Trang chủ arrow Bài viết arrow VÕ THUẬT VÀ THƯ PHÁP
VÕ THUẬT VÀ THƯ PHÁP
20/09/2006

 

Image
Võ thuật và thư pháp đều là di sản của văn hoá Trung Hoa, đều được người đời sau biết đến bởi sự tinh diệu của chúng. Võ thuật là một môn thể dục truyền thống có nội dung phong phú, hình thức đa dạng, phong cách độc đáo, nó giúp cho con người ta có một thân thể khoẻ mạnh, là một phương tiện tu tâm dưỡng tính, phòng thân và có thể được coi là một môn thể thao thi đấu.


Trong khi đó thư pháp lại là những phép tắc dùng bút lông để viết chữ ở một số quốc gia dùng hệ thống văn tự khối vuông. Ngoài tính truyền tải thông tin, thư pháp còn mang tính nghệ thuật cao. Hai bên một văn một võ, tựa như không hề có một mối quan hệ nào, kì thực thì ngược lại. Có một anh bạn của tôi từng học khoa văn hiến Trung Quốc tại Bắc Kinh, mỗi lần bàn về hai thứ nghệ thuật này thường ngâm nga: “ Sơn Cốc viết hành, phẩy dài mác sắc, Võ Đang quyền pháp, phượng múa rồng bay. Hữu Quân viết ngay, móc vàng nét sắt, Thiếu Lâm quyền thuật, gân cốt là đây”, câu nói này muốn nói võ thuật và thư pháp có cùng một cơ sở, tuy khác thể mà cùng công, kì diệu, trong quá trình học tập có thể đối chiếu, tham khảo.

Giữa võ thuật và thư pháp có mối quan hệ cả bên trong và bên ngoài. Xét về quan hệ bên ngoài, võ thuật lấy công thủ phản biến làm chủ, lấy quyền thuật làm phương tiện biểu hiện. Võ thuật hàm chứa yếu tố nội ngoại, gồm đủ hình thần, đặc thù nhịp điệu vận động rõ ràng, phân minh. Những động tác trong quyền thuật mang ý nghĩa chiến đấu, trải qua rèn luyện đúc kết hình thành một chuỗi hệ thống hữu cơ hợp lí , khi biểu diễn như thế cần thể hiện được tinh thần của công thủ kết hợp với hô hấp, động tác nhịp nhàng; Khi động thì nhanh mà có lực, tĩnh thì vững như đá chôn cột đình ; Động Tĩnh cần thay đổi điều hoà. Ba yếu tố “Tinh, Khí, Thần” trong võ thuật bao hàm cái đẹp cương cường uy vũ, khiến chúng ta có cái khí thế mạnh mẽ dường như không gì cản nổi.

Còn thư pháp thì yêu cầu vận bút nặng nhẹ, Đề, Án, Đốn, Tỏa hài hoà như những nốt nhạc rung ngân. Điểm nét khinh trọng thô mảnh, mực viết khô nhạt đậm ướt biến hoá, xử lí thích hợp; Đặt bút thu bút tròn trĩnh chu đáo, làm cho nét bút có thần thái , có sức sống , có gân cốt , hàm chứa cả cái đẹp động thái lẫn tinh thần. Bố cục hàng lối chữ nghĩa ngang dọc lề lối , biến hoá thích hợp, trọng tâm bình ổn , điểm nét tương trợ , tỉ lệ hài hoà , dày thưa cân đối , cốt lấy cái ý hư thực tương sinh, thu phóng tương ứng, chữ hiện lên đầy sức sống sinh động. Một tác phẩm hoàn chỉnh cần mang đầy đủ tính chương pháp, bố cục, yêu cầu không gian đầu cuối, chữ với chữ, hàng với hàng, toàn bức một khí mà thành, gân mạch nối liền, khoảng hở đích đáng, to nhỏ thích nghi, sắp xếp biến hoá, tương hỗ lẫn nhau, phong thái nhất quán, đa dạng mà thống nhất. Một bức thư pháp để được gọi là tốt có thể khiến người xem cảm giác được sức sống, hàm chứa thần thái dồi dào, mang vẻ đẹp bút pháp, chương pháp, kĩ thuật hùng hồn, phóng đãng, duyên dáng hay hào sảng tuỳ theo từng phong cách khác nhau.

Từ những điều trên, có thể nói về hình thức bên ngoài võ thuật và thư pháp có một sự tương đồng rất lớn. Thư pháp Trung Hoa như “ Dường đứng dường ngồi, dường bay dường chạy, dường đến dường đi, dường nằm dường dậy, dường buồn dường vui, tựa côn trùng hoá lá cây, tựa kiếm sắc giáo dài thành cung xa tên lớn…(Sái Ung “Bút luận”). Võ thuật Trung Quốc động tác vững vàng như “Cây cao bóng cả”, nhanh như “Chèo bẻo đánh quạ”, duyên dáng như “Cò lả”, khéo như “Xe chỉ luồn kim”, mạnh mẽ như “ Anh hùng xuống núi”, gân cốt như “ Mèo già trèo cây”, điệu đà như “ Hoa thơm bướm lượn”.v.v... Hai đằng như thể quán thông, cùng nguồn khởi phát. Thư pháp chủ trương “Nhập mộc tam phân”, tức gân cốt, máu, thịt. Võ thuật cũng hết sức đề cao “ Xương cốt”. Đã có người lấy tứ chi và bộ khung xương người phân thành “ Ngũ cốt”, nhắc nhở cần phải có lực, sức mạnh cường tráng, kình phát ngay ngắn. Trên lí thuyết phân ra làm chưởng, bạt, trương, triển, câu, cấu, kiều, bảng.v.v… tương đương với đẩy, kéo, giang, mở, móc, gõ, nâng, nhảy…; Thư pháp đề ra phép gian giá kết cấu ngang dọc, nếu tư thế vẹo lệch, hệ thống phóng túng thì luyện cả đời viết chữ cũng chỉ bằng thừa. Võ thuật cho rằng thân phải ngay, bước phải vững, chiêu thức gọn gàng tức đòi hỏi tính chuẩn xác, hài hoà, chững chạc, nếu không thì không thể gọi là võ thuật nữa. Thư pháp yêu cầu nhìn ngó bố cục trước sau, tiền hậu tương ứng, cùng nắm, cùng chèo, có trọng có khinh, có nhu có cứng, có lộ có tàng, có hư có thực, có ngay có lệch, có ngắn có dài, có đè có nhấc. Còn động tác võ thuật luôn bao hàm Âm Dương, tức là có tiến có lùi, có cao có thấp, có trường có đoản.v.v… Để bắt đầu học võ thuật và thư pháp, người ta phải đi từ chỗ đơn giản đến phức tạp, từ dễ đến khó, từ nông đến sâu. Võ thuật cần bắt đầu từ những động tác cơ bản, học thuộc những khuôn mẫu chính xác, sau đó mới luyện đến quyền thuật, rồi dần dần sang phần công thủ phản biến. Trong khi đó thư pháp cần bắt đầu bằng việc luyện thể chữ chính Khải chân phương mô phạm, sau đó mới đến Hành thư và Thảo thư như thể từ lẫy, bò, đi rồi mới đến chạy vậy. Thư pháp có các thể chữ Chân, Hành, Thảo, Lệ, Triện, võ thuật có Đao, Thương, Kiếm, Côn, Quyền. Thư pháp có Nhan, Âu, Liễu, Chử các danh gia đồng qui văn tự, võ thuật có Bát đại chư danh phái cùng gặp ở quyền.

Trung Hoa cổ đại có nhiều nhà thư pháp nổi tiếng xuất thân từ quyền thuật như Trương Húc đời Đường, Hoài Hi đều nhân quan khán Công Tôn Nương múa kiếm mà thăng tiến về Thảo thư. Ngược lại những nhà thư pháp trưởng thành trong võ thuật cũng có số lượng không phải là ít. Trong số đó phải kể đến thư pháp của Tôn Lộc đường, vận chuyển tự nhiên, cốt lực tiềm tàng, hùng hồn như chính quyền pháp của bản thân mình. Ngoài ra ta còn được chiêm ngưỡng thư pháp của Hà Phúc Sinh, Hải Đăng pháp sư cùng vô khối nhà võ sư- thư pháp gia khác.

Giờ chúng ta hãy xét mối quan hệ nội tại giữa thư pháp và võ thuật. Cả hai nghệ thuật này đều chú ý đến vận động của cổ tay. Ngô Đồ Nam trong tác phẩm “Quốc thuật khái luận” có nói: “ Làm thế nào để vận khí lực theo ý mình từ bàn tay sát thương được đối thủ? Chỉ cần dựa vào cổ tay mà đoán định. Nếu vai không buông lỏng thì lực không thấu đến khuỷu tay, khuỷu tay không lơi thì lực chẳng đến cổ tay, cổ tay không linh hoạt thì sao vận lực vào ngón tay được!? Thế thì đừng nghĩ đến việc đả thương đối thủ, cho nên một việc cần thiết cho việc luyện tập võ thuật là vận động cổ tay”. Việc thực hành thư pháp đề cập đến phép “Đề uyển huyền trửu” mà các cụ ngày xưa gọi nôm na là treo tay, như vậy có thể giúp cổ và ngón tay linh hoạt, có thể vận bút tự nhiên, dễ dàng điều chỉnh nặng nhẹ nhanh chậm, ý đến đâu tay theo đến đấy. Tương truyền nhà thư pháp Vương Hiến Chi khi viết chữ, bố là Vương Hi Chi nhân lúc ông không đề phòng, thò tay kéo khuỷu tay mà bút không hề máy động, Vương Hi Chi dự đoán sau này ông sẽ trở thành một nhà thư pháp lớn. Vương Hi Chi rất yêu quí giống thiên nga vì ông cho rằng sự vận động của phần cổ của giống chim này có thể giúp người tập thư pháp sáng tạo ra những phương pháp vận động cổ tay hữu hiệu, bổ ích vô cùng cho việc tập viết chữ bằng bút lông. Trong quá trình luyện tập thư pháp vì thế chúng ta có thể tham khảo những bài tập cổ tay của quyền thuật, kiếm pháp nhằm nâng cao kình lực và sự linh hoạt của cổ tay.

Nếu có thể kết hợp giữa thư pháp và Thái Cực Quyền thì đây là một tổ hợp tuyệt vời. Trong thư pháp người ta đúc kết rằng: “ Nếu thần mà không hoà, thì chữ vô hồn. Tâm mà không kiên định, chữ nghĩa không cương cường”. Trước khi viết chữ cần định Tâm tĩnh Trí, Khí tại đan điền, khi viết ý ở trước bút, một nét mà thành, khí mạch liên miên thì chữ mới sinh động, khí chạy không rời đổi, không đứt đoạn, có nhanh có chậm, có nặng có nhẹ, gồm đủ Âm Dương. Đó cũng là chủ ý của Thái Cực Quyền vậy!

Võ thuật và Thư pháp đều bắt nguồn từ đời sống lao động, qua quá trình tương hỗ song hành phát triển giữa bao nghành nghề khác, khi những bậc già nua râu tóc rưng rưng múa cho hậu nhân những đường tuyệt kĩ thì cũng là lúc họ đem tất cả những gì đúc kết lại cho con cháu đời sau, và cũng là lúc chúng ta hiểu rằng Võ thuật và Thư pháp còn chung nhau sự đam mê cháy bỏng của một đời người, bởi cả hai đều là những môn nghệ thuật, vì con người đã sinh ra và mãi cùng nhau bất diệt.

Nguyễn Hạnh (Theo Thần kì đích vũ thuật - NXB nhân dân Quảng Tây)


Tin liên quan

Các bài mới:

Các bài đã đăng:

 
< Trước   Tiếp >