Trang chủ arrow Tản mạn arrow TỪ MỘT CÂU THÀNH NGỮ
TỪ MỘT CÂU THÀNH NGỮ
20/09/2006

 
Trong kho tàng thành ngữ Trung Hoa, Câu hoả hồ minh 篝火狐鳴( Đốm lửa trong lồng giả làm tiếng cáo) là một thành ngữ khiến nhiều người phải lưu tâm để ý.
 

 

Trong kho tàng thành ngữ Trung Hoa, Câu hoả hồ minh 篝火狐鳴( Đốm lửa trong lồng giả làm tiếng cáo) là một thành ngữ khiến nhiều người phải lưu tâm để ý. Điều đáng nói là ở đây việc giải nghĩa hoàn toàn tức cười nếu người đọc chỉ dựa vào nghĩa đen khi dịch. Thế nào là Trong lồng đốm lửa giả tiếng cáo. Hãy lần mở sách xưa mới thấy cái thâm ý người xưa, cái thâm ý lồng vào cả một nghệ thuật mà bây giờ hậu thế vẫn coi là cẩm nang muôn đời.


Đọc sách Sử kí- Trần thiệp thế gia có đoạn: “ Lại ngầm sai Ngô Quảng đến ngôi đền bên cạnh, cây cối um tùm, đang đêm thắp đèn lồng, giả tiếng cáo kêu rằng: “ Nước Sở nổi lên, Trần Thắng làm vua”.


Lời nói này khiến ai biết chữ Hán đều nhớ đến câu 黎利為君,阮廌為臣 ( Lê Lợi làm vua, Nguyễn Trãi làm tôi) trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn.


Thực ra không phải đợi đến thời kì Lam Sơn, trong công cuộc phá Tống lần thứ hai, danh tướng Lí Thường Kiệt đang đêm cũng đã sai người chui vào đền giả làm tiếng thần linh phán bảo qua bài thơ:


南國山河南帝居
截然定分在天書
如何逆虜來侵犯
汝等行看守敗虛.


Phiên âm:


Nam quốc sơn hà Nam đế cư,
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư.
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm?!
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư.


Dịch:


Sông núi nước Nam vua Nam ở,
Rành rành định phận tại sách trời.
Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm?!
Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời.


Quả nhiên bài thơ thần đó đã có tác dụng, nâng cao sĩ khí ba quân, trận đó ta chuyển nguy nan thành lợi thế, giữ vững phòng tuyến sông Như Nguyệt.


Như vậy, chỉ là lời nói đơn thuần mà ngầm chứa sức mạnh thần kì. Tất cả mọi người không hiểu nổi nhưng đều công nhận điều đó.


Trong cuốn Binh thư yếu lược - quyển II có chỉ ra rõ ràng rằng: “ Điều cốt yếu để đánh được địch không phải là chỉ dùng sức mạnh để chống, còn phải dùng thuật để lừa. Hoặc dùng cách lừa của ta mà lừa nó; Hoặc nhân cách lừa của nó mà lừa nó; lừa bằng tình, lừa bằng lợi, lừa bằng vụng, lừa bằng khôn, cũng lừa bằng sự lẫn lộn hư thực, lấy sự lừa của nó mà để cho nó bị lừa, nó lừa mà ta thì biết. Cho nên người giỏi việc binh lừa người mà không bị lừa”.


 Điều 13, phép dạy quân đánh giặc trong Hổ Trướng khu cơ lại răn rằng: “ Quân gian thường biến trá nhiều mối, cần phải xem xét, phàm tế tác gian dối, làm cho lòng quân sinh biến, tất là trong có cơ mưu. Hoặc dùng văn tự chế nhạo, hoặc lấy cây cỏ làm điềm tin, hoặc dùng ngôn ngữ làm thí dụ, hoặc dùng tiếng chim muông, các cơ mưu ấy là đáng sợ…”


Những lời cáo huấn trên cho hậu nhân chúng ta thấy rằng việc dùng binh nói riêng, mọi việc nói chung muốn đoạt thắng lợi không nhất thiết phải dùng đến sức mạnh. Đôi lúc từ những nội dung rất bình thường nhưng với những động tác nào đó sẽ đi đến những kết quả không ngờ. Hàm chứa trong những kiến thức hiển hiện là những sức mạnh ngầm của hư ảo.


Từ đốm lửa trong lồng phát ra tiếng nói, những chiếc lá kiến cắn thành chữ Lê Lợi vi quân, Nguyễn Trãi vi thần, đến bài thơ phát ra trong đền như lời thần phán bảo của danh tướng Lí Thường Kiệt… tất cả đều dùng biện pháp hư ảo, thần thánh hoá, đánh vào tâm lí hoang mang của đối phương, khiến chúng vừa hãi cái uy, sợ cái hư, khó tìm cái thực.


Nghệ thuật tâm lí chiến của cổ nhân rõ ràng mà tinh tế, tưởng hồn nhiên mà lại cao sâu huyền ảo vô chừng. Nghệ thuật đó còn để lại dấu vết trong kho thư tịch cổ mà câu thành ngữ trên là một ví dụ đáng nói.

Nguyễn Hạnh


Tin liên quan

Các bài mới:

Các bài đã đăng:

 
< Trước   Tiếp >