Trang chủ arrow Bài viết arrow Y dương án - Bệnh án chữa chứng quan cách
Y dương án - Bệnh án chữa chứng quan cách
16/01/2018
 Tôi đi theo cậu tôi là quan Đồn thú lên kinh đô, qua xã Tỉnh lý (còn tên là Tuyền cam), ấp bên cạnh là Từ châu có người chức dịch trong làng là Trần Mỗ, mắc bệnh Quan cách đã 7, 8 năm nay, chứng này ở chỗ mỏ ác vương vướng như có vật gì ngăn trở, bụng với miệng không ăn được, mỗi bữa chỉ ăn được một vài miếng, dần sau lại nôn ra, đợi một vài giờ thức ăn bữa trước tiêu hết, mới lại ăn được một vài miếng khác, uống nước cũng chỉ một chén con, nuốt dần thì được, quá thì trong ngực rong róc như bụng sôi và đau không thể chịu được, phải cúi gục xuống cho nước chẩy ra mới dễ chịu, tiểu tiện bí sẻn, đại tiện trước táo sau sột sệt, quan Thú phủ là bạn thân với người đó giới thiệu tôi, người đó lại mời tôi chữa, nguyên người đó có anh họ và chú họ đều là lương y trong Nội viện, đều chữa đã lâu không khỏi, đã mời các thầy thuốc trong viện bàn bạc cũng không bớt chút nào.

 Người đó thấy tôi ngàn dặm xa xôi, đi đường nóng nực tất không muốn đi (lúc đó đương kỳ nóng dữ) bảo người em cùng đến (người này cũng làm thuốc) và đem theo 4, 50 đơn thuốc của các thầy chữa trước, đơn nào cũng ghi rõ ở dưới là uống mấy thang bệnh tăng hay giảm và của thầy nào cho, lần lượt đưa tôi xem qua vì người kia chỉ mong khỏi bệnh, nên không ngại dùng thuốc. Tôi xem qua các phương, đều là thuốc hành khí tiêu đờm và thăng đề cả, nếu có bổ cũng không ngoài những phương Tứ quân, Lục quân hay Bổ trung, tôi vừa cười vừa nói:"Không phải tôi ngại nhọc không đi, vì chứng này tôi chữa đã quá quen lắm rồi. Nội kinh nói: "Dương khí không đưa lên được là chứng quan, âm khí không hạ xuống được là chứng cách", nhưng chứng này có chia ra Ế cách, Phiên vị, Quan cách khác nhau, căn nguyên bệnh cũng khác hẳn, nay xem các thầy chữa đều lẫn lộn không phân biệt được nguyên nhân của bệnh ở Thượng tiêu, Trung tiêu hay Hạ tiêu, vả lại chứng quan thì không lẽ nào không thổ ra, chứng cách thì không lẽ nào nuốt vào được, vì khí âm và dương không thăng giáng đó thôi, chứng thực thì tạm công làm bổ, chứng hư thì tạm bổ làm công, Nhưng chủ yếu của nó là khí hư không vận hóa được mà sinh ra đờm, huyết hư không tư nhuận được mà sinh ra hỏa, Đông Viên nói: "Chữa chứng bĩ cách dùng thuốc hành khí mà không thông, chính là không hiểu được lẽ đó", cho nên đấng tiên triết vẫn cặn kẽ dặn kẻ dùng nhầm thuốc thơm cay. Hiện nay các phương uống trước toàn dùng mặt hành khí tiêu đờm, rặt thuốc thơm ráo, thì chỉ có cái hại tán khí hao huyết mà thôi. Vả khí hư thì dễ sinh đờm, vì Tỳ hư không vận hóa được, huyết hư thì dễ bốc hỏa, vì âm hư không thể chế ước được dương, nếu chỉ dùng thuốc hành khí thì tiếng là chữa bệnh, mà thực làm thêm bệnh.

 Vương Thái Lộc nói: "Uống vào thổ ra ngay là vì không có thủy, ăn vào thổ ra ngay, là vì không có hỏa", không thủy thì phải làm mạnh chân thủy, không hỏa thì phải bổ thêm chân hỏa. Cách chữa đó bây giờ chỉ nên bổ ngay Mệnh môn hỏa để giúp cho nguồn sinh hóa của Tỳ, trong sách bản thảo nói: "Trung tiêu bị hàn khí làm nghẽn, nên khí dương không thăng, khí âm không giáng được, phải dùng bội Phụ tử mới có thể thông được, vì rằng Mệnh môn hỏa suy, ví như đáy nồi không có củi, dưới không có sức thì sao nung nấu được thủy cốc ở trong vị, cho nên bụng đầy trướng tài nào không thổ. Các thầy không hiểu lẽ đó, chỉ dùng Sơn tra, Thần khúc để bình vị hóa thức ăn như thế thì lại càng chóng chết. Tôi liền chế bài Bát vị làm thang, giảm Trạch tả, gia Mạch môn, Ngũ vị, Ngưu tất làm một tễ to sắc đặc cho uống, lại dăn cho uống dần dần ít một, đợi khi nào chỗ cách đã thông, uống vào không thổ ra nữa, thì tùy ý uống thích. Đến hôm sau quả nhiên thấy nhà kia mang thời vật đến tạ ơn và nói: "Uống xong 2 nước thuốc đầu thì TTTg ngực khoan khoái, ăn uống dễ dàng, tiểu tiện trong lợi, hôm sau mới biết là khỏi chết, ơn tái sinh này không biết lấy gì đền giả dám mời ngài quá bộ lại chơi nhà, để được lạy sống". Tôi nói: "Lòng tôi muốn cứu sống người, giúp nguy cứu khốn, ví có nên công đó là nhiệm vụ, dám nói gì là công lao mà phải làm phiền như vậy?" tôi cố từ chối không đi, lại nói: "Ngày mai tôi phải trở về Nam, không ở lại trông nom giúp được, nhà ông mấy đời làm thuốc, dám đâu múa rìu qua mắt thợ, nhưng vì tính đồng đạo với nhau, xin giúp chút ý kiến hẹp hòi đó thôi". Tôi liền biên đơn thuốc trước, dặn dó từng ly từng tý, đưa cho người em vào bảo uống hết mười thang thì dùng đơn này làm viên, uống xen với thang Quy tỳ bỏ Mộc hương, gia Quế ngọt", người đó thấy tôi có công tâm, không chút giấu giếm, càng thêm khen ngợi. Ngày tôi lên đường lại đem lễ vật đưa chân, tôi nhân ngẫm nghĩ rằng: Ta ở nơi núi non hẻo lánh học thuốc 10 năm quên ngủ quên ăn, không ngơi lúc nào, tuy có chỗ hiểu được, cũng còn thẹn mình như ếch ngồi dưới giếng xem giời không biết là trời to chừng nào? Kíp khi tôi chữa bệnh này thấy các thầy thuốc đều là danh y của Ngự viện , gần tới 10 người mà bệnh với thuốc mập mờ như thế, chẳng qua chỉ là hiểu biết cách thấy đâu chữa đấy thực là đáng buồn, huống hồ người khác! nhân tài thiên hạ cũng lắm, ý giả nghề thuốc là khó chăng? hay tại các ông không chịu nghiên cứu hay sao.

 Tôi từ đó xiết bao ngậm ngùi, lòng muốn về như tên bắn, khi về nơi ở cũ, lại dứt chí chơi bời, đóng cửa học tập vì nghĩ làm thuốc là cân sinh mạng người ta, sống chết mất còn, chỉ như giở bàn tay thì hiểu biết của mình có thể không rộng rãi, mà hành của mình có thể không đúng đắn được ư? Còn những kẻ cả gan không thận trọng như vậy, có gọi là thầy thuốc được không?

Các bài mới:

Các bài đã đăng:

 
< Trước   Tiếp >