Trang chủ arrow Đông y khái luận arrow Y huấn
Y huấn
01/07/2018
 1. Vương Thái Bộc nói: "Thầy thuốc kém, nông nổi, học chưa được tinh thâm, dùng thuốc nhiệt chữa bệnh hàn, dùng thuốc hàn chữa bệnh nhiệt, chữa nhiệt chưa khỏi mà bệnh hàn đã phát ra, chữa hàn lâu ngày mà bệnh nhiệt lại càng phát, nhiệt phát lên mà trong hàn vẫn còn, hàn phát sinh mà ngoại nhiệt cũng chẳng khỏi, muốn chữa hàn mà sợ nhiệt không quả quyết, muốn chữa nhiệt mà sợ hàn rồi lại thôi, há có biết rằng nguồn gốc của tạng phủ đều có cơ sở chủ về hàn nhiệt ôn lương đó ư" ?

 Lời nói thật là cái gương sáng cho các nhà y, vì người kém chỉ thấy bệnh thời chữa bệnh mà không xét đến nguyên nhân bệnh, tìm xem bệnh thuộc về loại nào. Nội kinh nói: "Bổ phần dương trong Tâm thời hàn cũng đỡ (không hàn), làm mạnh phần âm của Thận khí thời nhiệt cũng khỏi" ấy là không trị hàn cũng giải được, không công nhiệt cũng trừ được, tức là đường lối tìm gốc, sao mà kiến thức không chắc chắn, nắm cả hai đầu, mù tịt như vượt bể mà hỏi bờ bến, gặp đâu chữa đấy, làm sao tránh được sự mập mờ nhầm lẫn và sơ suất được.

 2. Người đời mắc bệnh trong 10 bệnh đã có 9 bệnh hư, thầy thuốc chữa bệnh thì trăm bệnh chưa bổ một bệnh.

 Khí thiên chân ngày càng suy sụt, con người ở khoảng giao tiếp của khí trời đất, thời bẩm thụ cũng theo đó mà bạc nhược. Phàm khi trị bệnh, 10 người thì đã có 9 người thuộc hư, tại sao người chữa bệnh lại không bổ một bệnh nào, trừ một chứng đi lỵ sơ khởi là không nên bổ.

 3. Biểu, lý, hàn, nhiệt, hư, thực là then chốt của nhà y.

 Trăm bệnh của người ta, biến hóa nhiều mối, bệnh hiện ra không ở biểu thời ở lý, không hàn thời nhiệt, không thực thì hư. Còn như phép chữa: ở biểu thời phát tán, ở lý thì điều hòa, bệnh hàn thời ôn, nhiệt thời thanh, hư thời bổ, thực thời tả, chỉ có 6 phép đó thực là then chốt của nhà y.

 4. Có bài thơ nói rằng: "Thấy đờm đừng trị đờm, thấy huyết chớ trị huyết, không hãn chớ phát hãn, có nhiệt đừng trị nhiệt. Bệnh suyễn chớ hao khí. Di tinh chớ cố sáp, rõ được đường lối ấy mới là thầy thuốc giỏi".

 Đờm nhân vì hỏa bốc mà hiện ra, hỏa giáng thời đờm tiêu, nên đừng có chữa đờm. Huyết vì khí đưa lên, khí thuận thì huyết về chỗ, nên đừng có chữa huyết. Mồ hôi là huyết dịch, huyết khô thời không có mồ hôi, bổ huyết thời mồ hôi tự ra, nên không cần phải phát hãn. Phát nhiệt vì âm hư, bổ thủy thì nhiệt tự rút xuống nên không cần phải chữa nhiệt. Khí xông ngược lên thời sinh suyễn, dẫn nạp khí về nguồn gốc, khí có chỗ về, thời suyễn khỏi, không nên làm hao khí. Di tinh vì căn bản hư, Thận chủ việc đóng kín, bổ Thận thời thu liễm được tinh, nên chớ cố sáp, ấy đều là đường lối chữa gốc, không công tà mà tà tự lui, không trị bệnh mà bệnh tự khỏi. Nội kinh nói: "Chữa bệnh tất phải tìm gốc bệnh, thầy thuốc mà thấu suốt được lẽ huyền diệu ấy, mới thực là người xuất sắc trong y giới".

 5. Người ta chỉ biết chú trọng chữa bệnh mà không chú trọng giữ gìn sinh mệnh.

 Phàm bệnh tật hữu hình không thể chữa nhanh chóng được; mà nguyên khí vô hình nên kíp giữ vững; vì nguyên dương chợt mất, tình thế như dây đứt, cứu vãn khó kịp. Người không hiểu chỉ biết chữa bệnh mà không biết giữ gìn tính mệnh. Khi tôi thăm bệnh, thấy nguy cơ âm vong dương thoát đã chớm ra, thì chăm chú cấp cứu vị khí làm gốc, tuy có nhiều tạp chứng, cũng không dám chiếu cố vụn vặt, vì vị khí chưa bị tổn thương, thì các bệnh khác cũng không lo gì, đợi khi vị khí đã phục hồi, thì dương hư mới nói đến bổ dương, âm hư mới dám bổ âm; nhưng trong thuốc bổ dương lại phải tiếp âm; trong thuốc bổ âm, lại cần tiếp dương; đại để bổ dương đã mạnh được mười phần, mới bổ âm sáu bảy phần, vì dương là cơ sở của tính mệnh, nên phải trọng hơn.

 6. Khí huyết âm dương của người ta, vốn tự không giống nhau; biểu, lý, hàn, nhiệt của bệnh cũng khác nhau.

 Người ta có khí hư, huyết hư, có lệch về dương, lệch về âm không giống nhau; bệnh chứng biểu, chứng lý, có hư hàn thực nhiệt khác nhau, tại sao người chữa bệnh, cứ vin lấy phương sẵn có của ngàn xưa, gán ghép vào các biến chứng của trăm bệnh, khác gì xe nam bánh bắc thật là khó khăn.

 7. Bệnh của người ta, biến đổi tuy nhiều, mà gốc chỉ là một: các phương thuốc của người ta phép linh hoạt tuy nhiều, mà trúng bệnh cũng chỉ là một.

 Trăm bệnh của người ta, tên đặt tuy khác nhau, tóm lại không ngoài một gốc là âm dương khí huyết. Những phương thuốc hay của người xưa, đều hiệu nghiệm cả; song trúng bệnh, chẳng qua một phương chữa được một bệnh mà thôi.

 8. Vương Ứng Chấn nói: "Một điểm chân dương ở Khảm cung, gốc bền nên uống thuốc cam ôn". Cam ôn thời bổ, hàn không bổ, cười trách dụng y đã dụng lầm.

 Một điểm chân dương tức là long hỏa ở Mệnh môn, vốn sợ lạnh gặp nước càng cháy, gặp thấp càng mạnh, muốn vững giữ căn bản, duy có vị Nhục quế cam ôn, theo tính nó mà bổ, không phải vị Tri mẫu, Hoàng bá hàn lương mà bổ được đâu.

 9. Trăm bệnh cứ ngăn chặn gượng, đều không phải phép hay.

 Người xưa nói: Dùng thuốc như dùng binh. Sách binh pháp nói: Tránh lúc địch đang hăng, đánh lúc địch đã yếu. Nhà làm thuốc nói tránh lúc bệnh thịnh, đón lúc bệnh suy; vì khí tà mới cảm vào, thế tất hung hăng, lúc ấy chỉ nên xét rõ nguyên nhân, thuận chiều dẫn đạo, đợi khi thế bệnh đã suy, mới ngăn chặn được.

 10. Người ta chỉ biết khí huyết, thời nói khí là dương, huyết là âm; chỉ biết tạng phủ thời nói tạng là âm, phủ là dương; biết thủy hỏa, chẳng qua biết quẻ Khảm thuộc Thận, quẻ Ly thuộc Tâm mà thôi; nào có biết được khí huyết lại có căn bản của khí huyết, âm dương lại có bộ vị chân âm chân dương, thủy hỏa lại có gốc của chân thủy chân hỏa.

 Đạo làm thuốc lại chia ra hai ngả Vương đạo, Bá đạo khác nhau. Vương đạo tức là đạo làm thuốc (y đạo), Bá đạo tức là thuật làm thuốc (y thuật). Vương đạo thời lấy gốc tìm nguồn để chữa vào bệnh, mà không chữa vào mệnh. Bá đạo thời chữa đầu, chữa chân, chữa ngọn không chữa gốc. Ôi! nghề làm thuốc không phải là có Vương đạo Bá đạo, chỉ do sự hiểu biết nông sâu mà thôi. Cho nên người hiểu nông chỉ biết lấy tạng phủ khí huyết làm âm dương, lấy Tâm Thận làm thủy hỏa, hoàn toàn không biết chân âm tức là chân thủy, làm căn bản cho huyết; chân dương tức là chân hỏa, làm nguồn gốc cho khí; ấy đều là thủy hỏa vô hình của tiên thiên, căn bản của sự sống, cội rễ của tính mệnh là cương lĩnh chủ yếu cho các bệnh, người ta tìm sự sống, thày thuốc chữa bệnh hay, không ngoài thủy hỏa ấy được.

 11. Phàm dùng thuốc bổ dưỡng bệnh mà không tăng tức là đỡ, vì trong đã được bổ dưỡng rồi. Dùng thuốc công phạt, thấy bệnh không đỡ tức là bệnh tăng, vì trong đã bị công hại.

 Sách nói: thực thời chịu được thuốc hàn, hư thời chịu được thuốc nhiệt, đó là lẽ thường về phép công bổ. Nhưng công thì chóng, bổ thì chậm, cho nên bổ mà bệnh không tăng, là không có thực tà; công mà bệnh không đỡ là chính khí hư.

Các bài mới:

Các bài đã đăng:

 
< Trước   Tiếp >