Trang chủ arrow Tản mạn arrow GIẢI PHÁP KCM
GIẢI PHÁP KCM
16/12/2006
Image

Khi còn là một đứa trẻ, Thái tử Nhật Naruhito đã phải sống một cuộc sống cô độc và cách li như bị quản thúc. Những ngày tháng đó với một đứa trẻ quả là chuỗi thời gian đáng buồn. Thế nhưng lớn lên, những gì phức tạp nơi chính trường lại khiến chính đứa bé ngày ấy mong về được tuổi thơ.

Có một con chiên ngoan đạo của Chúa đã từng nói: “Áp Lực Của Công Việc Và Gánh Nặng Của Đời Sống Là Sự Giết Người Trong Thinh Lặng.”

Quả như vậy, đối diện với cuộc sống hiện đại là những công việc mưu sinh vất vả, nuôi dạy con cái, nấu ăn, đi chợ, làm công việc nhà, tất thảy dẫn đến việc va chạm đời thường đầy cam go, quyết liệt. Sức khoẻ theo năm tháng ra đi, bệnh tật kéo đến với đủ các chứng trạng như đau tim, đái đường, lao lực.v.v…

Anh Đinh Thái Bình bộc bạch: “ Tốt nghiệp ĐHNN Hà Nội, chân ướt chân ráo bôn bả chạy khắp các cửa xin dạy thêm, hòng không phải về tận quê tận Sơn La, lại đeo đuổi suất học Thạc Sĩ ngôn ngữ. Làm việc suốt từ sáng đến đêm, túi lúc nào cũng thủ chai rượu tỏi chống sổ mũi. Nếu không có thể lực và thói quen chơi thể thao sáng chủ nhật thì quị lâu rồi bởi căng thẳng và buồn ngủ quá chừng!”

Chị Dung, một phụ nữ tuổi trung niên cũng nói: “ Chị là một người phụ nữ muộn màng, chấp nhận lấy một người chồng già vì tuổi đã quá lứa. Anh là người luôn phải đi công tác xa, thiếu thốn tình cảm và sức khoẻ yếu, lại một mình lo quá nhiều thứ việc trong một gia đình chỉ còn một đứa con nhỏ và một người mẹ già nên đôi khi thấy vô cùng cô đơn và trống trải. Tuy về kinh tế không phải lo nhưng cảnh suốt ngày sống trong bốn bức tường, quay ra quay vào với chiếc đài đĩa giải khuây, bạn bè ở xa hoặc cũng bận chuyện chồng con nên gọi điện hỏi thăm cũng ngại. Mọi vui mừng, buồn bã nhiều lúc chẳng biết tỏ cùng ai. May mà có đứa con trai kháu khỉnh, ngoan ngoãn là nguồn an ủi, nếu không thì có lẽ chị mắc bệnh trầm cảm mất!”

Anh Hào Nguyễn thì rất chân tình: “Khi đến Mỹ vào cuối năm 1980, tôi vội vàng đi học tiếng Anh và học nghề để kiếm việc nuôi gia đình. Tôi được nhận vào một hãng điện tử để làm việc hàn các dây điện tử nhỏ li ti. Vì công việc đòi hỏi, tôi làm việc suốt ngày. Có khi một ngày, tôi làm đến 18 tiếng đồng hồ để chu toàn công việc và cũng để kiếm tiền phụ trội cho gia đình.

Khi tôi đi làm thì mặt trời chưa mọc. Khi tôi về nhà thì trời đã khuya và vợ con đi ngủ hết rồi. Công việc đòi hỏi tôi phải làm cho đúng chất lượng và đúng kỳ hạn. Nếu không làm kịp thì bị khiển trách. Có khi kỹ sư đưa việc cho tôi vào lúc 8 giờ sáng và họ đòi tôi phải làm cho xong và đưa cho họ trước 12 giờ trưa hôm ấy. Áp lực ấy làm cho tim của tôi đập dồn dập và lỗi nhịp. Tim tôi bắt đầu làm mệt từng cơn.

Cứ thế, tôi mê mãi làm ăn mà quên cả gia đình, và không có giờ dành cho vợ con. Thế rồi con của tôi bắt đầu hư hỏng, bỏ học trốn đi chơi. Vợ tôi thì đổi tính, thích hướng ngoại, thích nói chuyện với các bạn khác phái.

Buồn bã và ghen tuông làm cho tim tôi càng khó thở, mỗi cơn đau tim làm tôi như muốn ngừng thở. Có khi lái xe về nhà mà tôi phải tấp xe vào bên đường để thở hắt ra. Tôi phải vào nhà thương bao nhiêu lần và phải nghỉ việc vì không thể tiếp tục chịu được.Trong gia đình từ ngày mất nguồn lương của tôi thì đời sống hàng ngày trở nên sa sút. Tôi không còn lối thoát nào ngoài việc đi đến với Chúa để xin Ngài ban cho ơn bình an và ơn chữa lành.

Từ khi đi đến với Chúa, tâm hồn tôi trở nên bình an hơn. Tôi gặp một số anh chị em làm việc năng nổ trong các phong trào Công giáo tiến hành. Chỉ trong một thời gian sau, một sô người cũng bị bệnh giống như tôi. Họ mất ăn, mất ngủ, không còn khả năng hoạt động nữa. Có những người phải vào nhà thương và nghỉ hưu sớm như tôi.

Có những anh chị trở nên bại liệt, không còn chút năng lực nào nữa. Hậu quả của bệnh Stress(áp lực) thật là đáng sợ. Đó là căn bệnh của xứ sở văn minh. Nhờ đến với Chúa trong các Thánh lễ và chầu thánh Thể nên tâm hồn tôi bình an và cuộc sống được ổn định. Tạ ơn Chúa!”.

Trên đây chỉ là những trường hợp điển hình, những tâm trạng chung trong hàng ngàn hàng triệu tâm trạng của những con người khác nhau đang sinh sống trên Hành Tinh Xanh này. Xã hội hiện đại đã mang tới cho nhân loại tiện nghi, những gì tiến bộ của thành tựu khoa học, khác với thời ăn lông ở lỗ đã quá xa. Thế nhưng những gia tăng về sự phức tạp trong quan hệ, lối sống, tình cảm và sinh hoạt đã làm chúng ta như quay cuồng thật sự trong những cơn bão lốc. Điều đó đem đến sự mất cân bằng đối với cả hai yếu tố nội tại và ngoại lai của con người.

Hãy thử tưởng tượng xem khi sự việc sẽ thế nào khi sáng sớm vừa mở mắt đã có tiếng chuông điện thoại nheo nhéo giục giã của lãnh đạo phòng, rằng lâu nay không thấy bao giờ thấy bạn đề cập đến chuyện ăn sáng. Thế rồi sau đó là một chuỗi động tác cuống cuồng vệ sinh, rửa mặt, đánh răng, thay quần áo, thu mình lao vút ra cửa đôi lúc quên không cả chào vợ. Làm việc căng thẳng đến trưa, mắt đã hơi cay cay vì thiếu ngủ vì dậy sớm lại phải thức khuya lo cho quí cuối thì xếp lại nháy nháy đi tiếp khách cùng: “ Nhớ uống đỡ tớ nhé! Thằng này anh Hai miền Nam, vô dzữ lắm”. Cắn răng để khỏi bật ra hai tiếng Bỏ Mẹ, lập tức gọi lái xe, bạn lại phải chịu trận cả buổi trong những tiếng hô dữ dội, những pha đóng kịch phê phê lả lướt, những ánh mắt thân thiện giả cầy nhưng lại phải thật tỉnh táo để nghe ngóng không thì gay to. Khật khừ sau cơn say, chiều về chưa kịp làm gì thì thằng bạn lại nhắn tin: “Vợ tao có bầu con trai, vừa siêu âm. Vui quá! Mày ra ngay Lan Chín nhé, cả bọn đang ở đây rồi!” Thế là cực chẳng đã, sợ bạn giận, bạn lại phải lê chân ra ngoài ngõ, lên xe đến địa chỉ nhậu trong thế uống cầm chừng lại bị làm phiền bởi tiếng ồn ào và tiếng chuông vợ yêu quý gọi liên tục!!! Kết thúc bữa nhậu bất đắc dĩ, trốn được lời mời của ông bạn quý đi giải đen Karaoke để về thì bắt gặp ngay mụ vợ đứng trước cửa mặt hằm hằm, soi mói…Tối hôm đấy thì đố có đụng được vào người.

Nếu những gì đã kể chỉ diễn ra một ngày thì còn có thể chịu được, thế nhưng trong xã hội này nay đó là cách sống tương đối điển hình của một người làm ăn nơi công sở. Những chuỗi ngày căng thẳng nối đuôi nhau sớm muộn sẽ đưa đến sự suy sụp hoàn toàn. Đấy là chưa kể những gì lặt vặt như hỏng hóc xe cộ, cãi nhau, tức…Nhân viên làm việc chả đâu vào đâu, tức…Định ra ăn bát cháo gà, cháo hết, tức…Cái tức chồng chất như thế sẽ sinh u sinh cục, tạo ra những chứng nan y của thời đại…

Người Trung Quốc có một cách xử sự với cuộc sống, đó là : “Hồ đồ một chút”, không qua để ý những gì xung quanh, không quá lo âu suy nghĩ những gì xa xôi. Họ quan niệm: “Đừng mơ về quá khứ, đừng tưởng tới tương lai, an trú trong hiện tại, giây phút đẹp tuyệt vời”. Với tinh thần như thế, họ loại bỏ được khá nhiều áp lực từ nhiều phía, tập trung hiệu quả tinh lực vào việc đang làm, khiến cho thân thể được những giây phút an nhàn, nghỉ ngơi trong hạnh phúc. Thử hỏi sẽ sung sướng không khi gắp miếng ăn còn nghĩ đến lời nói của thằng bạn ba hôm trước lỡ mồm, cơn giận đùng đùng sẽ làm dịch vị ngừng lại cho dạ dày đau đột ngột?

Chuyện xưa kể rằng một người chỉ vì trong cơn mơ mê thấy có kẻ sỉ nhục mình mà bỏ ăn uống, uất ức đến chết. Nghe mà mực cười! Nhưng nghĩ lại ngay chúng ta đây đang vô tình có những khoảnh khắc xử sự chẳng khác nào kẻ nọ. Gần đây, hội người Cao Tuổi truyền tay nhau phổ biến nhiều phương pháp dưỡng sinh, môn nào cũng hay, nhưng ai cũng thích và tâm đắc câu “ Hồ đồ một chút”.

Chính Danh Y Lê Hữu Trác đã từng dạy: “ Bế Tinh, dưỡng Khí, tồn Thần. Thanh Tâm, quả Dục, thủ Chân, luyện Hình. Thiết nghĩ, không hồ đồ một chút thì khó mà an Tâm. Mà không an Tâm thì Thanh Tâm làm sao, thủ Chân thế nào?Thôi thì, hãy cố quên đi những gì không cần thiết, những tức giận đời thường, KCM!!!

Nguyễn Hạnh


Tin liên quan

Các bài mới:

Các bài đã đăng:

 
< Trước   Tiếp >