Trang chủ arrow Châm cứu án ma arrow 49. Năm màu sắc (Ngũ sắc)
49. Năm màu sắc (Ngũ sắc)
15/10/2017
Nội dung: Nói về mỗi tạng phủ đều có chỗ phản ánh sắc khí riêng ở mặt. Vị trí của 5 tạng nằm ở dọc mũi từ trán đến chóp mũi, 6 phủ ở hai bên sống mũi. Dựa vào sự thay đổi của màu sắc ở mặt để đoán bệnh tật ở tạng phủ, và căn cứ vào trạng thái phù trầm, khô nhuận, tán tụ của màu sắc để phân biệt tình hình nông sâu, mới cũ và tiên lượng xấu tốt của bệnh.

Lôi Công: (Quan sát) khí sắc ở mặt, có phải chỉ (xem) ở minh đường không? Tên của vị trí đại diện các bộ phận ở mặt.

Hoàng đế: Minh đường là mũi, khuyết là giữa hai lông mày, (thiên) đình là trán, phiền là hai bên má, tế là nhĩ môn, giữa các bộ phận đó phải đoan chính to rộng. Ở xa 10 bước nhìn thấy rõ vuông vắn to đẹp. Diện mạo như vậy sẽ sống 100 tuổi.

Lôi Công: Làm thế nào để phân biệt màu sắc, tạng phủ thể hiện tại ngũ quan?

Hoàng đế: Xương mũi cao và nổi lên, bình mà đoan chính, 5 tạng lần lượt ở giữa, 6 phủ kẹp ở hai bên. Đầu mặt thì ở khuyết đình (giữa hai lông mày và trán), vương cung (tâm) ở chỗ lõm của sống mũi - 5 tạng ở trong ngực bụng yên ổn thì màu sắc bình thường, không có sắc bệnh, màu sắc ở mũi tất trong nhuận. Lẽ nào lại không nhận ra sắc bệnh của 5 quan.

Lôi Công: Sắc bệnh có lúc khó phân biệt, làm thế nào để phân biệt được?

Hoàng đế: 5 sắc phản ánh ra ở các vị trí tương ứng ở mặt. Nếu chỗ đó có màu không chính (đẹp) có biểu hiện lõm xuống xương là có bệnh. Nếu màu sắc có hiện tượng thừa kích (con kích khí mẹ, như vùng Tâm màu vàng, Can màu đỏ, Phế màu đen, Thận màu xanh. Màu của con chiếm vùng của mẹ) thì bệnh tuy nặng nhưng không chết (cần dùng con để tả bệnh của mẹ - Trương Chí Thông).

Lôi Công: Chứng hậu của ngũ sắc là gì?

Hoàng đế: Xanh đen là đau, vàng đỏ là nhiệt, trắng là hàn.

Lôi Công: Làm thế nào để phân biệt bệnh nặng lên và bệnh giảm đi và tà khí suy dần?

Hoàng đế: Cần quan sát kỹ bệnh cả ở trong và cả ở ngoài. Bắt mạch cổ tay nếu hoạt, tiểu, khẩn, trầm thì bệnh sẽ nặng dần, đó là bệnh ở trong (tà thịnh ở phần âm). Nếu mạch nhân nghinh to khẩn, phù, thì bệnh ở ngoài và nặng dần (do tà thịnh ở phần dương). Nếu mạch cổ tay phù hoạt thì bệnh tà  thì bệnh (tà) ngày càng tiến triển, nếu mạch nhân nghinh trầm hoạt thì bệnh ngày một giảm nhẹ. Nếu mạch cổ tay hoạt và trầm thì bệnh (tà) tiến triển dần và bệnh ở trong. Nếu mạch nhân nghinh hoạt thịnh và phù thì bệnh (tà) ngày một tiến triển, và bệnh ở ngoài. Nếu mạch hoặc phù hoặc trầm ở cổ tay và nhân nghinh, to, nhỏ bằng nhau (bệnh không ở âm mà thiên ở dương) thì khó lành. Nếu bệnh ở (ngũ) tạng, mạch trầm và to (là khí âm thịnh) thì bệnh dễ lành, nếu trầm và tiểu (là chân âm kém) là (hiện tượng mạch và chứng tương) nghịch. Nếu bệnh ở phủ, mạch phù và to, thì dễ lành (bệnh dương có mạch dương). Nếu mạch nhân nghinh thịnh (biểu) và kiên (cứng) là ngoại cảm hàn tà, nếu mạch cổ tay (lý) thịnh và kiên (cứng) là bệnh nội thương do ăn uống.

(Mạch cổ tay có thể gọi với các tên: Mạch khẩu, thốn khẩu, khí khẩu)

Lôi Công: Nhìn sắc để biết sự nặng nhẹ như thế nào?

Hoàng đế: Sắc mặt sáng bóng là bệnh nhẹ, ám trệ là bệnh nặng. Sắc bệnh lên dần là bệnh nặng dần, nếu sắc bệnh xuống dần như mây tan dần là bệnh nhẹ dần. 5 sắc (phản ánh trạng thái sinh lý bệnh), có chỗ phản ánh riêng của nó, có phần ngoài (phủ), có phần trong (phủ), có phần trong (tạng). Nếu sắc chuyển từ phần ngoài vào phần trong là bệnh tà từ biểu vào lý, nếu sắc chuyển từ phần trong ra phần ngoài là bệnh tà từ lý ra biểu.

Nếu bệnh phát sinh ở trong (tạng) thì chữa âm (tạng) trước, chữa dương (phủ) thì chữa phần ngoài (biểu) trước, chữa phần trong (lý) sau, nếu chữa ngược lại bệnh sẽ nặng lên. Nếu có mạch hoạt to, lại đại và trường là bệnh từ ngoài đến, có chứng mắt nhìn không chính xác, ý chí chán ghét sự việc, đó là dương khí gặp nhau, khi chữa có thể  (chữa âm hoặc chữa dương) tùy cơ ứng biến mới khỏi được.

Lôi Công: Phong tà là nguyên nhân của 100 bệnh, hàn thấp là nguyên nhân của quyết nghịch. làm thế nào để quan sát sắc mặt mà biết được?

Hoàng đế: Thường nhìn ở khuyết (vùng giữa hai lông mày), nếu sắc bạc (mỏng) trạch (sáng) là bệnh thuộc phong, nếu ấm đục là bệnh tý. Nếu sắc bệnh xuất hiện ở hàm dưới là bệnh quyết (do hàn thấp)...

Lôi Công: Người không có bệnh mà đột nhiên chết, làm thế nào để biết trước?

Hoàng đế: Có đại khí (bệnh tà cực nguy hiểm), xâm phạm vào tạng phủ, tuy không có bệnh mà vẫn đột tử.

Lôi Công: Bệnh có chuyển biến ít nhiều  mà lại chết đột ngột làm thế nào để biết trước?

Hoàng đế: Ở lưỡng quyền có vùng đỏ to bằng ngón tay cái, tuy bệnh có giảm mà vẫn chết đột ngột. Ở thiên đình (trán) có sóng đen to bằng ngón tay cái, tuy không có bệnh mà vẫn chết đột ngột.

Lôi Công: ... Chết đột ngột có thời gian nhất định không?

Hoàng đế: Có thể nhìn sắc thay đổi ở các vị trí trên mặt.

Thiên đình (trán) là (bệnh ở) đầu mặt, trên khuyết (giữa hai lông mày trở lên) là Phế, hạ cực (chỗ lõm nhất của sống mũi) là Tâm, giữa sống mũi là Can, bên trái Can là Đởm, chóp mũi là Tỳ, chỗ rãnh hai bên chóp mũi là Vị, trung ương (từ rãnh hai chóp mũi đến giữa má) là Đại trường, (Dưới xương gò má) kẹp ở phía ngoài má là Thận, dưới Thận là rốn. phía trên diện vương (chóp mũi) ở giữa mũi và má là Tiểu trường, chóp mũi xuống dưới (nhân trung) là Bàng quang, tử cung. Gò má là vai, sau gò má là cánh tay, dưới cánh tay là bàn tay, phía trên đầu mắt là ngực, vú, thẳng chỗ gần tai lên là lưng, dưới Giáp xa là đùi, chính giữa là gối, dưới gối là cẳng chân, dưới cẳng chân là bàn chân, cạnh mép (vùng nếp nhăn ở 2 bên miệng) là mặt trong đùi, chỗ góc hàm dưới (cự khuất) là xương bánh chè. 5 tạng 6 phủ, chi khớp đều có chỗ trên mặt, qua màu sắc ở các nơi đó dùng chữa âm để hòa dương (với dương thịnh âm suy). Khi nắm rõ tình hình sắc các chỗ trên mặt (các bộ phận trong cơ thể) thì có thể chữa có kết quả (điều hòa hư thực). Nên phân biệt cả âm phải, dương trái cho phù hợp với quy luật âm dương tương đối của tự nhiên. Do sắc của nam nữ chuyển dịch, vị trí không giống nhau, nên phải hiểu quy luật của âm dương để có thể quan sát sức nhuận bóng, hay khô úa rồi mới chữa. Người làm được như vậy mới là thầy thuốc giỏi.

- Sắc trầm đục là (bệnh) ở trong, sắc phù trạch là (bệnh) ở ngoài. Sắc vàng đỏ là (bệnh) phong, xanh đen là đau, trắng là hàn, vàng và nhờn là có mủ, đỏ thẫm là huyết thống, thẫm nữa là co giật, hàn cực là da tê dại. 5 sắc có vị trí của nó, quan sát sự phù trầm của nó để biết bệnh ở nông hay sâu, xem sắc nhuận khô để biết thành bại (tiên lượng xấu tốt), xem sắc phân tán hay tập trung để biết bệnh lâu hay mới, xem sắc ở trên hay ở dưới để biết nơi bị bệnh. Thầy thuốc định thần xem sắc mặt bệnh nhân để biết tình hình bệnh tật trước nay. Nếu xem không ký thì không phân tích được thị phi (nơi có và không có bệnh), nếu chuyên tâm xem sắc mặt, có thể thấy được tình hình bệnh tật trước nay. Sắc (đáng phải) sáng đẹp nay không lộ ra, mà lại có trầm đục là bệnh nặng, nếu không sáng đẹp, không nhuận thì bệnh không nặng. Nếu sắc phân tán không có chỗ nhất định, thì bệnh cũng không có chỗ nhất định, chưa có tụ lại, thì bênh phân tán và có khí thống, chưa tụ lại được.

- Thận (sắc đen) thừa Tâm (ở chỗ lõm giữa hai mắt), là Tâm có bệnh trước, rồi Thận sẽ ứng sau. Các (vị trí khác không có màu) sắc (tương ứng của nó) đều (dùng cách giải thích) như thế

- Nam có sắc bệnh ở diện vương (chóp mũi) là đau bụng dưới, nếu ở dưới (chỗ nhân trung) là đau tinh hoàn, nếu ở đúng giữa nhân trung là đau dương vật, ở phần trên nhân trung là gốc dương vật đau, ở phần dưới là đầu dương vật đau, đều thuộc loại hồ sán thoát vị ở bìu.

- Nữ có bệnh ở diện vương (chóp mũi) là bệnh ở Bàng quang (tử cung), nếu sắc phân tán là đau do khí trệ, nếu bệnh sắc tập trung ở một chỗ là bệnh tích tụ, sắc hình tròn hay vuông ở bên phải hay bên trái đều tương ứng với hình trạng của bệnh. Nếu sắc bệnh tiếp tục đi xuống, bệnh đến vùng xương cùng là dâm trọc, nếu nhuận bẩn như cao, là do bạo ăn nhiều thứ không sạch.

- Sắc bệnh bên trái là bệnh bên trái, sắc bệnh bên phải là bệnh bên phải. Sắc bệnh do tà khí có tụ, có tán mà không đoan chính ở chỗ nào, thì là tạng phủ tương ứng với chỗ đó có bệnh. Các sắc xanh, đen, đỏ, trắng, vàng đều đoan chính,đầy đặn, có thể thấy ở bộ phận khác ngoài bộ phận của mình. (Trong trường hợp bệnh lý), ở bộ phận khác mà có sắc đỏ (Tâm) to như quả dâu da ở chóp mũi (diện vương) là bệnh sẽ thay đổi trong vòng vài ngày. Nếu sắc bệnh sắc nhọn ở trên, là chính khí ở đầu rỗng hư, tà có khuynh hướng phát triển lên, nếu có cạnh phí dưới sắc nhọn, là tà khí có khuynh hướng phát triển xuống dưới, nếu có cạnh sắc nhọn, ở phía trái hoặc phải là bệnh tà có chiều hướng phát triển sang phải.

* Quan hệ giữa sắc và tạng như sau: Xanh là Can, đỏ là Tâm, trắng là Phế, vàng là Tỳ, đen là Thận. Cần hợp với cân, Tâm hợp với mạch, Phế hợp với da, Tỳ hợp với cơ nhục, Thận hợp với xương.

Tin liên quan

Các bài mới:

Các bài đã đăng:

 
< Trước   Tiếp >