Trang chủ arrow Tản mạn arrow TỪ MỘT CHUYỆN XƯA
TỪ MỘT CHUYỆN XƯA
28/09/2006

Sách Tây Dương tạp trở chép trong những năm Đại Lịch người ta nhìn thấy trên một cây cầu ở Thiên Tân, Đông Đô có đứa ăn mày không có tay lấy chân phải kẹp bút viết chữ xin tiền. Mỗi lúc muốn viết, nó dùng chân tung bút lên cao hơn một thước mà chưa bao giờ thấy rơi xuống đất. Ai cũng công nhận chữ của nó viết ra rất ngay ngắn, nhiều người dùng tay cũng chưa chắc viết đẹp bằng. Đó là chuyện ngày xưa bên Trung Quốc, ngày nay ở Việt Nam, chúng ta đã chứng kiến bao tấm gương phấn đấu kiên trì như thế mà cô bé dưới đây là một ví dụ.

 
 
Em có đôi mắt đen toát lên một nghị lực phi thuờng, một nghị lực của thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký trong  một cô bé 8 tuổi- Bé Thu, một em bé mà trên thân thể chỉ có hai chân vừa làm nhiệm vụ là chân mà cũng vừa là tay. .

Từ trung tâm xã Tân Long huyện Phú Giáo tới nhà cô bé ấy khoảng 7km. Từ nhà em ra trường học ở cơ sở Xóm Bưng (thuộc ấp 7 xã Tân Long) khoảng 1km. Cứ mỗi buổi sáng mẹ đèo em đến trường, tới trưa thì lên rước về. Công việc có vậy nhưng với bà đó là một niềm vui thật sự. Gia đình có ba chị em, Thu là con út và cũng chỉ có một mình em bị tật nguyền. Bà Lại Thị Viện, mẹ của em tâm sự: Hai vợ chồng quê tận ngoài Bắc, năm 1986 vào đây gặp nhau rồi sau đó họ trở thành vợ chồng. Cuộc sống của họ càng vui hơn vì sau đó ít năm hai bé gái liên tiếp chào đời.Năm 1988 một đứa bé tiếp tục ra đời nhưng người ta không cho mẹ nó nhìn mặt. Mãi mấy ngày sau người ta mới dám cho bà nhìn mặt con gái bà. Khi nhìn thấy hình hài của em bà không cầm được nước mắt vừa thương mình, thương con nên bà đã khóc rất nhiều. Càng lớn bé Thu càng ốm yếu, không đi được, mãi đến năm 4 tuổi em nặng chưa được 10 ký.

Sinh thêm đứa con thứ ba cuộc sống gia đình càng khó khăn hơn, sáng sớm là hai vợ chồng vác cuốc đi làm mướn, tối mịt mới về. Ba đứa con gái cứ nương tựa nhau ở nhà. Nói tới đây đôi mắt bà Viện đỏ hoe, bà muốn khóc, vì những ngày hạnh phúc như hôm nay đối với bà như là một giấc mơ. Cuộc sống càng ngày càng khó khăn, có người xúi bà đem bé Thu đi cho vì sợ miệng lưỡi người đời. Nếu không thì gửi cho ai đó nuôi giùm đến lớn thì đem về. Nhiều đêm hai vợ chồng suy nghĩ rất nhiều về tương lai của con. Núm ruột của mình mà sao nỡ đem cho, gia đình quyết định mặc cho người ngoài nói gì thì nói họ vẫn giữ bé với gia đình. Căn nhà khang trang của gia đình bé Thu nằm lọt thỏm giữa vườn cao su rộng. Từ khi cây cao su có giá cuộc sống gia đình bà Viện cũng ổn định hơn, họ xây nhà, sắm sửa vật dụng trong nhà và có điều kiện cho con mình đi học.

Mẹ bé Thu ôm em vào lòng, vuốt ve mái tóc của em rồi nói ngày mà nó đòi đi học cả nhà mới lo làm sao, cứ lo nó làm sao viết, làm sao học theo kịp chúng bạn. Những nỗi lo ấy là có cơ sở vì thân hình em ốm yếu hơn những đứa bé cùng trang lứa, không tay làm sao cầm bút. Cuối cùng em đã làm mọi người giật mình vì khả năng của mình. Bé Thu lấy ngón chân cái và ngón kế đó kẹp chặt cây bút lại và viết. Bài tập đầu tiên thật vất vả và những đường nét ngoằn ngoèo bắt đầu hiện ra. Kẹp bút hồi lâu thì mỏi nhừ, cây bút rơi ra nhưng cô bé ấy không nản, vẫn tiếp tục dùng chân kẹp bút lên và tiếp tục viết. Thời gian trôi dần với sự miệt mài của em đã được đền đáp, những con chữ đã bắt đầu thành hình. Đó là hành trình gian khổ của bé Thu.

Bây giờ thì những nét chữ của Thu càng ngày càng tròn trịa hơn cũng như thân hình cô bé càng ngày càng lớn hơn, duy chỉ có hai cánh tay là vẫn thế, không có gì biến chuyển. Từ năm lớp một đến nay em đều đạt được thành tích là học sinh khá của trường tiểu học Tân Long.

Năm nay bé Nguyễn Thị Thu đã học lớp 3, ba năm viết bằng bàn chân đồng thời hăng say lao động giúp đỡ gia đình đã đem lại cho em niềm tin cuộc sống, nghị lực phi thường và đôi chân vô cùng điêu luyện.

Một năm học mới lại bắt đầu ở một vùng quê của huyện Phú Giáo, có một cô bé tật nguyền đã biết vượt qua được chính mình để tìm đến với con chữ, sự nỗ lực ấy đã làm nên một câu chuyện đã trở thành những minh chứng hùng hồn cho những người tàn tật, tuy thân thể không đủ đầy mà đã là tấm gương cho bao người.
 
 
Nguyễn Hạnh (Từ nhiều tư liệu)

Tin liên quan

Các bài mới:

Các bài đã đăng:

 
< Trước   Tiếp >