Trang chủ arrow Châm cứu án ma arrow 73. Sử dụng tùy tài năng (Quan năng)
73. Sử dụng tùy tài năng (Quan năng)
10/11/2017
Nội dung: Thảo luận tương đối toàn diện về các vấn đề thao tác lâm sàng, lý luận châm cứu. 

Người làm châm cứu phải biết quan hệ giữa hình và khí, các vị trí trên dưới trong ngoài, phải trái, Âm Dương, khí huyết nhiều ít của các đường kinh, sự vận hành thuận nghịch của chúng, tình hình giao hội của các kinh, nắm đặc trưng của 5 loại huyệt, tỉnh, huỳnh, du, kinh, hợp, ảnh hưởng đến Âm Dương ngũ hành, tứ thời, 8 phong đối với tạng phủ, kết hợp với khí sắc ở mặt để có chẩn đoán chính xác, rồi dựa vào biểu lý, trên dưới, hàn nhiệt, hư thực, để chọn huyệt, thủ pháp châm hay cứu - nếu là hàn ở lý, trung khí sa xuống và âm dương đều hư thì phải cứu - đề xuất thao tác và tác dụng của phép "Bổ tất dụng phương, tả tất dụng viên".

Còn nêu nguyên tắc hướng dẫn học trò, dựa vào năng lực, tính tình, chí hướng đặc điểm của họ để có nội dung về kỹ thuật, giao việc để phát huy tài năng của họ. Nên đề của thiên này là sử dụng tùy tài năng.

Hoàng Đế: Ta đã nghe Thầy nói về vai trò của cửu châm, nghe đã nhiều rồi, sự phong phú của nó thật là không biết bao nhiêu mà kể, ta đã suy rộng ra để thảo luận nhiều lần và đã quy nạp được về 1 mối, nay ta xin đọc lại cho thầy nghe, thầy nghe cho rõ về cái lý của nó, nếu có điều gì sai, xin thầy bảo cho ta biết, ta cũng xin được thầy tu chính cho đúng với cái đạo của nó, làm thế nào để truyền lại cho đời sau mà không có điều gì hại. Khi nào ta tìm được những người có cái chí thông hiểu như chúng ta thì ta mới truyền dạy cho, còn nếu như không có được những người như vậy thì thôi, không dạy.

Ký Bá: Thần xin kính nghe về cái đạo của bậc thánh nhân.

Hoàng đế: Nguyên lý dùng châm để chữa là phải biết chỗ hình và khí (bị bệnh) hoặc trên dưới, phải trái, Âm Dương, biểu lý, hoặc khí huyết nhiều ít (trong 12 kinh), hoặc vận hành thuận nghịch, những nơi để cho khí xuất từ lý ra biểu, nhập từ biểu vào lý, mới có thể kết hợp các mặt để có căn cứ chữa bệnh. Biết cách giải các chỗ kết tụ, biết cách bổ hư tả thực (thủ thuật), biết sự phân bố ở trên dưới của huyệt, nhất là tác dụng của 4 hải (khí hải, huyết hải, tủy hải và thủy cốc hải). Phải xem xét kỹ nơi bị bệnh, trạng thái hàn nhiệt vãng lai, hoặc lao lực mệt nhọc (cần suy nghĩ chu đáo vì nơi bệnh tà xâm nhập vào chỗ), tình hình khí huyết chảy đến khác nhau. Cho nên phải xem kỹ bệnh tình (hư thực, sự tuần hoàn của khí) để điều (hòa) khí (mạch), hiểu rõ tình hình của (khí huyết vận hành ở trong) 12 kinh mạch, (trong) các nhánh lạc mạch ở trái phải, và nắm chắc các nơi hội họp của chúng. 

 Nếu có hàn nhiệt tranh nhau (Âm Dương bất hòa), cần xem toàn diện để có thể điều hòa lại, nếu chứng hư và thực gần giống nhau thì cần biết sự thịnh suy của kinh mạch, để dùng phép sơ thông kinh mạch. Nếu tà khí xâm nhập vào đại lạc bên trái, gây bệnh bên phải, nhập bên phải gây bệnh bên trái, phải biết tà khí ở bộ vị nào để áp dụng phép châm mậu thích: đau bên phải châm bên trái, đau bên trái châm bên phải, cần hiểu rõ đặc điểm bệnh thuộc thuận hay thuộc nghịch để biết có thể hay không thể chữa được (thuận thì chữa được, nghịch thì không chữa được). 

 Khi Âm Dương (của tạng phủ và kinh mạch) không có thiên lệch (điều hòa) mà chỉ do khí hậu có thể ảnh hưởng đến tạng phủ, nên phải nắm mối quan hệ giữa thời tiết và bệnh tật. Nghiên cứu rõ phần gốc ngọn của bệnh, quan sát trạng thái hàn nhiệt của nó, biết được (quy luật truyền bệnh và) nơi bệnh tà chiếm lĩnh thì sẽ vạn lần châm, vạn lần thành công (không làm bệnh nặng thêm). Biết tính năng của 9 loại kim, biết tận dụng chúng trong chữa bệnh, thì càng phát huy tốt nguyên lý dùng châm để chữa bệnh.

 Cần biết rõ vai trò của ngũ du huyệt (tỉnh, huỳnh, du, kinh, hợp), việc châm nhanh hay chậm và (khí mạch vận hành qua lại) gấp duỗi ra vào đều có điều lý (quy luật). Nói đến 2 mặt Âm Dương (của người) cũng là nói đến 5 hành, 5 tạng 6 phủ (hợp với Âm Dương ngũ hành) và hoạt động của chúng. Khí hậu 4 mùa và 8 hướng thổi của gió đều có Âm Dương (và ảnh hưởng đến nội tạng). Mặt cũng có các vị trí ứng với Âm Dương, hợp ở minh đường và mỗi vị trí có mầu sắc riêng, được dùng làm chuẩn để chẩn bệnh của 5 tạng 6 phủ. Từ chỗ đau, kết hợp với sắc của mặt ở trên, dưới, phải, trái, ta có thể biết được bệnh thuộc hàn hay nhiệt và ở kinh nào. Lại xem nóng, lạnh, hoạt, sáp của da để biết bệnh của nó. Do cơ hoành ở trên có (Tâm Phế), dưới (Tỳ, Can, Thận), nên có thể biết chỗ khí của chúng bị bệnh. Mới đầu cần nắm đường đi của kinh, chọn huyệt ít mà tinh để chữa, hoặc châm hơi sâu, lưu kim để chính khí từ từ vào trong (tăng sức chống khí tà). Nếu sốt cao ở phần trên, cần dùng cách châm để đẩy xuống (để dẫn hỏa tiết xuống dưới), nếu bệnh tà phát triển từ dưới lên, cần dẫn tà đi xuống để trừ nó đi. Chú ý vị trí đau trước kia, và lấy huyệt chỗ đó trước (để chữa gốc). Nếu đại hàn ở ngoài, cần dùng cách lưu kim để bổ (làm nóng) nó. Nếu hàn tà vào sâu ở trong, lấy huyệt hợp để tả trừ nó đi. Nếu không thích ứng với châm thì dùng cứu. Nếu khí ở trên bất túc, dùng cách "đẩy để dương lên" (bổ khí hư ở trên). Nếu khí ở dưới bất túc, dùng cách "bất nhi tòng chi" lưu kim thuận khí để tích (bổ hư) ở dưới. Nếu Âm Dương đều hư, nên cứu (không châm). Nếu quyết mà rất lạnh hoặc cơ ở cạnh xương mà lõm xuống, hoặc lạnh quá hai đầu gối, thì cứu huyệt Túc tam lý. Lại nếu ở nơi âm lạc đi qua (hàn tà xâm nhập) và lưu ở đó, hoặc hàn tà từ lạc mạch vào trong (nội tạng) thì dùng phép "đẩy để hành khí" để khu hàn tà. Nếu kinh lõm xuống thì phải cứu, nếu lạc kết chắc lại và căng thì cũng dùng cứu để chữa. Nếu không rõ chỗ có bệnh, lầy huyệt Thân mạch, Chiếu hải (mạch kiều), nam thì lấy Dương kiều làm kinh, nữ thì lấy Âm kiều làm kinh, xong nếu lấy nhầm nam Âm nữ Dương thì tác dụng trái ngược, đó là điều cấm. Lý luận chính của phép châm là như vậy.

 Muốn học tập cách châm, cần nắm phương pháp và nguyên tắc ở trên, phải quan sát thiên quang (quy luật vận hành của ngày, tháng, tuần, giờ), ở dưới cần kết hợp với bát chính (4 lập, 2 phân, 2 chí = lập Xuân, lập Hạ, lập Thu, lập Đông, Xuân phân, Thu phân, Hạ chí, Đông chí) để tránh các tà khác của 4 mùa, và báo cho mọi nhà biết. Làm sao có thể biết được thực phong, hư phong (thực phong là phong bình thường, hư phong là phong khác thường gây bệnh), để đề phòng trước khỏi bị tà tấn công. Nếu bị mưa gió trái mùa hoặc tuế khí (khí của năm) không đủ gây bệnh, người thầy thuốc cấp cứu không (nắm được thay đổi của khí hậu và chữa kịp thời) được, sẽ làm bệnh tình nguy cấp thêm. Cho nên cần biết sự thích ứng và cấm kỵ của thiên thời trước rồi mới nói đến thao tác châm.

 Phép châm từ học thuyết xưa, được ngày nay kiểm tra, muốn quan sát được sự biến hóa ở bên trong cơ thể khi nó không thể hiện ra ngoài thì phải có lý luận, như vậy mới có thể truyền cho đời sau được. Với hiện tượng sinh lý bệnh lý phức tạp, không dễ phát hiện, thường chỉ người thầy giỏi mới chẩn đoán được, và đó là chỗ khác với người thường của họ. Vì tuy dinh vệ khí huyết vận hành ở trong cơ thể, không nhìn rõ được, hoặc vận động của thần khí như có như không (song họ vẫn chẩn đoán được đúng).

 Khi tà (thừa hư) xâm phạm cơ thể, có triệu chứng gai rét sợ lạnh rõ. Chính tà (lao động ra mồ hôi bị gió) xâm nhập cơ thể (tác hại của nó rất nhỏ), chỉ có sắc khí hơi thay đổi, thân thể không có gì khác như có bệnh mà lại như không có bệnh, như là bệnh tà đã bị trừ, lại như vẫn còn ở trong, như là có dấu ấn của bệnh, lại như không có, khó biết rõ bệnh tình cụ thể. Cho nên người thầy giỏi sẽ lấy khí của nó để chữa khi bệnh mới mắc, thầy thuốc kém thường đợi bệnh đã thành mới chữa, lúc đó hình thể đã suy mòn (nên khó chữa).

 Người dùng châm để chữa bệnh (muốn chữa khỏi bệnh) cần biết chỗ (vận hành) của khí, giữ cửa ra vào của nó (huyệt), cần biết cách điều khí, cần biết chỗ bổ, tả, ý nghĩa thủ pháp châm nhanh, chậm, và huyệt nào cần dùng để chữa bệnh đang có.

 Khi tả, phải dùng thủ pháp tròn (lưu lợi), ấn vào nơi đau và vê kim. như vậy tà khí mới lui và khôi phục lại chính khí. Khi châm thì châm vào nhanh nhưng rút kim ra chậm hơn, được vậy tà khí mới theo kim mà xuất ra ngoài. Nếu châm bằng phép nghênh đón để tả (khi châm kim vào) làm căng da để (đưa kim qua da) đón khí đến (rồi làm thủ pháp), khi rút kim cần long to lỗ kim, để tà khí có chỗ ra cho nhanh.

 Nếu châm bổ, ta phải có thái độ đoan chính, thung dung, trước hết phải xoa nắn bên ngoài da, làm thế nào để tà khí ở nơi nào đó trên kinh mạch sẵn sàng ở vùng của huyệt đã chọn, tay trái ta xoa trên huyệt vị, tay phải ta ấn lên da, ta xoay nhẹ mũi kim rồi châm kim vào 1 cách chậm chậm, thủ thuật và dáng điệu phải đoan chính, phải an tĩnh, phải kiên tâm không nóng nảy, lưu kim 1 cách nhẹ nhàng, đợi khi nào mạch khí điều hòa, ta mới rút kim thật nhanh, sau khi rút kim xong, ta dùng tay xoa nhẹ trên da và đồng thời bịt kín vết kim lại, nhờ vậy mà chân khí mới giữ lại được. 

 Tóm lại, phần quan trọng của việc dụng châm là không nên quên, không nên lơ là đến vấn đề thần khí của người bệnh.

* Chú ý: Ở đây ghi tả tất dụng viên, bổ tất dụng phương, là nói về thủ pháp khi bổ tả. Còn ở Tố Vấn thiên "Bát chính thần minh" ghi tả tất dụng phương, bổ tất dụng viên là nói đến cách dùng bổ tả.

Lôi Công: Làm thế nào để biết là người nào có chí đáng truyền nghề, người nào không đáng truyền nghề?

Hoàng đế: (Khi truyền học thuật) nói chung phải tìm người thích hợp, tùy năng lực (đặc điểm) phân công việc cho họ, để thấy rõ được họ có làm được hay không.

Lôi Công: Làm thế nào để chọn người?

Hoàng đế: Cách chọn người, sử dụng người thường là: Người mắt tinh  ta dạy cho họ cách nhìn về sắc diện, người nào có đôi tai thính, ta dạy cho họ cách nghe âm thanh, người nào nói năng lưu loát, phát âm rõ ràng, ta dạy cho họ cách ăn nói để truyền đạt ý tưởng, người nào ăn nói hòa hoãn, dáng điệu yên tĩnh, thủ pháp khéo léo và nhận xét tinh tường, ta dạy cho họ thao tác châm và cứu, để điều lý khí huyết , điều hòa các trạng thái thuận nghịch, quan sát Âm Dương kiêm nắm vững phương pháp điều trị, chọn người có động tác tay nhẹ nhàng mềm dẻo, tính tình hòa nhã để xoa bóp dẫn khí (làm khí huyết lưu thông), chọn người có tính đố kỵ, lời nói cay nghiệt, coi thường người khác để chữa bệnh tâm thần phù phép (Chúc do khoa), chọn người móng tay sắc khỏe như lang độc, khi làm hay sát thương người khác để xoa bóp các tích tụ cứng chắc, hoặc các chứng tý lâu năm. Mỗi người có 1 khả năng, phát huy tài năng của họ đúng vào các loại phương pháp chữa bệnh, thì họ sẽ nổi tiếng. Ngược lại dùng người không đúng, không những họ làm việc không có kết quả, mà thầy cũng mất cả danh tiếng.

 * Cho nên nói: gặp đúng người thì truyền nghề, nếu không gặp đúng người thì thôi không truyền nghề nữa. Với người thế tay như lang độc, có thể thử ấn mai rùa, đặt rùa ở dưới khí cụ rồi ấn ở trên, đến ngày thứ 50 thì rùa chết. Còn nếu rùa vẫn sống là thế tay đã hòa hoãn (đã tập tốt).

Tin liên quan

Các bài mới:

Các bài đã đăng:

 
< Trước   Tiếp >