Trang chủ arrow Tản mạn arrow CON VOI CHIẾN NGÀY XƯA
CON VOI CHIẾN NGÀY XƯA
11/01/2007


 Kinh Tạp A-Hàm nói rằng vào thời quá khứ, vua A-tu-la khởi bốn binh chủng là Tượng binh, Mã binh, Xa binh, Bộ binh, muốn đánh nhau với chư Thiên trời Tam thập tam. Trong đó Tượng binh là đoàn quân của các chú voi dũng mãnh.

Từ rất lâu rồi, con người đã biết dùng voi vào nghệ thuật quân sự. Giống vật to lớn và lì lợm này đã đem lại ưu thế thực sự trên chiến trường.Voi chiến của các cư dân Việt Đông Sơn là nỗi khiếp nhược cho những kẻ xâm lăng. Thời Tam Quốc, liên minh bộ tộc Mạnh Hoạch cũng đã biết dùng voi để ngăn trở bước tiến của quân đội Khổng Minh Gia Cát Lượng. Vào thế kỷ XI-XIII, khi nhà nước Khơ Me đạt đến đỉnh cao của quyền lực, quân đội của họ có rất đông voi chiến, từng chinh phạt sang cả Lào, Việt Nam, Thái Lan và Ấn Độ.

Những ngày đầu dựng nước, Bà Trưng, Bà Triệu cũng đã từng cưỡi voi xung trận dẹp giặc giữ nước. Các đời Trần, Lê sau này cũng sử dụng nhiều voi trong chiến trận, biến chúng thành một thứ vũ khí có uy lực đặc thù của các tộc người phương Nam. Đặc biệt nghĩa quân Quang Trung đã có đoàn quân tượng binh với trên 200 thớt voi chiến được huấn luyện khá thành thục bởi nữ tướng Bùi Thị Xuân, lập nên chiến công hiển hách mùa xuân Kỷ Dậu (1789).

Sử sách còn nói rõ ràng rằng ngoài quân bộ và thuỷ, Nhà Nguyễn còn chú ý nhiều đến tượng binh và kỵ mã. Trước hết là diễn tập voi chiến được tổ chức nhiều lần. Năm 1829 diễn tập voi ở trước kinh thành, Minh Mạng ngồi thuyền trên sông Hương xem. Tượng địch buộc hổ để nhử voi, nhưng vì buộc lỏng nên hổ sổng ra chạy đến gần thuyền vua, quân ở thuyền đón đánh chết. Để tránh nguy hiểm, ngay năm sau (1830) nhà nước cho xây hổ quyền ở đồi Long Thọ gần bờ nam sông Hương làm đấu trường để voi - hổ đánh nhau. Hổ quyền nay còn khá nguyên vẹn, đơn giản nhưng chắc chắn, là hình tròn đường kính trong 44m, tường thành dày 4 - 5m, cao phía trong 5,9m phía ngoài 4,75, trên đỉnh tường có khán đài của vua và chỗ xem của mọi người. Trong lòng tường có 5 chuồng hổ và trổ cửa để dắt voi vào. Tại đây hàng năm tổ chức đấu voi - hổ để luyện voi và đảm bảo an toàn cho người xem.Năm 1831 còn đặt điều lệ cụ thể về thao diễn trận voi, gồm thao diễn chung và thao diễn riêng, có mời vua ngự duyệt hoặc phái đại thần đến giám thị, được tổ chức rất quy mô. Về thao diễn riêng, mỗi tháng hai lần vào đầu tháng và giữa tháng, do thống vệ kinh tượng, phái 1 quản vệ và 150 lính, vệ thần cơ phái 10 pháo thủ với đủ súng lớn súng nhỏ và thuốc đạn, liệu trích sổ lấy voi, thao diễn theo thường lệ. Số lính và số voi thao diễn từng kỳ thay lượt nhau. Còn thao diễn chung, mỗi tháng 1 lần vào cuối tháng, phái 1000 thân binh và cấm binh mang đủ súng lớn, súng nhỏ, thuốc đạn và voi để xếp hàng trước Nam Đài. Thao diễn riêng có 3 cỡ súng quá sơn, 60 khẩu súng điểu thương, thuốc súng cho 5 phát, pháo du long và pháo hoả sa đều 15 ống, 60 bó đuốc. Thao diễn chung có 4 cỡ súng Võ Công Tướng Quân, 15 cỡ súng Quá Sơn, 500 khẩu súng Điểu Thương, thuốc súng đều 5 phát, 100 ống Du Long pháo, 150 ống Hoả Sa pháo, đuốc 350 bó. Ngay sau đó Minh Mạng đã đến xem một cuộc voi trận ở trước Nam Đài, thưởng cho lính cưỡi voi 300 quan tiền, từ nay thành lệ, những cuộc thao diễn voi ở kinh, nếu ngự giá đến xem thì có thêm đội y cầm 100 khẩu súng Điểu Thương, mỗi khẩu có 5 phát thước súng cùng tham diễn tập. Sang đầu năm 1832, nhà vua thấy lệ thao diễn voi chiến mỗi tháng tới 3 kỳ quá phiền phức, nay định lại: các tháng giêng, tư và chạp đình chỉ thao diễn chung còn thao diễn riêng mỗi tháng 1 lần. Khi thao diễn, bộ binh căn cứ vào quẩn quan tổng kết xem voi chiến có mạnh tợn không và quân sĩ có thành thạo không, cuối mỗi quý làm sổ đăng trình, nếu thao diễn chung mà có đại thần đi giám thị thì sau đó cứ thực tâu trình.

Đến thời kỳ chống Pháp, chống Mỹ, những chú voi “chiến sĩ” đã đưa bộ đội xông pha trong mưa bom lửa đạn, voi từng tham gia kéo pháo, tải lương, góp phần không nhỏ vào công cuộc kháng chiến trường kỳ chống ngoại xâm của dân tộc.

Voi chiến dũng mãnh trong chiến đấu nhưng rất tình cảm với con người. Sử sách xưa đã từng ghi lại chuyện hai con voi chiến của Hai Bà Trưng đã rủ nhau về bến Đông Hát, nơi hai Bà tự tử, rồi nhịn ăn cho đến chết. Đến nay ở đền thờ Voi Phục (Hà Nội) cho chúng ta biết tới sự tích này. Có câu chuyện xúc động là khi giữa pháp trường, một con voi chiến không chịu dày nữ tướng Bùi Thị Xuân - người thày, người chủ của mình theo lệnh vua Gia Long. Chỉ đến khi Bà phải gọi nó, vỗ về: "Mi hãy giết ta, nếu không mi sẽ chết oan, ta tha tội cho mi". Con voi chiến cúi đầu, cong vòi, vái Bà ba cái, nước mắt ràn rụa, rồi dùng vòi quấn Bà tung lên cao, đưa cặp ngà nhọn đón chủ, để bà chỉ đau một lần khi chết rồi sau đó tìm cách phá xích chạy vào rừng sâu. Chuyện những con voi chiến trong mũi tiến công đánh đồn Ngọc Hồi của quân Tây Sơn dưới sự chỉ huy của đô đốc Đặng Tiến Đông năm Kỷ Dậu (1789); chuyện con voi già của vua Hàm Nghi phá xích chạy vào rừng nhịn ăn cho đến chết khi vua bị bắt v.v... là những hình ảnh đẹp về lòng trung nghĩa của giống vật này.

Trong chiến tranh thô sơ, con người đã sử dụng đến những gì thiên nhiên sẵn có. Và trong số đó, con voi đã gắn liền với những cuộc viễn chinh ngay tự thuở ban đầu.

Nguyễn Hạnh


Tin liên quan

Các bài mới:

Các bài đã đăng:

 
< Trước   Tiếp >