Trang chủ arrow Tản mạn arrow TỔNG QUAN VỀ NGHỆ THUẬT THANH SẮC VIỆT NAM
TỔNG QUAN VỀ NGHỆ THUẬT THANH SẮC VIỆT NAM
22/09/2006
 
Mang tính biểu hiện sinh hoạt cộng đồng, dùng để bày tỏ những trạng thái tình cảm, độ xúc cảm thông qua phương tiện biểu hiện mang tính đặc thù của mỗi loại hình nghệ thuật. Nói cho cùng là không thể có sáng tạo nghệ thuật nếu không có cảm xúc nghệ thuật.

 

Một trong những cội nguồn làm nên bản sắc văn hoá Việt Nam truyền thống- đó là quan niệm về thiên- địa –nhân hợp nhất, tạo nên tính thống nhất của vũ trụ, của vạn vật. Quan niệm này đã được các nhà văn hóa, nghệ nhân vận dụng sáng tạo vào nghệ thuật thanh sắc. Trong thời đại ngày nay, khi sự giao lưu văn hoá đang là một hiện tượng mang tính toàn cầu, khi trình độ thưởng thức nghệ thuật của đông đảo quần chúng đã được nâng lên, thì việc sáng tạo nghệ thuật, giữ gìn và phát huy những giá trị cổ truyền trong dòng chảy hiện đại cũng như việc thưởng thức nghệ thuật có nhiều đòi hỏi khắt khe và táo bạo nhưng lại uyển chuyển và ôn hoà hơn.

Nghệ thuật thanh sắc bao gồm ca, múa, nhạc và sân khấu.

Về Ca. người Việt Nam có nhiều làn điệu dân ca tuyệt đẹp, bắt nguồn từ các điệu hò trong lao động sản xuất, gắn liền với lao động và lễ hội, đặc biệt là lễ hội mùa xuân ( hát xoan, hát quan họ), với sinh hoạt đồng quê ( các điệu lí, lời ru, hát xẩm), với chiến tranh ( điệu trống quân), với sinh hoạt tri thức (hát ả đào). Hình thức ngâm thơ rất phổ biến.

Ở nước ta có các loại dân ca độc đáo như hát ví, hát dặm Nghệ Tĩnh, hát dặm ở Hà Nam. Các loại dân ca này gắn liền với sinh hoạt văn hoá, lao động sản xuất, tưởng nhớ và tri ân công lao của các vị anh hùng dựng nước và giữ nước trong các chiến công hiển hách để xây dựng và bảo vệ tổ quốc thể hiện tình yêu lứa đôi và những ước vọng, tình cảm tốt đẹp của người lao động.

Về Nhạc : Người Việt Nam chế tác nhiều nhạc cụ truyền thống độc đáo, gắn liền với nguồn gốc nông nghiệp của cư dân lúa nước. Trong nhạc cụ, phổ biến nhất ta thấy là sự xuất hiện của Bộ Gõ, đặc điểm là tự thân vang mà cổ xưa nhất là đàn đá gồm 12 thanh dài ngắn, nặng nhẹ khác nhau với âm thanh chuẩn. Trống đồng vừa mang tính nghi lễ, tín ngưỡng vừa là một nhạc cụ. Ngoài ra theo các di chỉ, ta cũng có thể đoán định rằng mõ, chiêng, cồng, chiêng, phách đều có từ thời xa xưa. Tiếp theo phải kể đến Bộ Dây mà đàn cổ nhất là đàn cò, tức là đàn nhị có cấu tạo theo nguyên lý Âm Dương. Các loại đàn khác như đàn bầu, đàn nguyệt, đàn tranh,.v.v… cũng đóng vai trò rất quan trọng trong đời sống tinh thần của nhân dân ta. Bộ Hơi cũng có những đại diện tiêu biểu như khèn, sáo, tiêu, krông pút là những nhạc cụ thuần tuý gốc nền văn minh nông nghiệp lúa nước, vì chúng gắn liền với cây cối, nước và hơi, âm sắc của vùng rừng núi. Có lẽ cổ hơn cả vẫn là kèn đá, gắn liền với đất đá.

Về Múa : Múa là một bộ phận quan trọng trong các lễ hội, ca múa nhạc truyền thống. Nó là một nghệ thuật giữ vai trò như chất xúc tác cần thiết, là bộ phận không thể thiếu trong các loại hình nghệ thuật sân khấu truyền thống và hiện đại. Chẳng hạn, những lớp múa trong tuồng, chèo là ngôn ngữ của lối diễn tạo hình, góp phần tạo nên hình tượng và tính cách đặc trưng của nhân vật. Múa hiện đại cần có những nét cách tân từ các điệu múa dân gian truyền thống, mang hơi thở của cuộc sống muôn hình muôn vẻ, làm cho trình độ thẩm mỹ của con người vừa mang tính hiện thực, vừa luôn luôn đổi mới. Hiện nay có xu hướng muốn đưa một phần yếu tố võ thuật vào biểu diễn múa nhằm lưu giữ vốn võ cổ truyền của dân tộc trong các điệu hiện đại.

Về sân khấu - Có các loại hình sân khấu nổi bật sau đây :

Chèo và tuồng. Đến những năm 20 của thế kỉ XX lại xuất hiện thêm sân khấu cải lương. Chèo là sân khấu truyền thống, bình dân, bản địa. Nhiều nhân vật của chèo là hề, thầy bói, thầy cúng. Điều đó làm cho nghệ thuật chèo trở thành trào lộng và hài hước. Trong số báo Nhân Dân, Xuân Quý Dậu, 1993, nhà hoạt động sân khấu Tào Mạt nhận xét rằng: “… ở chèo, tính cách là hình tượng quán xuyến, chỉ đạo đường hướng cho âm nhạc, vũ đạo phối hợp. Múa chèo mềm mại, uyển chuyển, biểu hiện nội tâm, khác hẳn lối dậm dật phô trương hình thể. Các vở chèo mới thành công, cùng với nội dung tốt, là biết chú trọng tích và trò, tuân theo các thủ pháp tượng trưng, ước lệ, tăng nhịp độ tiết tấu và bằng tư duy hệ thống, sắp xếp lớp lang hoàn chỉnh, thích ứng với đòi hỏi của người thưởng thức.” Tuồng bắt nguồn từ ca hát dân tộc, tức là mang nguồn gốc bản địa, về sau kết hợp với các gánh hát Trung Hoa. Căn cứ vào nội dung mà người ta chia tuồng ra làm hai loại là tuồng đồ và tuồng thầy.

Cải lương xuất hiện vào những năm 20 của thế kỉ XX. Sân khấu cải lương rất chú ý đến trang trí gần với thực tế, điều này làm cho nó có điểm khác với chèo và tuồng. Cải lương còn coi trọng lời ca bắt nguồn từ điệu vọng cổ, các điệu lí, hò và đã trải qua nhiều thay đổi.

Múa rối. Là một loại hình thức sân khấu đặc thù của Việt Nam. Loại hình sân khấu này đã có từ lâu đời, trong đó múa rối nước xuất hiện vào khoảng thời nhà Lý.

Hát bài chòi. Ở khu vực miền trung Việt Nam, từ lâu đã có trò chơi đánh bài chòi vui xuân, giải trí trong dịp Tết nguyên đán, mà về sau trở thành nghệ thuật hô bài chòi. Văn chương bài chòi là văn chương bình dân, nhưng không phải vì thế mà mất sức hấp dẫn và tính sâu sắc của nó. Đây là một loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống đặc sắc, nguyên gốc là trò đánh bài chòi mang tính tự sự, về sau hình thành sân khấu cụ thể với sự xuất hiện của nhiều nghệ nhân, mang dáng dấp như sân khấu tuồng với nhiều với nhiều tuồng tích hẳn hoi. Đó là sân khấu hò bài chòi hay còn gọi là hát bài chòi với các làn điệu dân ca như xuân nữ, sàng xê, cổ bàn, hồ quảng tiến xa với những tuồng tích hoàn chỉnh như Phạm Công- Cúc Hoa, Thạch Sanh – Lý Thông, Thoại Khanh- Châu Tuấn,.v.v…

Tuồng Dá Hai. Là loại hình kịch hát tiếng Nùng ở phía Bắc, bắt nguồn từ nghệ thuật “Mộc thầu hí” tức Mộc đầu hí- nghệ thuật múa rối dân gian có nguồn gốc từ những kịch bản cổ bằng tiếng Hán. Người Nùng đã khéo léo tiếp thu và vận dụng nghệ thuật này, chuyển từ tiếng Hán ra tiếng Nùng, biên tập và chỉnh lý kịch bản, dựng các vở ca kịch, thêm các vở mới. Thể loại tuồng này có nhiều làn điệu, nhưng được sử dụng nhiều nhất là các làn điệu sau đây: Pìn ti ảo( Mở màn), Pìn chén cáo ti ảo ( Mở đầu), Hí ti ảo( trạng thái vui vẻ mạnh mẽ), Sát vá ti ảo( Tả cảnh vật thiên nhiên), sí ti ảo(Diễn tả tình cảm yêu thương, nỗi niềm suy tư), Khù ti ảo(Diễn tả nỗi buồn, đau khổ), Sán pan( dùng để kết thúc mỗi hồi, mỗi màn, hoặc cả vở diễn). Dàn nhạc tuồng Dá Hai gồm hai đàn nhị, một trống, hai bô chũm choẹ, một mõ và một sáo, trong đó giữ vai trò chủ đạo thuộc về hai đàn nhị. Từ những năm 70 của thế kỉ XX, hoạt động của tuồng Dá Hai yếu dần, đến năm 1979 thì mất hẳn.

Đặc điểm chung của sân khấu Việt Nam là tính biểu trưng cao tức là chú trọng tả thần, không câu nệ chi tiết, sự kết hợp cụ thể và trừu tượng trong tư duy, tính biểu cảm sâu đậm và tình dễ thích ứng, hát không phụ thuộc vào lời mà có thể cải biến, người biểu diễn và người xem không cách biệt, tự sáng tác và tự tạo, cải tiến nhạc cụ, tính tổng hợp, không phân chia rạch ròi các thể loại.


Nguyễn Hạnh ( Theo một số tư liệu)

Tin liên quan

Các bài mới:

Các bài đã đăng:

 
< Trước   Tiếp >