Trang chủ arrow Tản mạn arrow NHÂN ĐÊM HÀ NỘI NHỚ CHẾ LAN VIÊN
NHÂN ĐÊM HÀ NỘI NHỚ CHẾ LAN VIÊN
17/10/2007

   Gia công qui gai xốp
Lộn cổ áo sơ mi
Dán vỏ nilon rách
Bơm mực bút chì bi

Đó chính là bốn cầu thơ ứng tác của Chế Lan Viên tả về tình hình kinh tế và thị trường Thủ Đô trước mặt các nhân sĩ miền Nam khi ông chuyển nhà vào thành phố Hồ Chí Minh năm 1986.

Vào những năm 80 của thời kỳ bao cấp, miền Bắc nước ta, kể cả Thủ Đô Hà Nội đều phải chịu những khó khăn về đời sống kinh tế.

Chính trong giai đoạn khó khăn như thế, xuất hiện rất nhiều những ngành nghề mà giờ đây khi nhắc đến chúng người ta như được nghe truyện cổ tích vậy.

Đó là những hệ quả của một thời kỳ thiếu thốn khi áo sơ mi mặc lâu cổ đã sờn, không có tiền may áo mới, người ta ra hiệu lộn lại cổ áo cho sang. Thế rồi những cây bút bi dùng hết mực lại được đem ra bơm lại mực mới, áo mưa rách lung tung thì cứ rách đâu vá đó. Có khi một chiếc áo mưa có đến hàng chục miếng vá, cứ  như tổ đỉa!

Thú vị và vui nhất là bảng hiệu GIA CÔNG QUY GAI XỐP, chỉ những hiệu làm bánh quy ở Hà Nội những năm 80. Ngày ấy thường cứ đến chủ nhật là nhà nhà trứng sữa xếp hàng chờ làm bánh, chiếc bánh gai hơi cứng thơm mùi trứng là niềm vui của những đứa trẻ háu ăn.

Ngày 10/10/2007 vừa qua, đúng kỷ niệm Giải Phóng Thủ Đô, TỨ HẢI QUÁN (124/55 Âu Cơ-Tứ Liên-Tây Hồ-Hà Nội) tổ chức ĐÊM HÀ NỘI. Là một khách mời của quán, khi đến đây tôi thực sự bồi hồi xúc động khi lại được nhìn thấy những biển hiệu nói trên. Cái cảm giác như được đi trên những dãy phố Hàng Ngang, Hàng Đào, Khâm Thiên, Bà Triệu thuở nào cứ như ám ảnh, bất giác tôi nghĩ đến Chế Lan Viên, nhớ đến bốn câu thơ của ông, lòng ngậm ngùi tưởng niệm đến một nhà thơ lớn của nước ta thế kỷ 20.

Nguyễn Hạnh

                                                                                                                                                                                                 


Tin liên quan

Các bài mới:

Các bài đã đăng:

 
< Trước   Tiếp >