Trang chủ arrow Đông y khái luận arrow Tỳ kinh
Tỳ kinh
08/12/2021

 
Tính của nó là Tín, ứng với quẻ Khôn, cho nên vẽ sáu vạch ngang ngắn, thuộc phía Tây nam, cung Thìn, Tuất, Sửu, Mùi.

Tỳ kinh có bệnh thì thấy các chứng trướng đầy, thủy thũng, hoàng đản, tiêu trung (ăn uống được mà không sinh ra thịt), hay đói, hay khát, môi khô, miệng lở, đầy bụng, ỉa chảy, ăn không được, hoặc ăn vào không tiêu, sôi bụng, có báng tích, ăn xong chân tay mỏi mệt rã rời, hoặc ăn ít hay đói, chân tay mất sức, nhiệt uất ngủ mê man, hay lo buồn mất ngủ. Tỳ có đờm thịnh thì đờm đặc vàng, tinh thần vảng vất như người say rượu, khí yếu hay nằm, thịt đau mặt vàng, chân thũng, mình nóng, miệng ngọt; cùng các chứng dương khí hãm xuống; trẻ em mạn kinh.

Cách dùng thuốc:

Bổ khí dùng Sâm Kỳ; bổ nguyên dương của hậu thiên để giúp sức mạnh cho quẻ Càn (thuộc Phế) thì dùng Bạch truật; ôn trung, hòa trung dùng Chích thảo; thấm thấp ở Thổ phạt tà ở Mộc thì dùng Phục linh; bổ ích trung khí thì dùng Sơn dược, Liên nhục, Ý dĩ, Ích trí; điều hòa Tỳ thì dùng Long nhãn, Đại táo; ôn trung thì dùng Ổi khương, Bào khương, Quan quế, Đinh hương, Sa nhân; trừ khử hàn ở trung tiêu thì dùng Can khương, Phụ tử, Hồ tiêu; làm cho tỉnh Tỳ thì dùng Tảo nhân; thanh đờm thì dùng Bán hạ; chỉ tả thì dùng Đậu khấu, Biển đậu; thông hành khí trệ thì dùng Trần bì, Chỉ xác; làm tiêu đầy bụng thì dùng Trầm hương, Mộc hương; san bằng gò đống (chứng Tỳ tích) thì dùng Thương truật, Hậu phác; làm tiêu cốc khí thì dùng Mạch nha, Thần khúc, làm tiêu chất thịt và hoa quả tích lại thì dùng Sơn tra; (tả Tỳ khí thì dùng thuốc hàn vì mọi khí hàn thì đều hay hại Tỳ).

Chứng Tỳ âm: (Âm được gặp âm thì mạnh thêm).

Chứng huyết hư, thì đêm nặng ngày nhẹ, đói mà không muốn ăn, buồn rầu ảo não, nước dãi trào ra, đại tiện khô khó đi, hoặc vì buồn rầu lo nghĩ, mất ngủ mà sinh ra chứng hư đầy hơi (hư trướng), đã dùng nhiều thuốc cay thơm hành khí mà không có hiệu quả, thì nên bổ Tỳ âm, nên kíp dùng Qui Thục để bổ huyết, Bạch thược để liễm âm, Táo nhân để làm tỉnh Tỳ khí như các bài Thất vị hoàn, Tả qui hoàn, Quy tỳ thang, đều nên lựa chọn mà dùng. Trong thuốc bổ khí nên dùng kèm thuốc nhuận.

Chứng Tỳ dương: (Dương được gặp dương thì mạnh thêm).

Chứng khí hư thì đêm nhẹ ngày nặng, ăn uống không tiêu, đờm nhiều mỏi mệt, da nóng, lòng bàn tay bàn chân và mỏ ác đều nóng, nên bổ Tỳ khí tức là bổ trung khí; cốt để cho hồi dương nên dùng Bạch truật, Can khương, Phụ tử, Đinh hương, Sa nhân như các bài Tứ quân thang, Phục thỏ hoàn, Đại kiện Tỳ hoàn, Dị công tán, Sâm linh bạch truật tán đều nên lựa chọn mà dùng, cùng với bài Bát vị hoàn để giúp cho Mệnh môn bổ thêm dương khí cho Tỳ thổ (Mệnh môn với Thận cùng ở một chỗ, đó là tạng thứ sáu. Lại có sách lấy Tâm bào lạc làm tạng thứ sáu mà không nói đến Mệnh môn).

Ngày nay chữa bệnh, chỉ biết những vị ưa thấp ghét táo, là thuốc để làm cho mạnh Tỳ, mà không hiểu rằng có Vị dương (chân dương của Vị) lại có Tỳ âm (chân âm của Tỳ). Hành Thổ phải có đủ đức Khôn nhu (mềm nhuận), nếu khô ráo thì không thể sinh ra mọi vật được. Bải Bổ trung riêng trọng dụng vị Đương qui là có ý nghĩa rất tinh diệu vậy.


Các bài mới:

Các bài đã đăng:

 
< Trước   Tiếp >