Trang chủ arrow Châm cứu án ma arrow Thiên 34. Ngũ loạn (Năm cái loạn)
Thiên 34. Ngũ loạn (Năm cái loạn)
13/09/2018
Nội dung: Nói về 5 cái loạn của khí: Loạn ở tâm, ở phế, ở trường vị, ở tay chân, ở đầu. Loạn này là do khí của kinh mạch loạn, âm dương tương phản, dinh vệ bất hòa, thanh trọc hỗn tạp ảnh hưởng nhau gây nên. Cũng nói về cách chữa, cách lấy huyệt để chữa các chứng này.

Hoàng Đế: 12 kinh mạch chia ra bằng ngũ hành, phân ra thành tứ thời.  Chúng mất như thế nào để thành loạn? Chúng được như thế nào để được trị?

Kỳ Bá đáp: Ngũ hành có trình tự của chúng (Khí hậu) bốn mùa thay đổi (theo quy luật âm dương hàn nhiệt). Công năng của kinh mạch tạng phủ trong người tương thuận (hợp với trình tự của ngũ hành và quy luật biến hóa của khí hậu bốn mùa) là trị (an hòa), nếu tương nghịch là (náo) loạn (không an).

Hoàng Đế hỏi: Thế nào gọi là sống tương thuận?

Kỳ Bá: 12 kinh mạch là để ứng với 12 tháng, 12 tháng chia làm bốn mùa. Bốn mùa gồm xuân hạ thu đông có các khí khác nhau, dinh vệ tương tùy (khí vận hành điều hòa với nhau) âm dương đã điều hòa, thanh (thăng), trọc (giáng) theo quy luật không cản trở nhau, đó là (kinh mạch tạng phủ) thuận mà được trị.

Hoàng Đế: Thế nào là nghịch và loạn?

Kỳ Bá : Khi thanh khí (giáng xuống) ở Âm, trọc khí (thăng lê) ở Dương, doanh khí (thuộc âm) đi thuận mạch, vệ khí (thuộc dương) đi ngược (tuần hoàn bình thường của nó), làm cho thanh và trọc cùng cản trở và ảnh hưởng lẫn nhau, gây loạn ở trong ngực gọi là đại muộn (bồn chồn). Nếu khí loạn ở Tâm, thì Tâm phiền, trầm lặng không nói, nằm che đầu, yên tĩnh. Nếu khí loạn ở Phế, khi thở phải nghển cổ, cúi đầu và thở kêu lục cục, thở ra phải ép ngực. Nếu loạn ở Trường Vị thì thượng thổ hạ tả. Nếu loạn tay chân và cẳng chân thì tứ chi quyết lãnh. Nếu loạn ở đầu thì khí quyết nghịch lên, đầu sẽ nặng, chóng mặt và ngã ngất.

Hoàng Đế: Châm chữa năm cái loạn này có quy luật gì không?

Kỳ Bá đáp: Bệnh phát sinh có diễn biến quy luật của nó, và thầy thuốc cũng phải chữa bệnh theo quy luật. Ai hiểu rõ quy luật của bệnh và có cách trị thích hợp thì dễ đem lại kết quả, đó có thể gọi là phép báu để giữ gìn sức khỏe.

Hoàng Đế: Vậy con đường ấy (nguyên tắc điều trị) là gì?

Kỳ Bá: khí loạn ở Tâm lấy huyệt Du của kinh thủ Thiếu âm và thủ quyết âm (Thần môn, Đại lăng). Khí loạn ở Phế, lấy huyệt du của túc thiếu âm và huỳnh của thủ thái âm (Thái khê, Ngư tế). Khí loạn ở Trường Vị, lấy túc Thái âm, Dương minh, nếu không có hiệu quả lấy Túc tam lý. Khí loạn ở đầu lấy Thiên Trụ, Đại Trữ, nếu không kết quả, lấy huyệt huỳnh du của túc thái dương (Thông cốc, Thúc cốt). Khí loạn ở tay chân, chích nặn máu tại chỗ trước, rồi các huyệt huỳnh du, của thủ túc dương minh, thiếu dương (Nhị gian, Tam gian, Dịch môn, Trung chữ - Nội đình, Hãm cốc - Hiệp khê, Lâm khấp).

Hoàng Đế hỏi: Bổ tả phải thế nào?

Kỳ Bá đáp: Tiến kim và rút kim từ từ để đạo (dẫn) khí (phục hồi trạng thái bình thường là đạo khí). Hình thức bổ tả là vô hình (không cố định), và đều nhằm mục đích bảo dưỡng tinh khí làm chính, gọi là "đồng tinh". Bổ tả ở đây không phải là để giải quyết cái thừa cái thiếu, mà chỉ là để dẫn đạo khí, hồi phục lại trạng thái khí loạn tương nghịch mà thôi (Đấy là tiêu chuẩn và quy tắc chữa bệnh).

Tin liên quan

Các bài mới:

Các bài đã đăng:

 
< Trước   Tiếp >