Trang chủ arrow Đông y khái luận arrow Chương sáu mươi tư - TỨ THỜI THÍCH NGHỊCH, TUNG LUẬN THIÊN
Chương sáu mươi tư - TỨ THỜI THÍCH NGHỊCH, TUNG LUẬN THIÊN
23/01/2019
KINH VĂN

 Quyết âm hữu dư thì mắc bệnh âm tý; bất túc thì mắc bệnh nhiệt tý; hoạt thì mắc bệnh hồ sán phong; sắc thì mắc bệnh Thiếu phúc tích khí (1).

 Thiếu âm hữu dư mắc bệnh tý và ẩn chẩn (mọc nốt như sởi); bất túc, mắc chứng Phế tý. Hoạt thì mắc bệnh Phế phong sán; sắc thì mắc bệnh tích và tiểu ra huyết.

 Thái âm hữu dư mắc bệnh nhục tý và hàn trung; bất túc thì mắc bệnh Tỳ tý; hoạt thì mắc bệnh tý, phong sán; sắc thì mắc bệnh tích, Tâm phúc thường mãn.

 Dương minh hữu dư mắc bệnh mạch tý, mình thường nóng; bất túc mắc bệnh Tâm tý; hoạt thì mắc bệnh Tâm phong sán; sắc thì mắc bệnh tích, thỉnh thoảng hay kinh.

 Thái dương hữu dư mắc bệnh cốt tý, mình nặng; bất túc mắc bệnh Thận tý; hoạt thì mắc bệnh Thận phong sán; sắc thì mắc bệnh tích, thỉnh thoảng phát chứng điên.

 Thiếu dương hữu dư mắc bệnh cân tý, hiếp mãn; bất túc, mắc bệnh cân tý; hoạt, thì mắc bệnh cân phong sán; sắc thì mắc bệnh tích, thỉnh thoảng gân rút và đau mắt (2).

 Ấy cho nên: Khí mùa Xuân ở kinh mạch, khí mùa Hạ ở tôn lạc; khí mùa Trưởng hạ ở cơ nhục; khí mùa Thu ở bì phu; khí mùa Đông ở trong cốt tủy.

 Hoàng Đế hỏi:

 - Xin cho biết nguyên nhân ra làm sao?

 Kỳ Bá thưa rằng:

 - Mùa Xuân là thời kỳ khí trời mới mở ra, khí đất mới phát tiết, váng mỡ, giá tan, thủy lưu hành, kinh thông lợi. Cho nên khí người ở trong mạch. Mùa Hạ, kinh đầy, khí ràn vào tôn lạc để tiếp nhận lấy huyết, bì phu do đó được đầy đặc; mùa Trưởng hạ kinh lạc đều thịnh, do bên trong tiết vào cơ nhục; mùa Thu, khí trời mới thâu liễm, tấu lý vít lấp, bì phu khô dẳng; mùa Đông che giấu huyết khí ở bên trong, bám liền vào cốt tủy, để lại giao thông với năm Tàng (3).

 Vậy nên, tà khí thường theo khí huyết của người ở bốn để thừa cơ vào “khách”. Nhưng đến sự biến hóa thì thật khó mà đo lường. Dù sao cũng phải thuận theo ở kinh khí để dùng phép thích, nếu tích trừ được tà khí, thì loạn khí sẽ không sinh ra được.

 Hoàng Đế hỏi:

 - Thích trái với bốn mùa, mà sinh loạn khí, bệnh trạng như thế nào?

 Kỳ Bá thưa rằng:

 - Mùa Xuân mà thích ở lạc mạch (Xuân khí ở kinh mạch, mà thích lạc mạch, là trái), huyết khí sẽ ràn ra ngoài, khiến người thiểu khí; mùa Xuân mà thích ở cơ nhục, huyết khí sẽ vòng đi ngược, khiến người thượng khí; mùa Xuân mà thích ở cân cốt, huyết khí sẽ bám vào trong, khiến người phúc trướng.

 Mùa Hạ thích ở kinh mạch (mùa Hạ huyết khí đã ra ngoài tôn lạc), huyết khí sẽ bị kiệt, khiến người rã rời; mùa Hạ mà thích ở cơ nhục, huyết khí sẽ lộn vào trong, khiến người hay khủng; mùa Hạ mà thích ở cân cốt, huyết khí sẽ nghịch lên, khiến người hay nộ.

 Mùa Thu mà thích ở kinh mạch, huyết khí sẽ ngược lên, khiến người  hay quên; mùa Thu thích ở lạc mạch, khiến khí không dẫn được ra bên ngoài, khiến người nằm không muốn cựa; mùa Thu mà thích ở cân cốt, huyết khí sẽ tan rã ở bên trong, khiến người rét run.

 Mùa Đông mà thích ở kinh mạch, huyết khí sẽ đều thoát, khiến người mắt trông không tỏ; mùa Đông mà thích ở lạc mạch, khí bên trong sẽ tiết ra bên ngoài, lưu thành chứng đại tý; mùa Đông mà thích ở cơ nhục, Dương khí sẽ kiệt tuyệt, khiến người hay quên.

 Phàm sự thích về bốn mùa đó, đều gây nên bệnh lớn, không thể theo.

 Vậy về phép thích, không biết kinh mạch của bốn mùa, bệnh sẽ sinh ra; nếu lấy thuận làm nghịch, chính khí sẽ loạn ở bên trong, tà khí và tinh khí sẽ cùng xung đột nhau. Vậy, tất phải xét rõ chín hậu, khiến cho chính khí không loạn, thì tinh khí mới không nghịch chuyển mà gây nên bệnh hoạn (4).

 Hoàng Đế hỏi:

 - Thích vào năm Tàng, nếu trúng Tâm thì một ngày chết, khi mới phát bệnh sẽ là chứng “ợ”; trúng Can thì năm ngày chết, khi mới phát bệnh sẽ là chứng nói luôn miệng; trúng Phế thì ba ngày chết, khi mới phát bệnh sẽ là chứng ho; trúng Thận sáu ngày chết, khi mới phát bệnh sẽ là chứng hắt hơi và vươn vai; trúng Tỳ, mười ngày chết, khí mới phát bệnh sẽ là chứng thôn (nuốt nước miếng). Thích làm thương đến năm Tàng, tất phải chết, mà các bệnh lúc mới phát ra đều theo tính cách bản Tàng. Nhân đó có thể biết được là bao giờ chết (5).

Chú giải

 (1) Đây nói về sáu khí trong hợp với Tàng. Như nói: Quyết âm, Thiếu âm, Thái dương, Thiếu dương… là nói về sáu khí gây nên bệnh. Như nói: bì, nhục, cân, cốt, mạch… là nói sáu khí lan tới khu vực ngoại hợp của năm Tàng. Như nói: Tâm, Can, Tỳ, Phế, Thận… là nói nhân sáu khí  mà lan tới năm Tàng. Nói “hữu dư”, tức là chỉ về những kinh nhiều khí, ít huyết; nói “bất túc”, tức là chỉ về những kinh huyết khí đều ít; “hoạt” là nói Dương khí thịnh mà hơi có nhiệt; “sắc” là nói nhiều huyết ít khí, mà hơi có hàn; “tý” là nói về một chứng khí huyết vướng mắc ở khoảng bì, nhục, cân, cốt mà gây nên đau. Bệnh về khí gọi là sán, bệnh về huyết gọi là tích. Bởi khí thịnh mà sinh nhiệt, thì thành chứng sán thống; huyết nhiều mà đọng rít nên thành tích. Quyết âm là một nơi âm đã cực. Âm cực thì dương sẽ sinh, được cái khí “hỏa hóa” của “trung kiếm” là Thiếu dương, cho nên vừa hàn vừa nhiệt. Quyết âm chủ về cái khí phong mộc phát sinh ở mùa Xuân, nên ở thiên này nói đến Quyết âm trước.

 (2) Đây nói về túc Tam dương kinh. Kinh đó có hư có thực; mà mạch thì có sắc, mà mạch thì có hàn có sắc, mà sinh bệnh thì có hàn, có nhiệt, có nội, có ngoại. Dương minh tức là túc Dương minh vị kinh. Vị là con của Tâm. Hữu dư thì mắc bệnh mạch tý, vì Tâm chủ về mạch, mà lại ở khu vực bán biểu. Bất túc thì mắc bệnh Tâm tý, vì Tâm chủ về lý. Nếu mạch hoạt thì có bệnh Tâm phong sán, tức thuộc về cái tà ngoại cảm. Nếu mạch sắc thì là bệnh tích, thỉnh thoảng lại phát kinh, tức thuộc về cái tà nội thương. Bởi vì cái đường mạch của Tâm chủ, khơi từ trong hung, ra liền với Tâm bao, xuống cách, rồi lạc khắp Tam tiêu, nên mới sinh ra chứng bệnh như vậy. Thái dương, tức là túc Thái dương Bàng quang kinh. Bàng quang với Thận làm biểu lý. Hữu dư thì sinh bệnh cốt tý, mình nặng; vì Thận chủ về cốt; bất túc thì sinh bệnh Thận tý, vì Thận ở bên trong. Nếu mạch hoạt thì là chứng Thận phong sán, thuộc về cái tà ngoại cảm; nếu mạch sắc thì mắc bệnh tích, thỉnh thoảng lại phát điên, thuộc về cái tà nội thương. Đởm với Can, là biểu lý. Hữu dư thì sinh bệnh cân tý, vì Can chủ về cân, bất túc thì sinh bệnh Can tý, vì Can ở về bên trong. Nếu mạch hoạt, thì phát chứng Can phong sán, thuộc về cái tà ngoại cảm; nếu mạch sắc thì mắc bệnh tích, thỉnh thoảng gân rút và mắt đau, thuộc về cái tà nội thương. Bởi vì cái mạch của Can đi qua lên trán, cùng Đốc mạch hội hợp ở đỉnh đầu; mà biệt chi thì do Mục hệ chằng xuống quai hàm… Cho nên mới sinh ra chứng cân cấp và mục thống.

 (3) Kinh mạch ở vào bộ phận lý, chẽ ra nằm ngang gọi là lạc. Lạc lại có tia chẽ ra gọi là tôn lạc. Vậy huyết khí do kinh mạch mà ngoài ràn ra tôn lạc, lại do tôn lạc để dày đặc ở bì phu, do bì phu mà ràn vào trong cơ nhục, lại do cơ nhục mà bám vào cốt tủy, thông với năm Tàng. Đó là mạch khí đã tán bố ra mạch ở ngoài, mà lại thông với năm Tàng ở bên trong. Ta lại nên biết, trời là dương, đất là âm, âm dương hợp nhau rồi mới sinh ra khí huyết. Thận chủ về thủy của Đông lệnh, mà là cái gốc sinh ra khí; Dương minh lại là cái Phủ để sinh ra khí huyết. Cho nên nói: “Cốc vào đến Vị, đường mạch mới thông, thủy vào tới kinh, mà huyết mới thành…" Nhưng nhờ cái sinh khí ở trong Thận, Mậu, Quý hợp hóa, rồi mới sinh ra được cái chất tinh vi của thủy cốc đó… Cho nên khí trời mở ra, khí đất phát tiết, váng vỡ, giá tan, thủy lưu hành, kinh thông lợi. Cái Đông lệnh ở Thận Tàng, đã được nhờ cái khí xuân sinh, bấy giờ Nhân khí mới ở mạch. Vậy là khí ở con người thông với trời đó. Cho nên nói: Xuân sinh, Hạ trưởng, Thu thâu, Đông tàng… Đó là cái thường của khí, mà con người cũng ứng theo, nên người mới hợp với trời đất, là thế.

  Án: Ở thiên Mậu thích. Vệ khí trước dẫn hành ở bì phu, trước đầy ra lạc mạch. Lạc mạch thịnh trước, nên vệ khí mới bình, vinh khí mới mãn, mà kinh mạch cũng nhân đó mà rất thịnh. Đó là vệ khí thông vào trong mạch. Thiên này nói: Huyết khí từ kinh mà đến lạc, từ lạc mà đến bì, lại từ bì phu, cơ nhục mà trong bám vào cốt tủy, thông với năm Tàng, đó là vinh huyết dẫn hành ở ngoài mạch. Ta nên biết vinh dẫn đi ở trong mạch, vệ dẫn đi ở ngoài mạch… Đó là nói về kinh mạch ở toàn thân con người. Đến như sự “sinh, thủy, xuất, nhập” của huyết khí, vinh ở trong mạch, thấm ra ngoài mạch, đầy tới da, ấm trong thịt, mọc hào mao… Rồi trong vào tới mạc nguyên mà thông với Tàng, Phủ, biểu, lý, thượng, hạ, không đâu là không đến… Y giả hiểu thấu được nguyên lưu của huyết khí, mới có thể dò được đến chỗ gốc rễ của bệnh tà… Vậy nếu kinh, mạch không thông, còn mong trị liệu sao được…

 (4) Tổng giải về thiên này: Đây là nói về: thích trái bốn mùa, sẽ sinh tật bệnh. Mùa Xuân nên thích ở kinh mạch, nếu lại thích lạc mạch, thế là đem cái nơi thích về mùa Hạ để thích về mùa Xuân, thì huyết khí ràn ra ngoài, đại khí sẽ rút mất ở bên trong; nếu lại thích ở cơ nhục, thế là đem cái nơi thích của mùa Trưởng hạ, để thích về mùa Xuân, thì huyết khí sẽ quay ngược, khiến người thành chứng khí thượng nghịch; nếu lại thích ở cân lạc, thế là đem cái nơi thích về mùa Đông để thích về mùa Xuân, thì huyết khí sẽ bám vào trong mà bụng sẽ sinh bệnh trướng. Mùa Hạ nên thích ở tôn lạc, nếu lại thích kinh mạch, thế là đem cái nơi thích về mùa Xuân để thích mùa Hạ, thì huyết sẽ đến kiệt, khiến người sinh ra rã rời mỏi mệt; nếu lại thích vào cơ nhục, thế là đem cái nơi thích về mùa Trưởng hạ để thích về mùa Hạ, thì huyết khí sẽ lùi vào trong, mà sinh ra tấm lòng khủng cụ; nếu lại thích vào cân cốt, thế là đem cái nơi thích về mùa Đông, mà thích về mùa Hạ, huyết khí sẽ thượng nghịch, mà gây nên chứng hay nộ. Mùa Thu nên thích ở bì phu, nếu lại thích ở kinh mạch, thế là đem cái nơi thích về mùa Xuân, để thích về mùa Thu, khí sẽ thượng nghịch mà gây nên chứng hay quên; nếu lại thích lạc mạch, thế là đem cái nơi thích về mùa Hạ mà thích về mùa Thu thì khí không dẫn ra ngoài được, khiến người quá hư yếu, mà nằm không muốn cựa; nếu lại thích ở cân cốt, thế là đem cái nơi thích về mùa Đông để thích về mùa Thu, thì huyết khí sẽ tiêu tán ở bên trong, mà sinh ra chứng hàn tật. Mùa Đông nên thích ở cốt tủy, giờ lại thích ở kinh mạch, thế là đem cái nơi thích về mùa Xuân để thích về mùa Đông, thì khí huyết đều thoát, mà khiến người mắt trông không tỏ; nếu lại thích ở lạc mạch, thế là đem cái nơi thích về mùa Hạ để thích về mùa Đông, thì khí bên trong sẽ tiết ra bên ngoài, rồi lưu mà thành chứng tý; nếu lại thích cơ nhục, thế là đem cái nơi thích về mùa Trưởng hạ để thích về mùa Đông, Dương khí sẽ hao kiệt, mà khiến người thành chứng hay quên. Trở lên những sự dùng thích đó, đều là đại nghịch, thế nào cũng sinh bệnh hoạn, vậy người dùng thích phải xét rõ chín hậu mà thuận theo mạch lạc của bốn mùa mới được.

 (5) Thích trúng Tàng… Tức là nói làm thương đến cái khí của năm Tàng. Khí của năm Tàng bị thương, thì đi đến cõi chết rất dễ…


Các bài mới:

Các bài đã đăng:

 
< Trước   Tiếp >