Trang chủ arrow Bài viết arrow Y dương án - Bệnh án chữa chứng trẻ con ho
Y dương án - Bệnh án chữa chứng trẻ con ho
14/01/2018
 Ông Nhật người làng tôi có đứa con, mới lên hai tuổi, mắc bệnh ho đã vài tháng, cứ về buổi chiều thì nóng rét như chứng sốt rét, dùng thuốc đã khắp không khỏi, càng ngày càng nặng, khi ho thì ngất đi, sau mới tỉnh lại, mình nóng như lửa đốt, hốc hác như cò hương, tình thế sắp nguy. Cha mẹ nó bế đứa con đến trọ một nhà ở cạnh nhà tôi để nhờ tôi chữa giúp, khi tôi tới xem thì thì thấy mắt lim dim, bụng trướng mà đờm khò khè, tay chân hơi lạnh, khóc không ra tiếng. Độ nửa giờ lại thấy đứa bé há mồm, lắc đầu, ôm bụng vãi đái, cha mẹ nó nói: "Đó là cháu ho" một lúc lại yên, bú vào lại trớ ra, phân như cứt cò, tôi thấy những chứng hậu đó đều là chứng chết cả. Nhưng tôi nghĩ cái lòng thành thực của cha mẹ nó, đã đem tính mạng đứa bé phó thác cho mình, mình không thể không lấy lòng cha mẹ nó làm lòng mình, mà tìm cái kế cầu sự sống ở trong chỗ chết. Tôi nghĩ rằng chứng thoát đã rõ, thì các nguyên khí còn mảy may, cần phải cứu vãn lại ngay, khỏi chi vu vơ! liền dùng 5 đồng cân Bố sâm, 4 đồng cân Bạch truật, 2 đồng cân Đại phụ, sắc đặc đổ cho luôn luôn từ cuối giờ Mùi đến canh hai, đã thấy đứa bé chân tay ấm áp, bụng đầy khỏi cả, hơi thở dần đều, tiểu tiện thanh lợi. Tôi biết là nguyên khí đã hồi, Phế khí đã giáng xuống, có cơ sống được. Đến nửa đêm lại phát chứng Kinh súc dáng như bệnh kinh phong, trợn mắt trông thẳng, chân tay run giật, đờm dãi trào ra, miệng không ngậm được, có một thầy lang khuyên tôi cho uống Ngưu hoàng hoàn, tôi nói: "Nếu cho uống Ngưu hoàng hoàn không khác gì người đã rơi xuống giếng, lại quăng thêm đá xuống, vì rằng chân Âm hết sạch, năm tạng trống không, Nội kinh nói: "Trong tạng hư sinh ra phong" phàm những chứng trông thẳng lắc giật là vì trẻ em âm khí chưa đủ, can hỏa vượng, tướng hỏa bốc lên, thủy cạn huyết khô, gân rút mà sinh ra chứng này.

 Khí không về chỗ cũ, đờm theo khí đưa lên mà suyễn tắc, miệng không ngậm lại mà chẩy dãi là cái triệu chứng Tỳ thổ kém, Nội kinh nói: "Tỳ hư không giữ được dãi" là thế. Cái kế hiện nay trước hết cần phải trắc trọng ở căn bản, có thể nào Tỳ đã hư lại còn dùng Ngưu hoàng để bình thổ; Thận đã kiệt, khí không về chỗ cũ, lại còn dùng Long não để bốc mất khí; gân đã táo cấp thì kinh lại vô dụng, lại còn dùng Xạ hương để sơ thông. Phàm chứng không phải là phong mà dùng nhầm Long não, Xạ hương thì lại dẫn phong vào xương, khác nào đổ dầu vào bột, không thể lấy ra được.

 Tôi không nghe, vẫn cứ dùng Lục vị làm thang gia Ngưu tất, Đỗ trọng, Ngũ vị, Mạch môn sắc đặc, mài riêng Quế tốt, cạy miệng đổ vào mới được một chén nhỏ, các chứng khỏi hết. Tôi nghĩ rằng ta muốn nạp khí về Thận, mà khí không về, đã về lại đi, Nội kinh có câu: "Gặp chứng hư thì phải giữ lấy Thận để bồi bổ sinh mạng". Vả lại chân Âm chân Dương là căn bản của sự sống, nếu không bổ căn bản thì tìm ở chỗ nào? Tôi liền dùng bài Bát vị gia Ngưu tất, Mạch môn, Ngũ vị mỗi lần ba đồng cân, nghiền ra cho uống chiêu bằng nước thang Bố sâm, lại gián phục những vị Sâm, Truật, Khương, Thảo để làm cơ sinh hóa của hậu thiên, dùng như thế luôn 2 ngày 2 đêm mới được khỏi chết. Đến lúc này bệnh nhi bú đã mạnh hơn, trái ý đã biết giận, tiếng khóc đã to dần, tôi mừng nói: "Phế chủ thở khí ra Thận chủ nạp khí vào, Phế là cửa của thanh âm, Thận là gốc của thanh âm. Nay căn bản đã trở lại, cho nên tiếng đã hơi dài". Tôi cứ thế cho uống hơn hai tuần thì giắt đi được, vịn đứng được, vui cười như thường. Bệnh án này tôi chuyên chữa từ gốc, mà các chứng khỏi, vì trẻ em thuần Dương vô Âm, mà là dương khí non nớt đó thôi.

 Người không hiểu lẽ cho rằng "thuần Dương" là hữu dư, hơi tý là dùng hàn lương, đã nói là "vô Âm" mà lại phạt chân dương, chẳng phải là làm hại cả Âm và Dương ư? Vả lại Âm khí (thiên quý) chưa thịnh, tướng hỏa chuyên quyền, cho nên có bệnh là dễ phát nóng,dễ phát kinh, hết thẩy là do thủy suy huyết kém mà gân không được nuôi dưỡng". Tôi thấy ho từ rốn đưa ngược lên, biết là khí không còn ở chỗ cũ tuy đờm ra ở Tỳ, ho ra từ Phế, không vội chữa Tỳ Phế, mà chăm chăm lấy chữa Thận làm căn bản, dùng nhiều Quế Phụ mới giữ được toàn. Người ta thường nói "trẻ em thuần dương, kiêng thuốc cay nóng", "trẻ em tạng phủ non nớt không thể dùng thuốc quá mạnh được", với "trẻ em không có phép bổ Thận". Những lời nói không bằng cứ đó, người hiểu biết nghe thì trong bụng phân vân; người không hiểu thì nghe thì yên trí là đúng, chết oan vô số, nếu gặp đứa bé nào bẩm thụ kém, chứng hậu nặng như thế, mà bỏ cách chữa này thì không còn cách nào khác.

Các bài mới:

Các bài đã đăng:

 
< Trước   Tiếp >