Trang chủ arrow Nghệ thuật ẩm thực arrow THAO THỨC THỜI MỲ TÔM
THAO THỨC THỜI MỲ TÔM
21/12/2006

Image

Những ngày sống trong đói rét, có lẽ người ta mới lại nghĩ đến những gì bình dị đã nuôi sống con người trong thời thơ ấu.

Là một người con sinh ra sau chiến tranh, không biết có thể nói là tiếc hay không, khi tôi không còn được biết đến những món bất hủ chỉ được nghe kể lại như Mì không người lái, bột mì hấp, nắp hầm…của thế hệ đi trước, thế nhưng phải nói cái dư vị của một thời khó khăn mà đất nước tất yếu phải trải qua vẫn ít nhiều trôi qua một phần trong ký ức.

Thuở ấy cứ sáng sáng, lũ trẻ chúng tôi cứ ước ao một chiếc bánh mì Paté thật lớn, thế nhưng món đó chẳng có đâu, thay vào đó là củ Khoai, cơm nguội, sang lắm là bát cơm rang có mỡ không hành, thêm ít thuốc độc: Mì Chính. Hồi nhỏ tuổi, cứ mỗi lần đi nhổ răng ở bệnh viện Việt Đức về, món tẩm bổ sang nhất mà cả nhà dành dụm cho tôi là một bát cháo hành tía tô có đập vào quả trứng gà thơm phức.

Lúc ấy thú thực trẻ con chúng tôi nói dại chỉ ước được ốm, bởi ốm đồng nghĩa là được ăn Phở, ôi những bát Phở lúc đó sao mà ngon đến thế!? Tôi nhớ hồi ấy mỗi lần đi qua quán Phở Sinh trước cổng triển lãm Giảng Võ là mắt cứ dán vào cái nồi đang bốc hơi nóng nghi ngút. Hình như mùi thơm của Nhục Quế, Thảo Quả, tương ớt… đã ngấm cả vào những chiếc cột bằng tre nơi đây, cứ dậy lên một mùi thơm kỳ lạ!

Cái thú được húp xì xụp một bát nước canh nóng vào những ngày giá lạnh khiến người ta nghĩ ra đủ thứ để mô phỏng món Phở. Hồi nhà nước bán kèm bột mì vào phần lương thực, bọn trẻ con mê lắm món mì bằng bột cán mỏng nấu với nước dùng nêm muối, sang lắm là một chút mì chính, nước mắm, nếu có thêm vài lá hành thì thật đúng là không còn gì bằng. Mỗi chủ nhật, cả nhà quây quần bên chiếc nồi húp soàn soạt xem phim Cảnh sát lấy vợ của Pháp, ai nấy vui như vào hội.

Còn nhớ có lần đọc một cuốn truyện cách mạng, đến đoạn anh nuôi khéo tay nấu một nồi mì sợi nạo từ một thân cây đu đủ với nước mắm kem giúp cho một đơn vị bộ đội đang trong tình trạng cạn kiệt lương thực được một bữa no nê trước giờ vào trận đánh, tôi liền gấp sách lại, nằng nặc đòi mẹ cho đi ăn Phở bằng được.

Tháng năm qua lại, thị trường trên những chặng đường đổi mới dần xuất hiện những mặt hàng nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân. Sự có mặt của mì tôm, những gói mì ăn sẵn là tất yếu, phù hợp với nhịp độ làm việc và nếp sinh hoạt của từng gia đình. Lúc đầu, loại mì tôm được biết đến là mì Hai Tôm gói giấy màu vỏ bao xi măng in chữ đỏ. Loại mì này một thời được bọn trẻ con coi như một thứ sơn hào hải vị. Mỗi tối học bài xong, trước khi đi ngủ thật hạnh phúc khi được một bát mì nóng hổi thơm đượm. Ai cũng kháo nhau rằng đây là thứ mì hảo hạng có sợi tẩm bơ, thế mới có thể có mùi vị đặc biệt đến thế!!! Mà nghĩ cũng đúng thật! Mỗi lần ăn mì, từng đứa trẻ con thi nhau xì xụp húp cho đến cạn kiệt bát nước, húp trong hân hoan và tiếc nuối khi thứ chất lỏng ấy hết quá nhanh bởi sự háu ăn quá đỗi, khi dư vị thần tiên dường như vẫn chào mời trong cái cổ họng đang ngừng lại trách cái mồm sao không tiếp tục xuỳn xuỵt nữa. Không hiểu sao lúc đó bát mì tôm không người lái giản dị như thế ăn vào lại ngon đến vậy. Người thì bảo là thời ấy ăn uống còn khó khăn, ăn một gói mì tôm 81g lạ miệng trong sự thòm thèm thì cảm thấy ngon là điều tất yếu, người lại bảo mì tôm thời ấy sợi dai hơn, tẩm nhiều bơ hơn. Riêng tôi thì cảm thấy hình như bát mì Hai Tôm thuở nhỏ ăn thơm và ngon hơn thật, hơn cả mì Kim Chi và một loạt loại mì có cái tên rất kêu được tẩm ướp đủ thứ gia vị mới lạ. Đến bây giờ, nhiều người vẫn quả quyết rằng ăn mì tôm phải ăn mì gói giấy màu vỏ bao xi măng mới là sành điệu bởi loại mì này có mùi vị chân thực, đặc trưng, không bị pha phách, tẩm ướp những gia vị có mùi khác lạ.

Tôi có ông anh rể nấu ăn rất khéo, lần đầu đến nhà cưa chị tôi cứ khẳng định mãi mì Hai Tôm gói giấy mà nấu với rau cải là hợp nhất. Thứ rau cải mát he đắng quyện với mùi bơ là một sự kết hợp khá hoàn hảo mà sau này một thời sinh viên đã giúp những chàng thanh niên nghèo lang thang qua được bữa đói ban trưa một cách ấn tượng, ngon lành.

Cùng thời với mì Hai Tôm còn có mì Hai Cua loại gói trắng chữ xanh cũng rất thơm ngon. Thế nhưng không hiểu sao thứ mì đó chỉ thỉnh thoảng mới thấy ở Hà Nội, nghe nói ở Hải Phòng, Sài Gòn lại có bán rất nhiều. Kí ức một đứa trẻ con thời ấy như gắn liền hẳn với tên tuổi hai loại mì này với những liên tưởng về một cuộc sống ấm no, thanh bình có ông bà, bố mẹ, bạn bè, những tiếng trống khai trường, những trò chơi hào hứng và những buổi tối quây quần hứa hẹn một bát mì ngon lành trước khi trôi vào một giấc mơ đầy hương vị thơ ngây.

Từ những sản phẩm trình làng tiêu biểu như thế, mì tôm đã dần đi vào đời sống mọi người một cách tự nhiên, âm thầm nhưng thực ra thật sôi động. Quả thật có lẽ không chỉ đối với tôi, mà nhiều người cũng phải thừa nhận rằng hình như một đó là loại mì thật có nhiều duyên nợ.

Đầu tiên đó là thức ăn “Cứu đói cấp thời” của những sinh viên xa nhà trong những ngày hết tiền, trong những đêm học thi vất vả. Có những anh chàng để dành dụm tiền chiêu đãi bạn gái một bữa kem Tràng Tiền mà phải chấp nhận một tháng ăn mì tôm. Sau này nghe họ tâm sự cứ mỗi lần nhìn thấy những gói mì trên giá sách là đã thấy phát sốt, tôi cứ buồn cười mãi! Tình yêu gớm ghê như vậy đấy!

Mì tôm còn là thứ có trong hành trang của một số công nhân viên chức ăn uống kiêng khem, tiết kiệm. Có những giáo viên chỉ cần một gói mì tôm suông buổi trưa là đã đủ. Suốt cả học kỳ đều như vắt chanh, họ kiên trì ăn mì tôm như đó là một nhiệm vụ trong cuộc đời phải làm.

Hình như cuộc đời tôi có duyên số được quen với nhiều bạn vong niên là những người đàn ông muộn màng và độc thân. Và chính trong lúc giao tiếp với họ, tôi cứ nghĩ rằng phải chăng mì tôm được sinh ra cho những con người này!? Một gói mì tôm úp nước sôi được pha chế rất nhanh và đơn giản. Cứ mỗi lần nhậu say xỉn cho vơi nỗi sầu với chúng bạn về thì đây là thứ chống đói rẻ, dễ ăn và tiện lợi nhất cho những anh chàng phòng không lười biếng. Nhìn họ lọ mọ đun ấm nước, tay run run pha mì tôm một mình trong đêm đông giá buốt, liệu có cô nàng nào chạnh lòng không??? Tôi thì thấy tội cho họ lắm!

Bên Trung Quốc, gói mì tôm to hơn hẳn mình. Những tháng đầu sang công tác bên ấy. Thú thực tôi nhiều lúc rất ngại đi ra ngoài ăn. Thế là chỉ một gói mì ăn liền 100g là tôi đã có thể đánh một giấc đến sáng bảnh…Biết tôi hay ăn mì như thế, một giáo sư trường đại học Bắc Kinh mua hẳn cho tôi mỗi lần bốn năm thùng mì Khang Sư Phụ, một loại mì ăn liền ngon có tiếng. Tôi cảm động lắm, ăn mì mà biết ơn người thầy giáo ngoại quốc, nhớ đến quê nhà, nhớ những kỷ niệm gắn liền với gói mì Hai Tôm.

Giờ đây, vào siêu thị, người tiêu dùng như lạc vào một rừng thương hiệu mì với đủ các tên gọi từ Hảo Hảo, Mì Gà Nấm, Lẩu Thái, Mì Bò Hành Răm…thơm ngon tinh khiết, bao bì sặc sỡ đủ màu. Có mấy ai mỗi lần bê bát mì nấu tim gan bồ dục hay tái bò…còn nhớ đến những gói mì Hai Tôm, Hai Cua gói giấy giản dị úp suông, những gói mì đã gắn liền với một thời quá xa ấy không?

Nguyễn Hạnh


Tin liên quan

Các bài mới:

Các bài đã đăng:

 
< Trước   Tiếp >