Trang chủ arrow Đông y khái luận arrow Chương mười chín - NGỌC CƠ CHÂN TÀNG
Chương mười chín - NGỌC CƠ CHÂN TÀNG
17/01/2019
KINH VĂN

Hoàng Đế hỏi rằng:

- Mạch mùa xuân như huyền… thế nào gọi là huyền?

Kỳ Bá thưa rằng:

- Mạch mùa Xuân tức là Can mạch, thuộc Đông phương Mộc, muôn vật bắt đầu sinh ra từ đó, cho nên mạch khí hiện ra: nhuyễn, nhược, khinh, hư mà hoạt, ngay thẳng mà dài, nên gọi là huyền. Nếu mạch tượng trái thế sẽ mắc bệnh.

Hoàng Đế hỏi rằng:

- Thế nào là trái?

Kỳ Bá thưa rằng:

- Mạch khí lúc lại thực mà cường là thái quá, bệnh sẽ phát ở bên ngoài; mạch khí lúc lại không thực mà “vi” là bất cập, bệnh sẽ phát ở bên trong.

Hoàng Đế hỏi rằng:

- Mạch mùa Xuân, thái quá và bất cập, phát ra chứng hậu thế nào?

Kỳ Bá thưa rằng:

- Thái quá thời khiến người hay quên, choáng váng chóng mặt và đau ở đầu. Nếu là bất cập thời đau ở hung xuất sang lưng, xuống cả hai bên sườn, tức đầy khó chịu.

Hoàng Đế hỏi rằng:

- Mạch mùa Hạ như câu… thế nào gọi là câu?

Kỳ Bá thưa rằng:

- Mạch mùa Hạ, tức là mạch của Tâm, thuộc Nam phương Hỏa, muôn vật nhờ đó để thịnh trưởng. Cho nên mạch khí lúc lại thịnh lúc đi suy, nên mới gọi là câu. Nếu mạch tượng trái thế, sẽ mấc bệnh.

Hoàng Đế hỏi rằng:

- Thế nào là trái?

Kỳ Bá thưa rằng:

- Thái quá thời khiến người mình nóng và đau ở ngoài da, hoặc sinh chứng lở lói; bất cập thời khiến người tâm phiền; ở bộ phận trên thời phát chứng ho và nhổ; ở bộ phận dưới thời phát chứng khí tiết.

Hoàng Đế hỏi rằng:

- Mạch mùa Thu như  phù… Thế nào gọi là phù?

Kỳ Bá thưa rằng:

- Mạch mùa Thu tức là mạch của Phế, thuộc Tây phương Kim, muôn vật nhờ đó tới thời kỳ “thâu thành”. Cho nên mạch khí lúc lại, khinh hư mà phù, lúc lại thời cấp, lúc đi thời tán, nên gọi là phù. Nếu mạch tượng trái thế, sẽ mắc bệnh.

Hoàng Đế hỏi rằng:

- Thế nào là trái?

Kỳ Bá thưa rằng:

- Mạch khí lúc lại như mao, ở giữa kiên, hai bên hư là thái quá, bệnh sẽ phát ở bên ngoài; mạch khí lúc lại như mao mà vi là bất cập, bệnh sẽ phát ở bên trong.

Hoàng Đế hỏi:

- Mạch mùa Thu, thái quá và bất cập, chứng hậu phát ra thế nào?

Kỳ Bá thưa rằng:

- Thái quá thời khiến người khí nghịch, lưng đau và bực tức khó chịu; bất cập thời khiến người suyễn, hô hấp mệt mỏi mà ho, ở bộ phận trên đôi khi thấy có máu, có khi khí hạ nghịch, là rên kêu ầm ỹ.

Hoàng Đế hỏi:

- Mạch mùa Đông như doanh… Thế nào gọi là doanh? (Ở yên lặng, chìm xuống, tức là thạch).

Kỳ Bá thưa rằng:

- Mạch mùa Đông, tức là mạch của Thận, thuộc Bắc phương Thủy. Muôn vật nhờ đó mà bế tàng, cho nên mạch khí lúc lại trầm mà bác (bật mạnh lên), nên gọi là doanh. Nếu mạch tượng trái thế, sẽ mắc bệnh.

Hoàng Đế hỏi:

- Thế nào là trái?

Kỳ Bá thưa rằng:

- Mạch khí lúc lại như vụt vào đá (đàn thạch) là thái quá, bệnh sẽ phát ở bên ngoài; đến lúc đi lại chậm rãi như đếm là bất cập.

Hoàng Đế hỏi:

- Mạch mùa Đông thái quá và bất cập, chứng hậu phát ra như thế nào?

Kỳ Bá thưa rằng:

- Thái quá thời khiến người trễ nải, đường xương sống đau, thiểu khí, không muốn nói; bất cập thời khiến người trong lòng bào hao như đói, phía dưới chỗ xương sườn cụt giá lạnh, trong xương sống đau, Thiếu phúc đầy, tiểu tiện đổi sắc.

Hoàng Đế hỏi:

- Theo thứ tự của bốn mùa, các Tàng đều có sự thuận nghịch khác nhau… Còn Tỳ, thời chủ về gì?

Kỳ Bá thưa rằng:

- Tỳ mạch thuộc Thổ, nó là cô Tàng (đứng riêng một mình) để thấm nhuần ra bốn bên.

Hoàng Đế hỏi:

- Nếu vậy thời sự “thiện” hay “ác” của Tỳ có thể biết được chăng?

Kỳ Bá thưa rằng:

- Cái thiện không thể thấy (1) chỉ cái ác có thể thấy.

Hoàng Đế hỏi:

- Thấy cái ác như thế nào?

Kỳ Bá thưa rằng:

- Mạch khí lúc lại như nước chảy dồn là thái quá, bệnh sẽ phát ở bên ngoài; nếu chỉ như chim mổ, lúc có lúc ngừng là bất cập, bệnh sẽ phát ở trong.

Hoàng Đế hỏi:

- Mạch của Tỳ, thái quá và bất cập, chứng hậu phát ra thế nào?

Kỳ Bá thưa rằng:

- Thái quá thời khiến người tứ chi không cử động được; bất cập thời khiến người chín khiếu không thông, gọi là trùng cường.

***

 - Năm Tàng, thụ khí ở cái “sở sinh”, lại truyền cho cái “sở bất thắng” (đã chua nghĩa ở trên). Khí ký túc ở cái nơi “sở sinh”, mà bị chết ở cái nơi “sở bất thắng”, bấy giờ mới chết. Đó là vì khí nghịch hành (đi ngược) nên mới chết.

 Can thụ bệnh khí ở Tâm, truyền đi đến Tỳ, khí ấy ký túc ở Thận, đến Phế thời chết. Tâm thụ bệnh khí ở Tỳ, truyền đi đến Phế, khí ấy ký túc ở Can, đến Thận thời chết. Tỳ thụ bệnh khí ở Phế, truyền đi đến Thận, khí ấy ký túc ở Tâm, đến Can thời chết. Phế thụ bệnh khí ở Thận, truyền đi đến Can, khí ấy ký túc ở Tỳ, đến Tâm thời chết. Thận thụ bệnh khí ở Can, truyền đi đến Tâm, khí ấy ký túc ở Phế, đến Tỳ thời chết… Đó đều là nghịch. Suốt một ngày một đêm, chia làm năm Tàng… Để đoán biết sống hay chết, sớm hay muộn…

Hoàng Đế hỏi rằng:

 - Năm Tàng cùng thông nhau, truyền đều có thứ tự; năm Tàng có bệnh, thời đều truyền tới cái “sở thắng”. Nếu không điều trị theo phép, hoặc ba tháng, hoặc sáu tháng, hoặc ba ngày, hoặc sáu ngày… Truyền khắp năm Tàng thời sẽ chết. Đó là cái thứ tự thuận truyền cho cái “sở thắng”.

 Cho nên nói rằng: Phân biệt được Dương tàng sẽ biết được bệnh nó từ đâu lại, Phân biệt được Âm tàng sẽ biết được cái thời kỳ sống hay chết.

***

 Phong là một thứ đứng đầu của trăm bệnh. Giờ phong hàn phạm vào người, khiến người hào mao đều đứng thẳng, bì phu bị vít lại mà thành chứng nhiệt (sốt nóng). Gặp trường hợp đó, nên dùng làm phát hãn để phong tà tiết ra ngoài.

 Hoặc tý, bất nhân (ngoài da tê dại cấu không biết đau), sưng đau… Gặp trường hợp đó, nên dùng nước nóng để chườm, hoặc dùng lửa cứu, hoặc dùng châm thích cho tiết bỏ huyết độc.

 Nếu không chữa bệnh, tà sẽ phạm vào Phế mà thành chứng Phế tỳ, nên gây thái thấu và thượng khí.

 Nếu không chữa, Phế sẽ truyền mà lấn sang Can thành chứng Can tý, một tên là Quyết sẽ đau ở sườn và thổ. Gặp bệnh đó nên dùng phép “án” và thích.

 Nếu không chữa, Can sẽ truyền sang Tỳ, thành chứng Tỳ phong gây nên bệnh Đản (hỏa đản), trong bụng nóng, tâm phiền, da vàng. Gặp bệnh đó, nên dùng phép “án”, dùng thuốc hoặc dùng phép tắm.

 Nếu không chữa Tỳ sẽ truyền sang Thận thành chứng Sán, Giả, trong Thiếu phúc nóng nảy và đau, tiểu ra trắng như nước vo gạo. Lại một tên là Cổ. Gặp bệnh đó nên dùng phép “án” và thuốc uống.

 Nếu không chữa, Thận sẽ truyền sang Tâm thành chứng gân mạch co rút, mà đau. Gọi là khiết. Gặp bệnh đó nên dùng phép cứu hoặc thuốc uống. Nếu không chữa, trong vòng mười ngày sẽ chết.

 Thận hoặc truyền lên Tâm, Tâm liền quay trở lại mà truyền lên Phế, phát chứng hàn nhiệt. Theo phép, ba năm sẽ chết. Đó là thứ tự của bệnh (1).

***

 Nhưng nếu là bệnh “thốt phát” (bỗng dưng phát ra rất chóng), không cần phải theo phép tương truyền để điều trị.

 Hoặc có khi truyền hóa không theo thứ tự, như ưu, khủng, bi, hỷ, nộ… Vì nó truyền không có thứ tự, nên thường gây nên bệnh lớn.

Tỷ như hỷ quá thời Tâm hư, Thận khí sẽ thừa cơ mà lấn, nộ quá thời Can hư, Phế khí sẽ thừa cơ mà lấn. Tư quá thời Tỳ hư, Can khí sẽ thừa cơ mà lấn; khủng quá thời Thận hư, Tỳ khí sẽ thừa cơ mà lấn. Ưu quá thời Phế hư, Tâm khí thừa cơ mà lấn…Như một Tàng hư mà bị lấn, thời sẽ truyền qua cả năm Tàng. Cho nên bệnh có năm thứ, mà năm Tàng có năm lần biến… Vậy năm lần biến sẽ thành 25. Vậy sự truyền hóa của năm Tàng đó, cũng đều là lấn cái “sở thắng” vậy.

 Đại cốt (tức xương tay, xương đầu) khô đét, đại nhục (tức hai mông) rúm lại, trong hung khí nghẽn, hơi thở khó khăn, mỗi khi thở phải so vai rụt cổ… chỉ sáu tháng sẽ chết. Thấy mạch của chân Tàng hiện ra, mới có thể hẹn đúng ngày nào (như bệnh ở Tâm, sẽ tính đến ngày Nhâm, Quý thì chết v.v… Tức là ngày tương khắc).

 Đại cốt khô đét, đại nhục rúm lại, trong hung khí nghẽn, hơi thở khó khăn. Đau ở trong rút lên vai cổ. Chỉ trong một tháng sẽ chết. Thấy mạch của chân Tàng hiện ra, mới có thể hẹn đúng ngày nào (tức ngày Canh, Tân).

 Đại cốt khô đét, đại nhục rúm lại, trong hung khí nghẽn, đau ở trong rút lên vai cổ, mình nóng, thịt tiêu mòn hết. Thấy mạch của chân Tàng hiện ra chỉ trong vòng mười ngày sẽ chết (đoạn này nói bệnh ở Phế, truyền sang Tâm thời chết).

 Đại cốt khô đét, đại nhục rúm lại, trong hung khí nghẽn, xương tủy hao mòn, cử động càng suy. Thấy mạch của chân Tàng hiện ra, trong vòng một năm sẽ chết và mới cũng có thể định được hẳn là ngày nào (như chết về ngày Giáp, Ất).

 Đại cốt khô đét, đại nhục rúm lại, trong hung khí nghẽn, trong bụng đau, trong Tâm khó chịu, lưng, cổ và mình nóng, thịt tiêu mòn hết, mắt lõm trông không rõ… Chết ngay. Nếu còn trông thấy, tới ngày “sở bất thắng” sẽ chết (1).

 Thân thể đã hư quá, tà khí vụt đến, năm Tàng vít lấp, mạch đạo không thông, khí không đi lại, như người chết đuối, không thể hẹn ngày.

 Nếu mạch tuyệt không lại, hoặc một “tức” mà năm sáu chí, dù hình nhục không thoát, chân Tàng không hiện cũng chết.

 Chân Can mạch hiện ra, trong ngoài đều “nhăng” như lăn tay trên lưỡi dao, “lăn lẳn” như để lên trên dây đàn, sắc mặt trắng xanh không bóng, lông tóc rơi rụng… Đó là bệnh chết.

 Chân Tâm mạch hiện ra, cứng mà bật lên tay, như lăn tay lên chuỗi hạt châu; sắc mặt tía đen không bóng, lông, tóc rơi rụng… Đó là chứng chết.

 Chân Phế mạch hiện ra, đại mà hư, như cầm lông chim phớt quệt vào da, sắc mặt trắng, đỏ không bóng, lông, tóc rơi rụng… Đó là bệnh chết.

 Chân Thận mạch hiện ra, bật mạnh lên lại đứt, như vút que vào đá rắn chắc không trùng… Sắc mặt đen vàng không bóng, lông, tóc rơi rụng… Đó là chứng chết.

 Chân Tỳ mạch hiện ra, nhược mà lúc sác, lúc xơ, sắc mặt vàng xanh không bóng, lông, tóc rơi rụng… Đó là chứng chết.

 Phàm chân Tàng mạch hiện ra, phần nhiều chết, không chữa được.

 Hoàng Đế hỏi rằng:

- Thấy chân Tàng mạch hiện ra, mà nhận là chứng chết, là cớ sao?

 Kỳ Bá thưa rằng:

- Năm Tàng đều nhờ khí ở Vị. Vậy Vị là gốc của năm Tàng. Tàng khí không thể tự mình dẫn đến Thái âm, phải nhờ có Vị khí mới đến được. Năm Tàng lại phải nhờ Vị khí mới hiện ra được cái mạch tượng theo đúng với mùa mà dẫn đến Thái âm. Cho nên, mỗi khi tà khí mà thắng được, tức là tinh khí đã bị suy trước. Người mắc bệnh nặng, Vị khí không thể cùng dẫn đến Thái âm, nên chân Tàng mới một mình hiện ra (tức trong mạch không có Vị khí). Sở dĩ như vậy là do bệnh khí nó thắng. Nên mới là chứng chết.

 Hoàng Đế hỏi rằng:

- Phàm trị bệnh phải xét hình, khí, sắc có bóng hay không bóng, mạch thịnh hay suy, bệnh mới hay cũ… bấy giờ sẽ chữa, đừng để lỡ thời.

 Hình với khí hợp nhau, có thể chữa; sắc bóng và nổi ở ngoài da, có thể chữa; mạch thuận với bốn mùa, có thể chữa; mạch nhược mà hoạt là có Vị khí, có thể chữa… Nên theo mùa mà dùng phép thích.

 Hình với khí trái nhau, khó chữa; sắc nhợt không bóng, khó chữa; mạch thực mà kiên, khó chữa; mạch trái bốn mùa, khó chữa. Phải xét những nỗi khó đó, để bảo rõ bệnh nhân.

 Phàm nói về trái với bốn mùa, tỷ như: Mùa Xuân thấy mạch của Phế, mùa Hạ thấy mạch của Thận, mùa Thu thấy mạch của Tâm, mùa Đông thấy mạch của Tỳ… Khi mạch hiện ra đều trầm, sắc, không chút Vị khí… thì đều là trái bốn mùa.

 Chưa thấy mạch hình của Tàng, về mùa Xuân, mùa Hạ mà mạch trầm, sắc; về mùa Thu mùa Đông mà mạch phù, đại… cũng là trái với bốn mùa.

 Bệnh nhiệt mà mạch tĩnh, bệnh tiết mà mạch đại, thoát huyết mà mạch thực, bệnh ở bộ phận trong mà mạch thực và kiên, bệnh ở bộ phận ngoài mà mạch lại không thực và kiên… đều khó chữa.

 Hoàng Đế hỏi rằng:

- Tôi nghe nhận mạch hư thực để quyết bệnh sống hay chết…Xin cho biết rõ nguyên nhân…

 Kỳ Bá thưa rằng:

 Bị năm “thực” hoặc năm “hư”, đều chết.

 Hoàng Đế hỏi:

- Năm thực, năm hư là thế nào?

 Kỳ Bá thưa rằng:

 Mạch thịnh, da nóng, phúc trướng, đại tiểu tiện không thông, mắt mờ… Đó là năm thực (tức tà khí thực).

 Mạch tế, da lạnh, thiểu khí, tiền hậu đều tiết và lợi, không uống ăn được… Đó là năm “hư” (tức chính khí hư).

 Hoàng Đế hỏi rằng:

- Mắc chứng như thế mà đôi khi cũng có người sống, là vì sao?

 Kỳ Bá thưa rằng:

- Nếu nước cháo có thể nuốt được vào Vị, tiết và lợi đều ngừng… Thời dù gặp “hư”cũng sống. Nếu mồ hôi ra được và tiểu tiện lợi… thời dù gặp “thực” cũng sống.

Chú giải

 (1) Tỳ thấm nhuần ra bốn Tàng. Bốn Tàng nhờ cái khí của Tỳ để thực hiện được cái công năng của mình. Vậy cái thiện của Tỳ chỉ phát hiện ra ở bốn Tàng, mà chính ở mình thì không thấy.

 (2) Tỳ không hòa đã là cường rồi; chín khiếu không thông, tà khí đương thịnh cũng là cường, nên gọi là “trùng cường” –  tức cả hai đều cường.

 (3) Phế tý: Tức là Phế bị vít nghẽn. Đản: Tức Hoàng đản. Sán: Đau ở bụng dưới, đau rút xuống Thận hoàn. Giả: Nổi hòn ở trong bụng, nhưng án tay vào lại tan. Khiết: Chân tay có rút.

 (4) Đây là Thận bệnh truyền đến Tỳ thì chết. Bản kinh nói: Bệnh ở Thận, đại tiểu phúc đều đau; Thận truyền lên Tâm, cho nên trong Tâm khó chịu; Tâm lại truyền sang Phế, Phế lại truyền sang Can, cho nên vai, cổ và mình nóng. Can lại truyền Tỳ, nên mắt lõm.

Hết quyển II

Tin liên quan

Các bài mới:

Các bài đã đăng:

 
< Trước   Tiếp >