Trang chủ arrow Tản mạn arrow HOẠN QUAN Ở TRUNG HOA
HOẠN QUAN Ở TRUNG HOA
14/12/2006
Image

Theo cách hiểu một cách thông thường từ trước đến nay thì Hoạn quan là những nam giới bị thiến mất bộ phận sinh dục để sử dụng phục vụ các phi tần trong hoàng cung. Không hẳn như thế, Hoạn quan còn có thể là những người bẩm sinh không có dương vật, dịch hoàn hoặc không có một trong hai thứ đó.
 
Thường thì những Hoạn quan là những tội phạm, tù binh bị cắt sinh thực khí, là những người tự nguyện xin được thiến để được nhập cung, mưu cầu phú quý hay là những người được coi là bị thiến để thành thứ cống phẩm của địa phương tiến cống vào cung đình.

Tra trong các thư tịch cổ, Hoạn quan qua các đời còn có nhiều tên như Thái Giám, Công Công, Tự Nhân, Yểm Nhân, Nội Thị, Thị Nhân, Yêm Hoạn Nhân, Hoạn Giả, Trung Quan, Nội Quan, Nội Thân, Nội Giám.v.v…

Nói đến Hoạn quan, người ta thường liên tưởng đến những người đàn ông thiểu năng trong tầng tầng lớp các vòng hoàng thành Trung Quốc. Thật vậy, ở đất nước có nền văn minh lâu đời này, Hoạn quan đã xuất hiện từ lâu.

Từ thời Tây Chu, các nhà học giả đã thấy xuất hiện những danh từ Tự Nhân, Hạng Nhân, Yêm Doãn, Nội Tiểu Thần…Thời đó ngay các nước Tề, Sở, Tần cũng đều có Hoạn quan dưới các tên gọi Hình Thần, Ty Cung. Thời Chiến Quốc, trong triều đình nước Triều có chức quan Hoạn giả coi việc trong cung. Chức Xa Phủ Lệnh đời Tần cũng chính là một chức danh dành cho Hoạn quan. Trong lịch sử còn ghi lại rằng có chức Trung Thừa Lệnh dành cho Hoạn quan làm Thừa tướng. Điều này cũng thấy trong sử nhà Tây Hán với những chức Hoàng Môn Lệnh, Dịch Đình Lệnh cho Hoạn quan đảm nhận.

Trong Nội Thị Tỉnh các đời nhà Tuỳ, Đường, Tống đều được đặt ra cho các Hoạn quan đảm nhận, trông coi các nội sự trong cung đình, trong các Hoạn quan thời kì này có một số người làm đến chức thống lãnh trực tiếp trong quân đội. Đời nhà Minh, người ta đặt ra các cơ quan là Nhị Thập Tứ Nha Môn đều do những Thái giám trông coi. Đến triều đại Thanh có đặt ra chức Thái Giám Tổng Quản trực thuộc Nội Vụ Phủ, cai quản các Thái Giám trong cung.

Hoạn quan là những người luôn có mặt bên các hoàng đế, chính vì thế mà họ có thể lợi dụng sự tin tưởng của hoàng gia mà trở nên lộng quyền, thậm chí vào những đời Hán, Đường, Minh đã có những thái giám chuyên quyền làm bậy, phế truất cả vua tôi.

Phải có sự phân biệt rõ ràng giữa hai danh từ Hoạn quan và thái giám. Ở thời kỳ đầu, Hoạn quan chỉ là những người phục dịch, hầu hạ trong hoàng gia và không nhất thiết phải là người bị thiến. Khi Lưu Tú đời Đông Hán khôi phục lại Hán thất, ông ta đã ra lệnh các Hoạn quan phải là người bị thiến. Lịch sử ghi lại việc Tư Mã Thiên vì bênh vực bại tướng là Lý Lăng đã bị khép tội Cung hình, tuy nhiên không thể gọi Tư Mã Thiên là Hoạn quan.

Các chuyên gia cho rằng từ “Thái giám” xuất hiện sớm nhất vào năm  Nhâm Tuất 662, niên hiệu Long Sóc thứ hai đời Đường Cao Tông Lý Trị với việc đổi tên “Giám thành trung ngự” thành “Thái giám” và “Thiếu giám”.

Đến đầu thời Minh, mỗi nha môn trong bộ máy trung ương hoàng gia đều phải có một thái giám cai quản và tất yếu phải là người bị thiến. Từ ấy đã hình thành sự lu mờ từ nguyên và lẫn lộn nét nghĩa của hai từ Hoạn quan và thái giám. Thời nhà Minh cũng đánh dấu sự lộng hành của Hoạn quan khi các hoàng đế ra những quyết định mở rộng quyền thế cho tầng lớp này việc cai quản quân đội, giám sát quan lại, dân tình…

Đời nhà Thanh, để kiềm chế những điều tiêu cực mà đội ngũ thái giám gây ra trong hoàng cung, người ta đã đặt ra chức Tổng quản thái giám thuộc Nội vụ phủ và giới hạn tước vị đến Tứ phẩm để hạn chế quyền lực của thái giám.

Ở Trung Hoa, tầng lớp Hoạn quan đã được chứng minh là có những ảnh hưởng làm lũng đoạn bộ máy chính quyền. Sự qua đời của thái giám cuối cùng Tôn Diệu Đinh năm 1996 đã kết thúc những gì để lại của Hoạn quan ở Trung Quốc.

Nguyễn Hạnh

Tin liên quan

Các bài mới:

Các bài đã đăng:

 
< Trước   Tiếp >