Trang chủ arrow Tản mạn arrow CHỢ
CHỢ
17/09/2006
Image

Nếu nói về một quốc gia thì chợ là một thành phần không thể thiếu được. Loài người chúng ta có nhà nơi ngày ngày đi về thì chợ là nơi giao tiếp và mua bán và trao đổi, hầu hết mọi hoạt động kinh tế đều diễn ra ở đây. Ở Việt Nam, chợ có rất nhiều và có những đặc thù đáng nói.
 
Chợ quê.

Ở nông thôn Việt Nam, thường mỗi xã hoặc một vài làng liền kề nhau có một cái chợ. Đây là nơi trao đổi hàng hoá của cư dân địa phương. Chợ đặt ở làng nào, xã nào thì thường lấy tên của làng, xã ấy mà gọi. Nói nôm na đó là loại chợ quê. Quang cảnh chợ quê rất đơn giản, vài cái lều lợp gianh, lợp lá trên mấy chiếc cột siêu vẹo. Có khi cũng chẳng có lều quán mà chỉ là một bãi đất trống. Người bán hàng bày hàng thành lối, thành dãy hai bên lối đi. Chủng loại hàng hoá, đa phần là những sản vật địa phương do vậy mà thay đổi theo mùa vụ.

Chợ quê cũng có sự “ phân cấp” một cách tự nhiên thành chợ làng, chợ xã, chợ huyện chợ tỉnh…Người ta gọi chợ theo cấp hành chính và qui mô chợ cũng từ đó mà to dần lên. Ngày nay chỉ còn dấu vết chợ quê ở làng, xã, còn chợ huyện, chợ tỉnh thì hầu như đã biến thành những trung tâm buôn bán lớn trong vùng. Do nhu cầu trao đổi, mua bán nên ngày nào cũng họp chợ. Vì vậy mà mất đi những phiên chợ truyền thống ngày trước.

Xét về hình thức thì chợ quê có hai loại, chợ Phiên và chợ Hôm. Chợ Phiên họp vào những ngày theo một chu kì nhất định. Khi nói chợ họp ngày ba và ngày tám thì có nghĩa là chợ đó có phiên họp vào ngày mùng ba, ngày mùng tám, mười ba, mười tám, hai ba, hai tám hàng tháng (theo âm lịch). Gần đây nhiều chợ họp chọn ngày chủ nhật làm phiên họp chính. Phiên chợ chính bao giờ cũng đông người hơn phiên chợ xép (chợ không đúng phiên). Ngoài những sản phẩm địa phương, ở chợ phiên mặt hàng đa dạng hơn bởi sự góp mặt của các hàng công nghiệp đắt tiền.

Chợ Hôm, ngày nào cũng họp. Người mua người bán chỉ thưa thớt, trao đổi những hàng thiết yếu hàng ngày, hàng tươi sống như rau, quả, dầu, muối, tôm, cá, trứng…Chợ thường họp vào buổi sáng sớm hay chiều. Nếu chợ họp vào buổi chiều thì gọi là chợ chiều.
 
Chợ vùng cao.

Vùng cao là những vùng đất có nhiều đồi, núi cao- thường là nơi sinh sống của những dân tộc ít người. Chợ ở những vùng này thường họp theo phiên. Người đi chợ mặc những bộ trang phục đẹp, hăm hở trèo đèo, leo dốc, lội suối, đi cả ngày đường, có khi đi đến mấy ngày. Họ đến chợ bằng ngựa hoặc chính đôi chân của mình. Hiện nay, một số nơi có điều kiện họ có thể đến chợ bằng nhiều phương tiện khác.

Chợ ở những vùng này, ngoài sản vật địa phương còn có nhiều hàng hoá khác như dầu, muối, cá khô, vải, giấy…từ dưới xuôi mang đến, từ các địa phương khác mang về. Chính vì vậy mà phiên chợ ở đây từ lâu đã là nhu cầu giao lưu kinh tế của vùng.Chợ họp thường chỉ một ngày, nhưng có nhiều người đến chợ từ nhiều ngày trước để gặp bạn, múa hát, thổi khèn, thổi sáo, vui chơi cùng bạn bè. Họ hát múa từ chiều tới tối khuya có khi suốt cả một đêm. Vui nhất là những thanh niên nam nữ. Họ đến chợ là đến nơi hò hẹn tìm hiểu, kết bạn... Chính vì vậy mà chợ ở đây không chỉ là nơi mua bán mà còn là nơi giao lưu, sinh hoạt văn hoá của cộng đồng.

Chợ nổi miền Tây Nam bộ.

Gọi là chợ nổi vì chợ họp ở trên sông. Giữa một vùng sông nước bao la là hàng trăm chiếc ghe, xuồng của người dân quanh vùng về đây tụ tập mua bán.Chợ họp suốt cả ngày, nhưng nhộn nhịp nhất là vào buổi sáng. Thuyền, ghe tấp nập đi lại, luồn lách trên mặt nước. Tiếng chào hàng, tiếng cười nói gọi nhau, tiếng nổ của động cơ…Làm vang động cả một vùng, thật nhộn nhịp và sôi động. Trên thuyền chất đầy hàng hoá, nhiều nhất vẫn là trái cây, mùa nào thức ấy: Chôm chôm, xoài, cam, quýt, bưởi, măng cụt, sầu riêng…, sản vật của vùng sông nước kênh rạch như: cá, rùa, rắn, cua, tôm, chim đồng, bông súng, rau tươi…Chủ nhân vài ghe, thuyền treo lủng lẳng vài thứ trái cây, hàng hoá hay một bảng hiệu quảng cáo trên chiếc sào nơi thuyền của mình, cái cao cái thấp, cái thẳng cái nghiêng thật là lạ mắt.

Các loại dịch vụ ăn uống, hớt tóc, may vá…cũng diễn ra ngay trên ghe, xuồng, rất tiện dụng và dường như có thể thoả mãn tất cả mọi nhu cầu mua sắm, sinh hoạt đời thường của người dân vùng này.

Các chợ nổi lớn của vùng miền Tây như Phụng Hiệp, Ngã Bảy, Phong Điền, Cái Răng, Cái Bè…Phần lớn hàng hoá ở đây được bán sỉ cho những thương nhân rồi từ đó chuyển đi khắp nơi thậm chí Hà Nội. Chợ nổi là nét sinh hoạt độc đáo của người dân vùng châu thổ sông Cửu Long.

Chợ Âm Dương.

Nghe đến cái tên chợ đã có vẻ huyền bí, nhưng nó là có thật. Chợ nằm ở địa phận làng Ó, xã Võ Cường-thị xã Bắc Ninh. Mỗi năm, chợ chỉ họp một lần vào đêm mùng 4 rạng ngày mùng 5 Tết (tháng giêng âm lịch). Tương truyền nơi đây xa xưa là bãi chiến trường do đó có nhiều người chết. Chợ họp là để tạo cơ hội cho người chết và người sống gặp nhau. Chợ bắt đầu họp vào lúc lên đèn, trên một bãi đất trống, cạnh một ngôi miếu có tiếng là linh thiêng. Không có lều,quán, không sử dụng đèn, nến. Nhiều người đi chợ mang một con gà đen đã được chăm sóc cẩn thận làm vật tế thànThành Hoàng làng. Trong chợ cũng có những dãy hàng mã, hương, nến, cau, trầu…

Ở đây, người mua không mặc cả, người bán không đếm tiền. Trong bóng đêm, chỉ thấy bóng người đi lại và tiếng thì thào. Người ta “Mua may bán rủi”. Người cõi trần đi chợ với người ở cõi âm, ở đầu chợ, người ta đặt một chậu nước để coi tiền dương tiền âm. Có người sớm hôm sau kiểm tra lại thì ra trong túi đựng tiền chỉ là vỏ hến, lá đa thậm chí cả một mẩu yếm sồi. Họ đều rất vui vẻ vì coi đó là dịp làm điều phúc, điều thiện với người đã khuất. Chợ tan ngay trong đêm.
Sau khi tan chợ, những người đi chợ mời nhau uống nước, ăn trầu và hát quan họ tới sáng bảnh. Đây chính là một nét sinh hoạt văn hoá mang màu sắc tín ngưỡng dân gian vùng Kinh Bắc. Bởi họ quan niệm rằng có như vậy thì việc làm ăn và mùa vụ năm đó mới hanh thông, âu đó cũng là ước mơ chân chính nhỏ nhoi trên sức lao động của chính mình.

Chợ xuân Gia Lạc.

Trong ba ngày Tết ở tất cả các vùng quê hay thành thi khác, chợ thường đều ngừng mua bán để mọi người nghỉ Tết. Thế nhưng có một chợ trên lãnh thổ Việt Nam lại mở vào những ngày này và chỉ họp trong ba ngày Tết mà thôi. Đó chính là chợ Gia Lạc-Huế.Theo nghĩa Hán, Gia Lạc có nghĩa là nhà nhà vui tươi hoặc xét theo nghĩa đồng âm là là thêm niềm vui. Như vậy, chợ này lập ra để tăng thêm nguồn vui cho những ngày Nguyên Đán.

Chợ có từ năm 1826 thời vua Minh Mạng(1820-1840) do con thứ tư của vua Gia Long là Định Viễn Công Nguyễn Phước Bình lập ra bên bờ sông Hương. Lúc đầu chợ chỉ là nơi vui chơi, trao đổi hàng hoá của hoàng tộc. Nhưng sau thấy vui, những người dân quanh vùng cũng đến mua với các trò chơi dân gian. Do vậy vô hình chung thì chợ này dần dần trở thành một hình thức hội chợ Xuân.

Địa điểm họp chợ tại ngã ba giáp ranh làng Nam Phổ, nơi nổi tiếng vì món bánh canh Huế, trên hai nẻo đường một về Dương Nỗ, một về Ngọc Anh, cách trung tâm thành phố Huế khoảng 3km, cách bờ sông Hương khoảng 300m. Đối diện với chợ Dinh bên kia sông Hương.

Hàng hoá trong chợ rất phong phú, từ những đồ chơi con trẻ, đồ ăn, thức uống… đa phần là sản vật địa phương: Cau Nam Phổ, trầu chợ Dinh (trầu hương). Đồ chơi cho con trẻ là chim, cá, trái cây, con giống, ông Trạng cưỡi ngựa, Bà Trưng cưỡi voi… Tất cả đều làm từ chất liệu dân gian: Bột sắn, bột gạo nhuộm màu hay đất sét. Thức ăn có rất nhiều thứ nhưng một món mà không bao giờ thiếu là thịt bò thui.Chợ Gia Lạc còn là điểm tập trung vui chơi trong ba ngày Tết với các trò chơi dân gian như: Bài chòi, bài ghế, hò giã gạo, bài thai, bài vụ, cua cá…Trang phục trong chợ thường là trang phục đẹp. Nữ giới thường đi chợ ăn vận theo lối cổ truyền mớ ba mớ năm. Mọi người đến đây rất dễ tính, văn minh lịch sự. Riêng tại các hàng bán hoa người ta có tục kiêng hai từ “Mua, Bán” mà thay bằng “Biếu, Tặng”. Tuyệt nhiên không thấy có hiện tượng cãi cọ trong chợ.

Nếu nói về phong cách rõ nét Huế, xin hãy một lần đến Gia Lạc để tự mình kết luận theo cách của mình.
 

Tin liên quan

Các bài mới:

Các bài đã đăng:

 
< Trước   Tiếp >