Trang chủ arrow Bài viết arrow Y âm án - Bệnh án chữa âm vong dương hết
Y âm án - Bệnh án chữa âm vong dương hết
15/12/2017
Một người lái buôn tên là Tiên. Sau khi ốm nặng khỏi rồi, về thương thực cảm gió, bỗng phát chứng thổ tả, chân tay giá lạnh, hơi thở thoi thóp. Từ ngọn nguồn đi về nam đã một ngày một đêm rồi, vội tới nói với tôi. Khi tới thăm bệnh thì thấy sáu mạch trầm vi, như có như không, tinh thần mê man. Tôi thấy đã đủ chứng thoát thế nguy không thể chữa được không dám nhận chữa, vợ và mẹ vợ người đó nấc nở kêu van xin chữa, và người vợ đã có thai 3 tháng, sinh hoạt hàng ngày đều trông cậy ở người chồng cả. Nếu không may mà chết, thì 3 mạng đó không biết nương tựa vào đâu. Thấy tình cảnh này, không thể cầm lòng được. Tôi nghĩ thầm rằng: "Thầy thuốc là giữ tính mạng người ta, nếu tiếc danh dự so tính lợi lộc, coi nhẹ sự sống chết của người thì sao đáng gọi là nhân thuật? Liền lấy Sâm, Truật Phụ làm tễ to sắc đặc cho uống. Uống hết 3 tễ thì thổ tả khỏi, mạch đã nổi dần lên, chân tay hơi điều hòa rồi mới tỉnh, lại tiếp cho uống Cứu dương thang, mỗi một lần uống thuốc lại cho ăn một chén nhỏ cháo đặc, cứ như thế một ngày một đêm, vị khí dần dần trở lại, ăn uống dần dần tiến lên, lại phát nóng dữ, khởi từ bàn chân lên nóng như lửa đốt, phiền khát nhiều. Đó là thổ nhiều hại dương, tả nhiều hại âm, tuy Sâm phục hồi lại được dương, nhưng dương không có âm liễm nạp lại thì không thể giữ được lâu. Hỏa không có thủy hãm lại, khó khỏi phù việt lên được, nóng khởi từ huyệt Dũng tuyền là do âm hỏa bốc lên. Tôi dùng 2 lạng Thục địa, 3 đồng cân Đan sâm, 2 đồng cân Mạch môn, 1 đồng cân Ngũ vị, 1 đồng cân Đại phụ, 1 đồng cân Ngưu tất, gia Đăng, Tâm sắc đặc cho uống hết. Quả nhiên một tễ mà phiền khát khỏi hẳn, thế nóng không lui lại thêm ghê rét quá run bần bật không chịu được. Nội kinh có câu: "Dương lui thì ghê rét, âm lui thì phát nóng", đó là dương vong ở ngoài, âm hết ở trong, liền dùng Bát vị làm thang to, bỏ Trạch tả, gia Mạch môn, Ngũ vị, Ngưu tất, Lộc giao, cho uống một tễ thì bệnh bớt được một nửa, hai tễ thì nóng lui mình mát, xem mạch thì hồng sắc lộn xộn, một hơi thở, bỗng thấy bỗng không, vô thần vô lực, tôi thấy bệnh nguy mà đã chóng như thế, chỉ là sức mạnh của thuốc đó thôi. Nhưng nóng lui mà mạch không hòa, đó là âm dương li biệt nhau, thủy hỏa không còn gốc. Tôi bảo bà mẹ và vợ rằng: "Tôi tuy hết sức giúp đỡ nhưng thế không sao được, nên tìm thầy khác, để khỏi hối hận về sau. Nhà kia thấy bệnh đã bớt được quá nửa, mà tôi cố sức từ chối, ngờ là không có lễ hậu, nên giữa chừng bỏ chăng? Liền đem quần áo đồ đạc trong thuyền đến và nói là: "Nhà rất nghèo túng, chỉ có những đồ vật này xin đem làm chi phí về thuốc". Lúc đó tôi thẹn và giận vô cùng, họ coi mình là đồ ham lợi, không rõ khổ tâm cho mình liền bảo họ rằng: "Đó là tôi thành thực, chớ không phải là thủ đoạn chẹt người lấy của đâu" người kia nói: "Một mạng sống chết là nhờ cả vào tay ông, còn dám mời ai, nếu không giúp cho thì đành chịu đợi chết ở nơi bến nước đó thôi".

 Tôi thấy họ cố nài, nếu mà bỏ không chữa thì bể khô còn thấy đáy, tấm lòng cứu sống người của ta khó tỏ ra được, và không khỏi mang tiếng là vì người kia tiền ít, không giúp thuốc tốt. Phàm những vật người kia mang lại tôi không lấy một chút gì, lại dùng Bát vị hoàn trước, uống xen với Quy tỳ thang, được vài ngày tinh thần tỉnh hơn, ăn uống hơn thêm, nhà bệnh vui mừng khôn xiết, nhưng tôi cho công hiệu chóng như vậy trong bụng vẫn sợ là giả tượng, vì rằng phàm chứng đại hư, dùng thuốc tiếp bổ, thì khỏe dần dần mới là điều tốt, đó cũng như nhà nghèo lâu rồi, cửa nhà trống rỗng không phải việc trong một sớm hôm mà hồi phục được. Nên thấy công hiệu mau như vậy, tất là mượn sức thuốc, khác nào như ngọn đèn hết dầu, lại cháy bùng lên, huống lại chóng vào thì chóng ra, chóng được thì chóng mất, đó cũng là lẽ thường. Quả nhiên được vài hôm bỗng dưng người đó mê đặc ngã vật ra và không thở được, người nhà vội lại tìm tôi, tôi cho uống Sâm Phụ, thuốc vừa vào miệng, suyễn nghịch phát lên rồi chết. Tôi nghĩ người làm thuốc cốt giúp người là hằng tâm, mấy tuần vất vả, không ngại đêm hôm mưa gió, tuy mất thuốc men người ta không giả cũng không đáng kể, mừng rằng một tấm chân thành của tôi đối với quỷ thần cũng không thẹn với nghề làm phúc. Tôi nhân làm một bài thơ để giãi bầy tâm sự như sau:

Cố công cứu sống mà không nổi,
Mệnh bạc khôn đền tấc dạ lo!
Vì nghĩa vì vàng ai kẻ biết, 
Quỷ thần chắc cũng chứng minh cho.

 Bệnh án này tôi tuy biết chết mà không nỡ bỏ, cố gắng làm kế tìm cái sống ở chỗ chết, nhưng y lý mông mênh, sợ không khỏi có cái lỗi "làm hư bệnh đã hư làm thực bệnh đã thực" hoặc là bệnh nặng thuốc nhẹ, thành ra gãi ngứa ngoài giầy, xin ghi lại để hỏi các bậc cao minh.


Các bài mới:

Các bài đã đăng:

 
< Trước   Tiếp >