Trang chủ arrow Tản mạn arrow THỔ CÔNG CÓ PHẢI LÀ ÔNG TÁO
THỔ CÔNG CÓ PHẢI LÀ ÔNG TÁO
03/02/2007
 Từ trước đến nay, có thể hai khái niệm giữa một ông thần cai quản nhà cửa của mình ( Thổ Công) và Chư Vị Thần quân coi giữ việc bếp núc của gia đình (Táo quân) là một. Tuy nhiên, đã xuất hiện rất nhiều thắc mắc và cách lý giải khác nhau về lai lịch của hai nhân vật này.

Có ý kiến cho rằng Thổ Công là một vị thần cai quản đất đai và nhân vật này nhiều lúc được gọi dưới những cái tên khác như Thổ Thần hay Địa Thần. Không biết Thổ Công là một hay nhiều thần khác nhau, nhưng thường thì trong tưởng tượng người ta vẫn coi đây là một nam thần, hiện diện trên mặt đất.

Trong khi đó thì Ông Táo hay còn được gọi là Táo quân, Vua bếp, hay Ông đầu rau là một bộ chư thần gồm ba thần hai nam và một nữ trông coi việc bếp núc gia đình và những vị thần này theo quan niệm chỉ hiện diện trong bếp mà thôi.

Ngày xưa người ta đun bếp bằng rơm, rạ, củi trên các bếp có 3 cục đầu rau nặn bằng đất sét. Có lẽ từ chính hình ảnh này, người ta đã thêu dệt nên câu chuyện Ông Táo cảm động.

Lễ cúng Ông Táo đúng vào ngày 23 tháng Chạp là ngày theo quan niệm dân gian là ngày tiễn chung Ông Công hay Thổ Công và ông Táo về chầu trời. Trong ngày này đúng phong tục người ta cúng Ông Táo dưới bếp, còn ông Công được cúng ở ban thờ chính trên nhà cùng với gia tiên. Như vậy ông Công và Ông Táo phải là hai người khác nhau.

Cũng có ý kiến cho rằng trong ba ông đầu rau thì:

Chồng mới là Thổ Công (Ông quan cai quản đất), trông nom việc trong bếp
Chồng cũ là Thổ Địa (Người cai quản về đất đai), trông nom việc trong nhà
Vợ là Thổ Kỳ (Thần đất), trông nom việc chợ búa

Trong rất nhiều sách vở gọi chung tất cả họ là Thổ Công nên đã gây ra nhiều lầm lẫn. Một số tài liệu gán ghép cho Táo quân là bộ ba Thổ Công, Thổ Địa, Thổ Kỳ nói trên và cho rằng Thổ Công coi sóc nhà cửa, Thổ Địa coi việc bếp núc và Thổ Kỳ coi việc chợ búa. Thế có nghĩa là Ông Thổ Công chỉ là một trong ba vị Táo quân. Tuy nhiên, ở nhiều nơi thì người ta vẫn coi Thổ công là Thổ công, Táo quân là Táo quân không lẫn lộn. Dường như vấn đề này trở nên phức tạp hơn bao giờ hết khi những khái niệm và ý kiến càng trở nên rắc rối với các tên gọi Thổ Công, Thổ Địa, Thổ Kỳ xuất hiện trong những bộ phim dân gian về Táo quân của Trung Quốc. Thực ra thì từ lâu trong các tuyển tập truyện cổ tích Việt Nam cũng không nói gì đến việc Thổ Công (Thổ Địa, Thổ thần) liên quan đến Táo quân và cũng không tách bạch 3 táo quân ra với tên gọi cụ thể như phim ảnh Trung Quốc. Nếu coi Thổ công chỉ là 1 trong 3 vị Táo quân thì sẽ rất khó giải thích thế nào khi người ta cúng Thổ công trước khi đào đất để xây dựng (nhà cửa, công sở, mồ mả v.v) ở những chỗ hoàn toàn không có người ở trước đó, mà 3 vị Táo quân thì luôn luôn phải đi cùng với nhau và chỉ liên quan đến việc bếp núc. Ngay như trên bàn thờ tổ tiên (nếu không tách riêng ra) thì Thổ công được thờ ở bên trái mà không thấy ai thờ Táo quân trên nhà cả. Như vậy việc cho Thổ Công chỉ là 1 trong 3 Táo quân, sự tích Táo quân chỉ để tô vẽ hình ảnh của 3 cục đầu rau vốn chỉ tồn tại trong bếp mà thôi là không hề có luận cứ vững chắc.

Tết Ông Táo sắp đến, nhân dân khắp nơi chuẩn bị nghe những lời phán bảo của Ngọc Hoàng, và trên môi người Hà Thành vẫn luôn nở nụ cười nhân ngày Ông Công, Ông Táo, khi vấn đề lai lịch vẫn còn là một dấu hỏi.

Nguyễn Hạnh


Tin liên quan

Các bài mới:

Các bài đã đăng:

 
< Trước   Tiếp >