Trang chủ arrow Châm cứu án ma arrow 64. Hai mươi nhăm lọa hình người (Âm Dương nhị thập ngũ nhân)
64. Hai mươi nhăm lọa hình người (Âm Dương nhị thập ngũ nhân)
29/10/2017
Nội dung: Căn cứ vào Âm dương ngũ hành, quy thành 5 loại hình người, Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ. Mỗi loại hình lại chia ra 5 loại dựa theo Âm Dương, nhỏ to, phải trái, trên dưới, tổng cộng là 25 loại hình người. Nói rõ về màu da, thân thể, cá tính, thái độ, sự thích ứng với thời tiết, đặc biệt là chia ra theo 3 kinh dương tay, chân, đặc điểm sinh lý xuất hiện ở trên, ở dưới, do khí huyết thịnh suy và qua đó xem xét sự thay đổi, sự thịnh suy của nội tạng và khí huyết. Mặt khác lại phân tích nguyên tắc châm, tiêu chuẩn lấy huyệt, thủ thuật châm đối với các loại hình người khác nhau.

Hoàng đế: Có người thuộc âm, có người thuộc dương, làm thế nào để phân biệt?

Bá Cao: Trong vũ trụ, trong phạm vị trên dưới và 4 phương (6 hợp), sự vật được phân loại theo Ngũ hành, loại hình của người cũng ứng với Ngũ hành. Mỗi loại hình lại chia làm 5 loại hình nữa, cộng có 25 loại hình - mỗi loại có tiêu chuẩn của nó, còn 2 loại người thuộc Âm thuộc Dương không tính ở trong sự phân loại này.

- Hình thái của người thuộc Âm Dương khác với người khác, chia ra làm 5 loại (Thái dương, Thiếu dương, Thái âm, âm dương bình hòa) thì đã rõ.

- Còn hình thái của 25 loại hình người, mỗi loại có đặc điểm riêng do khí huyết khác nhau. Người ta có thể từ biểu hiện bên ngoài để đoán thay đổi của nội tạng, như vậy là thế nào?...

Kỳ Bá: Mới đầu cần xác lập 5 loại hình thái: Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ, sau đó phân biệt 5 sắc, tìm chỗ khác trong điểm giống nhau của 5 loại hình, và như vậy là có được đặc trưng của 5 loại hình người.

Hoàng Đế: "Ta mong được nghe thầy nói đầy đủ hơn nữa"

Kỳ Bá:

- Người hình Mộc tương ứng với âm Giốc, giống như thượng đế (dân sống ở phương Đông), có đặc điểm là da mai mái (thương sắc), đầu nhỏ, mặt dài, vai to, lưng thẳng, thân nhỏ, chân tay tốt. Họ có tài, rất lao tâm khổ tứ, thiểu lực, ưu tư nhiều, làm việc cần mẫn. Họ thích ứng với thời tiết Xuân Hạ tốt hơn Thu Đông, khi cảm khí hàn lương thì dễ sinh bệnh. Họ thuộc Quyết âm chân (Can mộc), thường là ung dung tự đắc (Đà đà nhiên).

* Loại hình Mộc còn chia làm 4 loại hình, trên, dưới, phải, trái nữa. Phía trên bên trái là người thuộc (Âm) Đại giốc, dáng hình cơ thể ví với kinh Thiếu dương chân trái (Đởm) và đặc điểm sinh lý hiện ra ở phía trên trái. Họ tự nguyện nhường không tranh giành hơn kém (Di di nhiên). 

- Người thuộc (Âm) Tả giốc dáng hình cơ thể ví với kinh Thiếu dương chân phải (Đởm), và đặc điểm sinh lý hiện ra ở phía dưới kinh bên phải. Họ nói chung phục tùng người khác (Tùy tùy nhiên). 

- Người thuộc (Âm) Để giốc, dáng hình cơ thể ví với kinh Thiếu dương chân phải, đặc điểm sinh lý hiện ra ở phía trên của kinh bên phải. Họ là loại tiên tiến (Thôi thôi nhiên).

- Người thuộc (Âm) Phán giốc, dáng hình cơ thể ví với kinh Thiếu dương chân trái, đặc điểm sinh lý của nó biểu hiện ở phía dưới của kinh chân trái. Hành vi của họ thường là chính trực.

* Người hình Hỏa, tương ứng âm Thượng chủy, như người sống ở phương Nam (Xích đế), có đặc điểm là sắc đỏ, cơ lưng to rộng, mặt gày, đầu nhỏ, vai lưng, hông bụng, phát triển tốt (cân đối đẹp), bàn chân bàn tay nhỏ nhắn, đi đứng vững vàng, không có tiếng động, nắm vấn đề, hiểu vấn đề nhanh, khi đi hai vai động đậy, cơ lưng đầy. Họ có chí khí, coi nhẹ tiền tài, thiếu lòng tin, nghĩ nhiều, thấy rõ vấn đề, mắt đẹp, tâm nóng vội, không thọ, đột tử. Họ thích ứng với thời tiết Xuân Hè tốt hơn Đông Thu, cảm khí hàn lương của Thu Đông thì dễ bị bệnh. Họ thuộc Thiếu âm tay (Hỏa), rất chân thật.

* Loại hình Hỏa còn chia làm 4 loại hình nữa: Người thuộc (Âm) Chất chủy, dáng hình cơ thể ví với kinh Thái dương tay trái, đặc điểm sinh lý của nó biểu hiện ở phía trên của kinh trái. Họ nói chung hiểu biết hời hợt không sâu.

- Người thuộc (Âm) Thiếu chủy, dáng hình cơ thể ví với kinh Thái dương tay phải, đặc điểm sinh lý hiện ở phía dưới của kinh bên phải. Họ là những người lạc quan yêu đời.

- Người thuộc (Âm) Hữu chủy, dáng hình cơ thể ví với kinh Thái dương tay phải, đặc điểm sinh lý hiện ra ở phía dưới của kinh bên phải. Họ là những người không cam chịu thua người khác.

- Người thuộc (Âm) Chất phán, dáng hình cơ thể ví với kinh Thái dương tay trái, đặc điểm sinh lý hiện ra ở phía dưới của kinh bên trái. Họ dễ bỏ qua những lo phiền, thường vui vẻ, nhẹ nhàng, tự đắc.

* Người hình Thổ ứng với âm "Thượng cung" như người sống ở thời "Thượng cổ hoàng đế" ở trung châu, có đặc điểm là da vàng, mặt tròn, đầu to, vai lưng đẹp, bụng to, đùi cẳng chân đẹp, bàn chân bàn tay nhỏ nhắn, bắp thịt nhiều, trên dưới cân đối, đi đứng vững vàng không có tiếng động, chân nhấc lên không cao. Họ rất hay an tâm, hay làm lợi cho người. Không thích quyền thế, và thích phụ thuộc vào người khác. Họ thích ứng với thời tiết Thu Đông tốt hơn Xuân Hè (sợ nóng), khi bị ôn nhiệt của Xuân Hè thì dễ bị bệnh. Họ thuộc Thái âm chân (Thổ) rất thành thực, trung hậu.

- Người thuộc (Âm) "Đại cung", dáng hình cơ thể ví với Dương minh chân trái, đặc điểm sinh lý hiện ra ở phía trên của kinh bên trái. Họ là người rất thuận hòa, hòa nhã.

- Người thuộc (Âm) "Gia cung", dáng hình cơ thể ví với Dương minh chân trái, đặc điểm sinh lý hiện ra ở phía trên của kinh bên trái. Họ là loại người đoan trang thận trọng.

- Người thuộc (Âm) "Thiếu cung", dáng hình cơ thể ví với Dương minh chân phải, đặc điểm sinh lý hiện ra ở phía trên của kinh bên phải. Họ là loại người uyển chuyển (như cái bản lề).

- Người thuộc (Âm) "Tả cung", dáng hình cơ thể ví với Dương minh chân phải, đặc điểm sinh lý hiện ra ở phía dưới kinh bên trái. Họ là loại người rất chăm chỉ cần mẫn, không sợ khó.

* Người hình Kim, tương ứng với âm "Thượng thương", giống như người "Bạch đế" (sống ở phương Tây), có đặc điểm là mặt vuông, sắc trắng, đầu nhỏ, vai lưng bụng đều nhỏ, bàn chân bàn tay nhỏ nhắn, gót chân to ra như mọc thêm xương, toàn thân xương nhẹ. Người thanh liêm, tính nóng vội, có thể tĩnh, có thể động, khi động thì mãnh liệt, thích làm việc chính quyền. Họ thích ứng với thời tiết Thu Đông tốt hơn Xuân Hè, nếu cảm phải khí (ôn nhiệt) Xuân Hè thì đỡ bị bệnh. Họ thuộc Thái âm tay (Kim), kiên trinh bất khuất.

- Người thuộc (Âm) "Đệ thương", hình dáng cơ thể ví với Dương minh tay trái, đặc điểm sinh lý hiện rõ ở phía trên kinh bên trái, họ là người rất trong sạch.

- Người thuộc (Âm) "Hữu thương", dáng  hình cơ thể ví với Dương minh tay trái, đặc điểm sinh lý hiện rõ ở phía dưới kinh bên trái, họ là người thanh thái thoải mái, không dễ bị câu nệ.

- Người thuộc (Âm) "Tả thương", dáng hình cơ thể ví với Dương minh tay phải, đặc điểm sinh lý hiện rõ ở phía trên kinh bên phải, họ là người có thể thấy rõ phải trái.

- Người thuộc (Âm) "Thiếu thương", dáng  hình cơ thể ví với Dương minh tay phải, đặc điểm sinh lý hiện rõ ở phía dưới kinh bên phải, họ là người nghiêm túc thận trọng.

* Người hình Thủy, tương ứng với âm "Thượng vũ", giống như người "Hắc đế" (người sống ở phương Bắc), có đặc điểm là sắc đen, mặt không bằng (lồi lõm), đầu to, chỗ tuyến nước bọt sau mép (góc hàm - di) hình lăng, vai nhỏ, bụng to, chân tay hiếu động, đi thì lắc người đoạn thắt lưng xương cụt dài, lưng cũng dài hơm mọi người. Họ không cung kính ai cũng không sợ hãi ai, thích lừa dối người, hay giết người, có thể thích ứng với thời tiết Thu Đông hơn Xuân Hè, bị khí (ôn nhiệt) Xuân Hè sẽ dễ sinh bệnh. Họ thuộc Thiếu âm chân (Thủy), Hành động không có giới hạn nào.

- Người thuộc (Âm) "Đại vũ", dáng hình cơ thể ví với Thái dương chân phải, đặc điểm sinh lý của họ thể hiện ở phía trên của kinh bên phải, họ thường có vẻ mặt đắc ý.

- Người thuộc (Âm) "Thiểu vũ", dáng hình cơ thể ví với Thái dương chân trái, đặc điểm sinh lý của họ thể hiện ở phía trên của kinh bên trái, họ là người khuất tất, không thẳng thắn.

- Người thuộc (Âm) "Trúng vũ", dáng hình cơ thể ví với Thái dương chân phải, đặc điểm sinh lý của họ thể hiện ở phía dưới của kinh bên phải, họ tính thật thà thanh liêm.

- Người thuộc (Âm) "Chí vũ", dáng hình cơ thể ví với Thái dương chân trái, đặc điểm sinh lý của họ thể hiện ở phía trên của kinh bên trái, họ có lòng yên tĩnh, đạo đức cao thượng

* Trên đây là 25 loại hình người biến từ Ngũ hành ra, nhiều người khó nhận ra, nhiều người dễ nhận ra, thường là hình dáng bên ngoài, còn bỏ sót không quan tâm đến khí huyết thịnh suy ở trong.

Hoàng đế: Có người hình dáng thuộc về loại hình của Ngũ hành, nhưng sắc da lại không phù hợp vì sao?

Kỳ Bá: Theo quy luật của Ngũ hành, người có hình thắng sắc (như hình Mộc lại có sắc vàng - Thổ) hoặc sắc thắng hình (như sắc thắng Kim ở người hình Mộc). Khi gặp 5 kỵ, nếu bị tà khí tấn công thì sẽ bị bệnh, và nếu có sai lầm trong điều trị, thì bệnh phát nhanh và rất đáng lo. Nếu hình và sắc tương ứng thì phú quý đại lạc (vì khí chất điều hòa).

Hoàng đế: Làm thế nào để biết 5 kỵ, khi có hình sắc tương khắc?

Kỳ Bá: 5 kỵ đều có ở 25 loại hình. Tiêu chuẩn của cách tính 5 kỵ là bắt đầu từ 7 tuổi, và cứ thêm 9 năm một, như (7 + 9 = 16) tuổi, (16 + 9 = 25) tuổi, (25 + 9 = 34) tuổi, 43 tuổi, 52 tuổi, 61 tuổi. Đó là những năm đại kỵ của người, cần giữ gìn sức khỏe. Nếu mắc bệnh, mà điều trị có sai sót, thì có thể làm bệnh nặng lên và rất đáng lo. Những năm ấy cần dưỡng sinh cẩn thận, không làm việc gian tà. Đó là năm kỵ. (7 là thiếu của dương, 9 là lão của dương, số dương lớn nhất (cực) là số 9, và cực thì phải biến, nên sau 7 tuổi, cứ thêm 9 năm là năm kỵ).

Hoàng đế: Dựa vào sự phân tích ở trên về đặc điểm sinh lý phản ánh ra ngoài của sự thịnh suy của khí huyết ở phần trên, phần dưới của 3 kinh dương chân tay để dự đoán thịnh suy của hình khí là thế nào?

Kỳ Bá: Đặc điểm hình dáng thể hiện ở phần trên kinh Dương minh chân là: Nếu khí huyết thịnh thì râu ở hai bên má dài và đẹp; Nếu huyết thiểu khí đa, thì có râu nhưng ngắn; Nếu khí thiểu huyết đa thì có râu nhưng ít; Nếu khí huyết đều ít thì không có râu ở má và nếp da ở hai bên mép nhiều. Đặc điểm hình dáng thể hiện phần dưới kinh Dương minh chân; Nếu khí huyết thịnh thì lông mu dài và đẹp, lông có thể mọc đến ngực; Nếu huyết đa khí thiểu thì lông mu đẹp, ngắn, cùng lắm là mọc đến rốn, khi đi thì nhấc cao chân, đi bước dài, cơ ngón chân ít, hai bàn chân thường lạnh; Nếu huyết ít khí nhiều thì cơ ở chi dưới dễ bị loét do lạnh cóng; Nếu khí huyết đều ít thì không có lông mu hoặc thưa thớt, khô dễ gẫy và thường sinh hai chân liệt mềm vô lực, hoặc quyết lạnh, hoặc teo cơ.

- Đặc điểm hình dáng thể hiện ở phần trên kinh Thiếu dương chân là: Nếu khí huyết thịnh thì râu quai nón dài đẹp; Huyết ít khí nhiều thì râu ít; Huyết nhiều khí ít thì râu quai nó đẹp, ngắn; Khí huyết đều ít thì không có râu; Nếu bị hàn thấp thì dễ bị bệnh tý, đau xương, móng khô.

- Đặc điểm hình dáng được thể hiện ở phần dưới kinh Thiếu dương chân là: Nếu khí huyết thịnh thì lông chân dài và đẹp, mắt cá ngoài to; Nếu huyết nhiều khí ít thì lông cẳng chân ngắn đẹp, da mắt cá ngoài chắc, dầy; Nếu huyết ít khí nhiều thì lông cẳng chân ít, da mắt cá ngoài mỏng mềm; Nếu huyết khí đều ít thì không có lông, mắt cá ngoài gày, không có thịt.

- Đặc điểm hình dáng được thể hiện ở phần trên kinh Thái dương chân là: Nếu khí huyết thịnh thì lông mày đẹp, lông mày có nhiều, lông dài; Nếu huyết nhiều khí ít thì lông mày xấu, mặt có nhiều nếp da nhỏ; Nếu huyết ít khí nhiều thì mặt có nhiều thịt; Nếu khí huyết hòa thì sắc đẹp da nhuận.

- Đặc điểm hình dáng được thể hiện ở phần dưới kinh Thái dương chân là: Nếu khí huyết thịnh thì gân gót chân dày, gót chân có da dày, chắc; Nếu khí ít huyết nhiều thì gân gót gày, không có thịt; Nếu khí huyết đều ít thì hay chuột rút, dưới gót chân đau.

- Đặc điểm hình dáng được thể hiện ở phần trên kinh Dương minh tay là: Nếu khí huyết thịnh thì ria đẹp; Nếu khí nhiều huyết  ít thì ria xấu; Nếu khí huyết đều ít thì không có ria (ria:râu mọc ở phần trên môi dưới mũi).

- Đặc điểm hình dáng được thể hiện ở phần dưới kinh Dương minh tay là: Nếu khí huyết thịnh thì lông lách đẹp (Dương minh - Thái âm tay = biểu lý) cơ ở mô ấm áp; Nếu khí nhiều huyết  ít thì ria xấu; Nếu khí huyết đều ít thì bàn tay gày và lạnh.

- Đặc điểm hình dáng được thể hiện ở phần trên kinh Thiếu dương tay là: Nếu khí huyết thịnh thì lông mày đẹp, dài, sắc tai đẹp (đều vùng Thiếu dương); Khí huyết đều ít thì tai khô sắc da xấu.

- Đặc điểm hình dáng được thể hiện ở phần dưới kinh Thiếu dương tay là: Nếu khí huyết thịnh thì nắm tay cơ nhiều và ấm; Nếu khí huyết ít thì bàn tay lạnh, gày, ít thịt, nếu khí ít huyết nhiều thì bàn tay mỏng gày, và nhiều lạc mạch nổi rõ.

- Đặc điểm hình dáng được thể hiện ở phần trên kinh Thái dương tay là: Nếu huyết khí thịnh thì nhiều râu, mặt nhiều thịt và (bằng) đầy đặn; Nếu huyết khí đều ít thì mặt gày, sắc xấu.

- Đặc điểm hình dáng được thể hiện ở phần dưới kinh Thái dương tay là: Nếu huyết khí thịnh thì cơ gan bàn tay đầy; Nếu khí huyết đều ít thì cơ gan bàn tay mỏng gầy và lạnh.

Hoàng đế: Châm cho 25 loại hình người này, có quy định gì không?

Kỳ Bá: Người lông mày đẹp là mạch Thái dương chân khí huyết nhiều; Lông mày xấu là khí huyết ít, trong đó cơ đầy, sắc da nhuận đẹp là khí huyết có thừa; Nếu cơ dầy, sắc da không nhuận là khí có thừa huyết không đủ; Nếu cơ dầy, mà sắc da không nhuận là khí huyết đều không đủ. Xem xét hình của nó để biết khí có thừa hay thiếu để điều hòa lại. Nếu làm được như vậy là biết phân biệt thuận nghịch vậy.

Hoàng đế: Châm để chữa các kinh Âm Dương tay chân thế nào?

Kỳ Bá: Xem mạch thốn khẩu (ở cổ tay), mạch nhân nghinh (ở cổ) [biết thịnh suy của Âm (cổ tay) Dương (nhân nghinh)] để điều hòa lại, rồi sờ theo đường kinh để xem khí huyết ngưng trệ ở đâu, nếu nơi nào có ngưng kết thì chỗ đó có thống tý, nếu nặng có thể không đi lại được, gọi là ngưng sáp. Với (trạng thái khí huyết bị) ngưng sáp, cần làm khí đến để ôn nó (làm dương khí thông, làm khí huyết thông thì hết ngưng sáp), khi mạch hòa thì (hết đau và) thôi dùng cách châm đó. Với trạng thái lạc mạch bị uất kết, mạch kết thì hết thông hòa (thông suốt), dùng cách châm tả huyết để huyết hành lại. Cho nên nói: (Do vị trí bệnh không giống nhau nên tà) khí có thừa ở trên, phải dẫn đạo xuống dưới (bằng cách lấy huyệt ở dưới) (chính) khí ở trên không đủ (cần lấy huyệt ở trên), day huyệt, châm lưu kim để đợi khí, nếu lưu kim lâu khí vẫn chưa đến (không có đắc khí) thì nhân nhi nghênh chi (căn cứ vào nguyên nhân để châm chếch sang phải, sang trái, hoặc tiến, hoặc lui kim, hoặc ấn xuống, hoặc nhấc lên để đạt đắc khí). Muốn vậy trước hết phải rõ đường đi của kinh để có phương pháp chữa tốt. Nếu có hàn và nhiệt đấu tranh với nhau cần truyền đạo (phần thiên thắng) để hành khí huyết. Nếu có chứng khí uất kết lâu ngày nhưng huyết không kết, cần căn cứ tình hình cụ thể để có điều trị cụ thể. 

Tóm lại: Cần nắm được 25 loại hình người, xem đặc điểm hình dáng của cơ thể biểu hiện ra ở trên, ở dưới, các kinh bên phải, bên trái, do khí huyết thịnh suy để có chẩn đoán tốt, chính xác, rồi mới định phép châm để điều hòa khí huyết chữa bệnh, chắc sẽ đem lại kết quả tốt.

Tin liên quan

Các bài mới:

Các bài đã đăng:

 
< Trước   Tiếp >