Trang chủ arrow Châm cứu án ma arrow 62. Các huyệt động (Động du)
62. Các huyệt động (Động du)
26/10/2017
Nội dung: Tại sao 3 trong 12 kinh có động mạch đập không ngừng. Mạch thốn khẩu của kinh Thái âm phế đập, do Phế khí vận hành ở kinh Thái âm tay có quan hệ với hơi thở, do thở không ngừng nên mạch ở cổ tay đập không ngừng. Mạch nghân nghinh của Dương minh chân đập do khí đổ về Phế, khí mạch còn lên đầu rồi từ đầu đi xuống qua nhân nghinh, nên nhân nghinh đập không ngừng. Mạch Thái khê của kinh Thiếu âm chân do nhánh của mạch Xung cùng với đại lạc của kinh Thiếu âm chân đều bắt đầu ở dưới thận đi ra ở Khí xung, đi dọc ở mặt trong đùi xuống dưới thân, đường đi của nó hợp với kinh thận, đổ vào các lạc, nuôi dưỡng cẳng chân làm cho mạch Thái khê đập.

Hoàng đế: Tại sao các kinh Thái âm tay, Thiếu âm chân, Dương minh chân trong 12 kinh lại đập không ngừng?

Kỳ Bá: Đó là quan hệ mật thiết giữa Vị khí và mạch đập. Vị là biển của 5 tạng 6 phủ, khí trong của nó đổ vào Phế, Phế khí tuần hành theo kinh Thái âm tay rồi đi toàn thân. Phế khí ra vào (theo hơi thở) có quan hệ mật thiết với hơi thở, do đó người thở ra mạch đập, hít vào mạch lại đập, thở liên tục thì mạch đập không ngừng.

Hoàng đế: Khí (mạch Thái âm tay) qua thốn khẩu (thịnh suy không đều nhau), khí mạch tiến lên thì khí thế rất mạnh, khí này đến từ đâu? khí mạch thoái thì khí suy dần, vậy có tiềm phục ở đâu? Nó đến đi theo đường nào và cuối cùng nó ra sao?

Kỳ Bá: Mạch khí rời tạng phủ đi ra, kinh mạch thế như mũi tên cùng cây cung vút đi, như nước ở trên đổ xuống, lúc khí qua thốn khẩu đến Ngư tế thì mạch khí (từ thịnh chuyển thành suy), khí dư của nó suy tán đi ngược lên, nên thế của nó yếu.

Hoàng đế: Nguyên nhân gì làm kinh Dương minh đập?

Kỳ Bá: Vị khí lên đổ vào Phế, khí mạch của nó xung lên đầu, đi dọc theo họng lên các khiếu, dọc theo hệ mắt để vào lạc của não, đi ra ở trán để xuống huyệt Khách chủ nhân (của kinh Thiếu dương chân) dọc theo Giáp xa, hợp với Dương minh chân xuống Nhân nghinh, đó là nơi Vị khí tách ra đi vào Dương minh (Nhân nghinh) làm Dương minh (Nhân nghinh) đập liên tục. Do động mạch Thái âm xuống ra ở thốn khẩu, động mạch của Dương minh lên ở Nhân nghinh, nên khí Âm Dương trên dưới thông nhau và mạch động của chúng như nhau. Nếu bệnh ở Dương nhưng mạch dương (Nhân nghinh) lại nhỏ là nghịch, bệnh ở Âm mà mạch âm (thốn khẩu) lại to là nghịch. Do vậy mạch Âm Dương động hoặc tĩnh, tương ứng với mạch to hay nhỏ, duy trì cân bằng như kéo co, 2 bên cân đối, nếu đã có thiên là có bệnh.

(Bình thường là: Bệnh ở Dương mạch nhân nghinh to, bệnh ở Âm mạch thốn khẩu nhỏ).

Hoàng đế: Nguyên nhân gì làm kinh Thiếu âm chân động?

Kỳ Bá: (Đó là do mạch Xung và Thiếu âm chân hợp lại cùng đi). Mạch Nhâm là bể của 12 kinh, cùng đại lạc của Thận bắt đầu từ dưới Thận, đi ra ở khí nhai (khí xung) dọc theo mặt trong đùi chếch vào khoeo chân, đi dọc mặt trong cẳng chân, hợp với kinh Thiếu âm chân đi vào sau mắt cá trong, rồi đi vào dưới bàn chân. Nhánh của nó chếch vào mắt cá (trong), để ra ở bờ trên lồi củ xương gót (và mặt trên bàn chân) vào giữa ngón chân cái đổ vào lạc, để làm ấm cẳng chân, mạch (Thái khê) cũng đập đều.

Hoàng đế: Dinh khí, vệ khí tuần hoàn ở toàn thân, trên dưới thông với nhau, như một vòng kín không biết đâu là đầu, nay đột nhiên gặp phải phong tà, hoặc gặp phải rét đậm, (tà khí lưu ở tứ chi làm) chân tay rã rời. Đường đi của các kinh mạch Âm Dương, các chỗ hội nơi khí huyết, các kinh truyền cho nhau đều có thể bị ngoại tà làm cho bất thường (bế tắc). Vậy khí từ đâu đi và về đâu để rồi lại tuần hoàn không ngừng?

Kỳ Bá: Tứ chi là nơi hội của các kinh Âm Dương, ở đây còn có lạc mạch - nơi liên lạc của khí. Tứ giai (ở đầu, ngực, bụng, chân) là đường đi của Dinh khí, Vệ khí. Nên dù lạc có bị tắc, thì kinh vẫn thông (đường đi của 4 giai vẫn thông, duy trì sự tương thông của các kinh Âm Dương), đợi cho ngoại tà ở tứ chi giải hết thì khí sẽ lại tuần hoàn đủ như cũ, chuyển tiếp cho nhau như vậy khép kín.

Hoàng đế: Đúng. Có tác dụng hiệp đồng của tứ chi và tứ giai, chúng thông với nhau, nên đảm bảo được tuần hoàn thành một vòng khép kín, và không ngừng.

* (4 giai: Ở đầu là Bách hội, ở ngực là các huyệt du ở lưng, và hai bên ngực, ở bụng là Hoang du, Thiên khu, ở chân là Khí xung, Thừa sơn, dưới mắt cá).

Tin liên quan

Các bài mới:

Các bài đã đăng:

 
< Trước   Tiếp >