Trang chủ arrow Dư luận arrow CÓ MỘT GÓC LÃNG MẠN CỦA HÀ NỘI
CÓ MỘT GÓC LÃNG MẠN CỦA HÀ NỘI
03/01/2008

1470 - TUẦN LỄ TỪ 13 . 8 ĐẾN 19. 8. 2004  CÔNG GIÁO và DÂN TỘC

DỪNG CHÂN
KHỔNG THÀNH NGỌC

Đường Yên Phụ (Hà Nội) đi Nhật Tân, Nghi Tàm rồi đến Tứ Liên, rẽ vào đường Âu Cơ, ngõ 124, ngách 55, sẽ gặp quán Tứ Hải, Người Sài Gòn hoa mắt vì đường đi lối lại vòng vèo, toàn ngõ và ngách chằng chịt nhiêu khê.

 Ông chủ quán Tứ Hải trạc ngoài 30 tuổi, tướng mạo rất ngầu: đầu húi trọc, áo quần mán đen, đôi mắt sáng và sắc. Đang ngồi hầu chuyện với khách ở một bàn khuất trong nhà, thấy có khách mới liền đứng dậy thu xếp bàn mời khách. Ông rất kiệm lời. Giọng nói lại nhỏ nhẹ và thanh, hoàn toàn khác với bộ dạng bề ngoài.

Ông chủ tên Hải. Ông Hải làm hai nghề. Buổi sáng ông là thày lang. Buổi tối ông là chủ quán Tứ Hải.

Ông theo nghề Đông y từ một sự tình cờ. Ông đau dạ dày. Nghe giới thiệu đủ mọi loại thuốc đông – tây, ông nghĩ bụng: lục phủ ngũ tạng là của trời cho mình. Đã là của mình mình phải biết. Ông mày mò tìm sách đọc. Sách cũ về Đông y thì Hà Nội không hiếm. Ông học chữ Hán. Có chữ rồi, ông nghiền ngẫm sách vở của người xưa rồi chiêm nghiệm bản thân, ngắm nghía, cảm nhận về cơ thể và bệnh tật của mình. Người xưa lại bày vẽ nhiều cách chữa bệnh. Ông tự cắt thuốc cho mình chữa bệnh dạ dày. Bệnh khỏi, tâm hồn thảnh thơi. Ông biết ơn người xưa. Ông chia sẻ với bạn bè những trực cảm của mình về di sản quí báu của tiền nhân, từ tinh thần – tư tưởng đến văn chương – nghệ thuật và cả nền văn hoá vật thể mộc mạc mà tinh tế của người xưa. Bạn bè nghe ông chia sẻ rồi cùng nhau uống trà, uống rượu, ngâm thơ, hát Quan họ. Lại còn rủ nhau học thổi sáo, chơi đàn chầu văn, đàn nguyệt, đàn đáy để hát ca trù...

Rồi ông Hải nảy ý mua một miếng đất ở Tứ Liên, mở phòng khám Đông y, bốc thuốc chữa bệnh, lại dựng một căn nhà ba gian mái tranh phên lứa, mở quán hát chèo, quan họ, chơi chầu văn và ca trù, có chỗ cho bạn bè lui tới.

Quán Tứ Hải khai trương được nửa năm nay, vậy mà nhiều bạn bè đã nghe tên tìm đến. Lại được nhạc sỹ Xuân Ba, giảng viên âm nhạc dân tộc của nhạc viện Hà Nội kéo học trò về giúp sức. Thế là vào các tối thứ Sáu, quán Tứ Hải vang tiếng hát Quan họ - chèo – chầu văn – ca trù. Ông chủ quán và bạn bè thả hồn trong không gian thấm đẫm hồn xưa.

Khách Sài Gòn ghé chơi, ngỡ ngàng trước bức hoành đại tự “ Tứ Hải Quy Tâm “, bên dưới treo một cánh diều sáo khổng lồ. Ngoài hiên là chiếc cối đá. Trên vách và các cột treo sẵn các loại đàn và sáo cổ truyền của dân tộc.

Trong một buổi tối vài giờ đồng hồ, những vị khách trẻ từ nội thành Hà Nội tìm ra Tứ Liên, đến với tiếng đàn tinh tế của Xuân Ba, rồi say người trong luyến láy lả lơi của các cô Thắm, cô Hà, tiếng sáo dìu dặt của anh bạn trẻ Anh Dũng.

Tôi, người Sài Gòn, lặng lẽ ngồi trong một góc nhà, cảm động về hồn xưa Bắc Hà đang lung linh trong không gian ngôi nhà dân dã của những bạn trẻ Hà Nội.

 Vậy đó, những người bạn trẻ lãng mạn của một Hà Nội đang hiện đại hoá, hào nhoáng và phấn son.


Tin liên quan

Các bài mới:

Các bài đã đăng:

 
< Trước   Tiếp >