Trang chủ arrow Châm cứu án ma arrow Quyển thứ tám 48. Cẩm phục
Quyển thứ tám 48. Cẩm phục
13/10/2017
Nội dung: Nói về sự sâu sắc của nguyên lý chữa bệnh của châm cứu. Trước hết phải nắm hệ kinh lạc, trên cơ sở đó tìm hiểu sâu thêm, nhất là bắt mạch thốn khẩu (cổ tay) và nhân nghinh (cổ).

 Nêu ra muốn chữa bệnh có kết quả cần phải tuân theo những phép tắc điều trị và tuyệt đối không được chữa lung tung.

 Muốn nắm nguyên tắc chữa bệnh bằng châm, trước hết phải thuộc hệ kinh lạc, vì nó là đường khí huyết vận hành đi toàn thân, phải biết độ dài ngắn, to nhỏ và khí huyết có nhiều hay ít ở trong kinh mạch, bệnh ở trong thì châm kinh thuộc 5 tạng, bệnh ở ngoài thì châm kinh thuộc 6 phủ, phải kiểm tra vệ khí, vì nó là mẹ của các loại bệnh (bách bệnh chi mẫu), cần điều hòa lại trạng thái hư thực của nó (bằng phép bổ tả thích hợp) để làm bệnh ngừng lại, nếu bệnh tà ứ ở huyết lạc, thì tả nặn máu cho hết đi thì bệnh sẽ chuyển yên tĩnh.

Lôi Công: Tôi từ ngày học nghề đã cố gắng học cho thông 60 thiên nói về 9 loại châm...song vẫn chưa nắm hết, nhất là đoạn sau của thiên ngoại suy (từ biểu hiện bên ngoài, suy đoán bệnh của nội tạng) và không rõ nó nói về cái gì. To thì bên ngoài không gì to hơn, nhỏ thì ở trong không gì nhỏ hơn, như vậy thì to nhỏ là vô cực, cao thấp là vô độ, vậy làm thế nào để quy nạp chúng vào một tổng cương được...?

Hoàng đế: Hỏi như vậy rất đúng. Người xưa đã dạy nếu không nghiên cứu sâu, chỉ mong không làm mà hưởng, hoặc không chịu làm để phục vụ người khác thì khó mà có thể truyền thụ cho ai được.

Lôi Công: Tôi xin được thụ giáo...

Hoàng đế: ...

Lôi Công: Điều đó tôi đã rõ, song chưa biết cách nắm và quy nạp chúng.

Hoàng đế: Về dược phương (chẩn đoán và điều trị) có thể nói gọn như sau: Đem các vấn đề cho cả vào một cái túi. Khi túi đã đầy mà không buộc miệng túi lại thì các vấn đề sẽ chảy hêt ra ngoài, nếu những phương pháp chẩn trị không được quy nạp thành cương lĩnh thì chỉ dùng thô mà không dùng tinh được, và trong thực tế sẽ không đem lại kết quả thần diệu được.

Lôi Công: Người nguyện không vươn lên thì không thể có học vấn uyên thâm thêm và kinh nghiệm phong phú được, mà chỉ có thể sử dụng những phương pháp đơn giản để hành nghề thôi.

Hoàng đế: Nếu không có học vấn uyên thâm và không tích lũy được kinh nghiệm phong phú mà chỉ dựa vào điều đã biết để định ra phương pháp đơn giản thì tuy họ tự cho mình là thầy thuốc giỏi, song họ vẫn không thể làm thầy thiên hạ được.

Lôi Công: Xin hỏi về người thầy thuốc giỏi?

Hoàng đế: Người thầy thuốc giỏi, khi bắt mạch cần hiểu rõ mạch cổ tay và nhân nghinh. Mạch cổ tay chủ (các tạng) ở trong, mạch nhân nghinh chủ (các phủ) ở ngoài. Mạch khí của hai nơi (trong, ngoài) tương ứng, cùng vận hành không ngừng (đập như nhau, biểu lý nhất trí) như khi vặn thừng, to nhỏ phải đều nhau...Mùa Xuân Hạ mạch nhân nghinh hơi to (hơn cổ tay), mùa Thu Đông (âm), mạch cổ tay to (hơn mạch nhân nghinh). Mạch như vậy là bình thường và người vô bệnh.

- Mạch nhân nghinh lớn hơn mạch cổ tay 1 lần thì bệnh ở Túc thiếu dương, lớn hơn 1 lần lại thao động thì bệnh ở Thiếu dương tay. Mạch nhân nghinh lớn hơn cổ tay 2 lần thì bệnh ở Thái dương chân, 2 lần mà thao động thì bệnh ở Thái dương tay.

- Mạch nhân nghinh lớn hơn cổ tay 3 lần thì bệnh ở Dương minh chân, 3 lần mà thao động thì bệnh ở Dương minh tay, mạch thịnh là nhiệt, mạch hư là hàn, mạch khẩn là thống tý, mạch đại thì lúc đau lúc hết, lúc nặng lúc nhẹ. Mạnh thịnh thì tả, mạch hư thì bổ, mạch khẩn đau thì châm ở giữa các cơ, mạch đại thì châm huyết lạc và uống thuốc thêm, hạ hãm thì cứu, không hư không thực thì (là bệnh còn ở kinh). Lấy huyệt ở kinh bị bệnh gọi là kinh thích.

* Mạch nhân nghinh lớn hơn cổ tay 4 lần, vừa to vừa sác gọi là dật dương (dương thịnh đến cực độ, không thể giao với âm được) dật dương thì ngoại cách (tách ra ở ngoài), đó là chứng chết không chữa được.

* (Khi chữa bệnh) phải xác định rõ gốc ngọn, quan sát rõ hàn nhiệt để xác định rõ tạng phủ bị bệnh rồi mới chữa.

- Mạch ở cổ tay lớn hơn mạch nhân nghinh 1 lần thì bệnh ở Quyết âm chân, lớn hơn 1 lần mà thao động thì bệnh ở Tâm bào. 

- Mạch cổ tay lớn hơn 2 lần thì bệnh ở Thiếu âm chân, lớn hơn 2 lần mà thao động thì bệnh ở Thiếu âm tay.

- Mạch ở cổ tay lớn hơn 3 lần thì bệnh ở Thái âm chân, 3 lần mà thao động thì bệnh ở Thái âm tay.

* Mạch cổ tay thịnh thì đầu chướng, hàn ở trung tiêu ăn không tiêu. Mạch ở cổ tay hư thì nhiệt ở trung tiêu, ỉa chảy, phân sống, thiểu khí, nước đái đổi màu. Mạch ở cổ tay khẩn thì có thống tý. Mạch cổ tay đại thì lúc đau lúc hết. Trong điều trị thì mạch thịnh thì tả, hư thì bổ, khẩn thì châm trước cứu sau, đại thì lấy châm huyết lạc sau đó dùng các phương pháp điều trị để chữa, hạ hãm thì chỉ dùng cứu, hạ hãm là huyết kết ở trong mạch, trong đó có hàn bám vào huyết làm huyết hàn, nên phải cứu, không hư không thực (là bệnh ở kinh) lấy kinh bị bệnh.

- Mạch cổ tay lớn hơn mạch nhân nghinh 4 lần gọi là nội quan (khí âm thịnh, dương không vào để giao với âm được). Nội quan thì mạch to và sác, bệnh chết.

* Khi chữa bệnh phải thẩm sát rõ gốc ngọn của bệnh, hàn ôn để xác định tạng phủ bị bệnh (rồi mới chữa).

Tóm lại: Khi đã thông hiểu (tác dụng sinh lý, bệnh lý của) kinh lạc và huyệt rồi thì có thể truyền thụ cách điều trị bằng châm. Đó là chứng thực chỉ có tả, chứng hư chỉ có bổ, mạch khẩn thì dùng cả cứu và châm và phối hợp cả uống thuốc, hạ hãm (lõm xuống) chỉ có cứu, không hư không thực thì chữa kinh bị bệnh. Nguyên tắc chữa kinh bệnh là ngoài châm hoặc cứu các huyệt trên, kinh bệnh còn có thể dùng thuốc quy vào kinh đó. Mạch cấp tà thịnh thì phải dẫn tà khí đi, mạch to và yếu thì muốn yên tĩnh phải điều dưỡng không nên làm quá sức.

Tin liên quan

Các bài mới:

Các bài đã đăng:

 
< Trước   Tiếp >