Trang chủ arrow Tản mạn arrow CHO ANH CHÚT KHÓI TƯƠNG TƯ
CHO ANH CHÚT KHÓI TƯƠNG TƯ
03/12/2006
Image

Đời Hy Tông nhà Minh, người ta thấy trẻ con hát câu đồng dao:

“Thiên hạ binh khởi, biến địa giai yên”
Thiên hạ khởi binh, khắp chốn khói lan.

Chẳng bao lâu sau thì người đất Mân, Phúc Kiến có loại cây ấy đốt lên có khói gọi là Yên, hút vào có thể trừ được bệnh Hàn khí xâm nhập…

Sách Thuyết Linh có chép: “Thuốc có khói tức Yên Diệp, sinh tại đất Mân, người ta dám lấy cả một con ngựa để đổi lấy một cân, nghe nói mắc bệnh Hàn không nó không chữa được”.

Cuối đời vua Sùng Trinh, năm Quí Mùi (1643), có lệnh cấm thuốc Yên diệp, ai trồng vụng trộm thì chắc chắn tội nặng, nhưng một phần thuốc ấy chữa được bệnh Hàn lại có mối lời cao nên sau triều đình lại bỏ lệnh cấm.

Ở vùng Mân Chiết, thuốc lá trồng bạt ngàn, trẻ con phụ nữ cũng hút rất chí thú. Cuốn Vân Đài Loại Ngữ của nhà bác học lỗi lạc Lê Quí Đôn có thấy ghi chép: “Cây thuốc lá hút vốn sinh tại đất LuCon (Lã Tống), thực tên là Tạm Ba Cô tức tên Tây Dương là Tobacco” . Đây chính là thứ cây mọc ở cạnh bờ nước như cây Lan mà sách Xích Kinh Hoặc Vấn nói đến như là thứ thuốc khói hút vào say sưa như uống rượu.

Ở xứ Việt Nam, thuốc Yên diệp có từ đời vua Thần Tông nhà Lê, đời Cảnh Trị, năm Ất Tị. Đó là khoảng thời gian vua hạ lệnh cấm hút thuốc, họ còn giấu giếm hút trộm trong ống tre cột nhà làm cháy cả hàng dãy phố, thế cho nên mới có câu: “Yêu ai như thể thuốc lào, đã chôn điếu xuống lại đào điếu lên”. Có lẽ danh từ thuốc lào cũng nhen nhóm từ thời đó.

Có một câu chuyện vui là khi một nhà khoa học Liên Xô cũ hỏi hai cán bộ ta ý kiến về Bảo tàng âm thanh Moscou, sau một hồi kiểm tra tất cả các thứ âm thanh đã được sưu tầm, mọi người mới phát hiện ra là còn thiếu một thứ tiếng thật đặc trưng đó là tiếng rít thuốc lào của nông dân vùng Bắc bộ Việt Nam. Những buổi sáng về quê, nghe âm hưởng này vang lên khắp xóm đồng loạt từ vách nhà này sang liếp nhà kia, người ta biết đó chính là khoảnh khắc báo một ngày lao động mới đã đến.

Thuốc lào có tên khoa học làNicotiana rusticum L. Cây thuốc lào có lá to đơn nguyên, mọc so le, mềm, có lông dính, dùng chế thuốc hút. Nếu nhìn thoáng qua thì cây thuốc lào hao hao cây thuốc lá nhưng cách hút khác nhau, không thể đem thuốc lá thành thuốc lào hoặc ngược lại. Thuốc lào hút bằng điếu (điếu ống. điếu bát, điếu cày) hoặc được ăn cùng với cau và trầu không (ăn trầu thuốc). Người hút thuốc lào và ăn trầu thuốc thường bị say như điếu đổ.Thuốc lào trồng nhiều ở Tiên Lãng, Vĩnh Bảo (Hải Phòng), Thụy Anh (Thái Bình), mỗi một địa phương hút một khác.

Có nơi thuốc được cuộn và một mẩu lá chuối, hoặc mẩu giấy hình con sâu kèn gọi là hút sâu kèn. Ở miền núi Quảng Bình, nhân dân cuộn lá thuốc lại thành từng điếu dài mà hút. Người Việt Nam xưa chủ yếu hút thuốc lào. Có những địa phương đàn bà cũng hút không kém nam giới. Hút thuốc lào phải dùng các loại ống điếu như điếu bát thông dụng trong hầu hết các gia đình, điếu ống dùng trong những gia đình quyền quý, điếu cày thường thấy ở tầng lớp nông dân, thợ làm công nghèo. Điếu cày đơn giản là một khúc ống tre dài tuỳ từng vùng, khoét lỗ để tra nõ điếu gọt bằng gỗ. Hút bằng điếu cày vị thuốc rất đậm. Điếu bát hình tròn như quả bưởi non bằng sành hay sứ, đặt trong một cái bát bằng gỗ tiện hoặc bằng sứ men trắng có trang trí hoa văn thường là xanh trắng. Điếu bát có nõ điếu và guốc điếu bằng kim khí hoặc gỗ tiện, xung quanh có nạm những vòng đồng hoặc bạc rất đẹp kèm xe điếu là một ống trúc nhỏ, thẳng, hoặc có nhiều đốt, dài khoảng nửa mét. Điếu ống đặc biệt hơn. Đó là một ống tròn bằng gỗ, hoặc một ống bương, cao khoảng 30cm. Gỗ làm điếu phải là gỗ quý (gụ, trắc) khảm xà cừ công phu. Điếu bịt bạc, vách điếu giát bạc, đai và quai điếu làm bằng bạc. Xe điếu là một cành trúc đốt ngắn. Có chiếc dài đến 2m. Người ta đổ nước vào các loại điếu này đến gần nõ điếu để khi hút khói thuốc thấm qua hơi nước giảm bớt độ gắt và khói độc vào cơ thể, vì thế khi hút có tiếng kêu lọc sọc, nổ giòn. Điếu cùng với cơi trầu và bộ đồ trà là đồ dùng tiếp khách của mỗi gia đình.

Năm Mậu Dần (1578), đời vua Càn Long, ở Trung Hoa, có người tên là Ngô Nghị Khác soạn ra cuốn Bản thảo tùng tân, cho các loại thuốc hút bằng cỏ có tính cay, nóng, trị được các chứng Phong Hàn, tê thấp, trệ khí, đọng đờm, tránh lam sơn chướng khí. Mỗi lần hút vào, khói thuốc đi khắp cơ thể làm thông khoái, thay được Rượu Chè, cả đời không chán, người đời còn gọi là cỏ thương nhớ tức Tương Tư Thảo.Theo kinh nghiệm của những người đi rừng núi, thuốc lào còn có tác dụng chữa rắn độc cắn rất hữu hiệu.

Có một lần đi vùng Vân Nam, tôi nhìn thấy nhân dân ở đây hút một loại thuốc lá với chiếc điếu tre lớn với chiếc nõ ống cực dài, trong lòng nhớ đến chiếc điếu Ục khổng lồ của đồng bào miền núi Việt Nam. Nhìn ông chủ nhà điềm nhiên hút cái điếu nghe nói bằng thứ gỗ trên núi cao với đáy và miệng được bịt đồng, quanh thân có các vòng đồng nhỏ, tôi hỏi mua và được nhận lấy một cái giá khá “Hổ Cốt” là khoảng hơn 1000.000 VND ( Một Triệu Đồng Việt Nam). Loại điếu này rất to nên người khoẻ hút mới thú vì hết được khói. Một anh bạn tôi là anh Lộc, từng sống lâu năm với đồng bào dân tộc ven biên cho biết, nếu hút khéo thì một mồi châm ở điếu Ục có thể đủ cho hai đến ba người hút. Thủ thuật hút kiểu này được sáng tạo để tiết kiệm, như vậy một gói thuốc lào sẽ hút được lâu hơn bình thường rất nhiều.

Một chiếc điếu đẹp, thường là do những nghệ nhân hay những người tù cần mẫn làm trong lúc rỗi rãi, trở thành đồ săn của nhiều người vì rất quí và độc đáo, chỉ treo trong nhà đã được coi là một thứ đồ trang trí đầy nghệ thuật rồi. Thế cho nên nhiều người coi chiếc điếu như vật bất li thân, một người bạn đường đáng nâng niu, trân trọng. Điều đó cũng dễ hiểu là làm sao danh tướng Cô-Zắc Tarax- Bunba chỉ vì quay lại tìm chiếc tẩu quí đánh rơi bên vách núi mà sa vào tay quân Ba Lan hung hãn đang truy đuổi đằng sau.

Những chiếc điếu không thể làm vật tin đánh rơi cho các chàng trai đang yêu khao khát như chiếc Khăn Piêu hay chiếc “Mút-xoa” của các công nương châu Âu kiều diễm, như rõ ràng với cánh đàn ông, nó đã làm được điều ấy.

Nguyễn Hạnh


Tin liên quan

Các bài mới:

Các bài đã đăng:

 
< Trước