Trang chủ arrow Trang chủ
Các thể của con người theo truyền thống Ai Cập
10/01/2020
Truyền thống Ai Cập quan niệm rằng con người gồm có tám thể, mỗi thể có một nhiệm vụ đặc biệt, tương ứng với những cõi giới khác nhau.

Thể thứ nhất là xác (khat), tương ứng với cõi trần và là "căn nhà" của những thể khác.

Thể thứ hai là phách (ka), có nhiệm vụ như cây cầu liên lạc giữa thể xác với những thể kia. Thể phách chứa đựng kiến thức của con người, nó có thể hoạt động riêng biệt và thường mang hình dáng của thể xác. Sau khi chết, thể phách thường quanh quẩn trong mồ và có thể hưởng thụ những đồ vật cúng tế, nên người Ai Cập gọi hương hoa, đồ vật chôn cất theo người chết là sở hữu của phách.

Thể thứ ba là vía (khu), hiện hữu dưới trạng thái những chất hơi nên có thể thay đổi hình dạng thành các đốm sáng hay các hình ảnh mập mờ. Thể vía chứa đựng tình cảm và tương ứng với cõi Trung giới.

Thể thứ tư là hồn (ba) hay là phần tinh thần của con người, và tương ứng với cõi thượng giới. Khi sống, hồn cư ngụ trong trái tim, sau khi chết nó tiềm ẩn trong thể phách một thời gian trước khi siêu thoát lên cõi Thượng giới.

Thế thứ năm là sinh (ab) hay sự sống. Thiếu thể này người ta không thể sống được vì nó liên hệ đến việc vận chuyển năng lượng vũ trụ đến các thể. Người Ai Cập xem sinh như là năng lực của hồn vì nó là trung tâm liên lạc giữa các cõi giới.

Thể thứ sáu là thân (sekhem), một thể đặc biệt chỉ phát triển ở những người có đời sống tinh thần cao, đầy công phu tu luyện. Đối với những người thường, thể này không phát triển bao nhiêu. Sekhem còn có nghĩa là "đã hoàn toàn tự chủ" và thường được đồng hóa với chữ quyền năng. Thân thường được xem như tương ứng với cõi Thiên giới.

Thể thứ bảy là ký (khaibit), có nhiệm vụ lưu trữ, gìn giữ tất cả kinh nghiệm có tính chất tổng quan cũng như các ràng buộc giữa các cá nhân với nhau.

Thể thứ tám là danh (ren), chỉ lưu trú trải nghiệm riêng biệt có tính cá nhân và định hướng cho sự phát triển riêng từng cá nhân.

Các bài mới:

Các bài đã đăng:

 
< Trước   Tiếp >