sơ sinh, kỉ niệm sự ra đời của Phật Tổ.

Ở hai đầu phía đông và tây, nối nhà tiền đường và nhà mẫu là hai dãy hành lang, kiến trúc kiểu kèo cầu quá giang đơn giản. Hai dãy hành lang được bài trí các lớp tượng đối xứng. Đầu tiên là phù điêu Thập điện Diêm Vương, mười vị vua cai quản các miền âm ty, mỗi vị đứng đầu một điện để xét công, luận tội những người mới mất, trên cơ sở ấy mà ban thưởng hay trừng phạt, và cho đầu thai ở kiếp tương ứng. Để mỗi người vào chùa tự nhận ra lẽ báo ứng mà tu thân tích đức, làm điều thiện tránh điều ác. Tiếp đến là bộ tượng Bát Bộ Kim Cương đều mang vũ khí, thể hiện ý nghĩa bảo vệ và hộ trì phật pháp. Phía sau là Thập Bát La Hán, được tạc theo hình dáng như người thường, nhưng mỗi vị có một vẻ và tư thế riêng: béo, gầy, hoan hỉ, khắc khổ, trầm tư mặc tưởng… thể hiện sự đa dạng của cuộc sống nơi trần tục. Cuối dãy hành lang, một bên là tượng Đức Ông tức Long thần trực tiếp bảo vệ các tài sản của nhà chùa và coi giữ phật. Cạnh Đức Ông có Già Lam, Chân Tể, hai vị thần hộ vệ giúp Đức Ông giữ gìn phật pháp, bảo hộ con người. Bên kia là tượng Đức Thánh Hiền, đại diện cho hàng tăng chúng truyền kinh pháp của đức phật cho chúng sinh. Hai bên Thánh Tăng là Diệm Nhiên, Đại Sĩ, tượng trưng cho quỷ đói và những người tiên nghe tụng pháp môn đà la ni để ai nấy được thí thực no đủ.

Hệ thống tượng phật được bài trí như trên, vừa bộc lộ sự cao quý, vừa thể hiện pháp lực nhằm cứu vớt chúng sinh, đủ chứng minh lòng từ bi rộng lớn của đức phật để giải thoát con người khỏi bể khổ trầm luân. Khiến cho con người trở nên “thuần từ và đẹp đẽ”.

Hiện nay ở chùa Chuông còn lưu giữ được một số hạng mục kiến trúc và hiện vật có giá trị như: một chiếc cầu đá và cây hương đá có cùng niên hiệu Chính Hoà năm thứ 23 (1702); một bia đá lớn cao 1,65 m, rộng 1,10 m dựng năm Vĩnh Thịnh thứ 7 (1717) có tiêu đề “Kim chung thạch tự bi ký”, mặt trước miêu tả cảnh đẹp của Phố Hiến, mặt sau đề “Nhân Dục cổ tích truyền” ghi tên nhũng người có công tu sửa lại chùa, trong đó có một số người Hoa; cuối cùng là một khánh đá dài 1,46 m cao 0,66 m và một chuông đồng cao 1,28 m.

Hàng năm tại chùa Chuông vẫn diễn ra những hoạt động mang tính nghi lễ thể hiện mối quan hệ giữa con người và thần linh, giữa con người với con người. Đó là ngày Phật Đản (8/4 âm lịch) mà nghi thức quan trọng là lễ tắm Phật, gắn liền với tín ngưỡng cầu mưa của người dân Việt Nam. Ngày lễ Vu Lan (rằm tháng 7 âm lịch) được tổ chức dựa vào kinh Vu Lan Bồn để cầu nguyện cho những người chết được siêu độ, đây cũng chính là ngày thực hiện nghi lễ xá tội vong nhân. Người ta tin rằng ngày đó linh hồn ông bà, cha mẹ, người thân được xá tội trở về. Đặc biệt là vào những dịp tết đến xuân về, chùa mở cửa chính để nhân dân trong vùng và khách thập phương đến lễ Phật, cầu may.

Năm 1992, chùa Chuông được Bộ Văn hoá Thông tin (nay là Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch) công nhận là di tích Lịch sử, văn hoá, kiến trúc, nghệ thuật cấp quốc gia.

Nguyễn Hạnh (Nhân một lần về Kim Động) 
 

 



Tin liên quan

Các bài mới:

Các bài đã đăng:

 
< Trước   Tiếp >