Trang chủ arrow Dược học arrow GẤU - MỘT NẠN NHÂN - MỘT VỊ THUỐC
GẤU - MỘT NẠN NHÂN - MỘT VỊ THUỐC
17/10/2006

 

 Gấu có hai loại Bi và Hùng. Trong văn học cổ tượng trưng cho việc sinh con trai. Còn ngày nay, chúng còn có lắm chuyện để bàn nữa...

 

A.Một vài điều liên quan.

 

 a.Thực trạng về loài Gấu hiện nay. 

Gấu là một trong những loài động vật hoang dã có nguy cơ tuyệt chủng cao nhất hiện nay ở Việt Nam. Chúng bị săn bắt và nuôi nhốt để đáp ứng nhu cầu mật rất lớn trên thị trường hiện nay. Công ước quốc tế CITES đã xếp gấu chó và gấu ngựa vào danh sách các loài cấm buôn bán. Nghị định 18/1992 và 48/2003 quy định hai loài trên là động vật quý hiếm, cấm săn bắt, trao đổi và khai thác. Chỉ thị số 359/1996 cấm nuôi nhốt gấu ở Việt Nam.

Mật gấu là chất tiêu hoá do gan tiết ra và được dự trữ trong túi mật. Trước đây, mật gấu được lấy bằng cách giết gấu hoang rồi lấy túi mật của nó. Khi gấu hoang ngày càng khan hiếm trong những thập kỷ gần đây, mật gấu trở nên cực kỳ đắt đối với phần lớn người Trung Quốc. Tuy nhiên, vào những năm 1980, một số nông dân nước này tiếp thu một kỹ thuật từ CHDCND Triều Tiên, trích mật của gấu nhốt mà không giết chúng. Gấu được đặt vào những chiếc lồng có kích cỡ không lớn hơn chúng là bao. Một vết cắt được tạo ra ở bụng gấu và một ống thông (bằng cao su hoặc nhựa) được lồng vào túi mật. Sau đó, mật được hút ra thông qua ống. Thế là có mật đem bán. 

 

Hiệp hội Trung Quốc về khoa học y dược và trái đất đã chỉ ra rằng có 54 loài thảo dược và chất tổng hợp có thể thay thế mật gấu với giá rẻ hơn, hiệu quả và sẵn có hơn.


Theo Liên minh bảo tồn thế giới (IUCN), hiện có tám loài gấu còn tồn tại trên trái đất, sinh sống ở bốn châu lục: gấu trúc (Trung Quốc); gấu ngựa (Đông Nam Á, Nam và Đông Á); gấu chó (Nam châu Á); gấu bốn mắt (vùng Andean của Nam Mỹ), gấu lợn (Đông Nam châu Á), gấu nâu (châu Âu, Trung Á, Nga, Nhật Bản và Bắc Mỹ), gấu đen châu Mỹ (Bắc Mỹ), và gấu Bắc cực.

 

Năm loài đầu tiên bị đe dọa nhiều nhất. Ngoại trừ gấu đen châu Mỹ cũng như gấu nâu ở Alaska, Canada và Nga, các loài còn lại đều suy giảm về số lượng cũng như sự phân bố do tác động của con người. Các hoạt động của con người ảnh hưởng tới gấu là phát quang rừng lấy đất canh tác, sự định cư của con người trong khu vực có gấu sinh sống và khai thác rừng quá mức. Hoạt động giết gấu không có kiểm soát để giải trí, lấy các bộ phận làm thuốc, bảo vệ mùa màng hoặc gia súc đã làm số lượng gấu giảm mạnh. Các mối đe doạ lớn nhất đối với gấu nằm ở châu Á, Trung Đông và Nam Mỹ.

 

Ngoài việc đối mặt với tất cả những mối đe doạ nói trên, gấu châu Á (gấu trúc, gấu lợn, gấu ngựa và gấu chó) đặc biệt lâm nguy do con người thiếu hiểu biết về tình trạng, sự phân bố, số lượng và những điều kiện cần để chúng sinh tồn trong tự nhiên. Theo IUCN, nhiều nhóm gấu trong khu vực sẽ biến mất trước khi chúng được ghi nhận. Trong số tám loài gấu chỉ có gấu trúc là không bị săn bắt để lấy mật. Tổ chức bảo tồn thiên nhiên hoang dã (WWF) cho biết hiện còn khoảng 1.000 con gấu trúc trong tự nhiên sinh sống ở các dãy núi phía Tây Trung Quốc.

b.Tình hình một số loài Gấu phổ thông trên thế giới

1.Gấu ngựa

Ít nhất 18 nước châu Á liên quan tới việc buôn bán các bộ phận của gấu, chủ yếu nhằm phục vụ y học truyền thống. Tại nhiều nước trong khu vực, sử dụng mật gấu là một bộ phận lâu đời của y học truyền thống cổ xưa nhằm làm 'mát' các căn bệnh 'nóng'. Kết quả là mặc dù việc buôn bán và sở hữu các bộ phận của gấu bị ngăn cấm hoặc hạn chế song luật thường không được thực thi. Do hoạt động buôn bán bị cấm nên giá của chúng thường rất cao, tạo ra lợi nhuận tiềm năng lớn tới mức bọn săn bắt trộm, thương gia cũng như chủ cửa hiệu thuốc truyền thống vẫn liều lĩnh buôn bán, bất chấp có thể bị phạt tù. Tại Việt Nam, một chiếc tay phải của gấu rừng lớn dùng để ngâm rượu được bán với giá trên 10 triệu đồng ở thị trường chợ đen.

2.Gấu nâu

Có người nói: 'Một trong những lo ngại là do Trung Quốc đang sản xuất hoàng loạt mật gấu và họ đang tìm kiếm một thị trường bất hợp pháp. Họ cung cấp sản phẩm mật gấu không chỉ ở Trung Quốc mà còn khắp thế giới và vô tình tạo ra nhu cầu mà trước đây chưa từng có. Kết quả là nhiều người muốn mua sản phẩm này. Rõ ràng là nếu có cơ hội kiếm tiền từ mật gấu, nhiều tay thợ săn đang giết cả gấu đen, gấu nâu và gấu Bắc cực để lấy mật bán cho các cộng đồng châu Á'. Một gam mật gấu ở Trung Quốc có giá chưa tới 0,25 USD song trên thị trường quốc tế mức này là 20 USD/gam.

Mặc dù bọn săn trộm săn gấu để lấy các bộ phận có giá trị song phần quý nhất là túi mật. Y học cổ truyền Trung Quốc coi muối mật trong túi mật gấu là một loại thuốc cực mạnh. Muối mật có giá trị tới mức tại thị trường châu Á, một túi mật có thể lên tới 4.000 USD hoặc hơn thế. Theo các bác sĩ châu Á, muối mật có thể cứu các bệnh về ruột, gan, sốt và tim mạch. Trái ngược với quan điểm ở phương Tây, mật gấu không được coi là thuốc kích dục. Nghiên cứu lâm sàng cho thấy mật gấu không hiệu quả trong việc giải độc cho gan, trị co thắt, chất chống ho, trị sưng tấy do va đập, hoà tan sỏi mật, sỏi thận, chữa bệnh dạ dày và giảm sốt. Vuốt, chân, răng và lông gấu cũng có giá trị tại các thị trường ở châu Á, Bắc Mỹ và châu Âu.


3.Gấu đen châu Mỹ

Các tổ chức nói trên đang phát triển các dự án hợp tác với một số nước có gấu ngựa, gấu chó, gấu bốn mắt và gấu nâu châu Á để đào tạo các nhà quản lý địa phương có hiểu biết và kinh nghiệm về gấu cũng như nhằm phát triển kế hoạch quản lý. Điều này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng tại các nước chưa có số liệu thống kế về gấu như Indonesia, Malaysia, Thái Lan, lào, Việt Nam, Myanmar và tại các nước có nhiều gấu như Trung Quốc, vùng viễn Đông của Nga, Ecuador, Bolivia và Peru.

IUCN còn khuyến cáo, các nước nên tăng cường công tác quản lý xuyên biên giới vì nhiều nhóm gấu còn lại cũng như môi trường sống của chúng nằm ở các vùng biên giới quốc tế chẳng hạn như Peru-Bolivia-Ecuador, Columbia-Venezuela, Lào-Vietnam, Hy Lạp-Bulgaria-Macedonia-Albania, Pháp Tây Ban Nha. 
 

4. Gấu Bắc cực

Riêng các nước có nhu cầu tiêu dùng cao đối với các sản phẩm từ gấu, cần phải nỗ lực giảm thiểu việc sử dụng mật gấu nhỏ lẻ để đảm bảo nguồn cung hạn chế có sẵn khi cần. Ngoài ra, các nước châu Á nhập khẩu mật gấu nên giáo dục cho người dân về hiệu quả của các chất tự nhiên nhằm giảm nhu cầu mật gấu. Các quốc gia tồn tại hoạt động xuất khẩu các bộ phận của gấu bất hợp pháp phải tăng cường thực thi pháp luật, áp dụng hình phạt nghiêm khác đối với buôn bán gấu và yêu cầu sự trợ giúp của cộng đồng quốc tế nếu cần.

B.Gấu - Vị thuốc Đông Y

1. Xương Gấu

Tên khoa học: Os Ursi. 

Tên khác: Hùng cốt (TQ) – Os d’ours (Pháp).

Mô tả con vật: Gấu là một loài động vật có vú khá lớn, loài gấu trắng Bắc Cực, gấu nâu vùng ôn đới, nặng trên 300kg, đứng cao gần 2m, trông dữ tợn, đầu to, tai bé,mũi hơi nhọn, công thức răng của gấu giống chó: 42 răng, bốn chân ngắn, 2 chân sau dài và phát triển hơn 2 chân trước, có thể đi, đứng, chạy, thường thì 4 chân, có bộ móng vuốt phát triển, trèo leo lên cây rất giỏi, bơi lội suối, ăn tạp, ăn cá, lá, hoa quả,rất thích đồ ngọt: mật ong, múi và sơ mít.

 

Đuôi ngắn, lông dày, đen, nâu đen (gấu Bắc cực lông trắng), Gấu trúc (Panda) thuộc loại rất quý hiếm.

Gấu sống hoang dại các rừng từ ôn đới, nhiệt đới (gấu trắng vùng tuyết), châu Âu, Á, Mỹ ... Ở nước ta, gấu sống hoang dại trong rừng ăn tạp, cả thịt, cá. Gấu nuôi dễ hơn các thú khác, do thích ăn của ngọt (như bánh, mật o­ng, sirô, đường...).Ta hay gặp gấu ngựa (selenarctos thibetanus G. Cuvier), ngoài ra còn có gấu chó, gấu đen, gấu xám.

 

Ngày nay đã được nuôi ở vườn thú, rạp xiếc, mới đây còn được nuôi để lấy mật. Nuôi gấu rất dễ, gần như nuôi lợn, nếu thêm đường, mật...gấu ăn rất khoẻ.

 

Xương gấu không thấy ghi trong các tài liệu Trung Quốc như Dược điển, dược tài học, Trung dược chí...Người ta thường dùng xương gấu để nấu phối hợp với xương hổ, hoặc nấu riêng xương gấu thành cao gấu. Hiện nay, Xí nghiệp dược phẩm nấu cao gấu đóng gói thành từng miếng 100g.

 

Cao gấu có tác dụng bồi bổ khí huyết tư tổn, chân lạnh đau buốt (cước khí), gân xương nhức mỏi, trẻ em trúng phong, chân tay co giật.

 

Ngoài ra xương và tay Gấu cũng rất được ưa chuộng. Người ta dùng nó để ngâm rượu uống và gọi là Hùng Chưởng tửu, quan niệm loại rượu này giúp tăng thêm sức lực chốn phòng The.

 

Một người có nhiều năm kinh nghiệm nấu cao hổ cốt bật mí: Xương gấu giống xương hổ nhất, lại rẻ hơn nên thường được sử dụng. Tuy nhiên, để không bị phát hiện, họ có cả một công nghệ phù phép, đánh bóng, gọt giũa. 

 

2.Mật Gấu

Bộ phận dùng: Cả cái mật đã chế biến khô của nhiều loài gấu (Fel Ursi) còn gọi là Hùng đởm (TQ), Bile d’ours (Pháp) – Bear gall (Anh). Đã được ghi vào Dược điển Việt Nam (1997).

Theo PGS-TS y học Dương Trọng Hiếu thì: Mật gấu, y học cổ truyền gọi là hùng đởm. Nhiều người đã biết về mật gấu, cũng nhiều người đã dùng mật gấu rồi truyền miệng mật gấu tốt, chữa nhiều bệnh nan y. Nhưng cũng có nhiều người chê bai vì đã bị phản ứng lở ngứa phải đi cấp cứu. Muốn lấy được mật, người ta phải mổ bụng con gấu, hút mật rồi “neo” túi mật lại thành bụng, đánh dấu vị trí, sau đó khâu lại. Những lần hút sau chỉ cần chọc kim vào đúng vị trí và hút mật ra.

 

Tuy nhiên, kỹ thuật này bây giờ không còn phổ biến nữa do túi mật không cố định được một chỗ, phải mổ đi mổ lại nhiều lần, gấu bị “giảm thọ”. Hiện nay lấy mật gấu theo hướng dẫn của máy siêu âm được ưa chuộng nhất bởi sự đơn giản, tiện lợi và quan trọng là không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe của gấu. Con gấu sau khi bị gây mê, người ta dùng máy siêu âm quét bên mạng sườn của nó, khi thấy rõ túi mật thì chọc kim vào hút. Trung bình mỗi lần lấy khoảng 50-120cc từ gấu nuôi, mỗi năm lấy 2-4 lần.

 

Giờ đây người ta thu hoạch mật gấu quanh năm, về mùa đông thì lượng mật nhiều nhất, mùa xuân thì chất lượng tốt nhất (có lần ở một con gấu nặng 93kg lấy được 88,5kg mật tươi).

 

Trước khi kia săn bắn, giết gấu, người ta thường mổ lấy mật, buộc chặt ống dẫn mật lại treo nơi thoáng gió, khô mát hoặc làm khô trong bình hút ẩm có thủy phần dưới 15p100.

Ngày nay, để bảo vệ động vật khỏi bị diệt chủng mỗi khi lấy mật phải giết gấu, hơn nữa để bảo đảm chất lượng không bị giả mạo, nhất là mật gấu rất đắt tiền và khó kiểm nghiệm, người ta còn nuôi gấu, tiến hành phẫu thuật khi con gấu đang sống, rối cắm ống dẫn lưu vào túi mật để lấy mật chủ động số lượng và định kỳ.

Trung bình 1 con gấu 1 năm có thể rút được 1-2kg mật (tương đương 15-30 con gấu).

 

Thành phần hoá học: Trong mật gấu, sơ bộ có các chất.

 

Muối kim loại của các acid cholic. Cholesterol.

 

Sắc tố mật như billirubin.

 

Các acid cholic trong mật gấu có acid cholic, acid chenodesoxycholic, acid ursodexycholic. Riêng acid ursodesoxycholic được coi là thành phần đặc trưng của mật gấu (độ chảy 202oC, độ quay cực +57.07).

 

Công dụng: Theo đông y, Mật gấu vị đắng, tính lạnh. Vào 3 kinh tâm, can, vị. Có tác dụng thanh huyết, sát khuẩn, làm tan sỏi mật.Uống chữa các chứng bệnh thấp nhiệt, hoàng đản (vàng da), hồi hộp, sợ hãi, co dúm, lỵ lâu ngày, đau mắt đỏ kéo mạng, đau răng, trĩ dò, mụn nhọt, sỏi mật.

 

Ngoài ra còn dùng làm thuốc giúp tiêu hoá, giảm đau, trấn kinh, chữa trẻ em kinh phong, người khi bị trấn thương.

 

Còn dùng điểm vào mắt, dán ngoài chỗ bị trĩ dò.

 

Acid ursodesoxycholic chống co thắt, chữa 1 số bệnh gan, mật, làm tan sỏi mật, không gây ỉa chảy, không làm tăng transaminase.

 

Liều dùng: 0,5 – 2g (mật gấu).

 

Lưu ý: Không thuộc chứng thực nhiệt không dùng.

Phụ chú:

Một số cách thử mật gấu:

Cảm quan:

 

Nếm lúc đầu thấy đắng, sau thấy ngọt mát và dính lưỡi, ngậm lâu sẽ tan hết trong miệng. Mật những động vật khác không dính lưỡi, múi tình, nếm đắng mà không mát, nhìn không bóng, bẻ không giòn.

 

Lấy vài hạt, mảnh, mật gấu thả trên mặt nước sẽ thấy hạt mật gấu quay tròn rồi chìm xuống đáy. Có sợi màu vàng buông thẳng xuống đáy dưới cốc nước không toả ra - Phản ứng mầu, theo phương pháp hoá học: Các phản ứng Pettenkofer, phản ứng Lieberman – Surchard, chỉ có một tính chất định tính, không định lượng.

 

Nói chung những cách thử trên chỉ có tính chất tham khảo, mua trực tiếp là biện pháp bảo đảm nhất.

Bảo quản: Để nơi khô mát.

C. Thay lời kết

Trong tháng 10/2004, ngôi sao nhạc nhẹ của Việt Nam, ca sỹ Mỹ Linh đã xuất hiện trên truyền hình trong một đoạn phim ngắn kêu gọi mọi người không sử dụng mật gấu và các sản phẩm làm từ gấu. Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (Education for Nature VietNam-ENV), với sự tài trợ của các tổ chức quốc tế đã thực hiện đoạn phim ngắn này. Không chỉ ở VN, gấu đã trở thành một vấn  đề mà cả cộng đồng quốc tế đang quan tâm.

Nguyễn Hạnh (Từ nhiều tư liệu)


Tin liên quan

Các bài mới:

Các bài đã đăng:

 
< Trước   Tiếp >