Trang chủ arrow Tản mạn arrow CHỢ VIỀNG
CHỢ VIỀNG
15/11/2006
Image

Người ta hay nói đến chợ Viềng, nhưng không phải ai cũng biết rằng ở tỉnh Nam Định có tới bốn chợ có cái tên này. Chợ Viềng Phủ vẫn được coi là chợ đông vui nhất trong số các chợ Viềng. Người đi chợ Viềng đều chung lý do cầu may, cầu tài, cầu phúc, cầu lộc, cầu mưa thuận gió hoà.... Mỗi năm chợ chỉ họp vào ngày mùng 8 tháng giêng. Thú chơi chợ Viềng từ lâu đã được khách thập phương hâm mộ.

Theo các nguồn tài liệu, chợ Viềng Phủ đã xuất hiện từ xa xưa. Năm Tự Đức thứ III (1850), Trần Văn Giai đã viết trong "Tiên Hương xã tục lệ" (Hương ước làng Tiên Hương) rằng: "Ngày mùng 8 tháng giêng có một chợ phiên, tục hiệu Thiên Tiên Thị, tục danh là chợ Viềng". Năm 1893, đốc học Nam Định Nguyễn Ôn Ngọc cũng đã nhắc tới chợ Viềng trong "Nam Định dư địa chí mục lục". Riêng từ "Viềng" rất khó xác định nghĩa vì không thấy trong các tư liệu nào nhắc tới. Nhưng cũng có giả thiết cho rằng "Viềng" là âm đọc chệch của từ "Vàng" (vàng mã), liên hệ với cách giải thích "chợ Viềng là chợ vàng mã" bởi các chợ Viềng thường gắn các sinh hoạt ở các đền, chùa, lăng, phủ...

Ngày nay ở chợ Viềng Phủ người ta buôn bán chủ yếu là cây, con giống, nông cụ, công cụ sinh hoạt gia đình, những đồ cũ kĩ. Người bán và người mua mua bán với tính chất cầu may. Ai đến đây đều mong mua và bán được một thứ gì đó. Đi chơi chợ Viềng Phủ, du khách còn được thưởng thức hai đặc sản: Thịt bê thui và mía Đường Trèo (Thanh Hoá) gọi là Cam Giá, tên gọi một danh hiệu của đức Phật. 

Có đến vài chợ Viềng ở Nam Định nhưng chợ mua bán đồ cũ để cầu may là chợ Viềng ở Nam Trực. Chợ Viềng là một tập quán hoạt động tương đối đặc biệt và mỗi năm chỉ được diễn ra vào đêm mùng 7 Tết.

"Chợ Viềng năm có một phiên
 Cái nón em đội, cũng tiền anh mua".

Ở khoảnh khắc đêm mùng 7 sang ngày mùng 8, người ta đi chợ như lạc vào một bầu không khí lãng mạn, nên thơ nhưng không kém phần cổ kính, thần bí.

Nguyễn Hạnh


Tin liên quan

Các bài mới:

Các bài đã đăng:

 
< Trước   Tiếp >