Trang chủ arrow Tản mạn arrow TẢN MẠN VỀ TỤC ĐỐT VÀNG MÃ
TẢN MẠN VỀ TỤC ĐỐT VÀNG MÃ
28/02/2018
Theo nhiều nhà học giả thì tục chôn tiền theo người quá cố đã xuất hiện từ đời nhà Hán. Sau này tục đó biến thành tục đốt vàng mã truyền đến tận ngày nay. 

Theo một số học giả khác thì tục chôn đồ vật sinh hoạt thường ngày đã hình thành từ đời nhà Hạ (2205 TCN). Việc làm này minh chứng cho quan niệm “Trần sao Âm vậy”, với niềm tin của nhân thế về một cuộc sống tiếp theo của con người ở thế giới bên kia với đầy đủ mọi hoạt động của một xã hội loài người.

Thoạt tiên, vật đem chôn là mâm bát, nhạc khí, chuông khánh, đồ trang sức.v.v…, sau rồi là hình nhân kẻ hầu người hạ, thê thiếp.v.v…

Có những thời kỳ, người ta thay những đồ giả đó bằng những đồ thật, đó là những vật dụng hàng ngày của người chết thậm chí là cả người thật cũng bị chôn sống trong quá trình tang lễ cử hành. 

Tuy nhiên tục chôn đồ thật người thật chỉ được dành cho những bậc quân vương, còn đối với những sĩ phu hay người dân bình thường thì việc dùng đồ thật được coi là hoang phí và vô lễ. Chính vì vậy, nghề làm đồ tùy táng giả đã được chính thức ra đời. 

Trong giới khảo cổ, tồn tại hai thuật ngữ: “Sô Linh” và “Mộc Ngẫu”, chính là hai từ chỉ hai dạng hình nhân thế mạng được sử dụng thời xưa với người bằng rơm (Sô Linh) và người gỗ (Mộc Ngẫu). 

Một bước ngoặt khi ông Thái Lĩnh bắt đầu chế ra giấy, kéo theo việc dùng chính chất liệu này để chế ra quần áo vàng bạc thay cho đồ thật. Sách “Thông giám cương mục” ghi: Vì vua Huyền tôn mê thuật quỷ thần mới dùng ông Vương Dũ làm quan Thái thường bác sỹ để coi việc chế vàng mã dùng trong khi nhà vua có tế lễ. Như vậy đến đây chúng ta đã có thể nói rằng chính Vương Dũ là ông tổ của nghề vàng mã.

Ở Việt Nam, có một địa danh với cái tên rất lạ là Chợ Viềng, đã xuất hiện từ xa xưa. Năm Tự Đức thứ III (1850), Trần Văn Giai đã viết trong "Tiên Hương xã tục lệ" (Hương ước làng Tiên Hương) rằng: "Ngày mùng 8 tháng giêng có một chợ phiên, tục hiệu Thiên Tiên Thị, tục danh là chợ Viềng". Năm 1893, đốc học Nam Định Nguyễn Ôn Ngọc cũng đã nhắc tới chợ Viềng trong "Nam Định dư địa chí mục lục". Có giả thiết cho rằng "Viềng" là âm đọc chệch của từ "Vàng" trong “Vàng Mã”, với cách giải thích "chợ Viềng là chợ vàng mã" bởi các chợ Viềng thường gắn các sinh hoạt ở các đền, chùa, lăng, phủ.v.v….

Đốt vàng mã hình thành từ xa xưa, với bề dày lịch sử đã trở thành một tục lệ, thể hiện tình yêu thương, mối dây liên hệ giữa cõi nhân gian với những người bên kia thế giới, thực sự là nhu cầu của người sống, nghi lễ đối với người quá cố mà chúng ta cần có cái nhìn đúng đắn về nó.

Các bài mới:

Các bài đã đăng:

 
< Trước   Tiếp >