Trang chủ arrow Tản mạn arrow ELÊNA PÊTRÔPNA BLAVATXCAIA
ELÊNA PÊTRÔPNA BLAVATXCAIA
07/05/2019

Vài lời giới thiệu về ELÊNA PÊTROONA BLAVATXCAIA
(Tác giả Học thuyết bí ẩn)

 

Elêna Pêtrôpna Blavatxcaia (họ thời con gái là Phôn Hen) sinh ngày 12 tháng 8 năm 1831 tại Ecaterinôxlav (bây giờ là Đơnheprôpêtroopxcơ). Bà mang trong mình ba dòng máu Pháp, Đức và Nga. Cha bà mang dòng dõi quý tộc Đức Hen Phôn. Bà ngoại là cháu nội của Banđrơ đơ Plexi, tín đồ của giáo phái Canvanh. Ông buộc phải rời Tổ quốc vì cuộc chiến tranh tôn giáo với đạo Kitô ở Pháp.

 Năm 1842 sau khi mẹ qua đời Elêna và người em gái Vêra sống với bà ngoại ở Xanratốp sau đó là Tuphlis. Chúng ta được biết rất ít về tuổi thơ của người sáng lập ra "Trung tâm Thần trí học" này. Dưới đây là một vài dòng viết về bà của người dì ruột Nagiegiơđa Anđrepna Phađêepna chỉ hơn bà có ba tuổi và cùng được nuôi dậy với bà: "Cháu gái tôi là một người vô cùng đặc biệt, không một ai có thể so sánh với cô ấy được. Cũng giống như những bé gái khác, cô thường quan sát xung quanh theo cách của mình cho đến khi đánh giá được chúng. Được giáo dục trong một gia đình nề nếp nhưng không bao giờ nói đến sự thông thái. Nhưng với trí thông minh đặc biệt, sự tinh tế, tính nhạy cảm cùng những ý nghĩ sắc sảo đã giúp cô hiểu, nắm bắt và lĩnh hội được những vấn đề vô cùng phức tạp, không đơn giản với những người bình thường, những cái đó kết hợp với tính hào hiệp, thẳng thắn và cởi mở đã nâng cô lên trên tầm hiểu biết chung của người bình thường nhưng không thể đưa cô tới những mối quan tâm chung của xã hội, điểu này đã khiến những kẻ nhỏ nhen có thái độ thù địch và ghen tị vì họ không chịu được sự chói sáng và những điều kỳ diệu của tự nhiên".

 Trong một bức thư khác Nagiegiơđa Anđrepna nhớ lại: "Từ khi còn rất nhỏ Elêna đã tỏ ra khác biệt với những đứa trẻ khác. Cô rất yêu đời, đầy tài năng, tỏ ra hài hước và gan dạ đến lạ lùng, cô làm mọi người sửng sốt bởi ý chí và quyết định của mình. Không có gì bắt được cô kính trọng được sự giả dối hay e sợ các ý kiến của xã hội. Lên sáu tuổi cô cao như đứa trẻ mười tuổi và có thể cưỡi bất cứ con ngựa Côdắc nào với cái yên đàn ông! Cô không kính phục những ai có quan điểm và đức hạnh được mọi người thừa nhận. Cô luôn tranh luận về mọi cái. Khi còn nhỏ cô dành tình cảm cho những người ở đẳng cấp dưới, cô thường chơi đùa với bọn trẻ đầy tớ, chúng gắn bó với cô suốt thời trẻ thơ và cô còn kết bạn cả với những đứa trẻ rách rưới trên đường phố".

 Người em gái VêraPêtơrôpna Gielikhôpxcaia đã viết về những niềm say mê tới những điều bí ẩn và lạ lùng trong tâm hồn của Elêna Blavatxcaia khi ở tuổi thiếu niên: "Chị ấy tìm được chỗ bí mật (những căn hầm dưới lòng đất hay đại loại như vậy) làm chỗ trú ẩn an toàn, ở đó chi thoát được những bài học được giao. Phải rất lâu sau bí mật của chị mới bị phát hiện. Chị ấy còn dùng những bàn, ghế hỏng để xây cho mình cái tháp chỗ góc cửa sổ dưới cái dầm bằng sắt, chị ấy ngồi trong đó hàng giờ liền để đọc những quyển sách nổi tiếng, ví dụ như cuốn Đức Sôlômông anh minh, trong đó nói về các truyền thuyết có tính răn dậy của các dân tộc khác nhau. Một vài lần mọi người vất vả mời tìm thấy chị ở căn hầm như mê cung dưới đất, chị ẩn vào trong đó để không ai tìm được mình. Chị đã không biết bao nhiêu lần cố giải thích với mọi người rằng chị không ở dưới đó một mình, dưới đó còn có cả các chú lùn cùng chơi với chị.

 Trí tưởng tượng vô cùng đặc biệt của chị gái tôi đã được thể hiện từ khi chị còn rất bé. Chị đã kể cho chúng tôi, những đứa bé hơn hàng giờ liền những câu chuyện rất khó tin là có thật với niềm tin sâu sắc rằng mình nói những điều biết rất rõ"
.

 Khi giới thiệu về tiểu sử nổi tiếng của Blavatxcaia, E.Pixarepva có nói về khả năng đặc biệt có một không hai của Blavatxcaia từ khi bà còn nhỏ: Chị ấy thường nhìn thấy bên cạnh mình một người rất uy nghi trong bộ áo choàng trắng của Ấn Độ giáo. Sau đó nhiều năm, năm 1851, trong buổi gặp mặt với những người Ấn Độ giáo... chị ấy đã nhận ra trong đó người mà chị thường thấy khi còn rất bé.

 Thời thơ ấu và tuổi thanh niên của Blavatxcaia luôn được người thân bao bọc, tuy họ không chia sẻ được những đam mê của bà nhưng họ đối với bà hết sức độ lượng, không gò ép bà bằng những răn dậy của mình. Nhưng đối với bà, cuộc sống người thân có phần nặng nề bởi bà luôn nghe thấy tiếng nói từ xa vọng tới và khao khát đến cháy bỏng muốn tìm lời giải cho những điều khiến bà xúc động. Trong tâm trí bà luôn hiện lên người trong bộ áo choàng trắng, người đó hiện diện bên cạnh bà rẩt gần gũi, còn hơn cả những người ruột thịt.

 Gia đình bà thuộc giới thượng lưu và bắt buộc phải làm lễ ra mắt cho bà trong giới quý tộc. Đó là những cuộc gặp gỡ và tiếp xúc nhàm chán. Và đó cũng là một trong những lý do khiến Elêna Pêtrôpna quyết định lấy viên tướng già N. Blavatxki mà không hề có tình yêu. Chắc chắn không bao giờ bà nghĩ đây là cuộc hôn nhân thực sự mà chỉ là cái cớ để bà có được tự do mà một cô gái chưa chồng không bao giờ có. Ba tháng sau ngày cưới, cô gái mười bảy tuổi chia tay người chồng và bắt đầu đi tới những miền đất xa xôi. Đó là mùa xuân năm 1849. Bà đã đi tới nhiều nước, sống nay đây mai đó và khát khao hướng tới thế giới tâm linh và Trí Vũ trụ.

 Từ năm 1849 đến năm 1872 bà đã tới rất nhiều nước như: Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập, Hy Lạp, Anh, Mỹ, Mêhicô, Nam Mỹ, Tây Ấn, thuộc địa Kapchi, Xâylan, Ấn Độ, Italia, Ban Căng, Xiri, Pháp, Đức.

 Đầu năm 1849 bà bắt đầu chuyến du ngoạn dài tới Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập và Hy Lạp (tiền chi phí cho chuyến đi do cha bà cung cấp).

 Như trên đã nói, năm 1951 tại Luân Đôn (về sự kiên này Blavatxcaia có nhắc đến trong ghi chép của mình) bà đã tình cờ gặp Thầy của mình, người trong bộ áo choàng trắng luôn hiện diện bên bà từ khi bà còn là cô bé con. Đây là lời kể của bá tước phu nhân Coonxxtanxia Vakhmaixter, người biết rất rõ Blavatxcaia trong những năm về sau:

 "Vào năm 1851 tại Luân Đôn trong một lần đi dạo, cô ấy hết sức ngạc nhiên khi thấy trên phố một người Ấn Độ cao, có những môn đồ vây xung quanh. Cô ấy lập tức nhận ra chính người mà cô đã từng thấy từ thời thơ ấu. Phản ứng đầu tiên của cô là chạy đến bên người đó để nói chuyện, nhưng người ấy ra hiệu cho cô không được động đậy. Và cô ấy đứng như bị mê hoặc cho tới khi người đó đi khuất. Ngày hôm sau, cô tới Hyde-Park một mình để suy nghĩ về điều lạ lùng đó. Bỗng nhiên ngoảnh lại sau cô thấy có người đến gần mình, người này được Thầy phái tới nói với cô rằng: Thầy cùng các môn đồ đến Luân Đôn để thực hiện một việc quan trọng là gặp cô, yêu cầu cô hợp tác với Thầy. Sau đó Thầy nói với cô về việc cần thiết thành lập Trung tâm Thần trí học và mong muốn cô sẽ là người sáng lập ra nó. Ông nói ngắn gọn về những trở ngại mà cô sẽ phải vượt qua và yêu cầu cô phải đến Tây Tạng ba năm để chuẩn bị cho công việc quan trọng này".

 Ngày 17 tháng 11 năm 1875 là ngày chính thức thành lập hội Thần trí học.

 Mục đích ban đầu của Hội là nghiên cứu các khoa học thần bí và triết học không chính thống cả về lý luận lẫn thực tiễn và phổ cập các kiến thức này trên toàn thế giới. Trong lời mở đầu cô viết: "...các nhà sáng lập hy vọng rằng việc thâm nhập vào các triết học cổ đại không chính thống ở mức độ sâu hơn so với tầm mức mà khoa học ngày nay đạt được, sẽ cho họ khả nặng thu được cho mình và cho các nhà nghiên cứu khác bằng chứng về sự tồn tại của một thế giới vô hình, hiểu được bản tính của các cư dân của thế giới đó, nếu như có họ, và các quy luật điều khiển họ và các quan hệ của họ với loài người chúng ta".

 Nhưng một thời gian sau mục đích của Hội lại được đặt ra như sau:

 1) Thành lập các hạt nhân của tình Huynh đệ trên toàn thế giới không phân biệt chủng tộc, dân tộc, giới tính, đẳng cấp và mầu da.

 2) Khích lệ việc nghiên cứu so sánh các tôn giáo, triết học và khoa học.

 3) Nghiên cứu các quy luật khác của tự nhiên và khả năng của sức lực con người.

 Trong thời gian này Blavatxcaia vừa hoạt động trong Hội Thần trí học vừa bắt tay vào viết cuốn Vạch mặt thần Isiđa. Trong cuốn sách này bà nghiên cứu lịch sử và triết học phương Đông và mối liên hệ của nó với các vấn đề hiện đại. Những vấn đề được đề cập trong cuốn sách này chưa hề được nghiên cứu hay được nêu ra trong bất cứ tác phẩm nào.

 Cuốn sách được xuất bản tháng chín năm 1877. Thành công của nó vượt quá sự mong đợi của bà.

 Sau đó một thời gian bà lại sang Ấn Độ. Tháng hai năm 1879 bà thiết lập Hội Sở chính của Hội Thần trí học tại Bom bay. Và cũng tại Bom bay tháng mười năm 1879 tạp chí đầu tiên của Hội Thần trí học The Theosophist do Blavatxcaia làm chủ bút đã ra đời. Tạp chí này hiện vẫn còn.

 Năm 1884 bà bắt tay vào viết tác phẩm lớn nhất của bà Học thuyết bí ẩn. Cuối năm 1888 tác phẩm được hoàn thành. Trong lời nói đầu bà viết: "Tôn giáo anh minh có di sản trên toàn thế giới".

 Vào năm sau tác phầm Chìa khóa của Thần trí học ra đời "trình bày một cách rõ ràng (dưới dạng hỏi và đáp) về luân lý, khoa học và triết học, và hội Thần trí học được thành lập để nghiên cứu những vấn đề đó".

 Tác phẩm cuối cùng của bà là Tiếng nói của Thinh không. Cuốn sách được hoàn thành năm 1889.

 Elêna Pêtơrốpna Blavatxcaia mất ngày tám tháng năm năm 1891 tại Luân Đôn. Để tưởng nhớ bà Hội Thần trí học trên thế giới đặt tên cho ngày ấy là Ngày sen trắng.

 Năm 1991 là 100 năm ngày mất của bà. Tổ chức UNESCO đã gọi năm 1991 là năm Elêna Blavatxcaia.

Các bài mới:

Các bài đã đăng:

 
< Trước   Tiếp >