Trang chủ arrow Đông y khái luận arrow Chương sáu mươi chín - KHÍ GIAO BIẾN LUẬN THIÊN
Chương sáu mươi chín - KHÍ GIAO BIẾN LUẬN THIÊN
25/01/2019
KINH VĂN

 Hoàng Đế hỏi:

 - Năm vận thay đổi chủ về năm, trên ứng với “thiên cơ” (cơ là năm); hàn thử nối nhau; chân tà cùng gặp. Nội ngoại phân ly; sáu kinh thay đổi, năm khí lần lượt, thái quá và bất cập, chuyên thắng và kiêm tinh… Xin cho biết rõ nguyên ủy ra làm sao?

Kỳ Bá thưa rằng:

 - Cần phải hiểu rõ khí và Vị. Vị ở trên trời là thiên văn; Vị ở dưới đất là địa lý; suốt với sự biến hóa của nhân khí, là nhân sự (việc của người. Hợp với trên là thiên văn, địa lý, nhân sự). Cho nên thái quá là đến trước thiên thời, bất cập là đến sau thiên thời. Do sự biến hóa đó, mà con người cũng ứng theo (2).

***

 Hoàng Đế hỏi:

 - Sự hóa của năm vận, thái quá như thế nào?

 Kỳ Bá thưa rằng:

 - Tuế thuộc Mộc mà thái quá, thì phong khí sẽ tràn lan; do đó, nó sẽ chế thắng Thổ khí, người sẽ ứng theo đó mà mắc bệnh ở Tỳ. Xôn tiết, ăn sút, thân thể nặng nề, phiền oan, trường minh, phúc chi mãn; ở trên thì ứng với Tuế tinh (3).

***

 Nếu bệnh nặng thì thường thường hay nộ, hoa mắt, chóng mặt, thuộc về chứng trạng ở đầu (4).

 Hỏa khí không thi hành được chính lệnh, sinh khí một mình phát triển, khiến cho mây khói tung bay, cỏ cây khôn lặng… Gây nên các chứng hiếp thống và thổ nhiều. Nếu mạch ở Xung dương mà tuyệt sẽ chết, không thể chữa. Trên ứng với sao Thái bạch (5).

***

 Tuế thuộc Hỏa mà thái quá, thì khí nóng tràn lan, khiến Kim Phế thụ tà, con người cũng phải ứng theo mà phát bệnh ngược (sốt rét, úi), thiểu khí, khái, suyễn, huyết giật, huyết tiết, chú bạ, ách táo (cuống họng ráo), tai điếc, trung nhiệt (nóng ở trong bụng); vai và lưng nhiệt; trên ứng với sao Huỳnh hoặc (6).

 Nếu quá lắm thì trong hung đau, hiếp chi mãn và đau ức, vai, cánh tay đều đau, mình nóng, xương đau, rồi biến thành tẩm râm (7).

 Cái khí thâu liễm không lưu hành, cái khí sinh trưởng riêng phát triển mưa nhiều, sương xuống, trên ứng với thần linh (VIII).

***

 Nếu thượng lâm Thiếu âm, Thiếu dương, thì lửa bốc nóng, suối nước cạn, mọi vật khô khan (9).

 Bệnh lại phát ra thiềm vong, cuồng tẩu, suyễn, khái, thở thành tiếng; bách xuống thành huyết tiết; tiết tả không dứt; mạch Thái uyên tuyệt, sẽ chết, không thể chữa. Trên ứng với sao Huỳnh hoặc (10).

***

 Tuế Thổ thuộc thái quá, thì mưa nhiều, khí ẩm thấp tràn lan. Con người cũng ứng theo, khiến Thận thủy bị tà, gây nên phúc thống, lãnh quyết, ý buồn bã không được vui, thân thể nặng nề, phiền oan. Trên ứng với Chấn tinh (11).

 Quá lắm thì thành ra cơ nhục nhão, chân yếu không tự cử động được (nuy); dưới chân đau; ăn uống kém sút, phúc mãn; tứ chi rã rời, biến sinh giữa khí đắc Vị (12).

 Tàng khí bị phục, hỏa khí làm chủ, sông nước tràn ngập, đầm khô có cá; mưa gió tơi bời, thối đất nát cỏ; cá tép lên cạn; phúc mãn, đường tiết; trường minh (bụng sôi), tả nhiều; nếu Thái khê mạch tuyệt sẽ chết, không thể chữa. Trên ứng với Tuế tinh (13).

***

 Tuế Kim thuộc thái quá, táo khí lưu hành, do đó Mộc sẽ thụ tà. Con người cũng ứng theo mà lưỡng hiếp và Thiếu phúc đau, mắt đỏ và đau; tai không nghe tiếng; khí túc sái càng lắm, khiến thân thể nặng nề và phiền oan; hung đau rút sang lưng; hai hiếp mãn và đau rút xuống Thiếu phúc. Trên ứng với sao Thái bạch (14).

 Quá lắm thì khái, suyễn và nghịch khí, kiên và bối đau; cầu âm (xương khu), cổ (vế), tất (gối), bễ (đùi), hành (ống chân) đều mắc bệnh. Trên ứng với sao Huỳnh hoặc (15).

 Thâm khí mạnh quá, sinh khí bị nhục, cỏ cây xơ xác vàng rụng; gây thêm bệnh bạo thống ở hai hiếp, không thể trở mình, khái nghịch, quá lắm thì huyết ràn. Thái xung mạch tuyệt, không thể chữa. Trên ứng với sao Thái bạch (16).

***

 Tuế Thủy thuộc thái quá, thì hàn khí lưu hành, tà sẽ làm hại Tâm hỏa. Con người cũng ứng theo mà mắc bệnh thân nhiệt, phiền Tâm, táo và quý; âm quyết cả trên dưới; trung hàn; thiềm vọng, Tâm thống. Hàn khí đến sớm. Trên ứng với Thần tinh (17).

 Quá lắm thì phúc đại, hĩnh thũng (xương ống chân sưng); suyễn khái; khi nằm hãn ra, ghét gió. Mưa to đến mây mù đen đặc. Trên ứng với Chấn tinh (18).

 Thượng lâm Thái dương, mưa đá, thỉnh thoảng tuyết sương giáng xuống; thấp khí là biến mọi vật; bệnh lại sinh ra phúc mãn; trường minh, đường tiết; ăn không tiêu, khát, hay chóng mặt. Thần môn mạch tuyệt, sẽ chết, không thể chữa. Trên ứng với sao Huỳnh hoặc (19).

***

 Hoàng Đế hỏi:

 - Về các năm bất cập, thì như thế nào?

 Kỳ Bá thưa rằng:

 - Tuế Mộc bất cập thì táo khí sẽ đại hành. Con người cũng ứng theo đó mà mắc bệnh trung thanh (lạnh ở bên trong). Khư hiếp đau, Thiếu phúc đau, trường minh, đường tiết, thường có lương vũ. Trên ứng với sao Thái bạch (20).

 - Nếu thượng lâm Dương minh, thì sinh khí sẽ mất sự phát triển; trên ứng với Thái bạch và Chấn tinh (21).

 Nếu “phục” thì óng bức bội thường, sẽ phát các chứng hàn, nhiệt, sương, dương, phí, chấn, ung, tòa v.v… Trên ứng với sao Huỳnh hoặc (22).

 Bạch lộ giáng sớm, khí thâu sái lưu hành; Tỳ thổ thụ tà, “xích khí” hóa sau, Tâm khí vãn trị, trên thắng Phế kim “bạc khí” sẽ bị khuất. Do đó phát sinh chứng “cừu” và “khái” (23).

***

 Tuế Hỏa bất cập, hàn khí đại hành, cái chính lệnh sinh trưởng không thể thi dụng. Con người cũng ứng theo đó mà mắc bệnh hung trung thống, hiếp chi mãn, lưỡng hiếp thống; ưng, bối, kiên, bễ, hai cánh tay đau; uất mạo, mông muội, Tâm thống, bạo ấm (bỗng dưng miệng không nói được); phúc đại, dưới hiếp và yêu, bối cùng rút mà đau, quá lắm thì co vào không duỗi ra được. Trên ứng với sao Huỳnh hoặc (24).

 “Phục” thì khí bốc mù mịt, thường có mưa to, hắc khí thụt xuống (hắc khí là thủy); người mắc bệnh đại tiện phân sống, phúc mãn, ăn uống không được; hàn trung (lạnh bên trong), sôi bụng, tả mạnh, bụng đau; bạo loạn (co gân) và nuy tý; chân đi không vững. Trên ứng với Chấn tinh và Thần tinh (25).

***

 Tuế Thổ bất cập phong khí sẽ đại hành. Hóa khí không thi hành được chính lệnh… Con người cũng ứng theo mà sinh chứng xôn tiết, hoắc loạn, cân cốt dao động (gân xương lay động, co giật), cơ nhục nhuận (cùng ở trong thịt), toan (nhức âm ỷ), hay nộ; Tàng khí làm việc, người mắc chứng hàn trung trên ứng với Tuế tinh, Chấn tinh (26).

 “Phục” thì cái chính lệnh thâu liễm gắt gao khiến người hung, hiếp bạo thống, rút xuống Thiếu phúc; hay thở dài, khi khách vào Tỳ, ăn uống kém sút mà không biết ngon (27).

 “Thượng lâm” Quyết âm; Tàng khí không hiệu dụng được, bạch khí do đó không phục, dân được yên toàn (28).

***

 Tuế Kim bất cập, viêm hỏa sẽ lưu hành, sinh khí do đó dụng được trường khí để chuyên thắng, con người cũng ứng theo đó mà phát bệnh, đau ở kiên bối, đầu cứ muốn quỵ xuống, hay hắt hơi, đại tiện ra huyết, khí thâu liễm mãi về sau mới phát triển. Trên ứng với sao Thái bạch (29).

 Nếu “phục” thì mưa lạnh trút xuống, sương tuyết làm hại vật, âm quyết và cách dương, dương lại bốc lên, đầu và não bộ đau, xuất lên đỉnh đầu (buốt óc), phát nhiệt, lại thêm chứng lở miệng, quá lắm thì Tâm thống (30).

***

 Tuế Thủy bất cập, thấp khí sẽ đại hành; trưởng khí do đó đắc dụng, hóa của Thổ lại hóa ra nhanh chóng (31).

  Con người cũng ứng theo mà phát bệnh phúc mãn Thận trọng, nhu tiết (đi tháo); hàn thương (mụn) chỉ vỡ ra nước trong; yêu và cổ (lưng, đùi) đều đau; đùi, vế buồn bực; túc nuy giá lạnh, dưới chân đau, quá lắm thì mu chân sưng lên. Tàng khí không thi hành được chính lệnh, Thận khí không giữ được quân bình, trên ứng với Thần tinh (31).

 Thượng lâm Thái âm thì có đại hàn luôn. Người sẽ mắc phải hàn tật, quá lắm thì phúc mãn, phù thũng, trên ứng với Chấn tinh (32).

 “Phục” thì gió to kéo đến, cây cối đổ gẫy, sắc mặt thường biến, gân xương đều đau, thịt rung và co rút, mắt trông tờ mờ, khí dồn lên cách, tâm phúc đều đau. Trên ứng với Tuế tinh (33).

***

 Hoàng Đế hỏi:

 - Mộc bất cập: Mùa xuân có cái cảnh ấm áp êm đềm, thì mùa thu sẽ có cái lệnh móc sương mát mẻ. Nếu mùa xuân gặp cái khí thảm thê, tàn tặc, thì mùa hạ sẽ có cái cảnh nung nấu oi ả… Tai sảnh sẽ phát từ phương Đông; ở Tàng con người sẽ là Can. Nếu bệnh phát ở bên trong sẽ tại khư hiếp, ở bên ngoài sẽ tại quan tiết (34).
 
***

 Hỏa bất cập: Mùa hạ có cái đức Hỏa sáng tỏ, rõ ràng, thì mùa đông sẽ có cái lệnh sương hàn lạnh lẽo. Mùa hạ nếu lại có cái khí đìu hiu rét mướt, thì không chừng sẽ xảy ra mưa to tầm tã… Tai sảnh sẽ phát từ phương Nam; ở Tàng con người sẽ là Tâm. Bệnh phát, bên trong sẽ ở ưng, hiếp, bên ngoài sẽ ở kinh, lạc (35).

***

 Thổ bất cập: Tứ duy (tức Thổ) có cái đức hóa mây mái thấm nhuần, thì mùa xuân sẽ có cái lệnh gió lay lá lướt. Nếu tứ duy có sự biến, gãy cành, chốc gốc, thì mùa thu sẽ có sự phục hiu hắt mưa dầm… Tai sảnh xảy ra ở tứ duy; ở Tàng là Tỳ. Bệnh phát bên trong thì ở Tâm phúc, bên ngoài thì ở cơ nhục và tứ chi (36).

***

 Kim bất cập: Mùa hạ có cái lệnh nắng nỏ, mưa nhuần, thì mùa đông có cái ứng sương sa, gió rét. Nếu mùa hạ có sự biến, tan đá chảy vàng, thì mùa thu sẽ có sự phục, sương băng, mưa đá… Tai sảnh xảy ra ở phương Tây; ở Tàng con người là Phế. Bệnh phát ở bên trong ưng, hiếp, kiên, bối, ở bên ngoài là bì mao.

***

 Thủy bất cập: Tứ duy có cái sự hóa mưa nhuần thấm thía, thì bất thời sẽ có sự ứng gió hòa nảy nở. Tứ duy có cái sự biến mưa dầm tầm tã, thì bất thời sẽ có sự phục gió bão sương mù… Tai sảnh xảy ra ở phương Bắc; ở Tàng con người là Thận. Bệnh phát, ở bên trong yêu, tích, cốt tủy, ở bên ngoài là khê, cốc xuyền ( xương ống), tất (xương gối).

 Đại phàm, cái chính lệnh của năm vận, cũng như cán cân. Quá cao thì hạ thấp bớt xuống, quá thấp thì nâng cho cao lên… Nếu hóa thì ứng, nếu biến thì phục. Đó là cái lý trưởng, sinh, thành, hóa, thâu, tàng, và là cái bình thường của khí. Nếu trái với lẽ thường đó, thì cái khí của trời đất và bốn mùa, sẽ bị vít lấp (37).

 Cho nên nói: Sự động tĩnh của trời đất, thần minh làm cương kỷ; sự vãng phục của âm dương, hàn thử làm chứng triệu. Tức là lẽ đó (38).

***

 Hoàng Đế hỏi:

 - Phu Tử nói về sự biến của năm khí và sự ứng của bốn mùa, thật đã rõ ràng. Nhưng mỗi khi khí biến động, phát tác không có thường hội, thốt nhiên mà tai hại đến… Có thể dự kỳ được không?

 Kỳ Bá thưa rằng:

 - Sự biến động của trời đất, vốn không có nhất định, nhưng do đức, hóa, chính lệnh. Nên tai biến không giống nhau… Có thể nhận xét được.

 - Vậy là nghĩa sao?

 Đông phương sinh ra phong; phong sinh ra Mộc; đức của nó là êm hòa; hóa của nó là xinh tươi; chính của nó là mở mang; lệnh của nó là phong; sự biến của nó là gió mạnh; tai hại của nó là rơi rụng (vì ở trên có nói: đức, chính, lệnh, biến, tai… Nên ở mùa nào cũng giải đủ sáu điều kiện ấy. Đó cũng là một thể tài của văn cổ).

 Nam phương sinh nhiệt; nhiệt sinh Hỏa; đức của nó là sáng tỏ; hóa của nó là rậm tốt (mùa hạ cây cỏ rậm tốt); chính của nó là minh diệu (cũng như sáng tỏ, đều là cái tính chất của hỏa); bệnh của nó là nhiệt; sự biến của nó là tiêu thước; tai hại của nó là đốt cháy.

 Trung ương sinh ra thấp; thấp sinh ra Thổ; đức của nó là ẩm ướt; hóa của nó là đầy đủ; chính của nó là an tĩnh; lệnh của nó là nhiệt; sự biến của nó là sậu chú (mưa to như trút nước); tai hại của nó là lâm hội (mưa dầm nát đất, thối cỏ).

 Tây phương sinh táo; táo sinh ra Kim; đức của nó là thanh khiết (trong trẻo, sạch sẽ); hóa của nó là thâu liễm (hanh hái thâu liễm); chính của nó kính thiết (cứng cỏi); lệnh của nó là táo; biến của nó là túc sái; tai hại của nó là thương vẫn (vàng úa, rơi rụng).

 Bắc phương sinh ra hàn; hàn sinh ra Thủy; đức của nó là lạnh lẽo; hóa của nó là yên lặng; chính của nó là ngưng túc (đóng lại, giá lạnh); bệnh của nó là hàn; sự biến của nó là lẫm lạt (rét run); tai hại của nó là băng bộc sương tuyết (băng: nước rắn lại như đá; bộc: mưa đá).

 Vậy ta xét ở sự “động” đó, cũng có đủ “đức, hóa, chính, bệnh, biến, tai…”. Muôn vật đều theo, mà người cũng không ra khỏi phạm vi đó (39).

***

 Hoàng Đế hỏi:

 - Phu Tử nói: Về tuế, “hậu” ở thái quá và bất cập, mà trên ứng với ngũ tinh. Giờ như: đức, hóa, chính, lệnh, tai, sảnh, biến, dịch… không phải là sự có thường. Nếu thốt nhiên mà động, đối với ngũ tinh, có biến dịch không?

 Kỳ Bá thưa rằng:

 - Theo thiên vận để thi hành, nên không có vọng, động. Hết thảy đều có ứng. Nếu thốt nhiên mà động là sự giao biến của khí. Cũng có khi không ứng. Cho nên có câu nói: “Chỉ ứng với sự thường, không ứng với sự thốt nhiên”. Tức là nghĩa đó (40).

***

 Hoàng Đế hỏi:

 - Sự ứng như thế nào?

 Kỳ Bá thưa rằng:

 - Đều theo về khí hóa (41). Cho nên tuế vận thái quá, thì úy tinh thất sắc và lây tới cả mẹ nó. Nếu bất cập thì sắc cũng kiêm cả “sở bất thắng” (42).

***

 Hoàng Đế hỏi:

 - Sự động, tĩnh, tổn, ích của đức, hóa, chính, lệnh, như thế nào?

 Kỳ Bá thưa rằng:

 - Đức, hóa, chính, lệnh, tai biến, không thể xen lẫn vào nhau (43). Thắng, phục, thịnh, suy không thể làm cho thêm hơn (44). Vãng, lai, đại, tiểu, không thể bỏ lỡ (45). Cái hiệu dụng về sự thăng giáng, không thể nào không có (46). Đều do ở sự động mà báo phục đó thôi (47).

***

 Hoàng Đế hỏi:

 - Bệnh sinh ra như thế nào?

 Kỳ Bá thưa rằng:

 - Khí tương thắng thì hòa, không tương thắng thì bệnh; lại cảm thêm tà khí, thì nặng (48).

Chú giải

 (1) Thiên cơ tức là 365 ngày ứng với 365 độ của chu thiên. Chân, tức là đức hóa hay; tà, tức là biến dịch hại. Nội ngoại tức là biểu, lý; sáu kinh tức là Tam âm, Tam dương. Năm khí tức là khí của năm Tàng. Chuyên thắng tức là cái năm thái quá bất cập, cái khí thắng thì thắng mãi; kiêm tinh tức là hai khí cùng dồn lại.

 (2) “Khí, Vị” tức là sáu khí và năm vận, đều có cái định vị về việc Tư thiên, kỷ địa, chủ tuế, chủ thời. Người ở trong khoảng khí giao của trời đất, theo sự biến hóa của âm dương và bốn mùa đó là nhân sự. Cho nên vận khí mà thái quá, là do cái khí của bốn mùa, trước mùa mà đến; còn bất cập, là sau mùa mới đến, sự biến hóa của bốn mùa như vậy, người cũng ứng theo, không ra được ngoài phạm vi.

 (3) Xôn tiết, trường minh, phúc mãn v.v… Đều là các chứng hậu của Tỳ thổ, Tỳ chủ về cơ nhục và tứ chi, cho nên thân thể nặng nề, Phiền oan là buồn bực, khó chịu. Vì Thổ bị thương không chế được Thủy, khiến Thủy khí ngược phạm lên Tâm, nên hóa như vậy. Trên ứng với Tuế tinh tức là Mộc tinh, vì Mộc vận chủ tuế mà thái quá, nên Tuế sinh sẽ sáng tỏ hơn mọi năm.

 (4) Vì Quyết âm với Đốc mạch đều tụ hội ở đầu, nên phát bệnh ở đầu.

 (5) “Hóa khí” tức là cái khí căn bản của mọi sự sinh hóa, tức là Thổ khí. Vì phong Mộc thái quá, khiến Thổ khí không còn phát triển được chính lệnh của mình. Duy có sinh khí là phong Mộc một mình hoành hành. Phong thắng thì động, nên cây không yên lặng, mây khí tung bay. Người cũng cùng ứng theo đó, mà sinh ra cái chứng hiếp thống và thổ v.v… Xung dương là mạch của Vị. Vì Mộc râm (phạm) khiến cho Thổ khí bị tuyệt, nên mới là chứng bệnh không thể chữa. Thái bạch tức là Km tinh. Bởi tuế vận thái quá thì úy tinh thất sắc mà lây tới cả mẹ. Như Mộc vận thái quá, thì Chấn tinh thất sắc, vì sao thuộc Hỏa là Huỳnh hoặc cũng không còn ánh sáng. Cho nên Thái bạch lại được hiện ra để thắng lại nơi gốc. Đó là sự “thừa, chế” lẫn nhau, đúng với lẽ tự nhiên vậy.

 (6) Hỏa thắng thì khắc Kim, cho nên Phế kim thụ tà. Hài ngược, một chứng do thử, nhiệt phát sinh. Tráng hỏa làm hại khí, nên thiểu khí; Phế bị Hỏa nhiệt, nên suyễn, khái. Phế là nơi tụ hội của các mạch; dương mạch bị thương, nên huyết tiết xuống dưới (do đại, tiểu). Phế là ngọn nguồn sinh ra Thủy, vậy cuống họng ráo là do Hỏa nhiệt phun lên Phế; Thận khai khiếu lên tai, vì thủy nguyên kiệt, khiến Thận hư mà sinh tai điếc; trung nhiệt là bởi khí nhiệt phạm vào trong; kiên bối nhiệt, vì đó là Phế du. Huỳnh hoặc là Hỏa tinh. Hỏa khí thắng nên trên ứng vào nó. Tất nó sẽ sáng tỏ lên, vì là hỏa vận thái quá. Đó chính là vận niên thuộc các năm Mậu.

 (7) Ở trong ưng, hung, là nơi cung thành của quân chủ. Bối thuộc dương. Tâm là Thái dương ở trong dương. Cho nên trong hung và lưng, vai, cánh tay đều đau. Thủ thiếu âm Tâm mạch dẫn ra ở dưới hiếp, qua cánh tay tới khuỷu rồi tới bọng tay… Vì thế nên hiếp chi mãn và đau, cánh tay đau. Mình nóng xương đau là vì Hỏa “Cang” mà Thủy cũng bị thương. Tẩm râm là một chứng mụn lở phát sinh bởi Hỏa. Kim quỹ nói: “chứng tẩm râm phát sinh từ xung quanh miệng rồi lây ra tứ chi thì có thể chữa; nếu từ tứ chi rồi mới lây vào tới xung quanh miệng, thì không thể chữa.

 (VIII) Đây nói về Kim khí uất mà Thủy khí phục. Thần tinh tức là Thủy tinh. Gặp trường hợp đó Thủy tinh sẽ sáng tỏ.

 (9) “Thượng lâm” tức là khí Tư thiên, “lâm” lên tuế vận, tức là một năm thuộc về Thiên phù. Về năm Mậu Tý, Mậu Ngọ, mà thượng lâm Thiếu âm; về năm Mậu Dần, Mậu Thân, mà thượng lâm Thiếu dương. Tư thiên với tuế vận cùng hợp, hỏa khí càng Cang, nên suối nước cạn mà muôn vật khô khan.

 Án: Các dương niên chủ về thái quá, cho nên chỉ có những năm Mậu Tý, Mậu Ngọ, Mậu Dần, Mậu Thân và Bính Thìn, Bính Tuất là mới có Tư thiên thượng lâm với Tuế vận cùng hợp. Còn các năm thuộc về Mộc, Kim, Thổ thì không có thượng lâm.

 (10)   Dùng chữ “bệnh lại phát ra” v.v… là vì Hỏa Cang cực mà lại “tự thương”, nên mới phát các chứng như sau: Thiềm vọng: nói mê lảm nhảm; cuồng tẩu: tức rồ dại, chạy nhặng… Đó đều là biến chứng của bệnh nhiệt cực. Suyễn, khái, và thở thành tiếng… Đều do Hỏa bốc lên hun vào Phế kim. Tâm chủ huyết, mạch dẫn xuống quá độ, thì thành ra chứng tiết huyết, hoặc tiết mãi không dứt. Thái uyên là du huyệt của Phế kim. Hỏa Cang cực làm cho Phế bị tuyệt, nên chết, không thể chữa.

 (11) Ở đất là hành Thổ, ở trời là khí thấp. Cho nên tuế Thổ thái quá thì mưa và khí ẩm ướt tràn lan. Lục nguyên chính kỷ luận nói: “Thái âm khí đến thành mây mưa”. Bởi cái khí thấp Thổ thăng lên, mà thành ra mây mưa. Đại, tiểu phúc đau, do bệnh ở Thận Tàng, Thổ thắng mà Thủy bị thương. Thận là nguồn gốc của sinh khí, Thận khí bị tà, nên tay chân quyết lãnh. Thận tàng chí, chí không được thư sướng nên không vui. Thận là gốc của khí huyết, Thận bị thương nên thân thể nặng nề mà phiền oan. Tuế thổ thái quá, nên trên ứng với Chấn tinh thêm sáng. Chấn tinh tức Thổ tinh, thổ vận thái quá, tức là các năm thuộc về Giáp.

 (12) Cơ nhục tứ chi do Tỳ làm chủ. Vì Tỳ khí không chuyển du được, nên thành chứng ẩm và chứng đờm. Vì “râm thắng quá lắm” khiến cho bản vị lại bị hư, mà tự thương. Nên về những ngày từ 18 trở đi thuộc về tứ quý, chính là thời kỳ Thổ khí đắc Vị, lại gây nên tật bệnh.

 (13) "Tàng khí" tức là Thủy khí; hóa khí tức là Thổ khí. Thổ thắng thời chế Thủy, vì vậy Tàng khí bị phục... "Sông nước tràn..." là vì thấp râm thái quá. "Mưa gió tơi bời..." đó là do Thủy khí lại phục. Phúc mãn, đường tiết v.v...Đều thuộc về chứng Tỳ hư. Thái khê tức là mạch của Thận. Tả nhiều, là do Thổ bại, nên Thủy bị trút xuống. Tức là Thận tuyệt nên không thể chữa. Tuế tinh tức sẽ sáng hơn, tức là Mộc lại bị lở theo.

 (14) Vì táo khí tràn lan, khiến Can mắc bệnh, đau ở hiếp, cũng là bệnh Can; Can khai khiếu lên mắt, nên mắt đau; Can hư nên tai không nghe tiếng. Phiền oan là do Can khí không được thư xướng. Bản kinh nói:"Thận hư, Tỳ hư, Can hư, đều khiến thân thể nặng nề và phiền oan. Thái bạch là Kim tịnh, Kim khí thắng, nên trên ứng với sao Thái bạch, sẽ sáng tỏ hơn trước. Kim vận thái quá, thuộc các năm về Canh.

 (15) "Túc sái quá lắm" đó là do Kim khí tự hư mà Hỏa khí lai phục, suyễn, khái, nghịch khí... Đều là kinh của Phế, Phế du ở kiên bối, nên kiên bối đau. Cầu âm, cổ, tất v.v... Đó là bởi Kim khí hư mà lây tới cái nơi sinh ra nó là Thủy tàng. Kim râm thái quá, thì lại bỏ hư cái bản vị của mình. Kim hư không thể sinh được Thủy, do đó Hỏa không còn sợ gì nữa, liền thừa cơ để phục thù.

 (16) Thâu khí tức là Kim khí; sinh khí tức là Mộc khí. Thâu quá mạnh, khiến sinh khí bị phục, nên khiến cỏ cây úa rụng... Đau ở huyệt mà không thể trở mình, thuộc bệnh về Can, Đởm. Mạch của Can suốt lên Phế, nên gây nên chứng khái nghịch; Can chủ tàng huyết; Can bệnh nên huyết ràn; Thái xung tức là Du mạch của Can. Trương Ngọc Sư nói: Tuế Mộc thái quá, không có Kim khí báo phục, thì nói rằng: "Sinh khí độc trị", tức là  một mình chủ về khí của năm. Thuộc về Tuế kim thái quá, đến thu mà lại thắng, cho nên: "Sinh khí hạ v.v...". Đều nên nhận kỹ.

 (17) Vỉ Thủy vận thái quá, chân khí tràn lan, cho nên tà làm hại Tâm hỏa; vì hàn khí dấn lên, dồn Tâm khí bốc nóng ra ngoài, cho nên mình nóng, Tâm phiền. Tâm quý là do Thủy khí lăng phạm lên Tâm. "Táo" là do Hỏa khí không giao với âm. Âm khí quá lạnh, nên Tâm nghịch cả trên và dưới, "Trung hàn" là do Tam tiêu Hỏa suy; Tâm thần không yên nên thiềm vọng; hàn chủ về Đông lệnh, đây vì hàn khí tràn lan, nên hàn khí sớm đến; Thần tinh tức là Thủy tinh. Thủy vận thái quá, tức là các năm thuộc về Bính, Thìn.

 (18) Đây nói về thủy râm quá gây nên "tự thương", tức là cái lẽ "mãn chiêu tổn". Vì Thận mắc bệnh, nên phúc đại, hĩnh thũng, suyễn, khái, nằm ra hãn và ghê gió v.v...Đều do Thủy tà tràn ngập, Thổ không chế được, nên mới gây nên các chứng đó. Khí của Thái dương, sinh ra ở trong Thủy, mà làm chủ ở phu biểu. Thủy ràn thì nguồn kiệt, không còn gì giúp cho dương khí ở biểu, khiến biểu dương hư, nên hãn ra mà ghê gió...

 (19) "Thượng lâm Thái dương" là nói về khí hàn Thủy tư thiên, gia lâm ở trên, tức là hai năm Bính Thìn và Bính Tuất, và cũng tức là năm thuộc về Thiên phù. Vì hàn với Thủy đều thịnh, nên sương huyết thường xuống; vì mưa xuống, nên Thổ bị thấp mà mọi vật đều biến, do đó mới sinh ra các chứng phúc mãn, trường minh v.v... Đều là cái chứng Thủy ràn mà Thổ bại. Tỳ thổ không chuyển dụ được tân dịch, nên thành chứng khát; vì thấp khí bốc lên nhiều nên hoa mắt, chóng mặt. Thần môn tức là Tâm mạch, Thủy khí rất mạnh nên Huỳnh hoặc thất sắc, mà Thần tinh càng tỏ.

 (20) Tuế Mộc bất cập, thì cái mình "sở thắng" sẽ "võ" mà lấn lên. Vì vậy năm chủ Mộc bất cập, thì táo khí của Kim sẽ đại hành. Vì cái khí thanh lương phạm vào trong, nên bên trong lạnh. "Khư khiếp đau" v.v... Đều thuộc về bệnh của Can mộc; thức ăn vào Vị tán bổ tinh khí lên Can, rồi hành khí ra cân; Can hư nghịch mà lại kiêm trung lãnh, cho nên trường minh và trường tiết, Kim khí thanh lương nên thường có lương vũ; Kim khí thắng, nên trên ứng với sao Thái bạch.

 (21) Dương minh táo kim lâm lên trên Tư thiên, tức thuộc về hai năm Đinh Mão và Đinh Dậu. Tức gọi là năm Thiên hình. Tuế Mộc bất cập mà lại thượng lâm Kim khí, vì vậy chủ khí của Mộc bị mất chính lệnh.

 Án: Các âm niên chủ về bất cập, cho nên chỉ có những năm Đinh Mão, Đinh Dậu, và Kỷ Tỵ, Kỷ Hợi, Tân Sửu, Tân Vị (Mùi)... Còn các năm Quý, các năm Ất, đều không có sự hợp thắng của Tiên thiên.

 (22) "Phục" là do mẫu uất mà tử phục. Phàm các chứng hàn, nhiệt, sương, dương (tức lở láy, mụn nhọt v.v...). Đều thuộc về thử bệnh.

 (23) Đây lại nói về cái khí "thượng lâm Dương minh", Kim khí dụng sự, nên đến khoảng mùa hạ, mùa thu giao nhau, bạch lộ giáng sớm và cái khí thâu sắc phát triển. Bởi về năm bất cập, thì cái khí "sở thắng" sẽ đi càn, mà lại tự bỏ hư Vị của mình, cho nên các "phục khí" (khí báo thù) có thể thắng lại được. Giờ, cái khí Dương minh thượng lâm vốn đã thắng, Kim khí thịnh, thì cái tử khí của Kim lại thắng được Hỏa; tử của Mộc muốn báo phục lại, mà tử của Kim lại thắng lại được, vì vậy "xích khí mới hậu hóa". Dương minh táo khí Tư thiên, thì Thiếu âm quân hỏa chủ về "chung chi khí", cho nên xích khí hóa sau, mà bạch khí (tức Phế) bị khuất.

 (24) Vì tuế hỏa bất cập, hàn lại thắng hơn, nên hàn khí đại hành, mà cái chính lệnh sinh trưởng không thể phát triển. Phàm các bệnh hung trung thống v.v... Đều do Dương khí không phát triển được mà sinh ra "uất mạo, mông muội" tức là một chứng khí uất lên chóng mặt, và hoa cả mắt trông không rõ... Đó là do thấp khí gây nên; hàn Thủy phạm lên Tâm, nên Tâm thống; Tâm chủ về nói, Tâm mắc bệnh nên bạo ấm (bỗng dưng như câm); Thái dương chủ về khí của chư dương, gốc của nó sinh ra từ trong hàn Thủy; vì hàn râm thái quá khiến sinh dương tự hư... "Co vào mà không duỗi ra được", là bệnh tại cân. Thái dương chủ về cân. Dương khí hư không thấm nhuần cho cân được, nên sinh bệnh như vậy.

 (25) "Phục" tức là Thổ khí phục. Cái khí thấp Thổ, uất bốc lên trên, nên thường có mưa to... Hắc khí tức Thủy khí, vì Thổ khí đã phục, nên Thủy khí phải thụt xuống. "Đại tiện sống phân" v.v... thuộc về chứng hàn thấp. Bởi thủy khí thái thậm, mà thấp Thổ lại báo phục, nên mới sinh các bệnh trên.

 (26) Thổ vận bất cập, thì Mộc nó lại thắng, cho nên phong khí mới đại hành, mà hóa khí của Thổ không còn sao thi hành được chính lệnh của mình nữa. Phàm các chứng bệnh xôn tiết, hoắc loạn v.v... Đều là cái bệnh Mộc khắc Thổ mà sinh ra. "Gân xương lay động", là một chứng hậu do Quyết âm, Thiếu dương gây nên. Thổ khí bất cập, thì Mộc không còn gì chế lại được. Cho nên Tàng khí phạm vào người. Người mắc chứng hàn trung (lạnh bụng) là bởi Thủy hàn phạm lên, mà Hỏa, Thổ bị suy yếu.

 (27) "Phục" đây là do Thổ yếu, Mộc cang, Kim nó mới báo phục trở lại, nên chính lệnh mới gắt gao... Phàm bệnh hung, hiếp v.v... Đều bởi Can mộc gây nên. Thở dài là bởi Mộc uất, thì Đởm khí không được thư, nên phải thở dài cho hả. Khí khách vào Tỳ, tức là Thủy sâm Thổ. Vì Thổ vận bất cập mà Tàng khí dụng sự, cho nên Kim dù báo phục, mà tứ khí cũng đi theo. Thủy khí thắng, nên ăn uống kém sút.

 (28) Thượng lâm Quyết âm tức thuộc về hai năm Kỷ Tỵ và Kỷ Hợi, Quyết âm ở trên thì Thiếu dương ở dưới. Vì thế nên Tàng khí không còn hiệu dụng. Đó là bởi từ nửa năm về sau, nhờ được cái Hỏa của Thiếu dương, nên dù Đông lệnh cũng không thể hàn. Tuế vận ở Mộc, dù không chăm ở đức, nhưng gặp Quyết âm tư thiên. Mộc khí không hư nên bạch khí (kim) không báo phục.

 Án: Thắng khí ở nửa năm về trước, "phục khí" ở nửa năm về sau. Về mùa thu, đông, Mộc khí đã bình, Kim khí không phục, nên dân mới được an toàn vô sự. Ta nên biết: vì thắng khí vọng hành, lại tự bỏ hư bản vị, rồi cả tử, mẫu đều hư, cho nên "phục khí" mới có thể thừa cơ để báo phục. Nếu bản khí không hư, thì tứ khí cũng thực, "phục khí" cũng phải sợ tử của nó mà không dám báo phục nữa.

 (29) Kim vận bất cập, thì cái thắng được nó là Hỏa khí sẽ tự do lưu hành. Kim không chế được Thủy, thì cái sinh khí của Mộc lại lợi dụng cái khí sinh trưởng của Hỏa để chuyên thắng, cái khí táo thước do đó thịnh hành. Những bệnh phát sinh ra đó, đều bởi Phế khí không thâu liễm được mà gây nên.

 (30) Kim nhược, Hỏa Can, Thủy sẽ báo phục. Nên mưa lạnh mới trút đến, Quyết nghịch là một khí ngược lên và chân tay giá lạnh; "Cách dương" tức là dồn cả khí dương lên trên. Về mùa thu, đông, Dương khí nên thâu tàng tại Âm Tàng, nhân hàn khí quyết nghịch, và dồn dương lên trên, khiến cho dương lại đi ngược lên. Nên mới phát chứng thuộc đầu óc như vậy; Vì hàn khí của Thủy lấn lên, khiến Tâm hỏa bốc ra ngoài, nên con người mới mắc bệnh lở ở miệng và ở Tâm thống...

 (31) Tuế thủy bất cập, thì Thổ sẽ thắng, cho nên thấp khí đại hành. Thủy nhược không chế được Hỏa, cho nên Hỏa lại đắc dụng. Hỏa với Thổ hợp hóa, cho nên cái khí của Thổ lại thi hành được chóng, nên thứ vũ (mưa, nắng nóng) đến luôn. Các bệnh trên đây đều do Thận âm bị thương mà sinh ra. Linh khu nói: "Dương khí hữu dư, vinh khí không lưu hành, sẽ phát chứng ung (mụn), âm dương không thông, hàn nhiệt cùng chọi, sẽ hóa làm nung (mủ). Lại nói: Hàn tà khách ở trong kinh, lạc, không trở lại được, thì thành chứng mụn sưng; ở đây là hàn độc, mà không có nhiệt hóa, nên phát các chứng yêu cổ thống v.v..." đều do Thận khí không được quân bình mà gây nên.

 (32) Về khí Tư thiên, thượng lâm Thái âm, tức là hai năm Tân Sửu và Tân Vị (Mùi). Thái âm thấp thổ Tư thiên, thì Thái dương hàn thủy Tại toàn. Vì thế nên thường có đại hàn. Vì thường có đại hàn, Dương khí không phát triển được ở trên; hàn thủy Tại toàn, cho nên dân mới mắc bệnh ở dưới. Các bệnh phát ra ở trên, đều do thấp râm thái quá, Tỳ thổ bị thương mà gây nên.

 (33) Thủy nhược, Thổ thắng, Mộc lại báo phục, nên mới có gió to nổi lên. Dương minh táo kim, chủ ở diện bộ, nên sắc mặt thường biến. Dương minh chủ làm nhuận cho tông cân, mà bao các cân đều thuộc về cốt; vì cái khí trung Thổ của Dương minh bị thương, nên cân cốt mới đều đau. Mắt không tỏ, vì phong thắng làm thương đến huyết mà sinh ra. Phong khí lọt vào trong cách, ở khoảng trên thì sinh Tâm thống, ở khoảng dưới thì sinh đau ở phúc.

 (34) Trong một năm có sự thắng phục của tuế vận, có sự thắng phục của bốn mùa. Mộc bất cập thì Kim sẽ thắng. Như mùa xuân có cảnh ấm áp thì mùa thu có cảnh mát mẻ... Đó đều là giữ đúng cái bản vị của bốn mùa, không có thắng mà cũng không có phục... Tức là hòa khí. Nếu mùa xuân mà thảm thê, thì mùa hạ sẽ oi ả. Do đó tai sảnh sẽ phát sinh từ Đông phương, ở Tàng của con người là Can, mà bệnh thì phát ở khư hiếp, tức thuộc phạm vi của Can; bên ngoài thì ở quan tiết (các khớp xương), vì Can chủ về cân. Các mùa kia đều theo một công lệ như vậy. Ngọc Sư nói: "Bất cập" là nói về Tuế vận bất cập, nên phải có thắng có phục. Nếu được thì khí hòa không còn có thắng phục nữa.

 (35) Thủy không thắng Hỏa, nên Hỏa được sáng tỏ. Không có thắng thì không có phục, nên mùa đông mới phát triển cái chính lệnh rét mướt...

 (36) "Mây mái thấm nhuần" là đức hóa của Thổ; gió lay lá lướt, là chính lệnh của Mộc. Đó thuộc về khí hòa, không có sự thắng phục, nếu "gãy cành, trốc gốc" là Mộc râm thắng Thổ; "hiu hắt mưa dầm..." là sự báo phục lại của thu Kim. Thổ vượng ở bốn mùa, nên gọi là "tứ duy". Tâm ở vào khoảng Vị quản, "phúc" là thành quách của Tỳ. Tứ duy lại là chính Vị của các phương Càn, Khôn, Cấn, Tốn; Đông, Tây, Nam, Bắc và Thủy, Hỏa, Mộc, Kim.

 (37) Cái chính lệnh của năm vận âm dương, cũng như cán cân. Cao mà quá, tất phải có cái sức gì để nén bớt xuống, vì là thái quá; thấp mà quá, tất phải có cái sức gì để nâng đỡ lên, vì là bất cập. Nếu đức hóa, thì bốn mùa sẽ ứng theo; nếu biến dịch, thì tùy thời sẽ có báo phục. Đó là cái lý sinh, trưởng, hóa, thâu, tàng và là thường khí của bốn mùa.

 (38) Ứng với khí trời, động mà không ngừng, ứng với khí đất, tĩnh mà giữ Vị. Thần minh, tức là chỉ về "thất triệu" (7 sao). Đây tiếp đoạn trên để nói: thâu, tàng tức là vãng phục của âm dương. Sự động tĩnh không trông thấy, có thần minh làm cương kỷ, thì có thể nhận xét; âm dương không thể lường, nhưng có triệu chứng của hàn thử thì có thể biết, đó là cái đạo âm dương của trời đất.

 (39) Đoạn này nói về cái khí của năm vận, bốn mùa. Có sự thường của đức hóa, có sự biến của tai sảnh, phải xét ở sự "động", mới có thể biết được. Vậy, về năm thái quá, thì có sự "râm thắng"; về năm bất cập, thì có sự "thắng, phục". Đó là sự thường của tuế vận, có thể dự biết được. Nhưng cái khí của năm vận, phát sinh bởi năm phương; cái khí của năm phương, lại hợp với bốn mùa. Ở tuế vận, dù có cái sự biến râm, thắng, uất, phục; tại bốn mùa, lại có cái hòa của đức, hóa, chính, lệnh. Cùng tuế vận không chung một "hậu", cho nên cần phải xét ở sự động của khí. Vậy, đức, hóa, chính, lệnh, biến, tai... Muôn vật theo đó mà hoặc thành, hoặc bại; con người theo đó mà hoặc mạnh khỏe, hoặc ốm đau... Như thế thì cũng khó lòng mà biết trước được.

 (40) Đây nói về ngũ tinh chỉ ứng với tuế vận, chứ không thể ứng với sự "thốt biết" của thời khí.

 (41) Khí hóa tức là khí của năm vận. Tỷ như: Giáp, Kỷ vận Thổ; Ất, Canh vận hóa Kim; Bính, Tân vận hóa Thủy; Đinh, Nhâm vận hóa Mộc; Mậu, Quý vận hóa Hỏa v.v... Năm dương niên chủ về thái quá; năm âm niên chủ về bất cập. Mà đều ứng lên với năm hành của trời.

 (42) Đây nói về tuế vận thái quá, thì cái ngôi sao chủ về năm không yên giữ ở "độ" của mình, mà xâm võ cái "sở bất thắng", vì thế nên úy tinh thất sắc (Úy tinh tức là ngôi sao khắc lại mình mà mình phải sợ). Tỷ như tuế Mộc thái quá, thì tuế tinh sẽ lấn cái "sở bất thắng" là Thổ, mà chấn tinh sẽ thất sắc. Như: Tuế thổ, thái quá, thì Chấn tinh sẽ lấn cái "sở bất thắng" là thủy, mà Thần tinh sẽ thắt sắc. Bởi mẹ của úy tinh, tức là con của thắng tinh. Đó là do Cang thời hại mà không thể sinh hóa được "tử khí". Nếu là năm bất cập, thì cái ngôi sao "sở bất thắng" cũng tự tỏ sắc ra. Tỷ như tuế Mộc bất cập, thì cái ngôi sao "sở thắng" là Thái bạch thêm phần sáng tỏ; mà cái Thổ khí "sở bất thắng" cũng không sợ gì Chấn tinh, cũng tự sáng tỏ hơn lên... Năm vận đều như thế cả.

 (43) Vương Băng nói: Trời đất động tĩnh, âm dương đi lại, lấy đức báo hóa, lấy hóa báo hóa... Chính lệnh, tai sảnh cũng đều như vậy, không thể thêm bớt.

 (44) Vương Băng nói: Thắng thịnh thời phục lại thắng, thắng vi thời phục lại vi, không thể nhiều hơn lên được.

 (45) Thái quá gọi là đại niên, bất cập gọi là tiểu niên, hữu dư mà vãng, bất túc sẽ theo; bất túc mà vãng, hữu dư sẽ theo. Bỏ lỡ sao được.

 (46) "Hiệu dụng" tức là cái hiệu dụng của âm, dương. Khí âm dương của trời đất, thăng rồi thì giáng, giáng rồi thì thăng... Hàn đi thử lại, thử đi thì hàn lại. Không có sao được.

 (47) Sự vãng lai của thắng phục, sự thăng giáng của âm dương. Đều theo ở sự động của khí mà phục trở lại.

 (48) "Khí" tức là cái khí biến dịch (thay đổi).

 Án: Lục tiết Tàng tượng nói: "Biến đến thì bệnh"; "sở thắng" thì "vi" (nhỏ, nhẹ); "sở bất thắng" thì bệnh; nhân đó lại cảm phải tà khí thì sẽ chết... cho nên không phải mùa thì vi, đúng phải mùa thì nặng...". Đó là nói mùa xuân biến thành cái khí Trưởng hạ; Trưởng hạ biến làm đông khí; đông khí biến làm khí hạ nhiệt; hạ biến làm thu khí; thu biến làm xuân khí. Đó là bảo: Được cái thắng của ngũ hành tức là thời khí thắng biến khí, nên mới là hòa bình. Như tuế Mộc bất cập, tuế Kim thái quá, mùa xuân lại biến thành túc sái. Lại như tuế Hỏa bất cập, tuế Thủy thái quá, mùa hạ mà lại hàn khí lưu hành... Thế là thời khí với biến khí không tương thắng, nên mới sinh bệnh. Cho nên không phải cái thời "sở thắng" thì vi, đúng là cái thời "sở thắng" thời nặng. Lại cảm thêm tà khí, tức là tà khí ở suốt cả bốn mùa.


Các bài mới:

Các bài đã đăng:

 
< Trước   Tiếp >