Trang chủ arrow Bài viết arrow ÔNG NGOẠI TÔI
ÔNG NGOẠI TÔI
20/09/2006
 
Ông ngoại tôi mất khi tôi vừa vào cấp III, cho nên kỉ niệm rõ ràng về hình ảnh của ông cũng chẳng nhiều nhặn gì vì ông là một học giả, ngày bé phòng làm việc của ông là cấm đứa nhỏ nào bén mảng tới.
 
 
 

Kính viếng hương hồn ông ngoại – nhà nghiên cứu dân tộc học Quỳnh Văn Lã Văn Lô).
 
Ông ngoại tôi mất khi tôi vừa vào cấp III, cho nên kỉ niệm rõ ràng về hình ảnh của ông cũng chẳng nhiều nhặn gì vì ông là một học giả, ngày bé phòng làm việc của ông là cấm đứa nhỏ nào bén mảng tới.
 
Ông tôi nhiều sách lắm, lúc ông đi vắng nhiều lầnđánh bạo rủ lũ nhóc vào xem thì tôi chỉ thấy cơ man nào là sách tiếng Pháp, tiếng Trung, có khi cả những thứ chữ bà tôi bảo là của mấy ông thầy mo tận Mường Mán nào ấy ( mãi sau này lớn tôi mới hiểu đó là chữ Nôm Tày Dao) ông tôi sưu tập được khi còn làm tri châu Lạng Sơn.
 
Ông tôi vẽ rất giỏi, thường theo lối vẽ trúc của Trịnh Bản Kiều, đi điền dã nhiều khi ghi chép bằng hình ảnh chứ chả dùng văn tự. Tôi nhìn thấy những thứ đó thì mê lắm, cái gì cũng xem, nhưng trong số đó đặc biệt để ý đến vài tập sách vẽ tay khá rõ ràng về hai bài kiếm và quyền rất dài. Hình vẽ điệu đà mô tả một chàng trai lực lưỡng múa quyền và một cô gái đánh song kiếm trông rất điệu nghệ, ngày ấy tôi ngó thấy tên nhưng hình như chẳng để ý nên quên mất, hình như là Long Phượng Long Kiếm gì gì đó. Rồi năm tháng trôi qua…
 
…Tôi nhớ mãi ngày ấy bà tôi mắt đỏ hoe cẩn trọng nắm lấy vai mẹ tôi mà rằng: “ Con ơi! Thế là đôi bàn tay tài hoa của thầy nay đã yên nghỉ rồi…!!!... Một cảm giác gì hình như là sống mũi cay cay, tôi chạy vọt xuống phòng ông, sách vở bị lục lọi lung tung, bốn bề trống vắng… Tôi oà khóc, khóc đến tận bây giờ!.cuốn sách ấy cũng mất đi từ dạo đó.
 
Nói về ông tôi- một con người lưu lạc, thì chao ôi thật lắm câu chuyện, nào là một lần đi công tác ở Hữu Lũng bị ngã xuống vực sâu, ông được một người trong bản dùng thuật gọi Nàng Hai (gọi Chị Hằng) cứu sống, rồi thì khi làm tri châu Lạng Sơn, nhân một lần nói chuyện tiếng Bạch Thoại với tên thông ngôn Nhật về Đường Thủ ( Tang sho), ông được tên sĩ quan đất nước Phù Tang tặng ngay một thanh trường kiếm lưỡi gấp xịn và một con ngựa mang tên Ta lông, rồi thì khi bị một toán cướp Trung Quốc qua biên giới tấn công vào dinh thự tại Trì Ca, ông đã hạ gục tên thủ lĩnh như thế nào…
 
Sau này khi G.S Anh hùng lao động Vũ Khiêu kí giấy cấp cho ông tôi một căn hộ ở số nhà 102 D7 khu tập thể Thành Công- Ba Đình- Hà Nội, nhìn thấy sáng sáng ông tôi xách đôi kiếm gỗ đi tập thể dục thì có lẽ chẳng bao giờ tôi nghĩ rằng những lời đồn đại về ông là có cơ sở nếu như không có câu chuyện như sau:
 
…Đó là một buổi chiều nắng không chạm đất, mọi vật hình như ngưng lại sau cái oi bức trưa hè. Hồi ấy ông tôi có thói quen đi câu cá, thường đi một mình và về là đã có một rổ cá rô cho bà tôi rán lên uống rượu. Tôi nhớ mãi hôm ấy được điểm 10 môn chính tả, ông tôi chẳng có gì và quyết định thưởng cho tôi một món quà là đi cùng xem câu cá.
 
Địa điểm câu cá là ở ngay sau nhà, đó là bãi sông mà bây giờ là một số hàng quán thi nhau mọc lên ở đầu dốc Phụ Nữ. Ngoài bãi hồ hôm đó rất ít người, hai ông cháu tôi cứ im lìm đứng đợi phao động mà chẳng để ý gì đến xung quanh. Thời gian cứ thế lặng lờ trôi… Chà! Có lẽ hôm nay chẳng có cá nhắm rượu rồi!...

…Mặt trời đỏ ối như cười mỉm, như trêu ngươi. Ông tôi thì cứ trầm ngâm, còn tôi thì ngây thơ nghĩ vơ vẩn, tôi nhìn những đám mây hình cá, hình lâu đài, tôi lẩn thẩn ngó những chú gà ngô nghê vặt cỏ, tôi nghĩ đến Hạng Thác và câu hỏi mà ngay đức Thánh Khổng cũng không trả lời được là mặt trời buổi trưa bé hơn buổi chiều mà sao lại nóng hơn!...
 
Bỗng bên lề đường bên kia, tức là phía sông Tô Lịch bây giờ, tôi thấy thoáng bóng một người phụ nữ vừa chạy vừa la lối om sòm, tiếng kêu khóc mà một đứa con trẻ như tôi thời ấy cảm thấy sợ vô cùng, theo sau là một người đàn ông mặc một bộ quần áo bảo hộ lao động tay cầm một cái búa tạ hùng hục đuổi, khí thế như muốn giết người vậy!...

Tôi nhận ra ngay đó là vợ chồng một gia đình công nhân có gia cảnh rất khốn đốn, luôn lấy việc đánh chửi nhau làm bữa ăn chính vì anh chồng không chịu nổi cảnh khổ nên suốt ngày uống rượu gây gổ với vợ con. Hồi ấy việc uống rượu la đà đối với một người từ lứa tuổi thanh niên đến trung niên là không thể chấp nhận được, hơn nữa là thời kì còn khó khăn, uống bia rượu thường bị coi là xa xỉ. Ra ngoài đường chỉ thấy khi vui lắm người ta mới làm vài chén với đĩa lạc rang, những ông già thì cũng chỉ nhấm nháp một chén vào bữa cơm mà thôi. Việc nát rượu say sưa gây mất trật tự của anh nọ đã được mọi người nhắc nhở nhiều lần nhưng đâu vẫn đóng đấy. Có lẽ hôm ấy chị vợ khốn khổ kia đã chọc giận hắn thật ghê gớm nên mới xảy ra chuyện như vậy!
 
Nói thì rông dài nhưng sự việc xảy ra thì nhanh vô cùng, loáng một cái chị vợ đã chạy vọt sang chỗ ông cháu tôi dường muốn cầu cứu. Tên sát nhân kia cũng kịp trờ tới, tình thế cực kì nguy cấp vì lúc này ông tôi đang gần như ở vị trí đối diện với gã đàn ông mà chỉ thấy chiếc búa lăm lăm theo đà xốc tới nhằm sát thương chị vợ lúc đó đang bấu víu ngay đằng sau ông tôi.
 
Phải nói bao trùm lên khung cảnh lúc đó mà tôi cảm nhận được là một nỗi kinh hoàng làm tôi co rúm người lại…

Nhưng thật kì lạ là bỗng trong lúc đó chỉ thấy thân hình mảnh dẻ của ông tôi hơi nghiêng sang một bên, hai tay ông chắp vào dứt khoát đưa cao lên đầu, chiếc búa văng ra mãnh liệt…
 
Hơi chựng người lại vì bất ngờ, gã đàn ông lẩm bẩm rồi lấy hết sức lao vào tay đấm chân đá, một hành động thật ghê tởm khi đòn thù ấy lại nhắm vào một ông già bảy mươi tuổi. Nhưng lần này vẫn thấy ông tôi bình thản đưa chân ra sau, một tay gạt lên, tay kia đỡ xuống, rồi nhanh như cắt rút về thoi ra hai quyền song song. Khổ thân cho gã đàn ông với đà lao vào lãnh trọn cú tổng lực, loạng choạng bật ra sau, sóng xoài rên rỉ, mặc cho hàng xóm chạy ra người xỉ vả, người xốc nách. Ông tôi biến thành một vị anh hùng của khu phố.
 
Kết quả hôm đó là một bữa rượu không có cá ăn, chiếc bút máy Parker và cái đồng hồ quả quýt, vật tuỳ thân của ông tôi thì văng đâu mất, nhưng đổi lại bên chén rượu suông, tôi được ông hào hứng kể lại bao nhiêu chuyện cũ và một điều đáng nói là cũng từ đó hàng quán bán nước ngày càng nhiều thêm nhưng không còn thấy anh chồng kia say rượu đánh vợ nữa. Còn riêng về phần võ thuật, mãi sau này tôi mới biết ba đòn thế hôm ấy ông tôi dùng lần lượt là Đồng tử bái Quan âm, Hổ giáng Long thăng, Song Long quá hải thuộc quyền pháp Thiếu Lâm chính tông. Nghe nói hồi còn nhỏ, các cụ đã đón cả thày Tàu về dạy cho ông môn công này.
 
Thế là nếu như chẳng xảy ra việc thì cũng chẳng ai biết một ông già hàng ngày ngồi bàn giấy viết sách ấy là ông ngoại tôi biết võ, thứ võ thuật đã biến thành võ đạo khi hữu sự cứu người. Càng nghĩ về ông, tôi càng thấm thía cái hành xử của võ đạo nhân sinh lồng vào nghĩa một người học giả.
 
Tôi có một anh bạn nhà thơ vong niên, khi ngà say rất tâm đắc câu: “ …Ông thợ rèn mắt sắc như dao, cười nói rằng con tôi vụng lắm, chẳng biết rèn cả cái then cửa sắt trước nhà tưởng niệm Nguyễn Du…”. Hôm nay nói chuyện về tiền nhân, những người thợ rèn vụng về chúng tôi kính dâng lên họ những gì thiêng liêng nhất, cái then cửa tuy chẳng phải là vàng nhưng có thể khoá chặt được một kho báu của muôn đời.
 
Nguyễn Hạnh. ( Viết với lòng tôn kính nhất)

Các bài mới:

Các bài đã đăng:

 
< Trước