Trang chủ arrow Đông y khái luận arrow Chương hai mươi sáu - BÁT CHÍNH THẦN MINH LUẬN
Chương hai mươi sáu - BÁT CHÍNH THẦN MINH LUẬN
17/01/2019
KINH VĂN

 Hoàng Đế hỏi:

 - Về việc dùng châm phải có phương pháp và chuẩn tắc, xin cho biết rõ.

 Kỳ Bá thưa rằng:

 - Về phương pháp thích, phải chờ ở nhật, nguyệt, tinh, thần và cái khí "bát chính" (tức gió của tám phương). Khi khí định rồi sẽ thích. Gặp những ngày ấm áp sáng sủa, thì huyết dịch điều hòa mà vệ khí nổi ra bên ngoài, thì huyết dễ tả mà khí dễ hành; nếu khí trời giá lạnh và u ám thì huyết ngừng trệ mà vệ khí chìm vào bên trong. Khi nguyệt mới sinh (trăng non) thì huyết khí mới tinh (khiết) vệ khí mới hành. Khi nguyệt đầy, huyết khí thực, cơ nhục bền chặt; khi nguyệt khuyết, thì cơ nhục giảm sút, kinh lạc hư, vệ khí tán, chỉ còn hình ở lại. Đó là nhân thiên thời để điều hòa khí huyết.

 Bởi vậy, trời rét đừng thích, trời ấm khí huyết không ngưng trệ; lúc trăng non chớ tả; lúc trăng đầy chớ bổ; lúc trăng khuyết chớ trị. Cần phải theo đúng thiên thời để điều khí huyết.

 Nhận thứ tự của trời và cái thời hư, thực để thi hành việc thích. Cho nên nói: lúc trăng non chở tả, e âm khí của Tàng sẽ bị hư; lúc trăng đầy chớ bổ, e huyết khí càng thêm đầy ràn; nếu để cho "lạc" còn có huyết ứ lại, đó là thực lại làm cho thêm thực, tức là "trùng thực". Lúc trăng khuyết mà trị, đó là làm loạn kinh mạch, âm dương lẫn lộn, chân với tà không phân biệt, chìm lặn và ngưng trệ, ngoài hư trong loạn, bệnh tà do đó càng tăng tiến.

 Hoàng Đế hỏi:

 - Tinh thần bát chính để "hậu" gì?

 Kỳ Bá thưa rằng:

 - Tinh thần cốt để ghi sự vận hành của nhật, nguyệt; Bát chính cốt để "hậu" cái hư tà của tám phương; Bốn mùa cốt để chia cái khí của xuân, hạ, thu, đông, để điều hòa cho nó quân bình và xa lánh cái hư tà bát chính đừng để mắc phải.

 Đương lúc khí ở con người hư, lại gặp hư tà của trời, hai "hư" cùng "cảm" lẫn nhau, sẽ suốt tới xương và làm thương tới năm Tàng... Lương công cứu ngay, đừng để cho bị thương. Cho nên nói: những ngày "thiên kỵ" cần phải biết rõ (1).

***

 Hoàng Đế hỏi:

 - Xin cho biết thế nào là "bắt chước đời xưa"?

 Kỳ Bá thưa rằng:

 - Bắt chước đời xưa, tức là bắt chước ở châm kinh. Ngoài đó lại còn phải nghiệm về sau này, biết ngày nào hàn hay ôn, nguyệt bao giờ hư thịnh, để "hậu" xem khí phù, trầm thế nào, rồi mới thi hành phép điều trị, sẽ được hiệu nghiệm ngay. Vì thế nên lương công khác hẳn mọi người, trông rõ từ vô hình, nghe tỏ từ vô thanh, thật là thần tình, ít ai bì kịp.

 Hư tà tức là cái khí của "bát chính". Chính tà là do sự nhọc mệt, mình thoát mồ hôi, tấu lý mở rộng, gặp phải hư phong, nó phạm vào người nhẹ nhàng... Những trường hợp đó, người ta chỉ có thể biết được tính, nào ai còn trông thấy hình.

 Bậc thượng công chữa bệnh ngay từ lúc mới nảy mầm, trước phải biết cái khí của ba bộ, chín hậu, để điều hòa cho khỏi gây thành bệnh lớn.

 Còn kẻ hạ công thì chỉ cứu chữa khi bệnh đã thành, khi thế đã bại, có hiểu biết gì đến sự trái ngược của ba bộ chín hậu đâu.

 Hoàng Đế hỏi:

 - Xin cho biết rõ phương pháp bổ, tả...

 Kỳ Bá thưa rằng:

 - Tà phải dùng "phương" (tức là đương), dùng ngay vào lúc khí "đương thịnh", lúc nguyệt đương đầy, lúc nhật đương ôn và lúc khí ở con người đương thịnh, đúng vào lúc hơi đương hút vào, liền cắm châm, chờ lúc thở ra từ từ rút châm... Có như thế, khí mới thịnh mà dẫn hành được.

 Bổ phải dùng "viên" (2), viên tức là chuyển di là lưu hành. Thích đã trúng vào vinh, lại phải chờ lúc hút để xoay chuyển mũi châm.

 Cho nên muốn nuôi thần khí tất phải biết rõ thân hình con người gầy hay béo, vinh vệ khí huyết thịnh hay suy. Mới có thể dùng châm được trúng.

Chú giải

 (1) Ngày thiên kỵ: Tức như đương lúc khi ở mình hư, lại gặp hư tà tặc phong, hai hư cùng gặp nhau, sẽ gây bệnh lớn. Vậy những ngày đó là ngày thiên đạo rất kỵ, nên gọi là “Thiên kỵ”.

 (2) Về văn pháp chữ Hán, dùng chữ “phương” trên kia để chọi với chữ “viên” ở đây, chính nghĩa hai chữ đó là “vuông, tròn”. Ở đây trái lại, chỉ cần cái tiếng “chọi” nhau mà nghĩa lại khác.


Tin liên quan

Các bài mới:

Các bài đã đăng:

 
< Trước   Tiếp >