Trang chủ arrow Tản mạn arrow ÔNG THÔI NAY Ở TRÊN ĐẦU
ÔNG THÔI NAY Ở TRÊN ĐẦU
22/09/2006
Image

Giới thiệu tác giả Nguyễn Trung Ngạn và bài thơ Hoàng Hạc Lâu.

Trong thơ văn Lí Trần, Nguyễn Trung Ngạn là một trong những nhân vật tiêu biểu. Tóm tắt về tiểu sử của ông, có thể nói như sau:


A.Tiểu sử tác giả

Nguyễn Trung Ngạn sinh năm Kỉ Sửu Trùng Hưng ngũ niên (1289) đời vua Trần Nhân Tông.Năm 1304 đậu hoàng giáp cùng khoa với trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi, bảng nhãn Bùi Mộ, thám hoa Trương Phóng. Sử ghi ông nổi tiếng thần đồng.Từ 1304 đến 1311 cụ không chịu ra làm quan, sử ghi: “ Đức vua Anh Tông (1293- 1314) có làm bài thơ Chiêu ẩn (Mời bậc kẻ sĩ ra làm quan), ban cho Trung Ngạn, Trung Ngạn từ chối không vâng lệnh.

Năm 1312 nhận làm gián quan.
Năm 1314 được cử đi sứ sang Yên Kinh cùng Phạm Mại.
Năm 1321 làm thị ngự sử.
Năm 1324 vua sai cụ tiếp sứ, cụ đấu lí thắng sứ thần Nguyên, nhưng sau trái ý vua nên bị giáng làm thông phán châu Viêm Lãng. Vì được nổi tiếng là chính sự giỏi nên một thời gian lại được thăng làm thiêm tri thánh từ cung sự.

Năm 1326 giáng làm an phủ sứ Thanh Hoá là do đãng trí, ghi sổ sách bị nhầm lẫn, và do vua thương có tài, chỉ biếm làm quan xa mà thôi.

Năm 1329, thượng hoàng đi tuần thú đạo Hà Giang, đích thân đánh Man Ngưu Hống, cụ được đi theo soạn thực lục.

Tháng 3 năm 1332 làm Nội mật viện phó sứ, giữ sổ sách ở nội sách cung Quan Triều. tháng 7 lại làm tri thẩm hình viện sự kiêm an phủ sứ Thanh Hoá. Cụ lập Bình doãn đường xét xử ngục tụng, không ai bị xử oan, không ai bị quá đáng.

Năm 1334, thương hoàng tuần thú đạo Nghệ An,thân đánh Ai Lao, cụ làm phát vận sứ Thanh Hoá, vận tải lương thực đi trước. Cụ được cử mài vách núi đá, khắc chữ ghi công, bài ấy khắc ở núi Thành Nam, thôn Trầm Hương, huyện Tương Dương.

Năm 1337 làm an phủ sứ Nghệ An, kiêm Quốc sử viện giám tu quốc sử, hành Khoái Châu lộ tào vận sứ. Cụ kiến nghị lập tào thương chứa thóc tô để chẩn cấp khi dân bị thiếu đói, vua xuống chiếu cho các lộ bắt chước thế mà làm.

Năm 1314 được cử làm đại doãn kinh sư, lại được cử cùng Trương Hán Siêu biên soạn bộ Hoàng triều đại điển và soạn khảo bộ Hình thư để ban hành.

Năm 1342 làm hành khiển tri Khu mật viện sự. Trước đây thì cấm quân thuộc về Thượng thư sảnh, lúc này thì lại thuộc Khu mật viện. Cụ chọn đinh tráng các lộ bổ sung cho cấm quân, định thành sổ sách. Khu mật viện quản lãnh cấm quân là bắt đầu từ cụ.

Năm 1351 làm nhập nội hành khiển, vẫn coi việc ở Khu mật viện. Mùa đông vua ngự điện Thiên An, duyệt cấm quân ở Long trì, ban cho cụ mặc chiến bào, đội mũ võ chỉ huy, định loại hơn kém.
Năm 1355 làm kinh lược sứ trấn Lạng Giang, nhập nội hành khiển, thượng thư hữu bật, kiêm tri Khu mật viện sự, thị kinh diên đại học sĩ, trụ quốc khai huyện bá.

Năm 1370 ông mất.

Nhìn qua cuộc đời tác giả như thế có thể thấy là ông rất thành đạt trong học nghiệp và quan trường. Về mặt văn học và tác phẩm, từ lâu thơ văn của ông đã là một đối tượng nghiên cứu sâu xa trong thơ văn Việt Nam nói chung, thơ văn Lí Trần nói riêng. Trong giới hạn bài viết này chúng ta chỉ đề cập đến bài thơ Hoàng Hạc Lâu, một bài thơ của một tác giả Việt Nam viết về một đề tài Trung Quốc, thậm chí đề tài đã từng được khai thác và trở nên quá quen thuộc với người yêu thích văn hoá Trung Hoa, âu cũng chỉ muốn cùng quí vị cùng ôn cố nhi tri tân, thưởng lãm cái đẹp, mở rộng thêm kiến văn của chính mình.

B. Bài thơ Hoàng Hạc Lâu.

Từ trước đến nay, chúng ta thường biết đến một Hoàng Hạc Lâu của Thôi Hiệu. Đây là một bài thơ Đường theo thể thất ngôn luật thi đã được hàng triệu con người trên khắp hoàn cầu biết tới. Và ai yêu văn học Trung Quốc cổ điển cũng đều biết rằng có một nhà thơ cũng vô cùng nổi tiếng là Lí Bạch khi đi qua lầu Hoàng Hạc muốn đề thơ lại phải ngừng tay chỉ vì đã “có thơ Thôi Hiệu ở trên đầu”. Nay bài thơ Hoàng Hạc Lâu của tác giả Nguyễn Trung Ngạn đưa ra đây sẽ cho chúng ta thấy một rung cảm tuyệt đẹp của người con xa quê hương bản quán trước cổ nhân, trước danh thắng xứ người. Sau đây là toàn văn bài thơ.
 
             黃鶴樓.
 
                                                                                             旅懷何處可消憂
                                                                                             黄鶴磯南一倚樓
                                                                                             夏口遠帆來別浦
                                                                                             漢陽情樹隔滄洲
                                                                                             樓前歌管回翁醉
                                                                                             檻外烟波太白愁
                                                                                             猛拍欄杆還自傲
                                                                                             江山奇绝我茲遊.
                
                                                             Phiên âm:
 
Hoàng hạc lâu
 
Lữ hoài hà xứ khả tiêu ưu
Hoàng hạc cơ nam nhất ỷ lâu
Hạ khẩu viễn phàm lai biệt phố
Hán dương tình thụ cách Thương châu

lâu tiền ca quản hồi ông tuý
Hạm ngoại yên ba thái bạch sầu
Mãnh phách lan can hoàn tự ngạo
Giang sơn kỳ tuyệt ngã tư du
 
                                                                                 
                                                             Tạm dịch:
Giải buồn lữ thứ biết chơi đâu
Hoàng hạc ghềnh nam thử tựa lầu
Hạ Khẩu buồm xa về biệt phố
Hán dương cây nắng cách Thương Châu
 
Ca vui trước gác ông Hồi khướt
Khói sóng ngoài hiên cụ Lý rầu
Tay gõ tự hào rơi tuyệt cú
Cảnh này ta đã đến tiêu dao

                                                                                 
                                         
                                                                               
 
Nguyễn Hạnh ( theo tư liệu Hán Nôm )
                                                                                     

Tin liên quan

Các bài mới:

Các bài đã đăng:

 
< Trước   Tiếp >