Trang chủ arrow Tản mạn arrow VIỆC ĐẶT TÊN
VIỆC ĐẶT TÊN
21/12/2006
Image

Trong một lễ cưới, nhà thơ Thanh Tịnh lúc ấy được cử làm chủ hôn đã phát biểu rằng:

Thưa các đồng chí, cuối cùng cho tôi có đôi lời khuyên chú rể và cô dâu. Khi anh chị sinh con thì không nên đặt tên con là Bá, vì khi kết hợp với họ thành Hà Bá thì sẽ làm cho mọi người e sợ mà xa lánh mình. Nếu được khuyên, tôi khuyên anh chị nếu sinh con trai thì đặt tên là Hà Thủ Ô, còn con gái là Hà Sa Đại Táo Hoàn!

 
Người ta thường có nhiều cái cớ để đặt tên, cái dấu hiệu để nhận biết, khu biệt người nọ với người kia, cái mà sẽ gắn liền với con người ta suốt cả cuộc đời. Vậy là thật hệ trọng khi một người ông, người cha giở sách, đặt bút đặt tên cho con cháu. Theo quan niệm duy tâm của người Đông Phương thì khi một cái tên được đặt ra sẽ sinh ra một luồng khí ảnh hưởng đến cả một đời của đứa trẻ. Ví như họ tin rằng nếu đặt tên cho đứa con trai là Dũng thì đứa trẻ lớn lên sẽ trở nên một người tài ba đảm lược, uy trấn bốn phương, hoặc đặt tên cho một đứa con gái là Đoan Trang thì ắt hẳn đứa bé đó sẽ là một người phụ nữ nết na, hiền thục, trung trinh tiết nghĩa. Bỏ qua những tên gọi kiêng kị thuở bé cho dễ nuôi như Cu Đỏ, Dím, Hon…thì cha mẹ nào, dòng họ nào cũng muốn đặt cho con cháu mình những cái tên hay, ẩn chứa ước mong đứa trẻ mai này khôn lớn. Tre già măng mọc, chả ai muốn cội già lại sinh hoa xấu bao giờ.

Tôi có người bạn làm nghề luật sư, lần sinh đứa con trai thứ hai gọi điện tứ tung, hỏi đủ mọi người xem có thể đặt một cái tên thật hay mà lại hợp với tên bố này, tên mẹ, tên em và có thể là cho một đứa em gái tương lai với cái tên mặc định là Thu Hương nữa. Thật là rắc rối!!! Cuối cùng sau hơn một trăm bảy mươi tám cú điện thoại di động cả nội hạt lẫn đường dài, ông bố đó mới hỉ hả báo cho tôi: “ Ông ạ! Vất vả quá mới có tên cho cháu, tên oách cực! Cứ gọi là số Zách! Phen này có khi nó thành tổng giám đốc tập đoàn kinh tế thế giới chứ chẳng chơi!!!” Nghe lời bộc bạch ngây ngô của bạn mà không ai nhịn được cười.

Thực ra cái lệ đặt tên ở nước nào cũng có, thế nhưng quan niệm rõ ràng về đặt tên hay cũng không đến nỗi quá nặng nề trong tâm thức nông thôn Việt Nam xưa kia. Chỉ khi ra làm quan hay ở những gia đình gia thế dòng dõi, hay chữ, người ta mới lấy những tên chữ Hán lấy từ những điển chương cổ mà đặt tên cho con cháu.

Có lần về thăm một vùng quê, tôi nghe một người nông dân kể: “ Bà cụ cố tôi sinh ông nhà ở đầu dốc, thế là đặt tên ngay cho con là Dốc”. Nghe ra thì cái cớ đặt tên như thế thật chân thực, hồn nhiên.

Trong lịch sử Việt Nam, có một người đỗ đạt tên là Lê Quát, thực ra hồi chưa đi học ông có cái tên là Quét vì ông làm nghề quét chùa từ nhỏ. Trong dân gian còn ghi lại những giai thoại về ông với cái tên rất gần gũi là Trạng Quét.

Trong suốt quá trình đô hộ của các triều đại phương Bắc, những gia tộc Trung Hoa đã mang đến đất nước ta khái niệm về họ và cách đặt tên chữ theo ngôn ngữ Hán. Thế là bên cạnh những cái tên như Thằng Mít, Thằng Dừa…đã dần xuất hiện những tên họ đầy đủ cả “First name”, “Surname” vuông thành sắc cạnh.

Càng tiến tới thời hiện đại thì tên họ càng thay đổi và có chiều hướng khuôn mẫu, nông cạn sáo rỗng nhưng lại có vẻ mỹ miều hơn. Ngoài những tên họ vẫn thường thấy như Tuấn Anh, Thanh Hương, …, một số con cháu có cái tên thuộc các dòng họ lớn ở thôn quê vẫn còn giữ được những cái tên rất hay như Huy Tiệp, Xuân Huy.v.v…thì phần lớn ngày nay các bậc cha mẹ sính đặt tên con cho thật kêu, thật hay như Nguyễn Ngọc Cẩm Ly, Nguyễn Lục Hồng Ly, Mai Trang Ly… mà thật ra có khi cũng chẳng biết hoặc chẳng cần biết ý nghĩa của nó là gì, miễn đọc lên nghe như tài tử điện ảnh là được…

Thiết nghĩ đất nước ta đã bỏ chữ Hán khá lâu, lớp người biết chữ Nho dần khuất bóng, những ông nghè cậu cử Hán Nôm tốt nghiệp các trường ĐHKHXH & Nhân Văn, ĐHVH… lại còn quá trẻ và số lượng quá ít ỏi, thế cho nên sự mơ hồ về khả năng sử dụng nghĩa Hán Việt trong dân gian như thế  là điều khó tránh khỏi…

Đặt tên là một công việc nghiêm túc và thiêng liêng. Xét cả về mặt duy tâm và duy vật, cần có sự suy xét kĩ lưỡng, điều chỉnh hài hoà để đứa trẻ sinh ra có một danh xưng ý nghĩa, phù hợp về văn hoá lẫn thẩm mỹ con người.

Nguyễn Hạnh 

Tin liên quan

Các bài mới:

Các bài đã đăng:

 
< Trước   Tiếp >