Trang chủ arrow Tản mạn arrow VĂN CHƯƠNG
VĂN CHƯƠNG
05/11/2006

Image

Ai đọc thơ Đường cũng đều không quên bài thơ của Giả Đảo (793-865):

“Tuyệt cú
 Nhị cú tam niên đắc
 Nhất ngâm song lệ thùy
Tri âm như bất thưởng
 Qui ngọa cố sơn thu”.

 
“Tuyệt cú
 Hai câu làm mất ba năm
 Một ngâm lã chã hai hàng lệ rơi
 Tri âm nếu chẳng đoái hoài
Trở về núi cũ nằm dài với thu”
(Trần Trọng San dịch)
 
Bài thơ hay vì tâm trạng nhà thơ và vì qua đó ta còn học được sự lao tâm khổ tứ trong việc sáng tác: Ba năm mà làm được hai câu thơ! Chứ đâu phải thơ là cứ “xuất khẩu thành thi”, “thất bộ thành thi”.
 
 Giả Đảo làm thơ là thế. Lần khác, một đêm trăng, nhà thơ đến chơi nhà bạn. Cảnh trăng quê đẹp khiến Giả Đảo cảm hứng, nghĩ ra hai câu thơ:
 
 “Điểu tức trì biên thụ
 Tăng thôi nguyệt hạ môn”
 (Chim ngủ cây bên ao
 Sư dưới trăng đẩy cửa)
 
Tứ thơ đến mau lẹ và như thế là có hồn rồi nhưng còn chữ dùng thì phải cân nhắc thêm: Nên dùng chữ “thôi” hay chữ nào khác? Một tia sáng lóe trong đầu nhà thơ: Thế là chữ “xao”. “Tăng xao nguyệt hạ môn”. Tác giả cứ chân bước, mồm lẩm nhẩm đọc, khi thì “Tăng thôi...” khi thì “Tăng xao...”. Và còn làm cả động tác huơ tay, đưa tay ra nữa. Người đi đường thấy, biết ông là thi sĩ Giả Đảo, nhưng rất lạ về những động tác của ông. Thi sĩ đang chân bước, mồm lẩm nhẩm, tay không yên thì đánh rầm một cái: Ông đâm sâờm vào một xe đang ngược chiều. Người ta thất kinh, chạy đến cứu ông, đỡ ông dậy, may là bị thương nhẹ thôi. Ông cố bước tới xin lỗi người ngồi trên xe và nhận ra vị ấy là Hàn Dũ làm Kinh triệu doãn kiêm Ngự sử Đại phu, nổi tiếng một thi hào thời bấy giờ. Hàn Dũ hỏi chuyện, khen tài thơ, sự lao động sáng tạo của Giả Đảo và còn “nghiêm túc” góp ý nữa:
 
Hai câu thơ đã hay rồi, nhưng nếu dùng chữ cho đắc thì còn hay hơn nữa. Chữ “Thôi” là đẩy, chữ “Xao” là gõ. Đẩy thì chỉ tả động tác, còn gõ thì vừa động tác vừa âm thanh, nên chăng gõ phải “đắc” hơn.
 
Đến đây hai câu thơ của Giả Đảo đã “thập thành”:
 
 “Điểu tức trì biên thụ
 Tăng xao nguyệt hạ môn”
 (Chim ngủ cây bên ao
 Sư dưới trăng gõ cửa)
 
Và chuyện “Văn chương thôi xao” được nói nhiều từ đây, “Thôi xao” đã trở thành một thuật ngữ dùng trong văn học để chỉ công việc lao động trên trang viết của nhà văn, nhà thơ.
 
Nguyễn Hạnh (Theo tư liệu văn học)

Tin liên quan

Các bài mới:

Các bài đã đăng:

 
< Trước   Tiếp >