Trang chủ arrow Tản mạn arrow ÔNG NGÁO ỘP
ÔNG NGÁO ỘP
09/12/2006
Image

Trong những sản phẩm tưởng tượng thì Ông Ngáo Ộp cũng là một nhân vật quen thuộc. Đối với một đứa trẻ không ngoan, lời dọa dẫm về Ông Ngáo Ộp hay Ông Ngoáo Ộp sẽ tạo cho đứa trẻ con một hình ảnh nhân vật ác độc hay ăn thịt trẻ con.
 

Có nhiều lời giải thích về lai lịch Ông Ngáo Ộp, ví như sự liên hệ của nhân vật này với cụ Ngáo, một tay đao phủ ở cố đô Huế hồi cuối thế kỷ 19. Ở xứ sở này, người ta hay kể về cụ Ngáo như một huyền thoại để hù dọa trẻ con. Ông Ngáo là người trực tiếp chặt đầu tội nhân, ngay cả người lớn cứng vía cũng còn cảm thấy ghê rợn khi nhìn thấy cảnh cụ múa quyền vung dao đưa những đường ngọt sắc khiến những cái đầu lâu vẫn còn in đậm sự kinh hoàng lăn long lóc.

Điều thứ hai ở cụ Ngáo là cụ đi đâu người ta cũng biết. Cụ chưa vào tới xóm thì từ đầu xóm tới cuối xóm chó đã sủa vang. Bọn chó quay đầu về phía cụ mà sủa ông ổng, đánh thức cả xóm dậy. Nghe chó đồng loạt sủa dữ dội như thế, người ta đoán là cụ Ngáo đang tới. Người ta nói vì cụ Ngáo thường ăn thịt chó nên chó mới sủa dữ dội như vậy. Đó là chó sủa báo động cho nhau! Vậy thì khi một người bị nhiều con chó châu vào sủa, người đó có ăn thịt chó hay không?
Cũng vì cụ Ngáo có những tính cách đặc biệt như thế nên cụ trở thành một Ông Ngáo Ộp của trẻ con Huế. Khi chúng nó khóc, thay vì dọa Ông Ngáo Ộp, người mẹ nói: “Tề! cụ Ngáo ở ngoài vách tề! Cụ vô bắt đó!” Đã từng bị đe dọa, có thể có đứa biết cụ là kẻ thường chém người, ăn thịt trẻ con (điều này người ta thêm thắt vào) và ăn thịt chó nên đứa bé nín khóc.

Trong tiếng Quảng Đông có một danh từ là Ngao Hồ Bà, một nhân vật người lớn vùng Lưỡng Quảng hay dùng để dọa trẻ con. Tôi nhiều lần tự hỏi phải chăng đó chính là từ nguyên của Ông Ngáo Ộp.

Có lẽ sẽ là điều lý thú khi các chuyên gia ngôn ngữ vào cuộc để trả lời cho chúng ta về thân thế và lai lịch thực sự của nhân vật này.

Nguyễn Hạnh

Tin liên quan

Các bài mới:

Các bài đã đăng:

 
< Trước   Tiếp >