Trang chủ arrow Tản mạn arrow HOẠN QUAN VIỆT NAM
HOẠN QUAN VIỆT NAM
14/12/2006

Image

Một trong những hằng số văn hoá cơ bản của văn hoá Việt Nam là trong suốt hàng ngàn năm lịch sử, chúng ta luôn luôn chịu ảnh hưởng của sự tràn xuống của nền văn minh phương Bắc, cụ thể là văn minh Trung Hoa. Sự ảnh hưởng này thể hiện rõ trong cơ cấu triều đình phong kiến với sự xuất hiện của các quan Hoạn trong cung.

 
Lịch sử Việt Nam đã ghi lại rằng đã có nhiều danh thần xuất thân từ quan Hoạn. Đó là danh tướng “Phá Tống bình Chiêm” hiển hách Lý Thường Kiệt, Việp quận công Hoàng Ngũ Phúc thời Lê Hiển Tông, người đã cùng Phạm Đình Trọng dẹp yên hai cuộc khởi nghĩa lẫy lừng của Quận He và Quận Hẻo, sau này bắt được Trương Phúc Loan, trấn thủ Thuận Hoá, chấm dứt cuộc phân tranh Nam – Bắc triều hơn 200 năm, Tả quân Lê Văn Duyệt, dũng tướng bẩm sinh ái nam ái nữ, công thần triều Nguyễn nay vẫn được chiêm bái và thờ cúng tại Gia Định.

Các nhà sử học công nhận rằng Hoạn quan tại Việt Nam xuất hiện sớm nhất vào đời nhà Lý. Chức tước này dần biến đổi theo các triều đại và được chia làm năm trật vào đời nhà Nguyễn:

Quản vụ Thái giám và Điển sự Thái giám.
Kiểm sự Thái giám và Phụng nghi Thái giám.
Thừa vụ và Điển nô Thái giám.
Cung sự và Hộ nô Thái giám.
Cung phụng và Thừa biện Thái giám.

Ở Việt Nam dường như khi một đứa trẻ sinh ra là ái nam ái nữ là triều đình đã có lệnh khám giữ để sau này bộ Lễ sẽ tuyển vào trong cung khi 13 tuổi. Điều này cho thấy sự ưu tiên của chính quyền trong việc kén chọn Hoạn quan đối với thành phần này trong xã hội. Có một điều mà người ta tôn trọng những đứa bé này là làng nào có Hoạn quan thì sẽ được miễn binh lính, phu phen tạp dịch và sưu thuế, Đứa bé ái nam ái nữ được đẻ ra sẽ như một vị cứu tinh cho cả làng nghèo.

Những thời kỳ số ái nam ái nữ không đủ để tuyển dụng, những thanh niên tự nguyện thiến bộ phận sinh dục sẽ được trọng dụng.

Gọi là có thái giám nhưng tầng lớp này không hình thành rõ rệt và đặc trưng như ở Trung Hoa.
Thời Minh Mạng, thái giám không được dự vào một phẩm hàm gì cả trong cung, thế nên việc lo ngại họ làm loạn là gần như không có. Chính ông vua này đã cảnh báo trong bài dụ hiện còn ở Văn Miếu, Huế, trong đó có đoạn:

Đời sau dần dần không noi phép cổ, để bọn điêu đang tham chính nắm quyền, không khác cho chúng nắm gươm đằng chuôi, như bọn thập thường thị đời Hán, bọn trung quan đời Đường, bọn tứ hung đời Minh, cho đến lũ Hoàng Công Phụ đời Lê ở nước An Nam; cái thế của chúng nổi lên như lửa, những điều họa hại theo nhau đổ đến. Nguyên do là bởi ông vua đương thời làm đầu têu, thấy chúng dễ sai bảo nên yêu thích, rồi hết sức tin cậy, rốt cuộc quyền thế của chúng đã thành, không thề đè nén được. Dẫm sương biết sẽ có tuyết, gương đã rõ ràng...

Lịch sử đã ghi lại rằng nước Nam ta những người tài giỏi đều bị cống sang Trung Hoa và bị thiến để trở thành Hoạn quan, tiêu biểu trong đó có một người được nhắc tới trong sách Hoàng Minh thông ký đã có công vẽ kiểu công trình tu tạo thành Bắc Kinh và trị thuỷ sông Hoàng Hà là Nguyễn An, người quê Hà Đông. Ông làm quan nhiều đời bên Trung Quốc, tính tình liêm khiết được nể trọng. Ông bị bệnh và mất dọc đường đắp đê sông Hoàng Hà ở Trương Thụ (Sơn Đông) trong trận lụt lớn năm 1456. Lời trăng trối ông để lại là tất cả của cải của ông không được đem xây lăng mộ cho ông mà phải đem đi phát chẩn cho dân nghèo những nơi ông chưa kịp tới.

Dấu vết còn để lại của Hoạn quan là chùa Thái Giám tức chùa Từ Hiếu ở thành phố Huế. Cách trung tâm về hướng Tây Nam khoảng 1km, trong khuôn viên chùa có hẳn một nghĩa trang dành cho các Hoạn quan.

Nguyễn Hạnh

Tin liên quan

Các bài mới:

Các bài đã đăng:

 
< Trước   Tiếp >