Trang chủ arrow Trang chủ
HIỆN THÂN CỦA NƯỚC VÀ CẢNH QUAN NÔNG THÔN VIỆT NAM
05/11/2006
Image

Không một dân tộc nào lại phủ nhận tác dụng của nước. Từ lâu người ta đã nhận ra nước là một thành phần cơ bản trong thế giới với thuyết Ngũ hành ở phương Đông và thuyết Đất, Nước, Gió, Lửa trong triết học phương Tây.

 


Trước khi trái đất có diện mạo như ngày nay thì thế giới đã phải trải qua những cơn mưa kéo dài hàng triệu năm. Chừng ấy cũng đủ thấy nước đã gắn bó với sinh giới như thế nào. Điều cần nói là mỗi dân tộc đều có một kí ức và tập quán sử dụng nước riêng. Và người Việt chúng ta cũng như vậy. Thế nhưng chắc chắn khi tôi nói ra điều vừa rồi thì sẽ có bạn thắc mắc ngay là vậy thì những cái tôi vừa nói ở trên thể hiện ở đâu trong tâm thức người Việt. Vậy bạn hãy theo tôi ra ngoài vườn tham quan nhé:

Ao

Trong quần thể nhà ở người Việt cổ thì Ao chuôm là một trong những nhân tố cơ bản. Nó đã ăn sâu vào chúng ta từ khi thơ bé cho đến lúc trưởng thành, đi vào trong thơ ca của bao thế hệ. “Một giọt máu đào hơn ao nước lã”, câu nói về tính ruột thịt không biết tự lúc nào đã là câu nói cửa miệng của cả dân tộc Việt Nam.

Trong kho tàng thơ Đường, người ta thấy trong bài Tuyệt Cú của nhà thơ Giả Đảo có câu:

“Phá khước thiên gia tác nhất trì, bất tài đào lý chủng tường vi” (Phá hết nghìn nhà lập một ao, trồng hường lại bỏ mận cùng đào”.

Mới đọc những câu thơ ấy chúng ta không thể hiểu tại sao tác giả lại phá nhà để làm ao. Nhưng nếu tìm hiểu kĩ thì ta thấy đây chính là cách xây nhà của người xưa. Cách xây nhà ấy rất phù hợp với những cư dân vùng đồng bằng chiêm chũng như người Việt.

Cả một quá trình thiên di từ trung du đến đồng bằng, người Việt cổ phải chống chọi với những trận lũ lụt triền miên. Mỗi lần lũ qua, cả cánh đồng lại mênh mông trắng xoá, nước cuốn trôi hết hoa màu, nhà cửa, cây cối điêu tàn ngả nghiêng. Giải pháp lúc này đặt ra là lấy đất tôn nền và chỗ đất vét đi để tôn nền sẽ để lại một chỗ trũng trong vườn đó chính là cái ao.

Một cách giải thích khác là khi Ông Gióng đánh đuổi giặc Ân, những chỗ chân con ngựa sắt khổng lồ dẫm xuống đã trở thành vô số ao chuôm trên khắp một vùng châu thổ sông Hồng. Sự hiện diện của cái ao đã tạo ra một chỗ nghỉ chân trong không gian của những ngôi làng Việt. Nếu như ở thủ đô Hà Nội, Hồ Gươm được coi là chiếc máy điều hoà nhiệt độ tự nhiên khổng lồ thì ở chốn thôn quê đó là những cái ao xinh xắn. Bên bờ ao, phong cảnh lý tưởng là những khóm tre, bụi chuối…, là nơi tự tình của những đôi trai gái đêm trăng trong tiếng vi vu sáo trúc.

Ao cũng là nơi thả bèo, nơi những cô Tấm hái sen, giặt lụa, hình dáng yêu kiều nghiêng nghiêng soi bóng. Ở sân chùa, ao là nơi tịnh thanh sen, súng, nơi “Cá nghe kinh” lững lờ chờ một ngày hoá về nước Phật.

Bác Hồ, nhà văn hoá tư tưởng vĩ đại của nhân loại tuy đã bôn ba bốn bể năm châu nhưng người từ chối cảnh phồn hoa đô hội để về sống trong căn nhà nhỏ bên chiếc ao nhà tung tăng đàn cá. Ao Việt Nam, ao cá Bác Hồ đã là một trong những biểu tượng của lối sống Việt, văn hoá Việt.

Giếng

Có những mối tình bắt nguồn bên bờ giếng giữa những anh Xe và cô Sen trong xã hội cũ. Vậy thì những gì nên thơ đã nhen mầm từ đây. Đây là nguồn nước ăn chủ yếu của người Việt ta xưa kia. Ta có thể thấy những giếng làng được xây khá công phu, kè cẩn thận, có bậc lên xuống để nước luôn trong cho cả làng sử dụng. Thậm chí có nơi người ta còn xây cả những chiếc giếng cạnh gốc đa đầu làng để người đi làm đồng về có chỗ nghỉ ngơi, rửa ráy, hóng mát.

Có một loại giếng vuông đặc biệt. Đây là loại giếng có lát gỗ lim dưới đáy và hàng năm những người dân trong làng lại tiến hành lễ thau giếng, giống như trước đây cuối năm người Hà Nội có lễ thau bể và tắm tất niên vậy.

Giếng còn được xây ở trong chùa và mọi người trong làng đều tôn trọng nó. Những giếng thiêng như thường được những người già rất quí trọng và đem pha trà vì họ tin rằng như thế trà sẽ ngon hơn.

Ở một số vùng đồng bằng, nhân dân còn đào những giếng trên những gò đất nổi giữa hồ hay ao lớn. Loại giếng này là một hệ lọc nước thấm theo chiều ngang để có một nguồn nước sạch cho sinh hoạt.

Cùng với ao làng, giếng làng là một bộ phận khăng khít và hoàn chỉnh trong tổng thể kết cấu không gian của làng quê cổ truyền Việt Nam. Ao làng và giếng làng cùng với luỹ tre xanh, đường làng, cổng làng, đình chùa làng với bóng đa cổ thụ đã tạo nên một không gian sinh thái tuyệt vời của làng quê Việt Nam.

Giếng khơi là loại giếng đào sâu hàng chục thước trong lòng đất. Đây là loại giếng sử dụng nguồn nước ngầm hợp vệ sinh. Những bằng chứng khảo cổ học đã cho thấy giếng khơi đã có ở Việt Nam trên hai nghìn năm nay. Ở vùng đồng bằng cao và trung du thuở trước, giếng khơi là nguồn nước phổ biến.

Bể nước và chum nước

Một hình thức trữ nước phổ biến khác ở người Việt đó là trữ nước mưa trong các bể nước, chum, hay lu, vại.

Từ ngàn xưa, nhân dân ta đã biết hứng nước mưa từ trên ngọn cau và nước mưa theo thân cau được dẫn vào chum vại đặt dưới gốc cây. Nước mưa từ trên trời không bị bụi bặm rơi xuống những tàu lá cau tươi như miệng một chiếc phễu cao chót vót, chảy dọc theo thân cây rồi dẫn vào những chum vại hứng dưới gốc là một nguồn nước trời cho tinh khiết.

Xưa kia dân ta còn nghèo, nhà tranh vách đất. Mái nhà tranh lâu ngày mục nát nên nếu có hứng nước mưa từ mái tranh cũng chẳng thể ăn được. Người nông dân nghèo cũng không có đủ tiền để mua nhiều chum vại, xây bể chứa và không có nhà mái ngói mái bằng thì làm sao mà hứng được nước mưa. Thuở xưa, chỉ có nhà giàu mới có tiền xây được nhà gạch mái ngói và bể nước. Có nhà giàu xây bể nước lớn đủ ăn và tắm giặt quanh năm.

Ở làng quê Việt, xưa kia dân số không đông lắm, nhà thường có vườn, hệ thống chuồng lợn chuồng trâu bò thường làm xa nhà. Đi từ nhà này sang nhà khác không phải đâu đâu cũng có đường gạch. Tắm giặt thì thường tắm sông hoặc tắm ao... vì thế, nước thải đổ ra thường được thấm ngay xuống đất, nước thải sinh hoạt không trở thành vấn đề quan trọng lắm. Ở một số làng, dân cư sống tương đối tập trung, nhà nọ sát nhà kia và cả làng chung nhau một vài con ngõ nhỏ thì những lạch nước nhỏ bên cạnh đường làng lát gạch là nơi thoát nước của mỗi nhà. Hệ thống cống rãnh này rất sơ khai và cũng chỉ đủ để tiêu nước trong làng ra đồng hoặc ra những khu đất trũng rồi tự huỷ.

Ở một số công trình đô thị cổ như những khu di tích đô thị cổ đời Trần, (khu Hoàng Thành Thăng Long, Di chỉ khảo cổ vùng Kiếp Bạc Hải Dương hay Gia Lâm Hà Nội...) các nhà khảo cổ học đã tìm thấy nhiều di tích của những hệ thống cống thoát nước khá quy mô làm bằng đất nung. Điều đó chứng tỏ rằng từ hàng ngàn năm trước, khi xây dựng đô thị, ông cha ta đã có quy hoạch nhà cửa đất đai và hệ thống tiêu nước thải khá chu đáo và hiệu quả.

Trong thời kỳ đô thị hoá nhanh chóng ngày nay, người dân ở thủ đô thế hệ sau khó mà còn nhìn lại được cảnh cây đa giếng nước. Những không gian vườn theo kiểu thôn quê Việt Nam trở nên quý vô cùng.

Nguyễn Hạnh


Tin liên quan

Các bài mới:

Các bài đã đăng:

 
< Trước   Tiếp >