Nhật ký xuyên Việt: hiệp phụ của “Ẩm thực lộ trình”
21/12/2007

 

Ngày giờ cập nhật: 05.11.2006 - 11:56


Hành trình du khảo xuyên Việt do báo Sài Gòn Tiếp Thị khởi xướng đã kết thúc. Trước khi về Nam, anh em trong đoàn làm phim của TFS chuẩn bị đi shopping lai rai ở Hà Nội thì họa sĩ Hà Bắc, một người Hà Nội chính gốc rủ đi “nhậu”. Lại uống rượu nữa thì “oải” lắm, vì suốt hành trình “ẩm thực”, trong bụng (hay là trong lòng?) anh em đã ngấm bao nhiêu thứ rượu dân gian độc đáo rồi. Thế nhưng, khi họa sĩ Họa Bắc nói chắc như bắp: "Chỗ này là văn hóa ẩm thực, là đàn ca, là chữ nghĩa. Nếu các ông không ghi hình không khéo về Nam lại trở ra bổ sung đấy” thì chúng tôi lại phát “thèm”. Tin người họa sĩ phim hoạt hình, cũng là người làm phim, chúng tôi lại lên đường.

Hiệp phụ ở một làng quê Hà Nội

Nguyễn Hạnh giới thiệu tiền cổ

Làm phim cũng giống như cất nhà, dẫu có kịch bản, bản vẽ chính xác đến mấy cũng phải “đẻ” ra thêm, huống gì đây là ký sự đường dài, nhiều tập. Và cũng như đá banh, đôi khi cũng phải có thêm hiệp phụ.

Cuối Thu, đầu Đông, thời tiết Hà Nội thật tuyệt vời. Nhà “đài” nói ngày nắng, không mưa, nhiệt độ 24 – 25 độ C, nhưng chúng tôi có cách dự báo khác. Tiết trời mát trong đang tiễn chúng tôi những cảnh quay cuối cùng như một điềm lành hết sức có hậu ban tặng cho cả hành trình. Chiều đang đi về phía hoàng hôn, phía mặt trời đỏ ối trên mặt hồ Tây. Quay phim Huỳnh Lâm đưa ống kính ra khỏi cửa xe, như chìa một cái bắt tay hết sức thân thiện cám ơn thần mặt trời đã ban cho chúng tôi đủ loại ánh sáng đẹp trong suốt chuyến đi.

Xuống đê Yên Phụ, rẽ về hướng bờ sông Hồng, mặt đất như thấp dần và phố nhà cũng thấp dần. Một làng quê Bắc bộ dần hiện ra với gạch mộc làm tường nhà, rau muống làm ao nhà. Tứ Hải Quán tọa lạc trong cái yên bình ấy, trong lòng một Hà Nội ngày thêm ồn ào. Tên đầy đủ bằng tiếng Hán Nôm gia chủ đặt cho quán là “Tứ Hải giai huynh đệ” có nghĩa là tất cả đều là anh em. Hải còn là tên của ông chủ - Trịnh Vân Hải vừa tròn 40 tuổi. Ông chủ vừa cài khuy áo bằng vải thổ cẩm, vừa nói:

“Chúng em là bạn bè với nhau, góp ý tưởng với nhau mở quán. Hải thì có rượu. Từ rượu gốc ở Lạc Đạo, Văn Lâm, Hưng Yên, em dựa vào những bài thuốc cổ mới pha chế thành hơn 20 loại rượu khác nhau, vừa đặt tên theo vị, vừa đặt theo công dụng. Như rượu Phục thần giúp cải thiện stress. Rượu Hoa cúc, vừa mát, vừa thơm. Rượu Hoàng tửu, không chưng cất mà chỉ lên men, dùng cho phụ nữ. Nói chung, rượu không khó uống như thuốc, mà công dụng của rượu được nâng lên. Vừa có “thuốc” vừa có rượu”.

Mồi chủ yếu là côn trùng chiên như: châu chấu, tầm, dế,bọ cạp, bọ xít…

Các “liền anh, liền chị” đang hát quan họ.

Một chàng trai trẻ măng, da trắng trẻo, gương mặt chữ điền, trong bộ áo dài, khăn đóng bước vào, trên tay là một xấp chữ Nho được cắt khoanh tròn. Gia chủ liền giới thiệu: “Đây là ông thầy đồ Nguyễn Hạnh, 26 tuổi.” Nguyễn Hạnh xòe xấp giấy ra: “Xin giới thiệu với các bác, đây là câu đối dán ở cổng để quay phim đây – Hải đọc luôn – TỨ HẢI QUY TÂM QUẢNG – TAM GIANG ĐOẠT NGHỆ TRƯỜNG". Hải mượn ý của người Trung Hoa cổ: Sinh ý hưng long thông THải, có nghĩa là rộng lớn, phồn thịnh, mọi người đến với nhau bằng tấm lòng. Điều đó giống với trường suy nghĩ của nhiều thế hệ. Cũng như thi hào Nguyễn Du từng viết: “Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”. Nghe thích quá, Đạo diễn Vũ Hoàng xin ông thầy đồ Hải một chiếc chiếu bông, để ông đồ trẻ múa may chữ nghĩa. Còn quay phim Huỳnh Lâm thì đặt đèn từ ngoài cửa sổ chiếu vào. Chen qua song cửa, ánh sáng tạo thành từng vệt làm cho không gian thêm sâu và tĩnh lặng.

Đứng ngoài nhìn đồng nghiệp ghi hình tôi chợt nghĩ: Bao nhiêu ý thơ xưa chợt lóe lên bên chén rượu? Bao nhiêu tấm thịnh tình mà con người từng gởi vào thức ăn ngon? Và giờ đây, bao nhiêu cảnh quay đẹp cho chuyến du khảo văn hóa ẩm thực này? Rồi còn nữa, khi tất cả hơn 100 giờ băng ghi hình được biên tập lại thành một chỉnh thể, các tác giả phim sẽ biến công sức mình thành những ý tưởng hay.

Nhậu cũng có chủ đề

Cổng vào Tứ Hải Quán

Hiệp phụ của chuyến du khảo thêm sang trọng khi gia chủ kể về những đêm nhậu có chủ đề. Như “Đêm rẻo cao” tái hiện một góc phiên chợ vùng cao, uống rượu bên nồi thắng cố, một loại lẩu thịt ngựa. Mọi người đến đây trả tiền cho quán bằng tiền cổ, tiền xu, quy đổi theo tiền hiện tại. Rồi “Đêm đom đóm” vừa nhậu vừa nhìn 200 con đóm nhân tạo mà cảm cái tính cần cù, chịu khó vốn có của con người, đôi lúc lẻ loi nhưng vẫn tràn đày niềm hy vọng. Rồi nữa, “Đêm lều chõng”, người nhậu làm sĩ tử ứng thí thơ phú.

Sẽ quá dong dài khi nói về các “liền anh, liền chị” tay nâng chén rượu, hát quan họ cổ, không có đàn trong đêm nay. Sẽ không thể tả được bằng lời cho cái âm thanh phát ra từ chiếc đàn môi của nghệ sĩ trẻ Nguyễn Đức Minh, lấy ra từ chiếc túi áo ngực mà “phập phều” đôi gò má. Đến đây để vui với bạn, để sống được càng nhiều càng tốt những gì cha ông mình từng sống, từng uống rượu, từng ăn ngon. Để kết thúc bài viết này, chúng tôi xin trích Hịch uống rượu, do chính Nguyễn Hạnh bái đề nơi Khuất lão động chủ này hồi năm ngoái mà theo yêu cầu của đạo diễn, anh đứng lên cao hứng:

 



Nghệ sĩ Nguyễn Đức Minh thổi kèn môi



Bầu rượu Phục Thần

 

“Anh em ta vốn họ Rồng Tiên
Nên trai tráng thưng hay uống rượu
Xưa gặp khó nên đành bó tay chịu

Nước Việt Nam đường đất còn dài
Này nhìn xem thức nhắm còn dài

...
 

Mới hay hiểu biết ta còn khiếm khuyết

Xin các anh em hào kiệt. Hãy giữ lòng bền lâu. Trước thích say sưa, sau thích say sưa, sao cho khỏi nửa đường đứt gánh.

Lại xin chớ phân bì giàu sang hèn kém.
Hoặc quan to kẻ mọn hay tân tiến hủ nho.

Chớ nên hiềm khích so đo,
 Hoặc rượu đắng hoặc sâm quy
Bởi rượu nào cũng là thức bổ.

.........

Chan hòa như thế ngại chi chẳng gặp bạn hiền.

Hãy đến đây nhảy múa hát ca

…hãy nâng nào chúng ta cùng uống

Vài lời trên ban xuống

Nay chép tỏ tường cho dân chúng cùng hay!”.

Bài, ảnh: Trần Chí Kông


Tin liên quan

Các bài mới:

Các bài đã đăng:

 
< Trước   Tiếp >