Trang chủ arrow Châm cứu án ma arrow 81. Ung nhọt (Ung Thư)
81. Ung nhọt (Ung Thư)
10/12/2017
Nội dung: Nói về nguyên nhân gây ung nhọt, sự khác nhau giữa ung nhọt và quá trình chuyển biến thành ác tính. Nói về nguyên nhân bên ngoài của ung nhọt là ngoại tà làm trở ngại tuần hành của khí huyết trong kinh mạch, làm vệ khí tích tụ tại chỗ dẫn đến khí huyết ngưng trệ gây nên.Khi ung đã hóa mủ, tất phải tháo mủ ra đúng lúc, làm cho bệnh độc có lối thoát ra, mà không công vào cơ thể. Cũng nêu lên một số bệnh: Mãnh ung, yếu thư, não lạc, bĩ ung, mễ thử, mã đao hiệp anh, tỉnh thư, hại bĩ, cổ kinh thư, nhuệ thư, xích thư... và nói rõ các triệu chứng, vị trí bị bệnh và cách điều trị.

 Hoàng đế: Trường vị thu nạp các chất thức ăn biến thành các chất tinh vi, ở thượng tiêu chuyển vệ khí ra làm cho ấm da cơ, nuôi dưỡng xương khớp, thông lợi tấu lý, ở trung tiêu khí xuất như sương (tân dịch) đi lên đổ vào khê cốc (khê: nơi hợp nhỏ của cơ. Cốc: nơi hợp lớn của cơ), thấm vào tôn lạc, tân dịch điều hòa rồi qua khí hóa biến thành máu đỏ.

 Huyết mà hòa thì tân dịch đầy tràn, rồi đổ vào lạc mạch, đầy rồi thì đổ vào kinh mạch, làm cho bên trong ngoài Âm Dương đều đầy. Khí huyết tuần hoàn toàn thân theo với hơi thở. Mặt trời, mặt trăng tuần hoàn theo quy luật của nó có định số, con người cũng vậy, khí dinh vệ tuần hoàn toàn thân liên tục không ngừng. Để điều hòa một cách thiết thực (tìm cách) làm tà khí hư đi để giải quyết chứng thực, nhưng nếu tả quá mức lại có thể gây nên hư nguyên khí (vì vậy phải nắm đúng lúc khí đến để tả). Tả đúng lúc thì có thể làm khí tà suy đi, nếu chỉ lưu kim (không tả khí tà đúng lúc) thì bệnh vẫn như trước không giảm. (Nếu dùng cách) làm cho chính khí thực để loại trừ trạng thái hư (nếu khí tà còn lưu mà), bổ quá thì làm tà khí hữu dư. Khi khí huyết đã điều hòa thì giữa hình và khí có thể giữ được hoạt động sinh lý bình thường. Khí huyết bình hay không bình thì đã rõ, nhưng lại không biết khí ung nhọt sinh ra như thế nào? Quá trình hình thành và ác hóa, ngày chết, ngày lành, sớm hay muộn ra sao và lấy gì để làm chuẩn?

 Kỳ bá: Khí huyết ở trong kinh mạch tuần hành không ngừng, cùng độ với tuần hoàn của trời (thiên thể trong vũ trụ), phù hợp với (quy luật các hiện tượng trên mặt) đất. Nếu độ tuần hoàn ở trên trời thất thường sẽ gây Nhật thực, Nguyệt thực, trên mặt đất mất quy luật (dòng sông đông lạnh hoặc tràn ra làm tuần hành bình thường của) dòng sông rối loạn, nước tràn ra 4 phía, cây cỏ sẽ khô héo, ngũ cốc không mọc được. Nếu đường trên mặt đất không thông, người không thể đi lại được, phải tụ lại ở phố cảng, ở trong nhà, và xa biệt nhau. Tình hình tuần hoàn của khí huyết cũng vậy. Cụ thể, dinh vệ khí huyết trong người tuần hoàn không ngừng, ở trên ứng với thiên thể trên trời, dưới ứng với các dòng sông ở dưới đất. Nếu hàn tà vào kinh lạc sẽ làm khí huyết ngưng trệ, ngưng trệ thì không thông, không thông thì vệ khí kết tụ ở tại chỗ, không thể vận hành đều đặn nên thành ung nhọt. Đến khi hàn hóa nhiệt, nhiệt độc chưng làm cơ nhục thối rữa, và thành mủ. Mủ nếu không bị tống ra sẽ làm mục cân (gân), rồi làm thương xương, xương bị thương sẽ làm tủy bị tiêu, nếu mủ không ở khe xương khớp thì không có lối thoát ra và làm cho huyết khô mạch rỗng, làm cân, cốt, huyết, cơ không được nuôi dưỡng, kinh mạch bại hoại có nhiều lỗ rò, bệnh độc sẽ vào 5 tạng, các tạng bị tổn thương thì chết.

Tóm lại:

1. Quá trình thành ung nhọt: Ngoại tà vào kinh lạc (hàn tà) làm huyết ngưng trệ, ảnh hưởng đến vận hành của dinh vệ, vệ khí kết ứ tại chỗ và hình thành ung nhọt.

2. Quá trình hóa mủ: Khí hàn hóa nhiệt, nhiệt làm thối cơ, cơ thối nát thành mủ.

3. Quá trình ác hóa: Mủ không thoát ra ngoài, xâm phạm cân mạch. Cân thối nát sẽ tổn thương xương, tiêu hủy các kinh mạch bị bại hoại và dò, bệnh độc vào tạng và chết.

 (Khái niệm này được đời sau sử dụng để giải thích các hiện tượng 1, 2, 3).

 Hoàng đế: Muốn biết các loại ung nhọt, kiêng kỵ và tên chúng?

 Kỳ Bá: 

- Ung phát ở họng gọi là Mãnh thư (ung ở hầu họng - phát triển mãnh liệt). Nếu chữa không kịp thời thì dễ hóa mủ, nếu không tháo được mủ sẽ làm tắc họng, và sau 1/2 ngày thì chết. Khi đã có mủ, thì phải tháo mủ rồi uống mỡ lợn lạnh sau 3 ngày sẽ khỏi.

 - Ung phát ở cổ gọi là Yêu thư (rất nguy hiểm - ít người lành nên gọi là yêu (quái)). Ung này to màu đỏ đen, nếu không chữa gấp thì khí nhiệt xuống Uyên dịch (nách), ở trước nó xâm phạm mạch Nhâm, ở trong nó hun đốt Can Phế. Khi vào đến Can Phế rồi thì 10 ngày sẽ chết.

 - Dương khí lưu ở trong (tà nhiệt) phát ra ở gáy làm cho não như bị tiêu lạc (nung đốt) gọi là Não lạo. Thần xác của người bệnh không vui, gáy đau như bị kim đâm. Nếu (nhiệt độc vào trong, sẽ có) trong tâm phiền táo, là chứng chết không chữa được.

 (Lạc là tiêu lạc, là lửa to nung chảy kim loại).

 - Ung phát ra ở vai và cánh tay, gọi là Từ ung (ung ở vai). Nó có mầu đỏ đen cần phải chữa gấp, và làm ra mồ hôi cho đến bàn chân mới có thể không làm hại ngũ tạng. Nếu đã phát 4, 5 ngày, cần dùng cách cứu ngay.

 - Ung phát ở dưới nách, đỏ cứng, gọi là Mễ thư (mễ có ý nhỏ như hạt gạo), dùng biếm thạch để chữa, dùng loại dài nhỏ, chích rải rác và bôi mỡ lợn 6 ngày thì khỏi và không cần băng. Ung nào cứng mà không vỡ là Mã đao hiệp anh, cần chữa gấp.

 - Ung phát ra ở ngực gọi là Tỉnh thư (sâu và nguy hiểm). Nó giống hạt đậu to, trong vòng 3, 4 ngày đầu, nếu không chữa sớm thì sẽ lan xuống bụng, không chữa thì 7 ngày sẽ chết.

 (Chú: Nó là ung nhọt ở gần vùng Tim, và còn gọi là Xuyên tâm lãnh hậu, Tâm lậu thư, Xuyên tâm độc - rất khó chữa).

 - Ung phát ra ở ngực (ưng song) là Cam thư (kinh Dương minh nên thuộc Thổ - ngọt), màu nó xanh, dáng như hình hoàn đan, hạt quá lâu, thường sốt, rét run, cần chữa gấp để trừ hàn nhiệt, nhưng 10 năm sau vẫn chết, và sau khi chết mới vỡ mủ.

 - Ung phát ở sườn gọi là Bại tử, là bệnh của nữ, nếu dùng cứu thì sẽ làm mủ nhiều lên. Trong điều trị, cần chú ý ở trong có sinh cơ như hạt đậu đỏ, dùng Lên kiều (thảo và rễ) mỗi thứ 1 thăng, cho vào 1 đấu 6 thăng nước đun kỹ còn 3 thăng, uống lúc nóng, uống xong mặc nhiều quần áo ngồi trên nồi đang nóng để xông cho ra mồ hôi đến bàn chân, sẽ khỏi.

 - Ung phát ở đùi, cẳng chân, gọi là Cổ kinh thư. Tuy nhiên không có thay đổi nhiều, nhưng ở trong mủ lại nhiều làm thối xương, nếu không chữa gấp thì 30 ngày sẽ chết.

 - Ung phát ở vùng cùng cụt gọi là Nhuệ thư (vì ở chỗ cuối cùng của xương cụt gọi là nhuệ). Dáng của nó đỏ cứng to, cần chữa gấp, nếu không sẽ chết trong vòng 30 ngày.

 - Ung phát ở mặt trong đùi gọi là Xích thư (vì nó ở vùng kinh Âm nên) nếu không chữa gấp sẽ chết trong vòng 16 ngày. Nếu cả hai bên đều bị mà không chữa gấp sẽ chết trong vòng 10 ngày.

 - Ung phát ở gối, gọi là Từ ung. Dáng ung to, màu không đổi, sốt rét, cứng như đá, mới mắc không được dùng biếm thạch để chích, nếu chích sẽ chết, đợi nó mềm ra mới được chích tháo mủ và sẽ sống.

 - Các ung nhọt phát ra ở khớp và đối xứng theo trên dưới, phải trái đều là chứng khó chữa. Ung phát ra ở phần Dương 100 ngày sẽ chết. Ung phát ra ở phần Âm 30 ngày sẽ chết.

 - Ung phát ở cẳng chân là "Thỏ gặm", mầu đỏ, vào đến xương cần chữa gấp, nếu không chữa sẽ làm hại người.

 - Ung phát ở mắt cá trong gọi là Tẩu tùy (tức ung nhọt ở mắt cá trong). Bên ngoài giống ung, sắc không thay đổi, dùng biếm thạch để chích chỗ sưng (số thạch kỳ du), sẽ làm hết hàn nhiệt của nó và không chết.

 - Ung phát ở trên dưới bàn chân gọi là Tứ (2 bàn chân trên và dưới) dâm (tà độc thịnh). Nó giống loại ung to, cần chữa sớm nếu không sẽ chết trong 100 ngày.

 - Ung phát ở cạnh bàn chân gọi là Lệ ung. Nó không to, mới đầu như ngón út (do tà khí ở kinh lạc), nếu phát bệnh phải chữa ngay, lấy đi phần đen trong đó. Nếu không lấy được, bệnh sẽ nặng, nếu kéo dài không chữa sẽ chết trong 100 ngày.

 - Ung phát ở ngón chân gọi là Thoát ung (thoát thư) nó mầu đỏ đen, chứng chết không chữa được. Nếu chưa có mầu đỏ đen thì chưa chết. Nếu tà khí không suy, phải cắt bỏ ngón chân, nếu không khó tránh khỏi chết.

 (Ngoại khoa chính tông viết: "Thoát thư là ngoài thối trong hoại...thường phát ở chân tay...mới đầu như hạt kê, đầu có phỏng nhỏ mầu vàng, da như tái đỏ luộc chín, mầu đen lan dần ra 5 ngón, lên bàn chân, đau như bị bỏng nước, bỏng lửa, xương khô gân róc, mùi hôi rất khó ngửi, tính mệnh dù là phương thuốc tiên cũng khó chữa).

 Hoàng đế: Ung và Thư khác nhau ở chỗ nào?

 Kỳ Bá: Khí dinh vệ ngưng lại ở trong kinh mạch thì huyết ngưng tụ không hành, làm vệ khí bị trở ngại cũng không thông và phát sốt. Nếu sốt cao không ngừng, nhiệt thống thì thịt sẽ nát mục, nát mục sẽ thành mủ. Nhưng nhiệt độc (chỉ nổi ở biểu) không lõm vào trong, xương tủy sẽ không bị khô héo, ngũ tạng không bị thương, nên gọi là Ung (tức ung).

 Hoàng đế: Thư là gì?

 Kỳ Bá: Thư là khí nhiệt thịnh lõm xuống (mủ độc đi vào) cơ phu, làm gân teo tủy khô, vào đến ngũ tạng gây khí huyết kiệt, ở phần sâu dưới ung, gân xương thịt lành đều bị thối nát, gọi là Thư. Đặc điểm của Thư mầu da cam (không bóng) cứng (dầy) như da cổ trâu bò. Đặc điểm của Ung, da mỏng, bóng. Đó là chẩn đoán phân biệt của Ung và Thư.

Tin liên quan

Các bài mới:

Các bài đã đăng:

 
< Trước   Tiếp >