Trang chủ arrow Châm cứu án ma arrow 66. Nguyên nhân gây bệnh (Bách bệnh sử sinh)
66. Nguyên nhân gây bệnh (Bách bệnh sử sinh)
01/11/2017
Nội dung: Nói về nguyên nhân sinh ra bệnh tật, bệnh ngoại cảm chủ yếu là do phong, hàn, thử, vũ, thanh, thấp, và tình chí thất thường gây bệnh nội thương. Vị trí bệnh có thể ở Âm, ở Dương; ở trong; ở ngoài; ở trên; ở giữa; ở dưới. Nói rõ mấu chốt gây ra bệnh ngoại cảm là chính khí suy, ngoại tà thừa lúc xâm nhập gây bệnh, và tác dụng phòng bệnh của dưỡng sinh, tà khí khi vào cơ thể thì đi từ ngoài vào trong, khi tà lưu ở trong sẽ thành tích, chướng đau, và đưa ra nguyên tắc chữa bệnh bổ tả ở nơi bị bệnh.

Hoàng đế: Nguyên nhân gây bệnh là phong, vũ, hàn, thử, thanh, thấp, giận, vui. Vui giận không điều độ làm tổn thương tạng, phong vũ làm tổn thương phần trên, thanh thấp làm tổn thương phần dưới. Tổn thương của khí ở 3 bộ (thượng, trung, hạ) không giống nhau, nên hiểu như thế nào?

Kỳ Bá: Khí ở thượng, trung, hạ không giống nhau, hoặc bắt đầu từ Âm (lý) hoặc bắt đầu từ Dương (biểu). Nguyên tắc của nó như sau: Nếu vui giận không chừng sẽ thương tạng, tạng bị thương là bệnh bắt đầu từ Âm, thanh thấp thừa hư xâm nhập là bệnh bắt đầu từ phần dưới, phong vũ thừa hư xâm nhập là bệnh bắt đầu từ phần trên. Đó là 3 phần có bệnh (nguyên nhân và vị trí ) khác nhau. Còn nếu tà khí liên tục xâm nhập vào trong thì triệu chứng biến hóa không ngừng, khó ghi hết.

... Các tà khí phong vũ, hàn nhiệt, không thể xâm phạm vào cơ thể nếu không có cơ hội. Còn người đột ngột bị mưa to gió lớn mà không bị bệnh, là vì chính khí không hư, thể chất khỏe, nên tà khí không xâm phạm được. Muốn sinh bệnh phải có chính khí hư, lúc đó phong tà nhân chính khí hư mà tác động vào (lưỡng hư tương bác), và hư tà xâm nhập vào cơ thể để sinh bệnh.

- Hai cái thực gặp nhau (khí hàn bình thường - chính khí vượng) thấy ở phần lớn người có cơ săn chắc, nên tà khí khó xâm phạm. Nói chung, bệnh do (lúc tà xâm nhập thường do) thời tiết bất thường và không thể suy, nó tạo ra thế tà thực, chính hư và gây bệnh lớn. Tà khí khi vào ở trong người (mỗi loại có chỗ riêng của nó), dựa vào chỗ lưu trú của nó mà có tên là ở trên,ở dưới, ở trong, ở ngoài. Tóm lại chia làm 3 viên (bộ phận), bệnh ở Biểu do tà khí - bệnh ở Lý do tích tụ - bệnh ở Âm do tình dục làm thương tạng.

- Tà khí tấn công người bắt đầu từ da, da mềm hoãn thì thấu lý khai, nếu khai thì tà khí từ chân lông đi vào, rồi vào sâu thêm, làm cho lông dựng lên, lúc đó người gai rét và da đau. Nếu tà khí vẫn lưu lại và không bị đuổi đi, thì nó sẽ truyền vào lạc mạch, khi tà khí ở trong lạc mạch thì cơ bị đau, nếu cơ lúc đau lúc không là biểu hiện tà lại vào sâu nữa và kinh lớn đã bị tấn công. Nếu tà khí vẫn lưu lại không bị đuổi đi, thì nó sẽ truyền vào kinh, khi tà kí truyền vào kinh sẽ có rét run, sợ lạnh, và trong lòng kinh sợ không yên. Nếu tà khí vẫn không bị đuổi đi, thì nó tụ ở Du, khi đó kinh khí của 6 kinh không thông đến tứ chi, làm chi khớp đau, sống lưng cứng. Nếu tà khí vẫn lưu lại không bị đuổi đi thì sẽ vào đoạn tủy sống của mạch Xung. Khi tà khí ở đó, thì chân tay nặng nề, người đau. Nếu tà khí vẫn lưu lại không bị đuổi đi thì sẽ truyền vào trong trường vị, lúc đó thủy khí đình lại ở Vị và bụng kêu óc ách, bụng trướng. Nếu hàn nhiều thì bụng sôi, ỉa chảy, ăn không tiêu, nếu nhiệt nhiều thì ỉa lỏng (máu mũi, mót rặn, lị). Nếu tà khí vẫn lưu lại không bị đuổi đi thì sẽ truyền ngoài trường vị, giữa mô nguyên, lưu ở trong mạch, nếu lưu lại ở lâu, sẽ tích lại thành chứng tích. Tóm lại là tà khí vào cơ thể thì nó hoặc lưu ở tôn mạch, hoặc lưu ở lạc mạch, hoặc lưu ở kinh mạch, hoặc lưu ở mạch vận chuyển tân dịch, hoặc lưu ở đoạn trong ống tủy của mạch Xung, hoặc ở gân bám ở xương cùng, hoặc ở mô nguyên của trường vị, ở trên nối với gân mềm của bụng. Có thể thấy tà khí vào trong cơ thể, không chỗ nào nó không đến được, biến hóa khôn lường, khó mà nói hết.

Hoàng đế: Xin nói rõ thêm.

Kỳ Bá: Tà khí lưu ở nhiều mạch nhỏ của tôn lạc sẽ thành chứng tích, thành hòn cục, nó có thể di động lên, xuống, đến, đi. Do tà khí tích lại tôn lạc ở vùng nông và mềm của cánh tay, nên không thể hạn chế trạng thái tích và lưu nó ở đó, do vậy nó đến và đi di động vào gần giữa trường vị. Nếu có thủy thì sẽ thấm và tưới vào cho bên trong làm cho có tiếng như nước chảy. Nếu có hàn thì sinh ra bụng chướng và sôi bụng, thỉnh thoảng đau như dao đâm. Nếu tà khí lưu lại ở kinh Dương minh thì sẽ tích ở quanh rốn, khi ăn no sẽ to ra, khi đói thì bé lại. Nếu tà khí lưu lại ở cân mềm trong bụng, ăn no thì yên tĩnh (do tân dịch thấm ra ngoài), lúc đói thì lại đau (do khô tân dịch). Nếu tà khí ở đoạn trong ống tủy của mạch Nhâm, khi ấn sờ bụng thấy cảm giác động, nhấc tay lên bệnh nhân có cảm giác nóng chạy xuống hai bên đùi, như bị nóng bỏng ở đó. Nếu tà khí lưu ở cân xương cùng, ở sau trường vị, khi đói có thể thấy tích tụ, khi ăn no tích tụ (bị che lấp) nhìn không thấy và tay sờ cũng không thấy - Nếu tà lưu lại ở mạch vận chuyển tân dịch, sẽ làm cho mạch bị tắc, tân dịch không đi xuống được, các khiếu sẽ khô tắc lại. Đó là tình hình tà khí từ ngoài vào trong, từ trên xuống dưới (bệnh bắt đầu từ Dương).

Hoàng đế: Nguyên nhân của chứng tích từ lúc bắt đầu đến khi hình thành là gì?

Kỳ Bá: Bắt đầu sinh ra là do bị khí hàn, và tích hình thành là do bị khí hàn quyết nghịch lên.

Hoàng đế: Quá trình hình thành như thế nào?

Kỳ Bá: Khí hàn quyết nghịch xuống dưới, là chân đau, bàn chân đau, và vận động thất thường, gây cẳng chân lạnh, cẳng chân lạnh làm huyết mạch ngưng trệ, vì vậy khí hàn đi lên trường vị, làm cho chướng bụng (dương khí không hóa), bụng chướng làm chấp ở ngoài ruột bị dồn ứ không tán đi được, dần dần thành tích. Cũng do đột nhiên ăn quá nhiều làm ruột đầy, sinh hoạt ăn ngủ thất thường, dùng sức quá độ làm lạc mạch bị tổn thương. Nếu dương lạc bị tổn thương (lạc đi lên) thì huyết tràn ra ngoài, máu tràn ra ngoài thì chảy máu mũi. Âm lạc (lạc đi xuống) nếu bị thương thì máu chảy tràn vào trong, máu tràn vào trong thì ỉa máu. Lạc của trường vị bị thương thì máu tràn ra ngoài ruột, ngoài ruột có hàn, chấp và máu đấu nhau, quần tụ lại không tan và sinh tích, lại do đột ngột bị trúng hàn, lại bị nội thương do lo giận quá làm khí nghịch lên, khí nghịch lên như vậy sẽ làm cho sự vận chuyển của 6 kinh bị tắc không thông, làm cho khí ôn không hành,huyết ngưng kết lại ở trong không tan được, tân dịch cũng sinh ra sáp trệ (không thấm, tưới toàn thân), tụ lại dần dần và thành tích.

Hoàng đế: Bệnh sinh ra ở Âm (tạng) thì thế nào?

Kỳ Bá: Âu sầu lo nghĩ quá độ, làm Tâm bị thương, bị ngoại hàn lại ăn đồ lạnh ở trong (trùng hàn) làm Phế bị thương, giận dữ làm Can bị thương, say rượu rồi giao hợp, ra mồ hôi mà gặp gió, sẽ làm Tỳ bị thương. Dùng sức quá độ hoặc giao hợp xong, hoặc ra mồ hôi mà đi tắm, sẽ làm Thận bị thương.

Trên đây là trạng thái bệnh của trong, ngoài, 3 phần (trên, giữa, dưới của cơ thể).

Hoàng đế: Chữa như thế nào?

Kỳ Bá: Xem chỗ đau sẽ biết vị trí của bệnh (Âm, Dương, Biểu, Lý). Bệnh có hữu dư và bất túc. Đáng tả thì tả, đáng bổ thì bổ, không nên vi phạm quan hệ giữa thời tiết và tạng, đó là nguyên tắc điều trị có hiệu quả và thích đáng nhất.

Tin liên quan

Các bài mới:

Các bài đã đăng:

 
< Trước   Tiếp >