Trang chủ arrow Châm cứu án ma arrow 12. Kinh thủy
12. Kinh thủy
13/09/2018
Nội dung: Nêu lên 12 loại sông ngòi đương thời: Thanh, Vị, Hải, Hồ, Thằng, Hoài, Tháp, Giang, Hà, Tế, Chương. Tình trạng của mỗi loại sông ngòi đều không giống nhau và được dùng để so sánh với tình trạng tuần hoàn của khí huyết 12 kinh. Nó biểu hiện mối quan hệ tương ứng giữa con người và thiên nhiên, lấy sự nông sâu gần xa của mỗi loại sông ngòi để làm chuẩn cho việc châm nông sâu và thời gian lưu kim dài ngắn của châm. Ngoài ra còn phải dựa vào tuổi già trẻ, thân thể to nhỏ, thể lực mạnh yếu để châm.

Hoàng đế: 12 kinh mạch, ngoài hợp với 12 kinh thủy, trong hợp với 5 tạng 6 phủ. 12 Kinh thủy có lớn nhỏ, nông sâu, rộng hẹp, gần xa khác nhau, 5 tạng 6 phủ cũng có cao thấp, lớn nhỏ, tiếp thu tinh hoa của thủy cốc nhiều ít khác nhau. Vậy chúng tương ứng với nhau như thế nào? Kinh thủy tiếp thu nước để chảy, ngũ tạng tàng thần khí hồn phách, 6 phủ thu nạp thủy cốc để hành (hấp thụ tinh hoa của thủy cốc), vận hóa thành tinh khí để phân bố toàn thân, kinh mạch là nơi tiếp nhận huyết để nuôi dưỡng toàn thân. Hợp các mặt đó để điều trị thì có tác dụng gì? Và mức độ châm nông sâu, số mồi ngải cứu nhiều ít như thế nào cho vừa?

Kỳ Bá: Trời cao khó đo, đất rộng khó lường, đó là những vấn đề khó giải đáp. Người sống trong trời đất ở trong 6 hợp (trên trời, dưới đất, trước, sau, phải, trái) chịu ảnh hưởng của sự thay đổi thiên nhiên như thế nào; giống như trời cao khó đo, đất rộng khó lường, khó mà tính ra được.

Nếu lấy một người cao 8 thước có da có thịt (sự nông sâu rộng hẹp của nó), có thể dùng thước để đo, dùng tay để sờ và tính toán ra, khi chết có thể mổ ra để xem độ vững bền dễ vỡ của tạng, độ to nhỏ đựng thức ăn nhiều hay ít của phủ, độ dài ngắn của mạch, sự nhiều ít của khí, độ trong đục của huyết, sự nhiều huyết ít khí hoặc ít huyết nhiều khí, hoặc nhiều khí nhiều huyết hoặc ít khí ít huyết của 12 kinh. Tất cả đều có số cụ thể. Khi chữa bệnh cần châm cứu để điều hòa kinh khí của đường kinh. Mỗi trường hợp đều có chỗ thích hợp riêng của nó.

Bị chú: ("Tố vấn huyết khí hình chí" viết: Thái dương nhiều huyết ít khí; Thiếu dương ít huyết nhiều khí; Dương minh nhiều khí nhiều huyết; Thiếu âm ít huyết nhiều khí; Quyết âm nhiều huyết ít khí; Thái âm nhiều khí ít huyết).

Hoàng đế: Nghe thì rất thích song chưa rõ, mong được sáng tỏ.

Kỳ Bá: Đó là do người phối hợp với các hiện tượng thiên nhiên, ứng với quy luật âm dương cần xem xét kỹ. Túc thái dương bên ngoài hợp với Thanh thủy bên trong thuộc về Bàng quang để thông đường nước. Túc thiếu dương bên ngoài hợp với Vị thủy, bên trong thuộc về Đởm. Túc dương minh bên ngoài hợp với Hải thủy, bên trong thuộc về Vị. Túc thái âm bên ngoài hợp với Hồ thủy, bên trong thuộc về Tỳ. Túc thiếu âm bên ngoài hợp với Nhữ thủy, bên trong thuộc về Thận. Túc quyết âm bên ngoài hợp với Thằng thủy, bên trong thuộc về Can. Thủ thái dương bên ngoài hợp với Hoài thủy, bên trong thuộc về Tiểu trường, nơi đường nước ra ngoài. Thủ thiếu dương bên ngoài hợp với Lũy thủy, bên trong thuộc về Tam tiêu. Thủ dương minh bên ngoài hợp với Giang thủy, bên trong thuộc về Đại trường. Thủ thái âm bên ngoài hợp với Hà thủy, bên trong thuộc về Phế. Thủ thiếu âm bên ngoài hợp với Tế thủy, bên trong thuộc về Tâm. Thủ tâm bào bên ngoài hợp với Chương thủy, bên trong thuộc về Tâm bào. Tất cả 5 tạng, 6 phủ, 12 kinh thủy bên ngoài đều có nguồn, bên trong có cơ quan làm cho trong người tương thông, như vòng kín không có đầu mối, kinh của người cũng thế.

Trời là dương, đất là âm, từ thắt lưng trở lên là trời, từ thắt lưng trở xuống là đất. Hải (bể) đến Bắc là âm (Theo bát quái: Đông trái, Tây phải, Nam trên Bắc dưới - Hải và Bắc chỉ 2 kinh Đởm, Bàng quang dưới kinh Vị. Ba kinh Vị, Đởm, Bàng quang, đều từ đầu xuống chân, từ thắt lưng xuống. Nếu ưỡn người thì Vị ở trên, Đởm, Bàng quang ở dưới, cho nên Hải đến Bắc là âm). Hồ đến Bắc là âm ở trong âm (Nước Hồ là kinh Tỳ, Hồ đến Bắc là kinh Tỳ trở xuống dưới là 2 kinh Can, Thận. Âm trong âm là mặt trong (-) của đùi (-). Kinh Tỳ ở trước hai kinh Can, Thận, nếu ưỡn ngửa người, kinh Tỳ ở trên hai kinh kia), cho nên nói Hồ đến Bắc (Hồ trở xuống) là âm trong âm. Chương đến Nam là dương (Chương thủy - kinh Tâm bào. Chương đến Nam là nói kinh Phế ở trên kinh Tâm bào. Nếu nằm ngửa kinh Phế ở trên kinh Tâm bào, cho nên Chương đến Nam là dương). Từ Hà lên Bắc đến Chương là dương trung chi âm (âm trong dương). (Hà thủy - kinh Phế, Hà (kinh Phế) lên Bắc (xuống dưới) đến Chương (kinh Tâm bào) - dương trung (chi trên) chi âm (mặt trong), nếu nằm ngửa dưới kinh Phế là kinh Tâm bào cho nên viết Hà lên Bắc đến Chương là âm trong dương). Tháp đến Nam đến Giang là thái dương trong dương (Tháp thủy là kinh Tam tiêu, thái dương trong dương - mặt ngoài chi trên, Giang là kinh Đại trường, kinh Tam tiêu và kinh Đại trường đều ở mặt ngoài cánh tay và kinh Đại trường ở trên kinh Tam tiêu). Đây chỉ là một tượng trưng của sự tương hợp của âm dương nhằm nói lên con người gắn với trời đất.

Hoàng đế: Tình hình gần xa nông sâu, nước, huyết, nhiều ít của 12 kinh mạch tương ứng với 12 kinh thủy rất khác nhau, vậy vận dụng vào châm như thế nào?

Kỳ Bá: Kinh Túc dương minh là bể của 5 tạng 6 phủ, mạch to, huyết nhiều, khí thịnh, nhiệt mạnh, châm nó phải sâu và lưu kim mới đuổi được tà khí ra - Túc dương minh châm sâu 6 phân lưu 10 hơi thở. Túc Thái dương sâu 5 phân, lưu 7 hơi thở. Túc thiếu dương châm 4 phân, lưu 5 hơi thở. Túc thái âm sâu 3 phân, lưu 4 hơi thở. Túc Thiếu âm sâu 2 phân lưu 3 hơi thở.

Túc quyết âm sâu 1 phân, lưu 2 hơi thở. Vì kinh dương, âm ở tay, gần (kinh Phế, Tâm) đường của khí, khí lại đến nhanh, nên châm không sâu quá 2 phân và lưu không quá 1 hơi thở. Phải xem xét tình hình già trẻ, to nhỏ, béo gầy, để xử lý khi châm. Đây là theo quy luật biến hóa của tự nhiên - cứu cũng vậy. Nếu cứu quá mức sẽ bị "ác hỏa" là xương khô, mạch sáp. Châm quá mức làm khí thoát.

Hoàng đế: Làm thế nào đo được sự to nhỏ của mạch, ít nhiều của huyết - mỏng dầy của da, chất nhẽo của cơ, to nhỏ của khoeo?

Kỳ Bá: Cái gì có thể đo được thì lấy chuẩn là người trung bình, thịt không teo, khí huyết không suy. Nếu người bị đo lại gầy khẳng khiu thì lấy gì làm chuẩn cho châm? Phải xem xét kỹ, bắt mạch. Xác định vị trí huyệt theo kinh, sờ da, nắn cơ để xem xét cụ thể, rồi căn cứ vào nóng lạnh (của da) thịnh suy (của khí huyết) để điều hòa lại. Như vậy gọi là căn cứ vào tình hình bệnh nhân để có biện pháp thích đáng (để có hiệu quả tốt), và gọi là con đường chính đáng vậy.


Tin liên quan

Các bài mới:

Các bài đã đăng:

 
< Trước   Tiếp >