Trang chủ arrow Bài viết arrow Y âm án - Bệnh án chữa chứng âm hư họng đau
Y âm án - Bệnh án chữa chứng âm hư họng đau
25/01/2018
Chỗ tôi có một người 22 tuổi, chưa lấy vợ, cùng ở với anh, vì làm việc nhọc mệt dầm mưa, bỗng phát chứng mình nóng như lửa, trong họng đau dữ, ngoài không sưng đỏ, đến tôi xin thuốc, tôi dùng bài Tứ vật bội Sinh địa gia Hoàng cầm, Mẫu đơn, Phòng phong cho uống, bệnh lại nặng thêm, yết hầu bế tắc, không ăn uống được, tôi ngờ là hỏa hư, mới thân tới xem, thấy mạch thốn hồng sác phù mà vô lực, hai bộ xích trầm vi, bộ tả xích yếu lắm, rõ là chứng chân thủy suy mà tướng hỏa bốc, cho nên không thể dùng cách chữa chính trị phong hỏa được, liền cho uống đại tễ Lục vị gia Huyền sâm, Ngũ vị, Ngưu tất, uống 1, 2 tễ, rồi lại dùng Bát vị gia Ngũ vị, Ngưu tất, Đỗ trọng (để sống) để bổ căn bản của tiên thiên, uống xen với thang Quy tỳ, để bổ nguồn sinh hóa của hậu thiên, đều uống hết hai tễ là khỏi. Sau 4, 5 ngày, vì ăn phải vật lạnh lại phát chứng đi lỵ nặng, đi luôn, bụng đau như xoắn, đi ra rặt huyết, tôi dùng bài Nhân sâm lý trung thang gia Mộc hương, Hậu phác, bệnh vẫn như cũ, mót rặn càng tăng, mình phát nóng dữ, bụng nóng phiền phức, buồn bực càng dữ. Tôi nghĩ chứng trệ xuống là vì những thức ăn vào, không tiêu xuống được mà trệ lại, tuy hành khí mạnh mà chứng mót rặn không bớt, chi bằng hãy tạm thông rồi sau hãy bổ, liền dùng thang Tứ vật gia Chỉ thực, Đại hoàng (chế rượu) tôi bảo người anh bệnh nhân rằng: "Uống một nước đầu, bớt được thế nào, lại báo cho tôi biết", người đó thấy uống một nước, nóng lui lỵ bớt, mót rặn đau quặn hơi dãn 3, 4 phần, vả lại đêm mưa bùn lầy không lại báo được, lại sắc nước thứ hai cho uống, đến sáng mai đi vọt như tháo ống. Phàm có ăn uống vật gì thì từ cổ họng có tiếng òng ọc lại đi ra nguyên vật, tinh thần mệt lắm, người anh vội vàng lại báo tôi, tôi than thở không ngớt, liền dùng đại tế Sâm Truật  phụ gia Phá cố, Nhục đậu khấu, cho uống luôn để ngăn lại, nhưng thế như nước chảy xuống chỗ trũng, không thể ngăn được, đến chiều suyễn đờm lên mà chết.

 Bệnh án này vì bênh nhân vốn là nông dân ở vùng núi, khỏe mạnh, bỗng nhiên cảm bệnh cũng chỉ là trong chứng thực mới hơi hư, và trước đã uống tễ lớn về điều nguyên cố bản, tuy ăn nhầm mà trệ, lỵ, thì tạm dùng cách thông cho uống nhè nhẹ cũng không hại gì, tôi vô tình không dặn kỹ, anh người kia thấy bớt cho uống cả tễ, nên âm hư từ trước không giữ vững được nguyên dương, một khi gặp hàn lương thì xua đuổi hết chân dương nguyên hỏa trong người, sức cùng mà chết!

 Than ôi! Tiên hiền có câu: "Thà lấy cách chữa bất túc để chữa hữu dư thì được, đem cách chữa hữu dư để chữa bất túc thì không được". Lại có câu: "Thà nhầm về ôn bổ còn hơn nhầm về hàn lương". Nghĩa là gặp phải thuốc nhiệt mà bệnh tăng, còn có thể cứu vớt; gặp thuốc hàn mà sinh cơ tự suy tàn dương như giây đứt, còn cứu vãn sao kịp? Từ đó hàng tuần, tôi suốt đêm không ngủ được, hơn một tháng nói năng như vơ vẩn, cử chỉ như mất hồn nghĩ rằng vì tôi đã bất cẩn, đến nỗi người kia bị chết, trời đất quỷ thần soi xét tội của tôi không thể trách được! Tôi thường thấy các nhà làm thuốc hiện nay, con cháu không được thịnh vượng, hoặc có người đến nghèo túng tuyệt duyệt, hoặc có người nói là kẻ đó thừa lúc người ta nguy cấp, sách nhiễu tiền của; tôi nghĩ rằng vì người vất vả, nhận lấy trọng báo của người, tuy không phải là lòng người nhân hậu, lại còn hơn là bọn thầy kiện hư không bầy đặt ra lẽ phải lẽ trái làm nổi sóng gió, khiến người ta đến nỗi tan nhà hết của, sao quỷ thần không thâm oán họ, mà chỉ oán thầy thuốc? Vì cái tội làm hại đời sống, không gì hơn tội giết người, đã là thầy thuốc có tiếng, thì người ta đến nhờ chữa trong khi đến chật cửa đầy nhà, trong khi đó có thể nhất nhất đúng lẽ mà không làm nổi được ư? Nhưng không những thế, như có chứng nên xem xét đã rồi sau bốc thuốc, hoặc vì ngại đêm mưa vất vả, không chịu tới thăm, qua loa chữa bệnh, thì đó là tội "lười", lại như có chứng này nên uống thứ thuốc này, mới cứu vãn được, nhưng sợ nhà kia nghèo thiếu, không trả được vốn chỉ cho loại thuốc rẻ tiền, đó là tội "bủn xỉn", lại như thấy chứng chết đã rõ, không bảo thực lại nói lơ mơ để làm tiền, đó là cái tội "tham", lại như thấy chứng bệnh dễ chữa nói rối là khó khăn, lè lưỡi chau mày, dọa cho người ta sợ hãi, để lấy nhiều tiền, đó là cái tội "lừa dối", lại như thấy chứng khó khăn, cần nên bảo thực  mà hết lòng hết sức để chữa, nhưng sợ mang tiếng không biết bệnh, vả lại chưa chắc thành công thì không được hậu lợi, kiên quyết không chịu chữa, đến nỗi người ta bó tay chịu chết, đó là cái tội "bất nhân"; lại như có người ngày thường có sự bất bình với mình, khi mắc bệnh phải nhờ đến mình, nẩy ra cái ý nghĩ ơn thù không chịu hết lòng để chữa, đó là cái tội "hẹp hòi", lại như thấy những người mồ côi ở góa kẻ hiền, con hiếu lại nghèo đói ốm đau mà cho là mất công vô ích, không chịu hết lòng giúp đỡ, đó là tội "thất đức", lại như nhận chứng còn lờ mờ, sức học non nớt mà dùng công, bổ sai lầm, đó là cái tội "dốt", nghĩ như vậy thì thầy thuốc nếu không có đức tính thương người, sáng suốt đạo đức, khôn khéo, rộng lượng, thành khẩn, liêm khiết, siêng năng thì không nên làm thầy thuốc. Tôi thường răn bảo học trò: "Làm thuốc mà không lấy hằng tâm giúp đỡ người, không có ý nghĩ sâu sắc cứu sống người, chỉ chăm chăm về kể lợi tính công, lấy của hại người, thì khác gì bon...giặc cướp". Các bậc quân tử đời sau, lấy cái nhầm của tôi làm cái xe đổ trược để đề phòng, lấy lời nói của tôi làm cái gương để sửa chữa, mới khỏi thẹn với hai chữ "nhân thuật".

Các bài mới:

Các bài đã đăng:

 
< Trước   Tiếp >