Trang chủ arrow Châm cứu án ma arrow 72. Thông thiên
72. Thông thiên
07/11/2017
Nội dung: Nói về người có 5 loại hình: Thái âm, Thiếu âm, Thái dương, Thiếu dương, Dương minh. Mỗi loại hình có đặc trưng sinh lý, tính tình thể chất, hình thái riêng, chúng có quan hệ với điều trị, trong điều trị có nguyên tắc riêng cho từng loại hình.

Hoàng đế: Có người thuộc Âm, có người thuộc Dương. Vậy người nào thì thuộc Âm, người nào thì thuộc Dương?

Thiếu Sư: Mọi vật trong vũ trụ, trong 6 hợp (trên dưới và 4 phương) đều không tách khỏi 5 hành. Người cũng thế, không phải chỉ có một Âm một Dương. Nói Âm Dương là nói khái quát để dễ nắm chung, còn những vấn đề phức tạp trong đó thì không thể giải thích đơn giản như vậy được.

Hoàng đế: Ở người hiền (hiền nhân), bậc thánh (thánh nhân) tâm của họ có biểu hiện ra hành vi hay không?

Thiếu Sư: Nói chung, có 5 loại hình: Thái âm, Thiếu âm, Thái dương, Thiếu dương, dương âm hòa bình...ở mỗi loại hình trong 5 loại hình đó đều có hình thái khác nhau, gân xương khỏe yếu, khí huyết thịnh suy khác nhau...

- Người loại hình Thái âm thì tham lam bất nhân, bề ngoài ra vẻ trang trọng, nhưng trong lòng nham hiểm, chỉ thu vào mà không nhả ra, tâm hòa nhưng không biểu hiện ra ngoài, và khi cần có thái độ cũng không muốn tỏ thái độ của mình, đợi người ta làm xem sao rồi mới làm. Bề ngoài ra vẻ trung hậu, trong lòng nham hiểm, đó là người Thái âm.

- Người loại hình Thiếu âm thì tham vặt, thường có tà tâm hại người, thấy người có tổn thất thì thích thú, thích hại người, làm tổn thương người, thấy người khác vinh hiển thì đố kỵ, tức giận, tính tình tàn bạo, không đồng tình giúp người. Bạo ngược, tham vặt, thích hại người, thích thú khi người gặp nạn là người Thiếu âm.

- Người loại hình Thái dương thì ăn ở tùy tiện, thích nói đại sự, không có năng lực, không có năng lực nhưng hay đại ngôn, tuyên truyền ý chí của mình, động tác hành vi thô lỗ không kể phải trái, gặp việc dung tục rất bình thường nhưng lại rất tự tin, việc thất bại nhưng không hối hận. Loại đại ngôn vô năng lực, không có thủy chung là người Thái dương.

- Người loại hình Thiếu dương thì làm việc tinh tế, nghiên cứu kỹ lưỡng, tự cho là cao quý, có làm quan dù nhỏ vẫn tự tôn mình và thấy đắc ý, thích ngoại giao nhưng đối nội kém. Loại người tự cao tự đại đó là người Thiếu dương.

- Người loại hình âm dương hòa bình thì chỗ ăn chố ở yên tĩnh, trong lòng yên tĩnh không có lo lắng, cũng không có tham vọng quá đáng, biết thuận quy luật phát triển của sự vật, không tranh phần cho mình, có thể thích ứng với thời tiết. Họ có thể có địa vị tôn qúy, nhưng thái độ vẫn khiêm tốn, dùng đức để cảm hóa người mà không hoàn toàn dùng quyền bính, đó gọi là phương pháp xử lý sự việc tốt nhất.

- Người thầy thuốc khéo dùng kim châm và ngải cứu để trị bệnh, họ thường quan sát biết được 5 dạng người như nói trên để phân biệt ra mà trị liệu: Khi nào thịnh thì dùng phép tả, khi nào hư thì dùng phép bổ.

Hoàng đế: Nguyên tắc chữa bằng châm 5 loại hình đó là gì?

Thiếu Sư: 

- Người Thái âm thì nhiều âm vô dương, âm huyết của họ đục, vệ khí của họ vận hành sáp trệ, âm dương bất hòa, cân hoãn và da dày, nếu không dùng cách tả cấp thì không làm cho bệnh giảm được.

- Người Thiếu âm thì nhiều âm ít dương, dạ dày nhỏ và ruột to (dạ dày ở trên là dương, dương ít nên dạ dày nhỏ, ruột ở dưới là âm, âm nhiều nên ruột to), 6 phủ không điều hòa, khí của mạch Dương minh nhỏ, khí mạch Thái dương to, nên phải quan sát kỹ nhiều mặt mới chữa, nếu không thì (khí ít không giữ được huyết nên) huyết dễ thoát, và (ngược lại, nguyên) khí cũng dễ bị bại hoại.

- Người Thái dương thì nhiều dương ít âm, cần cẩn thận khi điều hòa nó (do âm ít nên) không được làm âm thoát mà vẫn phải tả dương (thừa) (song tả quá độ) khí dương liên tục bị hao thoát thì dễ gây nên chứng cuồng. Nếu làm âm dương đều bị hao thoát thì sẽ chết đột ngột, hoặc bất tỉnh nhân sự.

- Người Thiếu dương thì nhiều dương mà ít âm, họ có kinh nhỏ mà lạc to (kinh ở trong - âm ít nên nhỏ, lạc ở ngoài - dương nhiều nên to), do huyết mạch ở trong mà khí lạc ở ngoài (nên trong điều trị) phải làm cho âm thực lên và (tả) làm cho dương hư đi. Nếu chỉ tả lạc mạch (dương) thôi thì sẽ làm khí dương hao tán và tiết nhanh ra ngoài làm trung khí không đủ, bệnh sẽ khó khỏi.

- Người âm dương hòa bình thì khí âm dương của họ điều hòa, huyết mạch cũng điều hòa. (Trong điều trị) cần chẩn rõ sự thay đổi của âm dương, sự thịnh suy của chính khí, tà khí dựa vào diện mạo và biểu hiện, định xem là hữu dư hay bất túc, nếu thịnh thì tả nó, nếu không thực không hư thì lấy kinh có bệnh để chữa.

* Những điều ghi ở trên là nguyên tắc điều trị để điều hòa âm dương và tiêu chuẩn để phân biệt 5 loại hình người.

Hoàng đế: Những người thuộc 5 loại hình thái ở trên, vốn không cùng ở với nhau, nay mới gặp nhau, không rõ hành vi của nhau hàng ngày ra sao, vậy làm thế nào để biết họ?

Thiếu Sư: Nhiều người thuộc loại hình người trên, thường là không biết rõ đặc điểm của 5 loại hình thái (âm dương) này. Người ta đã quy nạp (từ ngũ âm, ngũ hành) thành 25 loại hình người, nhưng (5 loại) hình thái (âm dương) này không liệt kê vào 25 loại hình trên. Hình thái của 5 loại hình này không giống mọi người nói chung.

Hoàng đế: Phâm biệt 5 loại hình này như thế nào?

Thiếu Sư: Người Thái âm có da đen như màu quả dâu, ý niệm không phát triển, ti tiện, hai mắt cứ nhìn xuống đất, như là người rất cao lớn phải cúi xuống để nhìn, tuy không còi xương nhưng khớp gối cong queo không thể đứng thẳng, đó là đặc điểm bên ngoài của người Thái âm.

- Người Thiếu âm có diện mạo như rất thanh cao, nhưng hành động lại mờ ám (tâm địa) thâm hiểm, ngoan cố, khi đứng thì cuồng động không yên, biểu thị trạng thái ác tà. Khi đi như cúi rạp người xuống. Đó là đặc điểm bên ngoài của người Thiếu âm.

- Người thuộc hình Thái dương, dáng điệu của họ rất kiêu căng tự đắc, họ thường nẩy ngực, co bụng, và cũng thường co gối lại, nhưng gối thì lại như gấp lại, đó là đặc điểm bên ngoài của của người Thái dương.

- Người Thiếu dương có dáng đứng ngẩng cao đầu, đi thì lắc lư, hai tay hai khuỷu thường đưa ra sau lưng, đó là đặc điểm bên ngoài của người Thiếu dương.

- Người âm dương bình hòa có diện mạo ung dung tự đắc, dễ thích ứng với hoàn cảnh, thái độ cung kính nghiêm túc, đối đãi với người mềm mỏng hòa nhã, ánh mắt hiền từ, miệng nói tay làm, làm việc phân minh không hỗn loạn, mọi người gọi họ là quân tử, đó là đặc điểm bên ngoài của người âm dương bình hòa.


Tin liên quan

Các bài mới:

Các bài đã đăng:

 
< Trước   Tiếp >