Trang chủ arrow Đông y khái luận arrow Chương sáu mươi tám - LỤC VI CHỈ ĐẠI LUẬN THIÊN
Chương sáu mươi tám - LỤC VI CHỈ ĐẠI LUẬN THIÊN
25/01/2019
KINH VĂN

 Hoàng Đế hỏi rằng:

 - Xa thẳm thay cái đạo của trời! Như đón mây nổi, như trông vực sâu. Vực sâu còn có thể đo lường, mây nổi ai cũng biết đâu là cùng cực! Phu Tử thường nói: “Phải tuân đạo trời”, lòng ôi ghi nhớ. Nhưng cái nguyên lý như thế nào, xin cho biết rõ…

 Kỳ Bá thưa rằng:

 - Muốn rõ thiên đạo, cần phải biết cái sự tuần tự của trời và sự thịnh suy của thì bệnh.

 - Xin cho biết cái tiết “lục lục” của đạo trời, và sự thịnh suy như thế nào?

 - Trên dưới có “Vị”, tả hữu có “kỷ”. Cho nên bên hữu Thiếu dương, Dương minh chủ trị.; bên hữu Dương minh, Thái dương chủ trị; bên hữu Thái dương, Quyết âm chủ trị; bên hữu Thái âm, Thiếu dương chủ trị; đó tức bảo là “Tiêu” của khí do Nam diện mà xem. Cho nên nói: “Nhận sự tuần tự của trời, để biết cái thời bệnh thịnh suy” vậy theo sự vận hành của nhật nguyệt, để định cái Vị của hai khí, chính nam diện để xem… Tức là nghĩa đó (1).

***

 - Ở trên Thiếu dương, hỏa khí chủ trị, khoảng “trung” sẽ thấy Quyết âm. Ở trên Dương minh, táo khí chủ trị, khoảng “trung” (giữa) sẽ thấy Thái âm. Ở trên Thái dương, hàn khí chủ trị, khoảng “trung” sẽ thấy Thiếu âm. Ở trên Quyết âm, phong khí chủ trị, ở khoảng “trung” sẽ thấy Thiếu dương. Ở trên Thiếu âm, nhiệt khí chủ trị, khoảng “trung” sẽ thấy Thái dương. Ở trên Thái âm, thấp khí chủ trị, khoảng “trung” sẽ thấy Dương minh. Ấy bảo là “bản” đó. Ở dưới bản, tức là “trung” mà sẽ thấy, dưới chỗ “thấy” đó, tức là tiêu của khí (2).

 Bản, tiêu không giống, khí ứng khác tượng (3).

***

 Hoàng Đế hỏi:

 - Về khí, có khi nên đến mà đến, có khi nên đến mà không đến, có khi đến mà thái quá, là thế nào?

 Kỳ Bá thưa rằng:

 - Nên đến mà đến là hòa; nên đến mà không đến, là “lai khí” bất cập; chửa nên đến mà đã đến là “lai khí” hữu dư (4).

 Hoàng Đế hỏi:

 - Nên đến mà không đến, chửa nên đến mà đến, như thế nào?

 Kỳ Bá thưa rằng:

 - Đúng (ứng) là thuận, trái là nghịch; nghịch thì sinh biến, biến thì bệnh (5).

 - Thế nào là đúng?

 - Xét ở vật loại sinh ra biết là đúng; xét ở khí mạch, biết là đúng (6).

***

 Hoàng Đế hỏi:

 - Địa lý ứng với sáu tiết, khí vị như thế nào?

 Kỳ Bá thưa rằng:

 - Bên hữu Hiển minh, là Vị của quân hỏa. Bên hữu quân hỏa, lui một bộ, thì tướng hỏa chủ trị; lại đi một bộ, thì Thổ khí chủ trị; lại đi một bộ, thì Kim khí chủ trị; lại đi một bộ, thì Thủy khí chủ trị; lại đi một bộ, thì Mộc khí chủ trị; lại đi một bộ, thì quân hỏa chủ trị (7).

***

 Ở dưới tướng hỏa, Thủy khí “thừa” theo (thừa có nghĩa như thừa phụng, tuân theo); ở dưới Thủy vị, Thổ khí thừa theo; ở dưới Thổ vị; phong khí thừa theo; ở dưới phong Vị, Kim khí thừa theo; ở dưới Kim vị, Hỏa khí thừa theo; ở dưới quân hỏa, âm tinh thừa theo.

 Tại sao vậy?

 Vì “cang thì hại, thừa sẽ chế lại”. Có “chế” thì mới sinh hóa. Bên ngoài bày ra thịnh suy, hại thì thành bại loạn, sinh hóa bệnh lớn (VIII).

***

 Hoàng Đế hỏi:

 - Thịnh suy thế nào?

 Kỳ Bá thưa rằng:

 - Không đúng với Vị là “tà”, đúng với Vị là “chính”. Tà thì biến nhiều, chính thì chỉ “vi” (nhỏ nhẹ) thôi (9).

***

 - Thế nào là đúng Vị?

 - Mộc vận mà lâm Mão, Hỏa vận mà lâm Ngọ, Thổ vận mà lâm Tứ quý, Kim vận mà lâm Dậu, Thủy vận mà lâm Tý. Đó tức là tuế hội và là bình khí (thứ khí điều hòa…).

 - Thế nào là không đúng Vị?

 - Vì là tuế không hội (hội tức hợp) (10).

***

 Hoàng Đế hỏi:

 - Về năm Thổ vận, trên thấy Thái âm; về năm Hỏa vận, trên thấy Thiếu dương, Thiếu âm; về năm Kim vận trên thấy Dương minh; về năm Mộc vận, trên thấy Quyết âm; về năm Thủy vận, trên thấy Thái dương… là vì sao?

 Kỳ Bá thưa rằng:

 - Đó là khí Tư thiên cùng với cái khí năm vận, cùng hợp, nên ở Thiên nguyên sách gọi là Thiên phù (11).

***

 Hoàng Đế hỏi:

 - Thiên phù với Tuế hội như thế nào?

 Kỳ Bá thưa rằng:

 - Như vậy gọi là Thái ất Thiên phù… (12).

 - Quý, tiện như thế nào?

 - Thiên phù như chấp pháp; tuế hội như hành lệnh. Thái ất Thiên phù như quý nhân (13).

 - Tà “trúng” vào như thế nào?

 - Trúng vào chấp pháp thì bệnh chóng và nguy, trúng vào hành lệnh thì bệnh từ từ mà chậm, trúng vào quý nhân thì bạo bệnh mà chết (14).

 - Vị thay đổi thì như thế nào?

 - Quân ở vào Vị thần thì thuận, thần ở vào Vị quân thì nghịch; nghịch thì bệnh gần mà hại chóng, thuận thì bệnh xa mà nhẹ… Đó là sự thuận nghịch của hai hỏa… (15).

 
***

 Hoàng Đế hỏi:

 - Xin cho biết thế nào là bộ?

 Kỳ Bá thưa rằng:

 - Mỗi một bộ, tính được 60 độ, có lẻ. Cho nên cứ 24 bộ, sẽ chứa được “doanh” (đầy, đủ) một trăm khắc mà thành một ngày thừa (16).

***

 Hoàng Đế hỏi:

 - Sáu khí ứng với sự biến của năm hành, như thế nào?

 Kỳ Bá thưa rằng:

 - Vệ có chung, thủy; khí có sơ, trung, thượng, hạ… Không giống nhau, nên “xét” cũng phải khác (17).

 - Phải xét như thế nào?

 - Thiên khí bắt đầu từ Giáp, địa khí bắt đầu từ Tý. Tý với Giáp cùng hợp, gọi là “tuế lập”. Phải “hậu” ở thời, khí mới có thể dự biết được.

***

 Hoàng Đế hỏi:

 - Sáu khí ở trong một năm trước, sau, sớm, muộn như thế nào?

 Kỳ Bá thưa rằng:

 - Về năm Giáp Tý “sơ chi khí”, số của trời bắt đầu từ thủy hạ (nước nhỏ giọt xuống) một khắc, cuối cùng 87 khắc rưỡi; “nhị chi khí” bắt đầu từ 87 khắc 6 phân,cuối cùng ở 75 khắc; “tam chi khí” bắt đầu từ 76 khắc, cuối cùng là 62 khắc rưỡi; “tứ chi khí” bắt đầu từ 62 khắc 6 phân, cuối cùng là 50 khắc; “ngũ chi khí” bắt đầu từ 51 khắc, cuối cùng là 37 khắc rưỡi; “lục chi khí” bắt đầu từ 37 khắc 6 phân, cuối cùng là 25 khắc… Đó, là “sơ lục” tính theo cái số của trời vậy (18).

***

 Về năm Ất Sửu, “sơ chi khí” thiên số bắt đầu từ 26 khắc, cuối cùng là 12 khắc rưỡi; “nhị chi khí” bắt đầu từ 12 khắc 6 phân, cuối cùng là thủy hạ 100 khắc; “tam chi khí” bắt đầu từ một khắc, cuối cùng là 87 khắc rưỡi; “tứ chi khí” bắt đầu từ 87 khắc 6 phân, cuối cùng là 75 khắc; “ngũ chi khí” bắt đầu từ 76 khắc, cuối cùng là 62 khắc rưỡi; “lục chi khí” bắt đầu từ 62 khắc, cuối cùng là 50 khắc. Đó gọi là “lục nhị”, tính theo số của trời vậy (19).

***

 Năm Bính Dần, “sơ chi khí” bắt đầu từ 51 khắc, cuối cùng là 37 khắc rưỡi; “nhị chi khí” bắt đầu từ 37 khắc 6 phân, cuối cùng là 25 khắc; “tam chi khí” bắt đầu từ 26 khắc, cuối cùng là 12 khắc rưỡi; “tứ chi khí” bắt đầu từ 12 khắc 6 phân, cuối cùng là thủy hạ 100 khắc; “ngũ chi khí” bắt đầu từ một khắc, cuối cùng là 87 khắc rưỡi; “lục chi khí” bắt đầu từ 87 khắc 6 phân rưỡi, cuối cùng là 75 khắc. Đó là khí thứ ba ở trong sáu khí, tính theo số của trời vậy (20).

***

 Năm Đinh Mão, “sơ chi khí” bắt đầu từ 76 khắc, cuối cùng là 62 khắc rưỡi; “nhị chi khí” bắt đầu từ 62 khắc 6 phân, cuối cùng là 50 khắc; “tam chi khí” bắt đầu từ 51 khắc, cuối cùng là 37 khắc rưỡi; “tứ chi khí” bắt đầu từ 37 khắc 6 phân, cuối cùng là 25 khắc; “ngũ chi khí” bắt đầu từ 26 khắc, cuối cùng là 12 khắc rưỡi; “lục chi khí” bắt đầu từ 12 khắc 6 phân, cuối cùng là thủy hạ 100 khắc. Đó là khí thứ tư ở trong sáu khí, tính theo số của trời vậy (21). Đến năm sau là năm Mậu thìn, “sơ chi khí” lại bắt đầu khắc thứ nhất. Cứ như thế mãi, hết vòng lại bắt đầu.

***

 Hoàng Đế hỏi:

 - Xin cho biết “tuế hậu” như thế nào?

 Kỳ Bá thưa rằng:

 - Nhật đi một vòng, thiên khí bắt đầu từ khắc thứ một. Nhật đi hai vòng, thiên khí bắt đầu từ 26 khắc. Nhật đi ba vòng, thiên khí bắt đầu từ 51 khắc. Nhật đi bốn vòng, thiên khí bắt đầu từ 76 khắc. Nhật đi năm vòng, thiên khí lại bắt đầu từ khắc thứ một. Đó gọi là một kỷ (22).

 Vậy nên, về những năm Dần, Ngọ, Tuất, khí hội giống nhau;; nhưng năm Mão, Vị (mùi), Hợi, khí hội giống nhau; những năm Thìn, Thân, Tý, khí hội giống nhau; những năm Tỵ, Dậu, Sửu, khí hội giống nhau. Cứ như thế, cuối cùng mà lại bắt đầu (23).

***

 Hoàng Đế hỏi:

 - Xin cho biết công dụng thế nào?

 Kỳ Bá thưa rằng: 

 - Nói về trời, phải cầu ở bản; nói về đất , phải cầu ở vị, nói về người, phải cầu ở khí giao (24).

 - Thế nào là khí giao?

 - Cái vị trên dưới, khí giao ở giữa, tức là nơi ở của người. Cho nên nói: Ở trên Thiên khu, thiên khí làm chủ; ở dưới thiên khu, địa khí làm chủ; trong khoảng khí giao, thì người theo đó, muôn vật cũng theo đó (25).

 - Thế nào là sơ và trung?

 - Sơ, phàm 30 độ có lẻ. Trung khí cũng vậy.

 - Sơ, trung để làm gì?

 - Là cốt để chia rẽ trời và đất.

 - Xin cho biết rõ.

 - Sơ, thuộc về địa khí. Trung, thuộc về cả trời và đất (26).

***

 Hoàng Đế hỏi:

 - Hàn với thấp cùng ngộ hợp, táo với nhiệt cùng gia lâm, phong với hỏa cùng chủ tuế, như thế nào?

 Kỳ Bá thưa rằng:

 - Khí có thắng, phục. Thắng, phục gây nên, có đức, có hóa, có dụng, có biến... Nếu biến thì tà sẽ phạm đến...

 - Sao lại bảo là tà?

 - Vật sinh ra bắt đầu ở sự hóa; vật đến cực đều do ở sự biến. Biến hóa cùng dồn nhau, thành với bại đều do ở đó.

 Cho nên khí có vãng, phục; dụng có chì, tốc. Nhờ bốn điều kiện đó, mới sinh ra sự biến, hóa, mà phong cũng do đó mà sinh ra.

 Hoàng Đế hỏi:

 - Chì, tốc với vãng, phục; phong do đó mà sinh ra - phàm sự biến hóa, đều bởi thịnh suy mà gây nên. Vậy còn sự "thành, bại" ẩn nấp ở bên trong, là vì sao?

 Kỳ Bá thưa rằng:

 - Phàm có sự thành hay bại, đều do ở động. Nếu động không ngừng, sẽ sinh ra biến hóa.

 Hoàng Đế hỏi:

 - Có kỳ hạn nào không?

 Kỳ Bá thưa rằng:

 - Không sinh, không hóa, sẽ là kỳ hạn của sự tĩnh vậy.

 - Có khi nào không sinh hóa chăng?

 - Nếu bỏ mất sự đi ra đi vào, thì còn chi cái công dụng mở đóng của cánh cửa; nếu bỏ mất sự thăng giáng không ngừng của âm dương, thì còn chi là sự sản xuất của muôn loài, muôn vật... Vậy, cái khí thăng giáng, xuất, nhập, không một lúc nào ngừng. Nhưng hóa cũng có nhớn nhỏ, mà kỳ cũng có xa gần. Bốn điều đó thường phải có luôn. Nếu không sẽ sinh ra tai hại. Cho nên có câu nói: "Vô hình thì vô hại". Thật là rất đúng (27).

Chú giải

 (1) “Lục lục” tức là Tam âm, Tam dương của Tư thiên, “thượng hợp” (hợp lên trên) với sáu khí của trời. “Trên dưới có ngôi”, tức như: Thiếu âm ở trên thì Dương minh ở dưới, Thái âm ở trên thì Thái dương ở dưới, Thiếu dương ở trên thì Quyết âm ở dưới, Quyết âm ở trên thì Thiếu dương ở dưới; Thái dương ở trên thì Thái âm ở dưới; Dương minh ở trên thì Thiếu âm ở dưới… Sáu “cơ” hoàn chuyển, mà đều có cái định vị trên dưới. “Tả hữu có kỳ”, như: Thiếu âm ở trên thì Quyết âm ở tả, Thái âm ở hữu; Thái âm ở trên thì Thiếu âm ở tả, Thiếu dương ở hữu; Thiếu dương ở trên thì Thái âm ở tả; Thái dương ở trên thì Dương minh ở tả, Quyết âm ở hữu; Quyết âm ở trên thì Thái dương ở tả, Thiếu âm ở hữu… Đều theo cái khí ở trên, mà tả hữu đều có định kỳ. Cho nên: Thiếu dương ở hữu thì Dương minh chủ trị; Dương minh ở hữu, thì Thái âm chủ trị v.v… Bởi do âm dương ở hữu Vị, chuyển thiên ở trên để chủ về Tàng. “Khí của tiêu” tức là cái khí ta thấy ở phần trên. Vì thiên khí hữu toàn, nên ta nam diện để xem và nhận định sự tuần tự, hoàn chuyển đó.

 (2) Đây nói Tam âm, Tam dương có sự “hóa” của sáu khí, có “bản, tiêu” do trên dưới, lại có “tiêu, bản” do “trung kiên”. Phong, hàn, thử, thấp, táo, hỏa… là âm dương của trời. Tam âm, Tam dương “thượng phụng” nó. Cho nên lấy khí trời làm bản mà ở trên, mà lấy cái khí Tam âm, Tam dương là tiêu mà thấy ở dưới..

 (3) Đây nói 6 khí của Tam âm, Tam dương dù trên dưới cùng ứng, mà cái “danh” thì không giống nhau. Thiếu âm, tiêu là âm mà bản là nhiệt. Thái dương tiêu là dương mà bản là hàn, đó là “tiêu, bản” không giống nhau. Thiếu âm, Thái dương theo bản lại theo tiêu; Thái âm, Thiếu dương theo bản; Dương minh, Quyết âm không theo tiêu, bản, mà theo ở Trung. Cho nên cũng có khi theo bản mà nên, có khi theo tiêu mà nên, lại có khi theo tiêu, bản mà nên. Đó là “khí ứng khắc tượng”.

 (4) Đây nói về sự Chủ tuế của Tam âm, Tam dương, đều có thái quá và bất cập khác nhau. “Nên đến mà đến…”. Đó là cái năm bình khí, không có thái quá và bất cập, khí của bốn mùa, đúng kỳ mà đến, đó tức là nhờ ở sự hòa bình của khí. Nếu mùa Xuân nên ôn mà còn hàn, mùa Hạ nên nhiệt mà còn ôn… Đó là nên đến mà không đến, tức là “lai khí” bất cập. Nếu chưa đến mùa Xuân mà đã ôn, chưa đến mùa Hạ mà đã nhiệt, đó là chưa nên đến mà đến, tức là “lai khí” hữu dư.

 (5) Về cái năm bất cập, nên đến mà không đến; về cái năm hữu dư, nên chưa đến mà đã đến… Như thế là đúng, là thuận. Nếu cái năm bất cập, lại chưa nên đến mà đã đến; cái năm hữu dư, lại nên đến mà không đến. Như thế là trái, là nghịch.

 (6) “Vật loại sinh ra biết là đúng…”. Như cái năm Quyết âm Tư thiên, loài mao trùng thì tĩnh. Loài vũ trùng thì dục (sinh nở); năm Thiếu âm Tư thiên, cỏ cây sớm tốt; năm Thái âm tư thiên, muôn vật đều tốt (vinh)… Đó là các loài sinh vật đúng với các tiết hậu Tư thiên. “Xét ở khí mạch biết là đúng…”. Như Thái âm Tư thiên, hàn khắp thái hư, dương khí không phát triển; Dương minh Tư thiên, Dương khí chuyển lệnh, nóng bức khắp nơi; Thái âm Tư thiên, Âm khí chuyên chính, Dương khí rút lui…; lại như Quyết âm khí đến, mạch ứng ra huyền; Thiếu âm khí đến, mạch ứng ra câu; Thái âm khí đến, mạch ứng ra trầm; Thiếu dương khí đến, mạch đại mà phù; Dương minh khí đến, mạch đoản mà sắc; Thái dương khí đến, mạch đại mà trường v.v… Đều là sự “đúng” của khí và mạch.

 Phụ: Giải thêm về Tiêu bản và Trung kiến. Phàm hỏa, táo, phong, hàn, nhiệt, thấp v.v… là cái khí chủ trị, đều bảo là cái “bản” của sáu khí, còn cái khí “Trung kiến” ở trong sáu khí. Gồm cả cái “tiêu” của sáu khí trên kia mà nói, thì bản ở trên, tiêu ở dưới, trung khí ở vào khoảng giữa của Tiêu, Bản. Cho nên nói: Ở dưới bản, là sự “kiến” của trung; ở dưới sự “kiến”, là tiêu của khí. Về “Trung khí”, ở dương đều có, cũng như chồng vợ phối hợp, cùng giữ gìn lẫn nhau. Mà Tàng Phủ kinh mạch ở con người, cũng đều tương ứng như vậy. Cho nên Bản, Tiêu của kinh Thiếu dương, mà “Trung kiến” là Quyết âm; bản tiêu của kinh Quyết âm mà “Trung kiến” là Thiếu dương, đều “lẫn” do “trung khí” để cùng giữ gìn nhau, vậy thì Đởm, Tam tiêu ở Thiếu dương kinh, cũng “lạc” với Can và Tâm bào; mà Can, Tâm bào ở Quyết âm kinh cũng “lạc” với Đởm và Tam tiêu để lẫn cùng giao thông với nhau. Bản, Tiêu của Dương minh mà “trung kiến” là Thái âm; bản tiêu của Thái âm mà "trung kiến" là Dương minh. Đều lẫn do “trung khí” để cùng giữ gìn nhau. Vậy thì Vị và Đại trường ở Dương minh cũng “lạc” với Tỳ và Phế; mà Tỳ, Phế ở Thái âm kinh “lạc” với Vị và Đại trường để cùng giao thông với nhau. Bản tiêu của Thái dương mà "trung kiến" là Thiếu âm; bản tiêu của Thiếu âm mà "trung kiến" là Thái dương, đều “lẫn” do trung khí để cùng giữ gìn nhau. Vậy thì Bàng quang, Tiểu trường ở Thái dương kinh cũng “lạc” Tâm với Thận; Thận với Tâm ở Thiếu âm kinh cũng “lạc” Bàng quang và Tiểu trường… để cùng giao thông với nhau. “Bản tiêu không giống, khí ứng khác tượng…”. Tức là hai khí của Thái dương và Thiếu âm. Vì: Ở trên Thái dương, hàn khí chủ trị, thế là tiêu dương mà bản hàn không giống nhau; Ở trên Thiếu âm nhiệt khí chủ trị, thế là tiêu âm, bản nhiệt không giống nhau.

 (7) “Khí vị”, là nói về cái bộ Vị chủ trị của 6 khí. Hiển minh (nghĩa đen là tỏ sáng, hình dung từ) tức là Dần, Dần tiết hậu Lập xuân, tức là “sơ chi khí” (cái khí bắt đầu của một năm, cùng của sáu kinh). Bên hữu hiển minh, là vị của quân hỏa, tức là “nhị chi khí”. Lui lại một bộ, tức là do bên hữu mà lui chuyển. Bên hữu quân hỏa, là vị của Thiếu dương tướng hỏa, chủ về “tam chi khí”. Lại đi một bộ, tức là dời sang một Vị, thuộc Thái âm thấp thổ chủ về “tứ chi khí”. Lại đi một bộ, thuộc Dương minh táo kim, chủ về “ngũ chi khí”. Lại đi một bộ, thuộc Thái dương hàn thủy, chủ về “lục chi khí”. Lại đi một bộ, thuộc về Quyết âm phong mộc, chủ về “sơ chi khí”. Lại đi một bộ, thuộc về Thiếu âm quân hỏa làm chủ, thế là đã “chu” mà lại bắt đầu.

 (VIII) Tiết trên, nói về 6 khí tương sinh để chủ thời; tiết này nói về 6 khí “thừa chế” để sinh hóa. Bởi ở trong năm hành có “sinh”, có “hóa”, có “chế”, có “khắc”. Nếu không có “thừa chế” mà “cang cực” (găng quá) thì làm hại, có “chế khắc” thì sẽ có sinh hóa. Âm tinh tức là tinh thủy do Thiến ất sinh ra. Tỷ như, ở dưới bản vị là Dương minh táo kim, Thái dương hàn thủy. Do cái khí của mẹ con để thừa theo. Nếu khí của mẹ “chế” lại, thì khí của con sẽ sinh hóa ra Mộc. Lại như ở dưới Kim vị là hai thứ Hỏa quân, tướng và Thái âm thấp thổ. Do cái khí của mẹ con để thừa theo; khí của mẹ khắc lại, thì khí của con sẽ sinh hóa ra Kim. Ở dưới Thổ vị là Quyết âm phong mộc, và hai Hỏa quân, tướng. Do cái khí của mẹ con để thừa theo Mộc, chế sang Thổ thì Hỏa khí sẽ sinh hóa. Còn các khí kia cũng vậy. Đó là “chế thời sinh hóa”. Lại như: Hỏa cang mà không có thủy để thừa theo, thì lửa nóng nung Kim, mà cái “nguồn sinh của Thủy sẽ bị tuyệt”. Không có Thủy để chế Hỏa, thì Hỏa lại càng cang. Lại như, Thủy cang mà không có Thổ để thừa theo, thì Thủy tràn, Hỏa tắt, mà cái mẫu khí của Thổ sẽ bị diệt. Không có Thổ để chế Thủy, thì Thủy lại càng cang… Vì vậy “cang” là “tặc hại” của năm hành. Nếu bị hại thì bao cái khí “sinh, hóa, thừa, chế” sẽ đều bại loạn, mà sẽ gây nên bệnh nhớn. “Ngoài bảy thịnh suy”, tức là nói: ở bên ngoài phô bày cái khí chủ tuế, có thịnh có suy, nếu cái khí chủ tuế với cái khí chủ thời, đều cùng cang cực, thì lại càng bại nhiều.

 (9) “Không đúng với vị” là nói: Khí lại hữu dư thì chế cái “kỳ sở thắng”, mà “vô” cái mình “sở bất thắng”. Đó là tuế khí thịnh. Nếu khí lại bất cập, thì cái mình “sở bất thắng”,sẽ “vô” mà lấn lên; mà cái “kỷ sở thắng” sẽ khinh mà “võ” lại. Đó là tuế khí suy. Nếu “hư” đều không giữ bản vị mà mà cứ “thừa, võ” lẫn nhau, thì tà tích sẽ sinh ra ở bên trong. Đúng với Vị là cái năm bình khí, không có sự “thừa, võ” do thái quá và bất cập, mà đều đúng với bản vị đó là “chính” của khí. Nếu “tà” thì biến nhiều, mà “chính” thì biến ít.

 (10)   Mão, tức Đinh mão; Ngọ, tức Mậu ngọ; tứ quý tức Giáp Thìn, Giáp Tuất, Kỷ Sửu, Kỷ Vị; Dậu tức Ất Dậu; Tý tức Bính Tý. Lấy sự hóa vận của thiên Can cùng với sự chủ tuế của địa chi cùng hợp, nên gọi là Tuế hội. Tức là năm bình khí. Nếu không phải là năm Tuế hội, thì sẽ có sự thái quá bất cập cùng “thừa nhau”. Thế là không đúng vị.

 (11) “Trên thấy”, là nói về cái khí Tư thiên thấy ở trên Tuế vận. Về năm Thổ vận, trên thấy Thái âm, tức là hai năm Kỷ Sửu và Kỷ Vị; về năm Hỏa vận, trên thấy Thiếu dương, tức là hai năm Mậu Dần và Mậu Thân; lại trên thấy Thiếu âm, là hai năm Mậu Tý, Mậu Ngọ; về năm Kim vận, trên thấy Dương minh, tức là hai năm Ất Mão và Ất Dậu; về năm Mộc vận; trên thấy Quyết âm, tức là hai năm Đinh Tỵ và Đinh Hợi; về năm Thủy vận, trên thấy Thái dương, tức là hai năm Bính Thìn và Bính Tuất. Đó là cái khí Tư thiên với cái khí năm vận cùng hợp nhau, nên gọi là Thiên phù (chữ phù là cái dấu, cái ấn, có nghĩa bóng là hợp nhau, in như nhau. Ta có thành ngữ: phù hợp).

 (12) Như Thiên phù với Tuế hội cùng họp, thì gọi là Thái ất Thiên phù. Đó là bốn năm Mậu Ngọ, Kỷ Sửu, Kỷ Vị, Ất Dậu… Do cái khí của Tư thiên, cái khí của ngũ vận, và cái khí của chủ tuế tương hợp, nên cũng gọi là tam hợp.

 (13) Vương Băng nói: Chấp pháp cũng như tể tướng, hành lệnh cũng như Phương Bá, quý nhân cũng như quân vương (đây đều là hình dung về công năng).

 (14) Vương Băng nói: Vị chấp pháp là chuẩn thằng của các quan chức, vậy mà lại làm sự càn bậy, nên bệnh phát sinh chóng mà nguy; Phương Bá tuy to nhưng không có cái quyền chấp pháp, nên không chóng bị hại, mà dù mắc bệnh cũng còn “tự trì” được; Quý nhân thì không có cái nghĩa bị lăng phạm, nên nếu mắc bệnh thì bạo tử..

 (15) Địa lý ứng với sáu tiết, đó là do ở sáu khí chủ thời, là một cái Vị không hề thay đổi. Nhưng lại còn có 6 khí “gia lâm”, theo Tư thiên, Tại toàn để hoàn chuyển về “sáu cơ”. Cho nên mới nói đến sự “thay đổi của Vị”. Tỷ như: Thiếu âm quân hỏa, gia lâm lên trên Thiếu âm tướng hỏa, thế là quân ở vào Vị của thần, thì thuận. Nếu Thiếu dương tướng hỏa, gia lâm lên trên Thiếu âm quân hỏa, thế là thần ở vào Vị của quân, thì nghịch. Đó là sự thuận nghịch của hai Hỏa. Theo đó mà suy ra, thì bốn khí kia cũng có cái sự phân biệt là mẹ, con. Nếu mẹ ở trên con thì thuận, con ở trên mẹ là nghịch. Cũng cùng một nghĩa.

 (16) Đây nói về sự gia lâm của 6 khí. Mỗi Vị một khí đều chủ 60 ngày linh 87 khắc rưỡi. Cho nên là “60 độ mà có lẻ”. Tính trong bốn năm, cộng được 24 bộ, mà mỗi bộ “khí doanh” 87 khắc rưỡi. Vậy “tích, doanh” (chứa đầy, đủ) 2000 khắc, chia vào khí của bốn năm, “doanh” 100 khắc, do đó mới thừa một ngày.

 (17) Đây nói về 6 khí gia lâm, cùng với cái khí chủ thời tương ứng, mà đều có sự không giống nhau. Về năm hành như: Quyết âm phong Mộc, chủ về sơ khí; quân hỏa, tướng hỏa chủ về nhị khí, tam khí; Thái âm thấp Thổ, chủ về tứ khí; Dương minh táo kim chủ về ngũ khí; Thái dương hàn thủy, chủ về lục khí… Đó là năm hành chủ thời, giữ cái địa vị nhất định mà không hề thay đổi. Nếu cái sáu khí gia lâm ứng với năm hành chủ thời; thì lại thay đổi không giống nhau nữa. “Vị có chung thủy”, là nói về sáu khí chủ thời, bắt đầu từ Quyết âm, cuối cùng là Thái dương, có cái bản vị nhất định. “Khí có sơ, trung”, là nói về sáu khí gia lâm, bắt đầu do “sơ khí” của đất, mà cuối cùng là trung khí của trời. “Trên dưới không giống nhau”, là nói về: khách khí gia lâm ở trên, chủ khí làm chủ ở dưới, sự tương ứng đều giống nhau, nên về sự tìm xét cũng phải khác.

 (18) Thiên số (tức là số của trời), lấy cái số ngày của một năm, ứng với chu thiên 365 độ và một phần tư của độ. Cái “sơ chi khí” bắt đầu từ tháng Dần (giêng), ngày Sóc, bắt đầu giờ Tý, thủy hạ một khắc, đến cuối cùng là 60 ngày linh 87 khắc rưỡi. Hết sáu khí, cộng được 365 ngày linh 25 khắc. Đó là sáu khí bắt đầu (tức sơ lục), ứng theo khi của trời.

 (19)   Năm Ất Sửu, “sơ chi khí”, bắt đầu từ năm Giáp Tý ngày thứ 266, linh 26 khắc, cuối cùng ở 12 khắc rưỡi thuộc ngày thứ 61. Tính được 60 ngày linh 81 khắc rưỡi. Sáu khí cộng tính 365 ngày linh 25 khắc. Đó tức là “khí thứ hai ở trong sáu khí”, để ứng với số của trời.

(20)   Năm Bính Dần, “sơ chi khí”, bắt đầu từ hai năm trước 731 ngày, linh 51 khắc; “chung chi khí” cuối cùng ở ngày 1916 linh 75 khắc. Vậy giờ tính 365 ngày linh 25 khắc, tức là sáu khí ở nawmthws ba vậy.

(21)   Năm Đinh Mão, “sơ chi khí”, bắt đầu từ ngày 1916 linh 75 khắc; cuối cùng là ngày thứ 1461, thủy hạ 100 khắc. Vậy là mỗi năm đều là 365 ngày linh 25 khắc. Bốn năm cộng được 1461 ngày, lại tích doanh 100 khắc mà thành được một ngày thừa. Mỗi năm tính được sáu ngày “sóc hư”, năm ngày “khí doanh”, và linh 25 khắc. Tính những ngày “khí doanh, sóc hư” trong vòng 20 năm, sẽ tích được thừa 225 ngày. Vì vậy ba năm thì một lần nhuận, năm năm thì hai lần nhuận. Trong vòng 19 năm có bảy lần nhuận, lại còn thừa ba ngày có lẻ nữa.

 (22) Tiết trên nói về “Kỷ bộ” của sáu khí; đây lại nói về cái khí trong một năm để ứng với cái số chu thiên. Chu thiên 365 độ và một phần tư của độ; nhật, một ngày vòng quanh trái đất một vòng, lại quá ra một độ. Mỗi năm “kỷ” 365 độ linh 25 khắc. Vậy là nhật đi một năm, một chu thiên mà lại bắt đầu đi đến “chu” (vòng) thứ hai. Bốn năm cộng tiết doanh được 100 khắc để làm một kỷ.

 (23) Đây nói về thiên số với địa chi hội đồng. Nên mới bốn năm là một kỷ. Những năm Dần, Ngọ, Tuất đều chủ về nhật đi ba chu, mà khí trời bắt đầu từ 51 khắc. Những năm Mão, Vị, Hợi, đều chủ về nhật đi bốn chu, thiên khí bắt đầu từ 76 khắc; những năm Thìn, Thân, Tý đều chủ về nhật đi bốn chu, thiên khí bắt đầu từ một khắc; những năm Tỵ, Dậu, Sửu đều chủ về nhật đi hai chu, thiên số bắt đầu từ 26 khắc. Bốn lần “hội” mà địa chi đã chu, cuối cùng rồi lại bắt đầu.

 (24) “Ở trên thiên khu” là nói: bầu trời bọc trái đất, mà trái đất ở trong bầu trời. Người với muôn vật cùng sinh ra ở khoảng “hai khí cùng giao với nhau” của trời đất. Người và vật nhờ đó mà sinh trưởng, tráng lão…

 (25) Nửa năm về trước, khí trời làm chủ, mà cái “sơ khí” của Tư thiên, lại bắt đầu từ bên tả của đất; nửa năm về sau, địa khí làm chủ, mà cái “sơ khí” của Tại toàn, lại bắt đầu từ bên hữu của trời. Đó là trên dưới cùng giao. Mà ở trong một khí, lại có chia ra “sơ” và “trung”, và có lẻ nữa, đều chủ 30 ngày, linh 43 khắc 7 phân 5 ly. Đất chủ về sơ khí, trời chủ về trung khí; vậy là ở trong một khí mà cũng có sự giao hội của trời đất, âm dương. Cho nên nói rằng: “Trong âm có dương, trong dương có âm”.

 Trương Ngọc Sư nói: Cái khí Tư thiên, Tại toàn, đều bắt đầu từ sơ khí của đất, mà cuối cùng ở trung khí của người. Cho nên trên nói: “Sơ là địa khí”. Lại như: cái khí Tư thiên, bắt đầu từ bên tả của đất, thế là ở trong đất mà cũng có trời; cái khí Tại toàn, bắt đầu từ bên hữu của trời, thế là ở trong trời lại có đất. Đều là cái diệu dụng của khí giao.

 (26) Thiên khí chủ về giáng nhưng do thăng mà lại giáng. Thế là cái khí giáng đó, do ở đất mà thăng lên; địa khí chủ về thăng, nhưng do giáng mà rồi thăng, thế là cái khí thăng lên, do tự trời giáng xuống. Khí trời tràn trên đất, khí đất bốc lên trời. Cái khí của trên trời dưới đất, cùng cảm chiệu lẫn nhau, nhân thăng mà giáng, nhân giáng mà thăng. Thăng giáng không ngừng, sinh ra biến hóa.

 (27) Cây nấm không biết ngày hội, ngày sóc, ve sầu không biết mùa xuân, mùa thu. Đó là một sự hóa nhỏ; cây Linh Xuân, lấy nghìn năm làm xuân, nghìn năm làm thu. Đó là một sự hóa lớn. Khí của trời đất, dương động, âm tĩnh; ngày động, đêm tĩnh… Đó là cái kỳ hạn gần; lại như trời mở ra từ hội Tý, đất mở ra từ hội Sửu. Trời đất khai tịch, động mà không ngừng, đến Tuất, Hợi thì trời đất lại hỗn đồng, tĩnh mà không động… Đó là cái kỳ hạn xa. “Vô hình thì vô hại”, lại nói: Nếu có thể lọt ra ngoài vòng trời đất, trút sạch bỏ hình hài nhơ nhớp… Có như thế mới có thể vô hại. Lão Tử nói: “Ta sở dĩ vướng có đại hoạn, vì ta có thân. Đến khi ta đã không có thân nữa thì ta còn lo lắng gì…”. Cũng một ý với câu ở đây.


Các bài mới:

Các bài đã đăng:

 
< Trước   Tiếp >