Trang chủ arrow Tản mạn arrow NGHỆ THUẬT XĂM TRỔ
NGHỆ THUẬT XĂM TRỔ
06/01/2007
 Từ tư liệu nguồn của Hãng phim Tài liệu và khoa học trung ương năm 2003 có đoạn miêu tả như sau:

“…Một quán cà phê buổi sáng tụ tập toàn thanh niên con nhà khá giả. Họ ăn mặc những bộ quần áo thật là phóng khoáng, không ngại phô bày da thịt, hở hang. Có thể nhìn thấy một hình xăm trổ @ xinh xinh trên vai trần của một thiếu nữ, điều đó cho thấy cô gái là một "con nghiện chat" trên mạng; cũng có cô xăm một con bướm nhỏ xíu bên cạnh hông khi mặc của một chiếc quần "ngáp" cạp rất trễ...”

 
Thế hệ @ đã cho chúng ta - những người lớn thấy được nhịp sinh hoạt sôi động, thể hiện tính cách táo bạo, đa dạng đặc trưng của một thời kỳ bùng nổ thông tin văn hoá. Trong đó sự xuất hiện của thời trang xăm trổ là một điển hình.

Nhớ có lần đi dọc phố Đội Cấn cách đây hàng chục năm, thoáng thấy bóng một cụ già to lớn, tráng kiện gánh củi, mặc bộ quần áo nâu ngâm bùn cứng như mo cau tôi liền phóng xe đuổi theo và đã như mê mẩn khi nhìn thấy hình xăm những bài thơ Đường được viết chân phương, dày đặc trên tấm lưng trần như chiếc phản và đôi cánh tay dài và gân guốc của cụ. Lúc đó tôi đã có ý định sẽ một ngày nào đó sẽ tìm hiểu thật kĩ về môn nghệ thuật này. Vậy mà phải đến giờ đây khi nhìn thấy hàng ngày nơi đường phố, bể bơi, bến xe, sàn nhảy, quán bia… sự xuất hiện của những hình xăm đa dạng thì tôi mới sực nhớ đến tâm nguyện này.

Ngược dòng lịch sử người ta thấy ông cha ta thời Lạc Long Quân đã biết dùng những hình xăm rồng rắn, giao long, thuồng luồng được trổ bằng màu chàm để tránh bị thủy quái làm hại khi xuống nước. Thời ấy nước ta được gọi là Văn Lang, tức xứ sở của những người xăm mình. Như vậy tục xăm mình đã có từ lâu lắm. Nó đã phát triển để thực sự trở thành một thứ văn hóa cộng đồng thực sự như xăm vật tổ (Totem) để nhận biết những người cùng trong một bộ lạc (Cách đánh dấu này phổ biến ở rất nhiều dân tộc ít người). Đặc biệt thời Trần, những thành viên thuộc đội quân Thánh Dực bảo vệ xa giá sẽ được xăm lên trán ba chữ Thiên Tử Quân (Quân đội Thiên Tử). Nghệ thuật này còn được thấy rõ rệt dưới triều đại này với việc xăm hai chữ Sát Thát (Giết giặc Tarta) trong thời kỳ kháng chiến chống Nguyên Mông, thể hiện sự quyết tâm đồng lòng chiến đấu, bảo vệ giang sơn của cha ông ta. Thường những người xăm trổ thời ấy đều là những chiến binh dũng cảm và can trường, họ xăm trổ để thể hiện sức chịu đựng và chí hướng của mình (Nhiều người dân cũng thường cũng xăm lên bụng những chữ "Nghĩa dĩ quyên khu, hình vu báo quốc" thể hiện tinh thần thượng võ). Xăm trổ lúc đó còn mang ý nghĩa đánh dấu một người đã trở thành tù binh hay nô lệ. Vào thời cuối kỷ nhà Trần, khi các cuộc khởi nghĩa nông dân nổ ra liên tiếp, có những đội quân mà ai cũng đều có những dấu hiệu này xăm trên trán.

Đấy là những gì ít ỏi về lịch sử nghệ thuật xăm trổ ở Việt Nam, nhìn ra thế giới thì nhiều người đều coi một sự kiện quan trọng như những gì bắt đầu của nghệ thuật xăm trổ là vào năm 1769, các thủy thủ của thuyền trưởng James Cook và sau đó là thủy thủ của bá tước người Pháp Bougainville đã bị mê hoặc bởi nghệ thuật Tatau lạ mắt - vẽ trên cơ thể - của thổ dân các quần đảo nam Thái Bình Dương nơi họ đi qua.Và chính từ Tatau đó là xuất xứ của từ tattoo (tiếng Anh) và tatouage (tiếng Pháp) có nghĩa là xăm mình. Tuy nhiên, các nhà khảo cổ đã chứng tỏ rằng các xác ướp Ai Cập cổ đại có tuổi từ 2000 năm TCN đã có những hình xăm trên cơ thể.

Năm 1846, hiệu xăm đầu tiên đã ra đời tại thành phố Nữu Ước (Mỹ) với khách qua lại phần lớn là thuỷ thủ và các cô gái bán hoa - những người ở tầng lớp dưới có lối sống phóng khoáng, ưa cảm giác mạnh. Đến cuối thế kỷ 19, giới truyền thông đã hâm nóng dư luận bằng việc đăng tải một danh sách dài các nhân vật quý tộc đến với nghệ thuật này như Nga hoàng Constantin, Nicolas và Alexis, Vua Thuỵ Điển, Phó vương xứ Ai Cập...

Ở Nhật, chỉ những người thấp kém trong xã hội như lính cứu hoả, người giữ ngựa mới xăm mình. Những băng nhóm tội phạm của Nhật hay Hồng Kông cũng luôn hãnh diện về khả năng chịu đựng của mình. Để chứng minh, những Yakusa (Nhật) hay nhóm Tam Hoàng (Hồng Kông) đóng lên cơ thể con dấu chứng tỏ sẽ mãi mãi đứng ngoài vòng pháp luật. Trung Quốc thời phong kiến cũng cho rằng xăm mình đối với những kẻ phạm tội là sự trừng phạt khủng khiếp hơn cả bị xẻo tai hay chặt tay. Đọc tác phẩm Thủy Hử, hẳn chúng ta không thể quên những nhân vật điển hình với những hình xăm như Cửu Văn Long Sử Tiến, Báo Tử Đầu Lâm Xung, Hoa hòa thượng Lỗ Trí Thâm, Thuyền Đầu Hỏa Trương Hoành, Lãng Tử Yến Thanh…thể hiện sự phổ biến thực sự của nghệ thuật này trong tầng lớp dân nghèo và tiểu thương thời phong kiến Trung Hoa.

Một số bộ tộc trên thế giới đánh dấu sự trưởng thành của mỗi thiếu niên bằng nghi lễ xăm mình sau chuyến đi săn thành công đầu tiên. Tại Papua New Guinea, phụ nữ Maisin được xăm trong nghi lễ dậy thì, ai chưa xăm được coi là không có thần sắc và chưa sẵn sàng kết hôn.

Năm 1891, nghệ thuật xăm đã sang trang mới khi Samuel O'Reilly ở thành phố New York sáng chế ra chiếc "máy khắc da chạy bằng điện" đầu tiên. Đây chính là cha đẻ của chiếc "máy xăm" vẫn sử dụng cho đến ngày nay.

Từ sự phát triển như thế, ngày nay người ta có thể thực hiện được những hình xăm đa dạng như chân dung lãnh tụ Trung Hoa Mao Trạch Đông trên vai Võ Sĩ Thép một thời Myke Tyson, những thể chữ của người phương Đông như chữ Hán, chữ Do Thái, đồ tượng Tứ Đại Thiên Vương, ảnh tượng Đức Chúa Jesus tinh xảo,…

Cơn lốc xăm còn được thăng hoa bởi sự hoà trộn phong cách phương Đông và phương Tây. Làn sóng du lịch khiến phương Tây ngỡ ngàng trước vẻ đẹp mê hoặc của xăm phương Đông như rồng phượng, chữ Hán hay nghệ thuật xăm lá móng Mehndi nổi tiếng với những nguyên liệu tự nhiên từ lá chè, chàm, cà phê. Càng ngày càng nhiều người xem nó như là một nghệ thuật mang cái đẹp thực sự. Tuy vậy, xăm vẫn đứng ở ranh giới mong manh giữa nghệ thuật và phản cảm, giữa nên và không nên và gây rất nhiều tranh cãi.

Có nên nói chăng xăm sẽ là nghệ thuật nếu nó thể hiện được cái đẹp, sự phù hợp và đam mê của chính người lưu nó trên da thịt mình.

Mấy hôm trước, một người bạn bên kia bán cầu nhắn tin cho tôi rằng: Hà Nội chắc lạnh rồi. Thời tiết Việt Nam như một cô gái đỏng đảnh, vào tiết Noel chắc vui lắm. Hôm qua thay chiếc áo rét, vẫn thấy dòng chữ xăm tên V. còn hiển hiện trên cơ thể mà nhớ tuổi thư sinh và Hà Nội nhiều, cho mình gửi lời hỏi thăm cô ấy nhé…!...

Mong rằng xăm trổ sẽ ở cùng với loài người như một người bạn trung thành, một loại hình nghệ thuật và mỗi hình xăm sẽ là một kỉ niệm đẹp trong mỗi con người.

Nguyễn Hạnh
 
Thông báo: Mời các bạn đến với Đêm Lều Chõng tại Tứ Hải Quán vào tối thứ Tư ngày 15 - 4 - 2009.
 
ĐC: Ngõ 124, ngách 55 đường Âu Cơ - Tây Hồ - Hà Nội. ĐT: 0904.321966

Các bài mới:

Các bài đã đăng:

 
< Trước   Tiếp >