Trang chủ arrow Châm cứu án ma arrow 59. Khí bảo vệ mất bình thường (Vệ khí thất thường)
59. Khí bảo vệ mất bình thường (Vệ khí thất thường)
20/10/2017
Nội dung: Nói về khí, vệ khí tuần hoàn thất thường, lưu ở trong ngực bụng thì gây nhiều bệnh và cách châm (huyệt và thủ thuật) để chữa các bệnh đó. Ngoài ra còn nói đến trong chẩn đoán còn dựa vào người gầy béo hoặc to nhỏ, tuổi lớn nhỏ, để chữa cho có kết quả. Còn miêu tả 3 loại người béo to: Béo, phì lộn, cơ.

Hoàng đế: Khi vệ khí ngưng ở trong bụng rồi tích lại uất kết ở đó không hành, làm cho người ta thấy sườn, dạ dày đầy, suyễn khí nghịch, làm thế nào để chữa?

Kỳ Bá: Nếu khí tích ở ngực, lấy huyệt ở trên để chữa, nếu khí tích ở bụng, lấy huyệt dưới để chữa, nếu trên bụng dưới ngực đều đầy, lấy huyệt bên cạnh để chữa.

Hoàng đế: Có thể lấy các huyệt nào?

Kỳ Bá: Tích ở trên thì tả Nhân nghinh, Thiên đột, hầu trung (Liêm tuyền), tích ở dưới thì Túc tam lý và khí giai (Khí xung), đầy ở cả trên và dưới, dùng cả Nhân nghinh, Thiên đột, Liêm tuyền ở trên và Túc tam lý, Khí xung ở dưới, thêm huyệt ở dưới sườn 1 tấc (Chương môn), bệnh nặng thì dùng cách châm: Kê túc" (châm thẳng rồi sau đó châm chếch ra hai bên phải trái như chân gà). Trong chẩn đoán, nếu thấy mạch to và huyền cấp, hoặc mạch tuyệt và da bụng rất căng thì không được dùng châm.

Hoàng đế: Làm thế nào mà biết bệnh của da, của cơ, của khí huyết, của cân, của xương?

Kỳ Bá: Bệnh ở da có sắc bệnh giữa hai lông mày mỏng và bóng. Bệnh ở cơ có sắc bệnh ở môi xanh, vàng, đỏ, trắng, đen. Bệnh của khí huyết có dinh khí tán ra ngoài, thể hiện có nhiều mồ hôi, da nhuận. Bệnh ở cân có sắc bệnh ở mắt xanh, vàng, đỏ, trắng, đen. Bệnh ở xương khi vành tai khô không nhuận, đầy dáy tai và bẩn.

Hoàng đế: Bệnh xuất hiện ở bộ phận nào đó, làm thế nào để xác định được mục tiêu để châm?

Kỳ Bá: Bệnh thường thiên biến vạn hóa, khó mà ghi chép hết, tuy nhiên bệnh ở da có vị trí của nó, bệnh ở cơ có trụ cột của nó (cơ co), bệnh của khí huyết có nơi vận hành của nó, bệnh ở xương có nơi phụ thuộc của nó (nơi hai xương giao nhau). Đó là mục tiêu để ta châm.

Hoàng đế: Xin nói rõ lý do?

Kỳ Bá: Vì da ở thể biểu, và kinh khí bắt đầu vận hành từ các đầu chi, nên bệnh ở da, châm ở tứ chi, bệnh ở cơ lấy trụ cột của các cơ (các cơ nổi lên), trụ cột là nơi có cơ dày, ở đó các kinh dương ở tay, cẳng chân và Thiếu âm chân đi qua. Bệnh của khí huyết thì lấy lạc mạch, đó là nơi kinh khí đi đến, nếu khí huyết bị lưu trệ thì chúng sẽ đầy lên. Bênh ở cân không có phân ra Âm hay Dương, bên phải hay bên trái, mà chữa ngay tại chỗ bị bệnh. Bệnh ở xương thì chữa ở chỗ khớp xương, đó là những khe khớp nơi hấp thụ dịch tủy để ích não tủy (ích được tủy thì chữa được xương).

Hoàng đế: Lấy huyệt như thế nào (theo tiêu chuẩn nào)?

Kỳ Bá: Bệnh biến hóa có phù, có trầm, châm có sâu, có nông, bệnh nặng thì châm sâu, bệnh nhẹ thì châm ít kim, bệnh nặng châm nhiều kim, tùy tình hình của bệnh mà điều khí, sẽ có kết quả. Đó là cách làm của người thầy thuốc giỏi.

Hoàng đế: Phân biệt người béo, nhỏ to, thiếu niên, tráng niên, lão niên như thế nào?

Kỳ Bá: Người 50 tuổi trở lên là lão, đến 20 tuổi trở lên là tráng niên, 18 tuổi trở lên là thiếu niên, 6 tuổi trở lên là nhỏ (tiểu) (Thiên kim phương: 6 tuổi trở lên là tiểu, 18 tuổi trở lên là thiếu, 30 tuổi trở lên là tráng, 50 tuổi trở lên là lão).

Hoàng đế: Tiêu chuẩn để phân loại béo, gầy là gì?

Kỳ Bá: Người to béo, cơ phì nộn (cao), và béo.

Hoàng đế: Phân biệt thế nào?

Kỳ Bá: Người béo là người có bắp thịt ở khoeo săn, da dầy. Người phì nộn là người có bắp thịt ở khoeo mềm nhẽo, da mềm. Người cơ là người có da và cơ bám chặt với nhau, rất săn chắc.

Hoàng đế: Thể chất hàn, ôn của người ta biểu hiện như thế nào?

Kỳ Bá: Người phì nộn nếu có cơ mềm nhuận, nếp da thô thưa, thường có thể chất hàn, nếu nếp da nhỏ dầy thường có thể chất nhiệt. Người béo nếu có cơ săn chắc, nếp da nhỏ dầy, thường có thể chất nhiệt, nếu nếp da thưa thô, thường có thể chất hàn.

Hoàng đế: Tình trạng khí huyết nhiều hay ít của 3 loại người ấy như thế nào?

Kỳ Bá: Người phì nộn có nhiều khí, thì nhiệt và chịu được hàn. Người cơ có nhiều huyết người đầy đặn thể chất bình thường. Người béo thì huyết thanh, khí ít mà đục, nên người không to. Đó là điều mà mọi người có thể phân biệt được.

Hoàng đế: Tình trạng gầy béo to nhỏ của họ ra sao?

Kỳ Bá: Người phì nộn có nhiều khí, da mềm, bụng béo và sệ xuống (béo bệu). Người cơ có dung tích thân thể lớn. Người béo người thu nhỏ hơn (hai loại người trên).

Hoàng đế: Còn người bình thường thì sao?

Kỳ Bá: Người bình thường thì da, cơ , mỡ (chỉ) cao cân đối, không thể béo to được, khí và huyết tương đương, không thiên bên nào, cho nên có hình thể vừa phải không to không nhỏ, với các bộ phận cân xứng với nhau.

Hoàng đế: Chữa cho 3 loại người này như thế nào?

Kỳ Bá: Trước hết phải phân biệt được 3 loại người đó, rồi xem huyết của họ nhiều hay ít, khí của họ trong hay đục, để điều hòa lại, trong khi chữa cần lấy huyệt theo kinh, không sợ không kết quả.

Nhắc lại: Người phì nộn cơ bụng mềm nên bụng sệ xuống, người cơ trên dưới đều to, người béo tuy béo nhưng nhỏ nhắn hơn hai người kia.

Tin liên quan

Các bài mới:

Các bài đã đăng:

 
< Trước   Tiếp >